Đánh giá chi tiết adidas AlphaBounce EM: Hiệu năng cao, đa dụng, là lựa chọn "giá mềm" thay thế hoàn hảo cho UltraBOOST
Nếu đang tìm kiếm một đôi giày có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng lại đa dụng - adidas AlphaBounce EM chính là "ứng cử viên" nặng ký không thể bỏ qua.
adidas AlphaBounce
Một trong những phiên bản đầu tiên của dòng giày adidas Alpha Bounce
Mẫu giày AlphaBounce được adidas cho ra mắt lần đầu tiên vào ngày 15/6/2016, với mức giá "có thể chấp nhận", được kỳ vọng sẽ đem đến cho người dùng những trải nghiệm tốt và mới lạ với hai chất liệu rất độc đáo: thân giày (upper) bằng Forged Mesh cho phiên bản đầu tiên; Engineered Mesh cho phiên bản nâng cấp, bộ đế (sole) bằng chất liệu Bounce.
Đập hộp adidas AlphaBounce phiên bản Engineered Mesh (EM), phối màu 'Poison Ivy' [BB9042]
Dù chỉ phát hành được một thời gian ngắn, thế nhưng adidas AlphaBounce đã phát hành được khá nhiều phối màu và các bản nâng cấp khác nhau, những con số cực kì đáng nể đối với một thiết kế chỉ vừa mới ra mắt.
adidas AlphaBounce phiên bản Engineered Mesh (EM) có hộp giày màu đen, logo adidas Performance trắng nổi bật, giấy gói giày cũng rất đẹp và cầu kỳ.
Ngoài tag giày, cây giữ phom bằng bìa cứng thì không có thêm phụ kiện nào kèm theo.
Giấy gói cực đẹp và chau chuốt
adidas AlphaBounce 'Poison Ivy"
Size 10 US = 9 1/2 UK = 28cm, phiên bản AlphaBounce này được sản xuất tại Trung Quốc chứ không phải Việt Nam
Phối màu'Poison Ivy'(Mã màu BB9042) là sự kết hợp giữa sắc xanh olive trên thân giày (upper), dây giày (lace), màu đen làm điểm nhấn trên bộ phận ổn định gót (heel-notch), lỗ xỏ dây (eyelet) và cuối cùng là phần đế giày màu beige.
Màu xanh olive, đen và beige trên phiên bản AlphaBounce (EM) 'Poison Ivy' tạo nên một tổng thể đơn giản nhưng hài hòa, đây là một phối màu khá "sạch" và nam tính, dễ phối kết hợp với quần áo theo hướng casual/smart casual và đặc biệt phù hợp với mùa hè đang đến.
Thiết kế
adidas AlphaBounce nói chung (không kể phiên bản) mang thiết kế của giày chạy (running) với phần đế cao, thuôn dần về mũi, nhấn nhá bằng những đường rãnh đặc trưng trên hai bên thân giày và bộ đế Bounce. Cấu trúc sock-like (lưỡi gà liền, giống một đôi tất) cộng với dây giày tròn (rope-lace) tiệp màu đem lại sự khỏe khoắn.
Về tổng thể, AlphaBounce tiếp tục mang ngôn ngữ thiết kế tối giản, mang hơi hướm tương lai của dòng giày adidas Performance nhưng vẫn đáp ứng tốt về mặt thời trang.
Trên thực tế, đại đa số các mẫu giày chạy, luyện tập chuyên nghiệp sẽ thiết kế để ưu tiên cho hiệu năng là chính, yếu tố thời trang có thể bị xem nhẹ.
Chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng giữa hiệu năng và thời trang trên thiết kế của AlphaBounce, khi sử dụng đôi giày này, adidas muốn hướng người dùng theo hướng "all day, everyday" - đủ tốt, đủ đẹp để sử dụng hàng ngày
Điểm đặc biệt ở chỗ, adidas AlphaBounce còn được tối giản cả yếu tố thương hiệu: logo adidas Performance chỉ xuất hiện một cách khiêm tốn ở gót ngoài và pulltab ở lưỡi gà. Điều này tạo sự tối ưu cho thiết kế mà không cần quá bận tâm đến việc đặt logo ở đâu, ngoài ra còn tạo sự thân thiện cho người dùng.
Đó chỉ là những cảm quan ban đầu, hãy đến với phần đánh giá chi tiết để hiểu rõ hơn về ưu/nhược của đôi giày này.
Thân giày - Upper
Thân giày (upper) làm chủ yếu từ lưới kỹ thuật (Engineered Mesh)
Phần thân giày (upper) của adidas AlphaBounce (EM) mang cấu trúc sock-like, được cấu thành từ: lưới kỹ thuật (Engineered Mesh), lót trong từ vải nỉ Neoprene, lỗ xỏ dây đệm cao su, nhựa cứng (TPU) ở bộ phận ổn định gót (heel-notch).
Khác với chất liệu Forged Mesh và cấu trúc seamless ở thân giày (liền mạch, không có đường chỉ) trên những phiên bản đầu tiên, AlphaBounce (EM) sẽ cho hiệu năng tốt hơn nhờ hệ thống lỗ đục trên những bộ phận cần hỗ trợ thông khí khi vận động như mũi chân, má trong, má ngoài.
Theo những thông tin trên adidas.com, cấu trúc thân giày của AlphaBounce nói chung được tạo ra từ công nghệ nắm bắt chuyển động (motion-capture), adidas biết rõ bàn chân của người dùng cần được hỗ trợ ở những vị trí nào.
Lưỡi gà từ lưới và vải nỉ Neoprene co giãn tốt, cho bàn chân cảm giác êm ái dễ chịu
Thân giày của AlphaBounce có 2 lớp: Lưới kỹ thuật (Engineered Mesh) bên ngoài, bên trong vẫn là lưới (EM) những kết cấu thưa hơn, may liền với vải nỉ Neoprene co giãn tốt và êm ái.
Kết hợp với bộ đế Bounce mềm dẻo, phần thân giày của AlphaBounce co giãn ở mức tương đối, sau khi khi mang AlphaBounce đi bộ trong khoảng 2 giờ, độ thoáng khí dừng ở mức dễ chịu chứ chưa thực sự xuất sắc, hiệu năng của lưới EM rất tốt nhưng do cấu trúc 2 lớp chồng lên nhau nên bị hạn chế.
Dù sao vẫn thông thoáng hơn phiên bản cũ với lớp Forged Mesh kín như bưng, điểm cộng "nhẹ" cho phiên bản nâng cấp về chất liệu này.
Pulltab trên lưỡi gà
Pulltab ở gót
Ngoài ra, AlphaBounce EM còn có pulltab ở lưỡi gà và sau gót, bộ phận này có tác dụng trang trí và giúp người sử dụng mang giày một cách nhanh chóng và thuận tiện: đưa ngón tay vào 2 pulltab, kéo căng ra để xỏ chân vào, mất chưa đến 3 giây.
Phần lỗ xỏ dây được trang bị thêm 3 pad cao su
Dù mang cấu trúc sock-like, thân giày đã ôm khá khít vào bàn chân nhưng với một đôi giày luyện tập đa năng thì khó có thể bỏ đi phần dây giày (lacing).
Mỗi bên chỉ có 5 lỗ xỏ dây (khá thưa, giày chạy thông thường có 6 lỗ), dù đã có sự hỗ trợ từ 3 pad cao su tăng sự cố định nhưng độ siết chặt (lock-down) xuống đế giày khá "hờ hững". Với những 'runner' chuyên nghiệp thì đây là điểm trừ khá nặng, còn vận động nhẹ nhàng, mang hàng ngày thực sự không có vấn đề gì.
Ngoài ra, dây giày tròn (rope-lace) trên AlphaBounce được nhấn nhá thêm những chi tiết phản quang, tạo sự bắt mắt và đảm bảo an toàn cho người mang ở nơi thiếu ánh sáng.
Đế giữa - Midsole / Đế ngoài - Outsole
Đế giữa (midsole) của AlphaBounce EM được làm từ chất liệu "Bounce": gồm các hạt nhựa EVA được pha trộn theo tỉ lệ thích hợp với không khí để tạo ra bộ đệm nhẹ, êm ái, tạo sự thoải mái trong mỗi bước đi. Thế giới lần đầu biết đến công nghệ Bounce khi adidas cho ra mắt những phiên bản AlphaBounce đầu tiên vào năm 2016.
Phần đế sau còn được thiết kế hơi bè ngang sang hai bên, giảm thiểu tình trạng lật cổ chân rất nguy hiểm
Đúng như cái tên "Bounce" (bật, nảy), cảm giác đầu tiên khi trải nghiệm bộ đế này là độ "nảy" rồi sau đó mới đến sự êm ái, khá kỳ lạ!
Chắc chắn bạn đang thắc mắc bộ đế Bounce so với BOOST thì thế nào đúng không? Theo quan điểm cá nhân của người viết, sẽ thật khập khiễng khi so sánh hiệu năng Bounce và BOOST, nhưng chỉ ra sự khác biệt là điều hoàn toàn có thể:
- BOOST: nhẹ, êm, hoàn trả lực siêu tốt, với những người có trọng lượng cơ thể lớn, thi thoảng sẽ cảm thấy "chòng chành", ưu điểm vượt trội của BOOST cũng chính là nhược điểm: thiếu tính ổn định. Nếu bạn để ý một chút, những đôi giày training (giày chuyên tập luyện, không phải giày chạy) có BOOST của adidas thì tỉ lệ BOOST không bao giờ vượt quá 70% khối lượng đế, mà phải bổ sung một vài yếu tố tăng sự ổn định bằng đệm EVA, Stable Frame (50% BOOST/50% EVA).
- Bounce: thua BOOST về độ êm ái và hoàn trả lực, có lẽ ưu điểm duy nhất của Bounce so với BOOST chính là sự chắc chắn, ổn định. Với một số phương pháp luyện tập với tạ nặng, bộ đế ổn đinh mới là yếu tố hàng đầu, sau đó mới đến độ êm ái.
Một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá giày có sử dụng được cho nhiều mục đích hay không chính là đế ngoài (outsole)
Phần đế ngoài của AlphaBounce EM được làm từ chất liệu cao su khá "lì", thiết kế chia rãnh nhỏ và nông, gợn sóng, tiếp xúc với mặt đất là các mấu tròn dẹt nhằm tăng độ bám.
Vì sao không phủ các mấu tròn trên toàn bộ mặt đế ngoài để tăng tối đa độ bám?
Trong quá trình nghiên cứu để tạo ra AlphaBounce tại phòng nghiên cứu adidas Future Lab, cảm biến Aramis (Aramis Sensor) được bố trí dưới lòng bàn chân của các vận động viên đến từ nhiều môn thể thao khác nhau. Những phần được bố trí mấu tròn chính là những điểm gây ra nhiều áp lực nhất, cần hỗ trợ nhiều nhất.
Với thiết kế rất "công nghệ", đế ngoài của AlphaBounce đáp ứng được nhiều bề mặt khác nhau, từ máy chạy (treadmill) cho tới mặt đường gồ ghề, tuy nhiên sau khi thử nghiệm trên bề mặt ướt thì độ bám giảm đi khá nhiều.
Lót giày của adidas AlphaBounce EM
Một yếu tố bổ trợ hiệu năng cho đế giữa và đế ngoài của AlphaBounce chính là lót giày, tuy mỏng nhưng rất mềm mại, hấp thu lực tốt.
Chất lượng gia công
Trừ một chút keo thừa không đáng kể ở mũi giày, không có gì để kêu ca về chất lượng gia công sản phẩm của "gã khổng lồ tới từ Đức" đã có kinh nghiệm gần 70 năm này.
Nói chung, sở hữu một đôi giày có độ hoàn thiện cao, không có lỗi, những khách hàng như chúng ta sẽ cảm thấy yên tâm và được tôn trọng. Theo quan điểm của tôi thì adidas vẫn đang làm rất tốt điều đó, dù là đôi giày thuộc phân khúc bình dân hay cao cấp thì chất lượng và mẫu mã vẫn luôn được đảm bảo.
Nếu muốn mua adidas AlphaBounce, lựa chọn size như thế nào?
Với người có bàn chân dày, hơi bè như người viết vẫn có thể đi AlphaBounce true-to-size (theo size chuẩn của bàn chân) mà vẫn cảm thấy vừa in, thoải mái và không bị cấn chân. Còn những ai có bàn chân dài, nhỏ nên cân nhắc giảm 1/2 size thông thường.
Tốt nhất nên tới tận cửa hàng để thử giày, cảm thấy ưng ý rồi hãy mua. Nên nhớ, bạn chỉ có thể cảm nhận được hết hiệu năng của một đôi giày khi 'fit' chuẩn, hơi rộng một chút có thể chấp nhận được, tuyệt đối không nên đi giày chật, kích.
Trên chân adidas AlphaBounce EM
Với thiết kế tối giản nhưng không tầm thường, phối màu trung tính nhưng không bão hòa, phải khẳng định rằng adidas AlphaBounce là đôi giày dễ mang, dễ mặc.
Như trong hình thì AlphaBounce EM 'Poison Ivy' được phối với áo phông trắng, quần túi hộp kaki slimfit: mặc như vậy đẹp hay không còn tùy gu mỗi người. Chỉ cần bạn cảm thấy thoải mái và phù hợp với môi trường đi học/làm việc là được.
Tổng kết:
Ưu điểm:
- Theo số liệu từ adidas.com: 93% số người đã sở hữu AlphaBounce cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình.
- Hiệu năng tốt, đa dụng, tính thẩm mỹ cao: có thể làm giày chạy, tập luyện lại vừa có thể mang hàng ngày.
- Một trong những mẫu giày rất thành công của adidas Future Lab, được tích hợp nhiều công nghệ mới và tốt nhất của adidas.
- Giá cả chấp nhận được: 100 USD cho phiên bản Forged Mesh, phiên bản Engineered Mesh có giá 110 USD. Rẻ hơn rất nhiều so với các dòng BOOST (UltraBOOST: 180 USD; EnergyBOOST: 160 USD). Tóm lại nếu "hầu bao" của bạn chưa đủ để sở hữu UltraBOOST hay các mẫu giày cao cấp hơn, AlphaBounce là sự thay thế hoàn hảo, đáng mua, đáng thử.
Nhược điểm:
- Theo quan điểm cá nhân và đánh giá của nhiều runner chuyên nghiệp từ các website uy tín như Weartester, Solereview, Solecollector... AlphaBounce chưa thực sự hỗ trợ tốt cho mắt cá chân (ankle support), khá lỏng lẻo nếu mang đi chạy đường dài.
- Đế ngoài vẫn chưa đáp ứng được bề mặt trơn, ướt. Hy vọng adidas sẽ khắc phục nhược điểm này trong những phiên bản nâng cấp tiếp theo của AlphaBounce.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI