Đánh giá chi tiết bo mạch chủ Asus Maximus IX Hero: Đẳng cấp của một hệ thống gaming hoàn hảo

    Durian,  

    Maximus IX Hero đã tái xuất giang hồ kể từ sau thế hệ Skylake lẫy lừng danh tiếng cách đây 2 năm. Vậy thì Hero trở lại có gì hấp dẫn, có gì cải tiến so với người tiền nhiệm của mình ở Kabylake?

    Nếu như loạt sản phẩm Strix Z270 Gaming được giới thiệu trong những ngày đầu năm vừa qua đã khiến các fan của cú đứng ngồi không yên thì chắc chắn rằng Maximus IX Series – một flagship khác của Asus cũng sẽ khiến các bạn phải trầm trồ thán phục. Bên cạnh dòng Strix thì Maximus cũng là dòng bo mạch chủ thuộc gia đình ROG dành cho các hệ thống gaming PC nhưng Maximus thì có phần cao cấp hơn nhiều.

    Cái tên Maximus thì đã quá quen thuộc với fan Asus tại Việt Nam với gam màu xám bạc chủ đạo, thiết kế hiện đại toát lên vẻ cao cấp của sản phẩm cũng như hiệu năng đỉnh của đỉnh trong các dòng bo mạch chủ của Asus. Với thế hệ vi xử lý Kabylake mới, thì Asus cũng cho ra mắt 5 sản phẩm thuộc dòng Maximus IX với những cái tên như Hero, Code, Apex, Formula và Extreme. Và thật may mắn khi chúng tôi có dịp được trải nghiệm Hero em út của Maximus IX.

    Đập hộp sản phẩm:

    Phần chất của Maximus vẫn luôn được Asus giữ gìn trên nhiều thế hệ chipset từ trước đến nay với nước đỏ truyền thống, phần thông tin đơn giản ít những chi tiết bên ngoài. Kích thước của hộp thì vẫn khá là đồ sộ khiến ai cầm lên cũng muốn xem bên trong hộp ngoài bo mạch chủ thì còn gì bên trong nữa hay không. Mặt sau của vỏ hộp tất nhiên là những minh họa khá chi tiết về cấu hình cũng như tính năng của sản phẩm.

    Phía bên trong của vỏ hộp cũng được Asus chú trọng về thiết kế với logo ROG ở mặt trong. Một lớp nhựa trong khá dày dùng để chắn phần bo mạch tránh mọi tác động từ môi trường bên ngoài nhưng vẫn có thể nhìn thấy toàn bộ nội thất bên trong chiếc Maximus IX.

    Đi kèm với sản phẩm là một loạt những phụ kiện mà có lẽ chỉ có Asus mới hào phóng như vậy. Đầu tiên phải kể đến những dụng cụ cơ bản nhất như 2 cặp dây SATA III 6Gb/s để có thể ngay lập tức kết nối với 4 thiết bị lưu trữ. Một tấm chắn bo mạch có khá là nhiều lỗ trên I/O. Một sợi dây kết nối các dây LED strip được tặng kèm dành cho những game thủ thích màu mè trang trí. Một chân cắm nối dài cho các nút bấm ở front panel. Một thiết bị hỗ trợ lắp CPU dễ dàng hơn để tránh hiện tượng người sử dụng sơ ý làm cong chân socket. Một con ốc nhỏ hỗ trợ các mảnh trang trí in bằng máy in 3D được bày thêm. Và đặc biệt có một phụ kiện mà tôi đánh giá cao ở các dòng sản phẩm của Asus đó là một cổng Sli HB cứng dành cho kết nổi GTX 1070 và 1080.

    Chiều lòng game thủ ở mọi phân khúc từ cao đến thấp, Asus cũng không quên thêm vào những miếng sticker trang trí dành riêng cho game thủ của mình để ROG có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Cũng ko thể thiếu được những cuốn sách hướng dẫn và đĩa CD tập hợp các driver và phần mềm trợ năng của nhà sản xuất.

    Chi tiết sản phẩm:

    Tổng thể về cấu trúc thì Asus Hero cũng không có nét gì quá mới so với những hệ thống bo mạch chủ Kabylake mà chúng ta được chiêm ngưỡng trong những ngày vừa qua.

    PCB đen với những họa tiết được trang trí xuyên suốt mặt trên của bo mạch chủ, cứng cáp và đơn giản.

    Hero có một lớp giáp rất ngầu và chất bằng nhựa với gam màu đen xám khá là sáng ở cạnh trái của bo mạch, phủ lên toàn bộ phần I/O cũng như một phần khu vực Audio tạo thành một khối thống nhất. Lớp giáp ở phần I/O với logo Maximus IX trong suốt được làm đổ xuống phía khu vực mosfet heatsink tạo thành một sự liền mạch trong thiết kế. Heatsink trên bo mạch chủ được làm bằng hợp kim với gam màu sáng của kim loại tạo điểm nhấn cho hệ thống vốn đã đen sì. Các tấm này có tạo hình khá đẹp mắt giống như vũ khí hiện đại nào đó trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Chữ Hero được đặt ở mosfet heatsink phía trên. PCH heatsink lớn sử dụng hình chóp ngang khá giống cánh cửa một con tàu vũ trụ, một phần phiến tản này cũng được làm chất liệu hoàn toàn khác với logo ROG trong suốt chắc chắn rằng đây là vị trí có hiệu ứng led. Chúng ta cũng có thể thấy được 2/3 khe mở rộng PCI-e cũng được bọc giáp gia cố chống gãy cho những card đồ họa hi-end.

    Khu vực CPU:

    Sức mạnh của CPU được cung cấp qua hệ thống gồm 10 cụm phase nguồn đảm bảo toàn bộ sức mạnh của vi xử lý được giải phóng hết hiệu năng của mình.

    Các khe cắm và mở rộng:

    Bộ nhớ trong của Hero gồm 4 khe chạy chế độ Dual channel như thường lệ.

    Về phần các khe mở rộng, Hero được trang bị 1 khe PCI-e x16 1 khe PCI-e x8 1 khe PCI-e x4 và 3 khe PCI-e x1 đáp ứng đủ nhu cầu trang bị linh kiện cho các hệ thống hi-end bao gồm cả sli lẫn crossfire.

    Hero cung cấp cho người sử dụng 6 chân SATA III 6Gb/s dành cho các thiết bị lưu trữ ngoài ra, cũng giống như hầu hết các bo mạch chủ mới. Hero cung cấp cho người sử dụng 2 khe cắm M.2 để tối ưu hóa khả năng đọc, ghi dữ liệu

    Khu vực front panel, thay vì một cổng USB 3.0 như những thế hệ trước, một cổng USB 3.1 được thay thế để nâng cấp tốc độ của khu vực cổng cắm phía trước thùng máy

    Audio:

    Khu vực mạch audio được cách ly độc lập, sử dụng tới 5 tụ lớn và 7 tụ nhỏ, tất cả đều là tụ vàng nichicon được sản xuất tại Nhật Bản. Với chip xử lý âm thanh mang tên Supreme FX, Asus đẹp lại những trải nghiệm gaming thông qua kênh âm thanh này.

    Khu vực I/O:

    Hoàn toàn loại bỏ những công nghệ quá cũ kĩ như PS/2, D-Sub, khu vực này bây giờ đã rộng rãi và có chỗ nhiều hơn cho những công nghệ mới. Ở các kênh hiển thị, Hero được trang bị một cổng HDMI 2.0 và một cổng Displayport 1.4 cho những trải nghiệm hình ảnh cao cấp nhất. Có tới 10 cổng USB được xếp liền kề nhau với 4 cổng USB 2.0, 4 cổng USB 3.0, 1 cổng USB 3.1 Type A và 1 cổng Type C. Một cổng LAN đỏ chót cho kết nối mạng tốc độ cao chống lag theo công nghệ của Asus và các cổng ra âm thanh bao gồm cả analog và optical.

    Chẩn đoán lỗi và các tiện ích trên bo mạch chủ:

    Ở góc trên bên phải gần khu vực ram là hệ thống đèn báo lỗi và một bảng số giúp người sử dụng có thể xác định lỗi trên hệ thống nhanh và dễ dàng hơn.

    Ở khu vực cạnh dưới của Hero là tổ hợp các nút hệ thống chủ yếu dành cho các overclocker để họ có thể dễ dàng can thiệp vào những tác vụ trên bo mạch một cách dễ dàng hơn, để ý một chút chúng ta có thể thấy cả chế độ sử dụng LN2 (Nitơ lỏng).

    Hiệu năng:

    Hệ thống thử nghiệm:

    Main: Asus Maximus IX Hero

    CPU: Intel Core i7 7700k 4.2Ghz

    RAM: Patriot Viper 16Gb Dual Channel Bus 2400MHz

    VGA: GTX 1070 EXOC

    Phanteks LED Strip RGB

    1. Test hiệu ứng LED

    Hiệu ứng LED chỉ hoàn toàn được kích hoạt khi khởi động máy tính, nhưng với độ sáng cũng như những vùng led được bố trí hợp lý khiến hệ thống khi lên đèn sẽ đẹp tinh tế chứ không lòe loẹt quá mức. Tất nhiên là nếu được đặt trong case tử tế hơn thì hiệu ứng sẽ thực sự hoàn hảo.

    2. Test hệ thống trên Super PI 32M

    Đây là phần mềm benchmark kết hợp sức mạnh tổng hợp của CPU và RAM. Trong bài test này thì CPU đã được OC lên 15% và thả trôi xung nhịp trên RAM.

    Mức xung trên CPU đạt 4,844 GHz trong khi mức xung của RAM lên 4,326 GHz một cách nhẹ nhàng mà không cần sự trợ giúp của bất cứ sự can thiệp nào về volt hay độ trễ của RAM.

    Tổng kết:

    Với những gì mà Maximus IX Hero đã thể hiện thì các fan Asus chẳng còn có thể tiếp tục hồ nghi về thần tượng của mình. Quá đẹp ở thiết kế cũng cũng như sự mạnh mẽ trong khả năng đưa những linh kiện xử lý hệ thống lên cực đại khiến cho Hero trở thành một tượng đài vững chắc trong lòng người yêu công nghệ Với mức giá 7,8 triệu đồng cho một bo mạch chủ cao cấp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ