Đánh giá bo mạch chủ MSI X370 Gaming Pro Carbon: Khi thiết kế siêu xe thuộc về đội đỏ

    Durian,  

    Bình cũ rượu mới, tuy giống hệt như Z270 Gaming Pro Carbon nhưng X370 Gaming Pro Carbon lại mang cái hồn mới. Với chipset và khả năng điều khiển CPU của AMD. Liệu đội đỏ có thể làm nên chuyện trong năm nay?

    Cách đây vài tháng MSI đã trình làng 2 bo mạch chủ Gaming Pro Carbon với chipset Kabylake để tiếp nối dòng đời của một thiết kế bo mạch chủ dựa trên chất liệu của những chiếc siêu xe. Và ngay khi Ryzen của AMD trỗi dậy như một làn sóng lớn thì ngay lập tức MSI cũng như những hãng khác đã không bỏ lỡ cơ hội này sản xuất hàng loạt các bo mạch chủ với chipset mới của AMD để chạy các CPU socket AM4. Đa phần các bo mạch chủ đều sử dụng lại thiết kế cũ có trên các sản phẩm Kabylake và dĩ nhiên X370 Gaming Pro Carbon cũng là một trong số đó. Phần lớn thiết kế sẽ chẳng có gì thay đổi nhiều ngoại trừ một số chi tiết nho nhỏ về kĩ thuật mà chúng ta sẽ bàn tới ở phía sau.

    Đập hộp sản phẩm:

    Là một sản phẩm được cân bằng về giá trị p/p và thiết kế nên việc đóng gói sản phẩm có phần đơn giản chứ không hào nhoáng và nhiều phụ kiện như những dòng cao cấp khác những cũng đủ để hút mắt người dùng ngay từ vỏ hộp ấn tượng với đầy đủ những tính năng hấp dẫn được phô bày ra ngay trước mắt người xem.

    Ở bên trong, bên cạnh sản phẩm chính thì Gaming Pro Carbon cũng không có gì đặc biệt. Phần phụ kiện khá giản tiện với một quyển sách hướng dẫn, 1 cặp dây SATA III, 1 sợi dây nối dành cho hệ thống đèn led RGB, 1 tấm chặn main và đặc biệt là một lưu ý nhỏ về cách cắm bộ nhớ trong có chút đặc biệt hơn đối với chipset của AMD

    Chi tiết sản phẩm:

    Nhìn chung thì về thiết kế, X370 Gaming Pro Carbon hầu như giống so với người anh Z270 Gaming Pro Carbon chỉ khác ở một số chi tiết nhỏ. Đầu tiên đó là cụm VRM xung quanh CPU. Các phase nguồn của X370 được sắp đặt lại có lẽ là do chân gài tản nhiệt của CPU có chút khác biệt so với Z270.

    Một điểm khác biệt nữa nằm ở phần khe cắm SSD M.2 trên bo mạch chủ. Ở phiên bản dành cho Intel, năm nay họ có thêm nhân tố mới mang tên Optane khiến cho các khe M.2 được chăm chút hơn với một khe bọc kim loại với chữ Turbo M.2 rất lớn bên trên và một khe khác được trang bị hẳn một tấm khiên chắn lớn rất hào nhoáng. Còn trên X370 thì khác, yếu tố này đã bị loại bỏ, thay vào đó chúng ta có một cổng M.2 thông thường và một cổng khác được bọc shield đen xám trông cũng ngầu chẳng kém gì. Chưa rõ việc không đề cập đến Turbo M.2 có ảnh hưởng gì đến hiệu năng đọc/ghi SSD M.2 hay không thì phần test hiệu năng ở dưới đây có thể giúp bạn có câu trả lời cho mình.

    Một điểm khác biệt nữa sâu hơn đến kĩ thuật đó chính là việc tương thích DDR4 của AMD. Trong khi khả năng hỗ trợ DDR4 của chipset Z270 là trên 3866 MHz ở chế độ OC thì chipset X370 lại chỉ có khả năng đẩy xung của bộ nhớ trong lên 3200 MHz mà thôi. Chưa dừng lại ở đó, trong bản hướng dẫn đi kèm trong hộp của X370 có đề cập đến kiểu cắm bộ nhớ trong khi bạn có một, hai hay 4 thanh RAM. Cụ thể rằng ở khe A2 sẽ là khe có độ tương thích RAM tốt nhất nên khi cắm 1 thanh sẽ phải cắm vào khe này trước, trong trường hợp người sử dụng muốn kích hoạt tính năng kênh đôi của bộ nhớ trong thì sẽ theo kiểu dual channel A1 B1 hoặc A2 B2 nhưng trong trường hợp bo mạch chủ AMD thì bắt buộc sẽ là A2 B2. Nếu bạn cắm đủ cả 4 ram thì sẽ chẳng có gì phải bàn rồi.

    Hiệu năng:

    Hệ thống thử nghiệm:

    Main: MSI X370 Gaming Pro Carbon

    CPU: Ryzen 1700x 3.4GHz

    RAM: Kingston DDR4 Hyper X Fury 2x8Gb bus 2400

    VGA: Galax GeForce GTX 1070 EXOC Sniper White

    Bài test 1: Khả năng ép xung

    Ở bài test này, chúng tôi sẽ xem xét khả năng ép xung của Ryzen 1700x trên X370 Gaming Pro Carbon. Với một chiếc bo mạch chủ tập trung vào hiệu năng như Gaming Pro Carbon thì chúng tôi trông đợi khả năng nâng xung lên mức cao là khá nhiều tuy nhiên kết quả chỉ mang tính tương đối bởi việc hệ thống có đạt được độ ổn định hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như RAM hay chất lượng của CPU.

    Tuy xung nhịp của Ryzen 7 thấp hơn Intel Core i7 một khoảng khá xa nhưng khả năng ép xung thì cũng có thể coi như là tương đương khi cả hai đều có thể đẩy mức xung lên khoảng 400 MHz mà vẫn đạt được độ ổn định của mình trên cả 2 chiếc Gaming Pro Carbon. Hơn cả điều đó, Ryzen 7 có những 8 nhân và 16 luồng xử lý nhiều hơn Intel Core i7 gấp đôi điều đó có nghĩa là trên các xử lý đơn nhân thì Ryzen sẽ chịu thua kém một khoảng không nhiều nhưng trên những xử lý đa nhân thì sự vượt trội mới được thể hiện rõ rệt hơn cả

    Khi test khả năng render của CPU Ryzen với mức xung 3,8 GHz trên Cinebench R15 tôi mới thấy được khả năng làm việc ấn tượng của 1700x so với i7 7700K tuy kém hơn khoảng 1-2 triệu về giá trị nhưng lại thua khá xa về khả năng làm việc.

    Bài test 2: Trình diễn hiệu ứng LED

    Với bài test này chúng tôi sẽ kiểm tra sự phong phú cũng như thiết kế của hệ thống LED trên bo mạch chủ dành cho giới game thủ.

    Sự trình diễn của X370 Gaming Pro Carbon là khá tốt, nhưng chưa phải là hoàn hảo, chúng tôi vẫn mong chờ một điều gì đó ở những chiếc bo mạch chủ MSI có một khả năng thể hiện mượt mà hơn để có thể đồng bộ với đa phần những linh kiện có sử dụng hiệu ứng LED RGB hiện nay.

    Bài test 3: Thực chiến trên các tựa game

    Đây có lẽ là bài test thực tế nhất dành cho các game thủ. Chúng tôi sử dụng những tựa game phổ biến nhất hiện nay ngoài ra là các tựa game VR để thử nghiệm sức mạnh của X370 Gaming Pro Carbon khi điều khiển toàn bộ hệ thống xử lý bao gồm CPU, RAM, VGA v.v để có một cái nhìn chuẩn xác nhất về những gì mà họ sẽ có được nếu nắm trong tay bo mạch chủ cùng những linh kiện này.

    Test Hitman (DX12) trên X370 Gaming Pro Carbon

    Test DOOM (Vulkan setting) trên X370 Gaming Pro Carbon

    Test Deus EX: Mankind Divided trên X370 Gaming Pro Carbon

    Có vẻ như hệ thống hoàn toàn làm việc tốt trên hầu hết những tựa game, đa phần đều trên 60FPS với chất lượng hình ảnh thuộc vào hàng khá cao. Nếu so sánh với một cỗ máy Intel trong cùng tầm giá thì việc chơi game có thể hơi kém một chút nhưng bù lại hiệu năng xử lý công việc lại nhỉnh hơn khá nhiều khiến cho Ryzen trở thành một hệ thống đa nhiệm hơn cả Intel trong thời điểm hiện tại đặc biệt là với những ai đang mong muốn có một cỗ máy còn hơn cả chơi game.

    Tổng kết:

    Không thể phủ nhận được kết quả mà người dùng có thể đạt được khi có trong tay X370 Gaming Pro Carbon cùng CPU Ryzen đang làm mưa làm gió trên thị trường phần cứng máy tính. Tuy còn vài hạt sạn trong cách mà hệ thống của AMD điều khiển một chiếc máy tính nhưng suy cho cùng thì hiệu năng khi hoạt động thực tế ở bên trong mới là điều quan trọng nhất. Nếu như các bạn là một game thủ đơn thuần, sẵn sàng gạt đi những lỗi nhỏ khác để đổi lấy một cỗ máy giá mềm nhưng có hiệu năng tốt để vừa chơi game cũng như làm việc cao thì X370 Gaming Pro Carbon là một trong những linh kiện cần có để có thể thỏa mãn nhu cầu của bạn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ