Realme C11 là chiếc smartphone mới nhất của hãng này nằm trong mức giá vô cùng dễ tiếp cận, tuy nhiên bên cạnh đó kèm theo nhiều câu hỏi về chất lượng thiết kế, sức mạnh và thậm chí là hiệu năng camera.
Thay vì làm một bài đánh giá tổng hợp, chúng tôi lần này sẽ mổ xẻ ra từng khía cạnh để người dùng dễ dàng lựa chọn hơn, đầu tiên là với những ai quan tâm về chụp ảnh hãy xem ngay bài viết này.
2.690.000 đồng, Camera của Realme C11 có gì?
Cụm camera sau của Realme C11 đặt trong khuôn hình vuông, với 2 ống kính xếp theo hàng dọc và bên phải là đèn flash. Cách thiết kế này cũng có thể khiến ta dễ dàng liên tưởng tới dòng sản phẩm Pixel 4 của Google.
Về thông số, camera chính của chiếc smartphone này có độ phân giải 13 MP với khẩu dộ f/2.2 và trang bị công nghệ lấy nét theo pha PDAF. Ngoài ra, camera phụ có độ phân giải 2 MP, nhưng nó không phải dùng để làm camera zoom quang học mà là đo độ sâu trường ảnh giúp tính năng xóa phông hoạt động tốt hơn.
Theo Realme, camera của họ cũng trang bị trí thông minh nhân tạo (AI) giúp sản phẩm có thể tối ưu hóa tùy theo bối cảnh và bên cạnh đó cũng trang bị nhiều tính năng khác nhau. Chúng ta sẽ cùng phân tích sâu hơn ở phần dưới.
Riêng với camera trước, bạn sẽ có độ phân giải 5 MP, trang bị AI cùng các tính năng làm đẹp giúp ảnh selfie sống ảo sẽ lung linh hơn cho người dùng.
Lý thuyết là thế, nhưng thực tế sử dụng thế nào?
Cảm nhận đầu tiên về chiếc điện thoại này là chậm! Việc khởi động camera không hề chậm, thao tác trong giao diện chụp ảnh cũng không chậm, nhưng khi bạn bấm chụp một tấm ảnh, Realme C11 sẽ khiến bạn mất vài giây để cho ra kết quả.
Sau vài tấm ảnh, tôi dần nhận ra cái chậm ấy hóa ra là do mỗi khi chụp xong Realme C11 sẽ tự động tốn thêm vài giây để xử lý cái gọi là "xử lý tăng cường sắc độ". Đại khái đây là tính năng tôi bật lên từ đầu, giúp những bức ảnh chụp ra có độ bão hòa màu sắc tốt hơn và đỡ tốn công hậu kì nữa.
Phải công nhận rằng sau khi xem lại ảnh thì tính năng tăng cường sắc độ này hoạt động rất hiệu quả, nhưng cái cách mà nó khiến ta phải chờ đợi trong lúc chụp không hề ổn chút nào.
Trung bình mỗi lần bấm chụp, bạn phải chờ máy thêm tầm 3 giây để tăng cường sắc độ cho bức ảnh vừa rồi, sau đó mới có thể bấm tiếp shot thứ hai. Nếu chụp chân dung mà đối phương thay đổi tư thế liên tục, chắc chắn bạn sẽ khó bắt được khoảnh khắc vì cứ mỗi 3-4 giây mới có thể bấm được tấm tiếp theo. Có vẻ như vi xử lý của máy không đủ sức để "cân" phần này nên ta đành chờ đôi chút.
Vậy nên theo tôi cách khắc phục nhanh nhất là tắt tính năng này đi và tự hậu kỳ sau nếu muốn chụp khoảnh khắc, còn khi chụp ảnh tĩnh hay phong cảnh, cứ việc bật lên đi vì cũng chẳng có mẫu nào trong khung hình đứng sốt ruột đâu.
Tắt tính năng tăng cường sắc độ để chụp ảnh được nhanh hơn.
Tôi khá bất ngờ rằng khả năng bắt nét tự động của máy rất nhanh, tự động nhận ra khuôn mặt mẫu và tracking theo dù là có đang ngược sáng. Với một chiếc điện thoại giá rẻ, đây rõ ràng là một điều rất đáng khen ngợi.
Bên cạnh đó, bạn nên bật tính năng HDR để những khung hình ngược sáng được cân bằng lại tốt hơn, mặt mẫu vẫn sáng và hậu cảnh phía sau không bị cháy. Phần HDR Auto này của Realme C11 cũng được tôi đánh giá hoạt động tốt và không gặp bất kỳ trục trặc nào.
Về tính năng xóa phông, Realme C11 nhận diện và tách phông tốt ở điều kiện thuận sáng, còn khi ngược sáng thì có phần khó khăn hơn, thậm chí là nhiều lúc bị out nét. Xóa phông trên chiếc điện thoại này cũng có nhiều cấp độ, bạn có thể thay đổi tùy theo ý muốn xóa nhiều hay ít.
Ngoài ra, smartphone này cũng có những lựa chọn filter màu khá hay, bạn có thể lựa chọn để chụp ra những bức ảnh thật "nghệ" mà không phải lo hậu kỳ. Một số tính năng nên thử là slow motion và panorama, nhưng chất lượng chỉ ở mức tạm được mà thôi.
Máy có 2 chế độ zoom 2x và 4x, tuy nhiên đó chỉ là zoom số nên cũng không nên kỳ vọng quá:
Điểm trừ còn lại trong lúc trải nghiệm chụp ảnh là phần màn hình. Việc chụp trong nhà hoặc trong bóng râm sẽ không vấn đề gì, cho đến khi bước ra trời nắng. Độ sáng của máy không đủ cao là nguyên nhân khiến cho tôi gần như chụp ảnh trong điều kiện "mù", cứ việc bấm nút chụp chứ không thể nào nhìn thấy khung ảnh mà bố cục được.
Với camera selfie, rất may là khả năng xử lý của ảnh rất nhanh, vì vậy các cô nàng thích chụp ảnh tự sướng sẽ tha hồ pose dáng và sáng tạo mà không lo bị cụt hứng giữa chừng vì máy chậm. Giống như người anh em OPPO vốn nổi tiếng với chất lượng ảnh chụp selfie siêu ảo, Realme C11 cũng thừa hưởng điều này nên dù có 5 MP nhưng với thuật toán AI đã giúp sức cho những bức ảnh được hoàn hảo hơn hẳn.
Nhìn chung chất lượng ở camera chính lẫn selfie rất ổn so với số tiền mà bạn bỏ ra, độ nét tốt, màu sắc tái tạo đậm đà và đặc biệt một điều tôi rất ưng là khi chụp ngược sáng phần flare được xử lý hiệu quả, không bị đục hay không bị lóe quá nhiều. Để có được điều này, ống kính tốt đã đóng một vai trò rất lớn và cho thấy nhà sản xuất đã không vì giá rẻ mà bỏ đi sự đầu tư, chăm chút từng tí một dù là những chi tiết nhỏ nhất để người tiêu dùng không cảm thấy bị bỏ rơi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"