Đánh giá bo mạch chủ ASUS ROG Strix X299-E Gaming: hiệu năng tương xứng với thiết kế mạnh mẽ

    Master Dùi,  

    Cực kì phù hợp cho những cấu hình X299 tầm trung-cao cấp.

    Thời điểm ra mắt các CPU Intel Core i9 Skylake-X đang cận kề đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất bo mạch chủ đua nhau bán ra các sản phẩm X299. Ngoài hiệu năng vượt trội với các tính năng cao cấp, các dòng bo mạch chủ này còn ghi điểm nhờ vào thiết kế mạnh mẽ, cực kì hợp mắt game thủ. Ở thời điểm hiện tại, dòng Core i9 với số nhân từ 10 trở lên sẽ phải đợi đến tháng 8. Tuy nhiên, Core i7 Skylake-X đã sớm có mặt trên thị trường để giúp người tiêu dùng có một cái nhìn tổng quan về hiệu năng của vi kiến trúc mới này.

    Bởi vậy, trên tay tôi hôm nay là bộ đôi ASUS ROG Strix X299-E Gaming, một trong 3 chiếc bo mạch chủ Strix X299 mới nhất vừa được giới thiệu trong khuôn khổ hội chợ Computex 2017 diễn ra tại Đài Bắc hồi đầu tháng 6 vừa qua. Đi kèm là CPU Intel Core i7-7800X được trang bị tới 6 nhân 12 luồng ở xung nhịp 3,5GHz/4GHz. Đây là CPU khởi điểm cho dòng cao cấp của X299 với khả năng hỗ trợ bộ nhớ RAM kênh tứ cùng số làn PCIe lên tới 28.

    Mở hộp

    Vỏ hộp của ASUS ROG Strix X299-E Gaming được thiết kế theo đúng chuẩn của các sản phẩm ROG Strix của hãng với màu đen chủ đạo cùng logo ROG được phối màu RGB. Cạnh hình ảnh của sản phẩm là hàng loạt các công nghệ cao cấp như chipset X299 hay khả năng hỗ trợ bộ nhớ đệm Intel Optane mới nhất. Mặt sau là chi tiết các kết nối và linh kiện được tích hợp trên bo mạch.

    Là bo mạch chủ khởi điểm của dòng ROG Strix X299 nên chiếc X299-E Gaming có thiết kế bên trong phỏ hộp không có gì quá cầu kì. Vẫn là túi chống tĩnh điện nhưng ASUS còn trang bị thêm cho chiếc bo mạch chủ này một phần hộp giấy in logo ROG để cố định bo mạch chủ cũng như tránh hư hại tới các khe cắm phía dưới.

    Phụ kiện của ROG Strix X299-E Gaming có thể nói là khá "bao la" bởi bản thân các bo mạch chủ X299 đều được tích hợp cực kì nhiều công nghệ. Ngoài sách hướng dẫn sử dụng và đĩa driver truyền thống, ASUS còn rất hiểu ý game thủ khi trang bị thêm một tấm biển nhỏ để treo vào tay nắm cửa phòng. Khi bạn "Game On!" thì những người xung quanh không được vào làm phiền - " You shall not pass!".

    Các phụ kiện khác đều là dạng cơ bản với 4 dây SATA III, I/O shield, cầu SLI 2x, giá đỡ NVMe, ốc bắt NVMe, cảm biến nhiệt và dây thít để đi dây. Đặc biệt, các bo mạch chủ X299 tầm trung trở lên còn được trang bị kết nối WiFi 802.11 ad mới nhất hiện nay. Ngoài ra, ASUS còn đính kèm trong hộp một miếng hỗ trợ cắm jumper để việc đấu nối nút nguồn, reset của case trở nên dễ dàng hơn.

    Tổng thể thiết kế của X299-E có thể nói là đậm chất Strix. Nếu đã từng xem qua các sản phẩm mang thương hiệu ROG Strix, chắc chắn bạn sẽ thấy có chút quen thuộc trong phong cách thiết kế với màu đen làm chủ đạo đi cùng tông màu xám điểm xuyết. Khi chưa lên đèn, có thể nhiều người sẽ có cảm giác thiết kế này hơi nhạt nhẽo. Các khe PCIe 16x đều được trang bị thêm khung nhôm để có thể cân được những chiếc đồ họa cao cấp (nặng) nhất.

    Mặt sau của chiếc bo mạch chủ này tỏ ra ấn tượng hơn với thiết kế phun sơn chéo khá lạ mắt. Tất nhiên, vẫn là tông màu chủ đạo từ đen tới trắng xám. Để ý kĩ một chút, ta có thể thấy ở phía trên của socket là một miếng nhôm màu đen. Miếng nhôm này thực tế có tác dụng giúp tản bớt nhiệt độ sản sinh từ VRM, linh kiện sẽ phải làm việc vất vả nhất trên bo mạch chủ bởi mức điện năng tiêu thụ của các dòng CPU X299 là khá cao, từ 120W trở lên.

    Socket LGA2066 mới mà cũ. Dù có số chân nhiều hơn một chút so với 2011, kích thước nói chung của socket này gần như không đổi, đồng nghĩa với việc các tản nhiệt tương thích với socket LGA2011-3 của X99 vẫn sẽ hỗ trợ 2066 của X299. Nhờ vậy, người dùng cũng không cần phải quá lo lắng đi tìm giải pháp tản nhiệt cho CPU như Ryzen.

    Với việc được kết hợp với CPU i7-7800X, chiếc X299-E Gaming sẽ hỗ trợ cả 8 khe RAM với thiết lập kênh tứ. Thiết kế nguồn 9 pha hứa hẹn sẽ mang tới đủ điện để thỏa mãn nhu cầu ép xung của các game thủ. Không những thế, nguồn cấp cho CPU có thiết kế 8 4 pin cũng sẽ đảm bảo dây nguồn không bị quá tải lẫn quá nhiệt như những chiếc bo mạch chủ chỉ có thiết lập 8 pin.

    Cạnh phải của X299-E Gaming là hàng loạt các kết nối tối quan trọng trên bo mạch chủ như cổng nguồn 24pin, khe NVMe, cổng nối USB 3.1, Bên cạnh đó, nhờ số lượng làn PCIe vượt trội nên X299-E được trang bị tới 8 cổng SATA III, giúp các game thủ tha hồ mở rộng khả năng lưu trữ của hệ thống. Ngoài ra còn có chân quạt 4pin cho ổ M.2 và chân cắm khóa VROC, bật công nghệ RAID mới nhất của Intel với khả năng kết hợp các ổ NVMe siêu tốc để đạt được tốc độ lên tới hàng khủng khiếp.

    Cạnh trái là nơi tập trung các cổng kết nối ngoại vi bắt đầu bằng nút reset BIOS. Bên cạnh là 2 cổng USB 2.0 dành cho các thiết bị như gaming gear. Số cổng USB 3.0 ở mặt sau của chiếc bo mạch chủ này đạt đến con số 5 đi kèm với 1 cổng USB 3.1 Type-C. Tiếp đó là chân kết nối ăng-ten WiFi và cổng xuất âm thanh 7.1.

    Ăng-ten WiFi khi đã kết nối. Do hạ tầng mạng ở Việt Nam còn hạn chế nên tôi xin phép không thử nghiệm tốc độ WiFi của chiếc bo mạch chủ này để đảm bảo tính khách quan cho bài viết.

    Cạnh dưới cũng là hàng loạt các kết nối như cổng audi, USB 2.0, USB 3.0 cho mặt trước của case. Ngoài ra là các chân LED RGB có thể kết hợp với phần mềm AURA Sync độc quyền của ASUS để đồng bộ đèn RGB của cả case. Như những bo mạch chủ X299 khác của ASUS, chiếc X299-E Gaming cũng được trang bị đèn Q Code để báo lỗi khi khởi động máy nếu có cùng một nút nguồn.

    Một thiết kế khá thông minh của ASUS trên chiếc bo mạch chủ X299-E này là việc giấu khe NVMe xuống dưới lớp tản nhiệt của PCH. ASUS thậm chí còn trang bị một lớp dán dẫn nhiệt với quảng cáo có thể giảm 20 độ nhiệt độ hoạt động của NVMe. Như vậy, miếng nhôm này đã có tác dụng làm mát tới 2 linh kiện trên bo mạch chủ.

    Phần logo ROG phía dưới CPU cũng được thiết kế rất điệu đà. Đặc biệt, nó sẽ càng nổi bật hơn khi máy bật - đèn lên.

    Vẫn là con case quen thuộc của tôi.
    Vẫn là con case quen thuộc của tôi.

    Cấu hình thử nghiệm:

    -CPU: Intel Core i7-7800X

    -Bo mạch chủ: ASUS ROG Strix X299-E Gaming

    -RAM: G.Skill TridentZ RGB 2x8GB @ 3200MHz

    -Card đồ hoạ: GeForce GTX 1080 Ti

    -NVMe: Samsung SM961 256GB

    -SSD: SanDisk Ultra II 500GB

    -PSU: CoolerMaster Silent Pro 1000W

    -Case: Phanteks P400 Tempered Glass

    Thử nghiệm hiệu năng:

    Đầu tiên, khả năng xử lý của CPU sẽ được thử thách với công cụ Cinebech R15 vốn rất được ưa chuộng để đo hiệu năng đơn luồng lẫn đa luồng của sản phẩm. Mức điểm của i7-7800X là chấp nhận được và hợp lý với số nhân/luồng của vi xử lý này.

    Với 3DMark TimeSpy, điểm CPU của i7-7800X tỏ ra khá lấn lướt so với các đối thủ 6 nhân 12 luồng trên thị trường khi có số điểm cao hơn khoảng 1000.

    Với bộ công cụ AIDA64, kết quả ghi đọc bộ nhớ cũng rất ấn tượng với băng thông lên tới gần 43GB/giây. Kể ra, nếu tôi có sẵn 4 thanh RAM để chạy kênh tứ thì băng thông bộ nhớ còn có thể cao hơn rất nhiều, có thể lên tới gấp đôi.

    7-Zip cũng là một ứng dụng hữu ích để đo hiệu năng tính toán của CPU cũng như khả năng kết hợp giữa các linh kiện trên hệ thống. Với RAM xung nhịp cao kết hợp với CPU cao cấp, hiệu năng nén cũng như giải nén trên hệ thống của chúng ta đạt mức rất cao, 33MB/giây nén và 371 MB/giây giải nén.

    Điểm số PassMark của toàn hệ thống cũng rất cao nhờ sự kết hợp giữa những linh kiện cao cấp. Dù chỉ có 6 nhân 12 luồng nhưng i7-7800X vẫn nằm trong top 2% các hệ thống mạnh nhất trong cơ sở dữ liệu của PassMark. Kết hợp với GPU mạnh, chúng ta có điểm toàn hệ thống ở top 1%.

    Game có lẽ vẫn luôn là thế mạnh của Intel nhờ sự tối ưu hóa đến từ các nhà phát triển. Khi chơi DotA 2 ở độ phân giải 4K cùng thiết lập cao nhất, dàn máy thử nghiệm của tôi gần như không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc đạt mức FPS rất cao. Đặc biệt, với 6 nhân 12 luồng, khá dư thừa để vừa chơi game vừa stream 1080p bằng OBS, hiệu năng game khi stream của hệ thống là gần như không bị ảnh hưởng.

    Tương tự với LoL, hiệu năng khi stream và không stream của hệ thống là không có khác biệt quá lớn. Như vậy, nếu có ý định stream game với CPU Intel thì i7-7800X là một lựa chọn không hề tồi để khởi đầu.

    Trong khi đó, với PUBG, tựa game bắn súng sinh tồn nổi danh trong thời gian gần đây cũng cho kết quả rất khả quan khi kết hợp với i7-7800X. Xin lưu ý, thiết lập của tôi sử dụng là All Low nhưng vẫn để View Distance là Ultra để vắt kiệt sức mạnh từ CPU. Và nghe chừng, PUBG chưa đủ thử thách cho i7-7800X. Chưa kể, đến khi tựa game này được ra mắt chính thức cũng như tối ưu hóa, game thủ chắc chắn sẽ không phải lo âu nếu chơi game trên các hệ thống X299.

    Nhiệt độ hoạt động

    Dù chỉ kết hợp với tản nhiệt Gammaxx 400 cùi, nhiệt độ của i7-7800X là khá ổn khi chạy liên tục hơn 30 phút mà nhiệt độ vẫn chỉ ở mức 65 độ là cao nhất khi thử nghiệm với phần mềm AIDA64. Như vậy, nếu được trang bị giải pháp tản nhiệt tốt hơn, chắc chắn CPU sẽ có thể ép xung cực mạnh trên bo mạch chủ X299-E Gaming nhờ thiết kế cấp nguồn vốn đã được tối ưu cho việc ép xung.

    Khi thử nghiệm với Prime95, phần mềm stress test nổi tiếng, nhiệt độ có nhình hơn đôi chút khi đạt mức 72 độ cao nhất ở một số nhân. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ HWinfo64, chúng ta có thể thấy nhiệt độ khi chạy không tải của CPU i7-7800X là cực kì thấp, chỉ ở mức 25 độ trong môi trường case kín và nhiệt độ phòng ở mức 25 độ C.

    Kết luận

    Trải nghiệm trên X299 có lẽ là một thứ vừa lạ vừa quen với một đứa ham mê công nghệ như tôi. Dù đã theo đội đỏ vì tính hiếu kì, tôi vẫn không thể phủ nhận ngôi vị hiệu năng chơi game số một vẫn đang thuộc về Intel. Nếu Kaby Lake là chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu chơi game cũng như đa nhiệm thì X299 Skylake-X là lựa chọn hoàn hảo cho bạn nếu hầu bao cho phép. Đặc biệt, nếu có nhu cầu vừa chơi game vừa stream lại còn yêu thích cái đẹp, bo mạch chủ cao cấp như ASUS ROG Strix X299-E Gaming kết hợp với Intel Core i7-7800X sẽ là đích đến đầu tiên của bạn. Thực ra làm gì có ai có thể từ chối được vẻ đẹp và sức mạnh của các bo mạch chủ ASUS ROG cơ chứ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ