Đánh giá chi tiết camera trên LG G6: chụp xóa phông ấn tượng, lấy nét theo pha chậm, cam góc rộng có nét riêng
Liệu cặp camera kép với ống kính góc rộng của LG G6 có đủ hấp dẫn trước một "rừng" các sản phẩm camera kép "xóa phông ảo" khác trên thị trường hay không, hãy cùng tìm hiểu nào!
Các nhà sản xuất di động hiện đang tích cực ứng dụng các công nghệ camera kép lên sản phẩm của mình. Tuy nhiên, mỗi thiết bị lại có một hướng phát triển riêng. Một số dùng hai cảm biến giống hệt nhau, một số khác thì có thêm zoom quang học, một số còn lại thì đen trắng… Với LG, hãng đã quyết định vẫn trung thành với kiểu kết hợp ống kính thường với một camera góc siêu rộng trên flagship G6 vừa ra mắt. Vậy hệ thống này có gì hay ho, mới mẻ không, hãy cùng tìm hiểu qua bài đánh giá này.
Trước tiên, hãy nhắc lại một chút về phần cứng của LG G6: Máy được trang bị 2 cảm biến ảnh độ phân giải 13MP, kích thước ⅓ inch, một có góc chụp rộng tới 125 độ và chiếc còn lại thì có góc chụp vào khoảng 71 độ.
Việc sở hữu 2 cảm biến ảnh với 2 tiêu cự khác nhau cho phép người dùng sáng tạo hơn, nhưng thay vì để zoom quang và xóa phông ảo như iPhone 7 Plus, G6 lại dễ dàng “ăn điểm” vì ống kính góc rộng vừa dễ chụp mà cũng dễ gây ấn tượng.
Nói riêng về cảm biến với ống kính thường, nó hỗ trợ lấy nét tự động theo pha với độ chính xác cao, chống rung quang học/điện tử và khẩu độ lớn tới f/1.8 cho phép thu sáng tốt hơn. Trong khi đó, ống kính góc rộng thì có khẩu độ f/2.4, không hỗ trợ lấy nét tự động và cũng không có chống rung quang học.
Ở mặt trước, G6 tích hợp chỉ 1 cảm biến ảnh 5MP, ống kính góc rộng 100 độ nhưng có thể crop bớt viền để tạo ra những bức hình selfie góc thường (82 độ). Lựa chọn này khá là thông minh và tiết kiệm chi phí hơn là camera kép như chiếc V20 trước đây.
Ngoài phần cứng cao cấp, phần mềm hỗ trợ chụp ảnh của LG G6 cũng được chăm chút kĩ lưỡng với số lượng nhiều và chất lượng tốt, nhất là khả năng quay video chỉnh tay rất thú vị mà các nhà sản xuất khác đều không quan tâm tới.
Giao diện một số chế độ chụp và quay video của LG G6.
Trên đây là những thông tin cấu hình camera của G6, và ở phần tiếp theo của bài viết, tôi sẽ chia ra thành nhiều mục nhỏ để đánh giá kĩ càng hơn từng chế độ chụp của máy.
Camera thường
Tuy cảm biến camera góc thường đã bị giảm độ phân giải xuống so với G5 nhưng cũng nhờ đó, kích thước mỗi điểm ảnh lại lớn hơn, cho phép thu sáng tốt hơn và ít nhiễu hạt hơn. Điều này là hoàn toàn chính xác, khi mà những bức hình chụp từ G5 ở hầu hết các điều kiện đều cho nước ảnh đẹp, chân thực, độ chi tiết tốt, xóa nhiễu vừa phải và quan trọng là không gặp tình trạng oversharpen một cách “quá lố” như trên Galaxy S7 và S8. Nhìn chung, kể cả khi chụp ảnh vào ban ngày, ban đêm, trong nhà hay ngoài trời thì camera chính của G6 vẫn dễ dàng làm bạn hài lòng về mọi mặt.
Ảnh chụp đủ sáng từ G6 có chất lượng cao, nước ảnh tự nhiên, vừa mắt.
Khẩu độ f/1.8 của LG G6 không chỉ giúp máy thu sáng tốt hơn mà còn cho khả năng xóa phông vượt trội. Những bức hình chụp cận cảnh, macro của máy tách rời chủ thể và phông nền một cách rõ ràng, trong khi hiệu ứng bokeh thì khá ấn tượng, đã mắt.
Chụp macro xóa phông tốt, khoảng nét gần nhất chỉ ~7cm.
Tuy nhiên, LG G6 vẫn còn một điểm trừ đáng tiếc là khả năng lấy nét theo pha tỏ ra rất chậm chạp. Nếu đã từng dùng qua những Galaxy S7 hay Xperia XZ, bạn sẽ thấy ngay camera của G6 thua kém về khoản này, nhất là lúc lấy nét chạm khi chụp macro. Theo suy đoán của cá nhân tôi, đây là lỗi của hệ thống ống kính có tốc độ phản hồi và dịch chuyển quá chậm chứ không phải do khả năng nhận diện khoảng nét của cảm biến.
Bù lại, tốc độ chụp và lưu ảnh của G6 là rất nhanh, gần như tức thời ngay sau khi bấm nút chụp. Điều này sẽ giúp người dùng không lỡ mất khoảnh khắc vì không phải chờ đợi máy lưu sau mỗi tấm ảnh. Khả năng chụp liên tục của máy cũng rất ấn tượng, không có gì phải chê trách cả.
Chế độ chụp ảnh HDR của LG G6 khá tốt, có thể tự động bật tắt tùy theo khung cảnh một cách thông minh và chính xác. Ảnh thu lại vẫn thiên về hướng tự nhiên, không hề “ảo” và rất khó nhận ra nếu không đặt cạnh một tấm ảnh chụp thường khác. Tuy nhiên, điểm trừ của chất ảnh tự nhiên đó lại là độ chi tiết trong các vùng sáng/tối chưa được xử lý đủ tốt. Ảnh vẫn có thể bị cháy sáng ở một số trường hợp, ví dụ như phần cánh hoa trong bức ảnh dưới đây. Ngoài ra, G6 vẫn sử dụng phương pháp chụp nhiều ảnh liên tiếp và ghép lại thành 1 tấm duy nhất nên người dùng nên chú ý giữ tay thật vững nếu không muốn ảnh bị rung nhòe.
Sự khác biệt giữa bật và tắt HDR là không nhiều. Ảnh vẫn có thể bị cháy sáng.
Ảnh HDR từ LG G6 phần lớn đều rất tự nhiên, không giả tạo.
Ở điều kiện thiếu sáng, nhờ hệ thống chống rung quang học thế hệ mới từ LG nên ảnh của G6 vẫn đạt độ chi tiết cao, ít rung nhòe dù tốc độ màn trập thấp. Độ nhiễu trong các bức hình luôn ở mức vừa phải vì ISO thường chỉ được đặt ở mức thấp, trên dưới 1000. Ở các mức ISO cao hơn thì nhiễu hạt xuất hiện khá rõ ràng, nhất là nhiễu màu và độ chi tiết cũng giảm mạnh khi xem trên màn hình lớn.
Người dùng nên tự điều chỉnh EV bằng tay để ảnh chụp không bị dư sáng.
Camera góc rộng
Đối với cá nhân tôi, việc sử dụng camera kép với ống kính góc rộng thì có độ thực tiễn cao hơn là dùng ống kính góc thường/tele để xóa phông ảo trên các thiết bị như Huawei P10 hay iPhone 7 Plus, vì kết quả chụp ra lúc nào cũng chắc chắn là được như ý muốn. Ngoài ra, góc chụp rộng cũng cho phép tôi tạo ra những bức ảnh “sống ảo” trông ấn tượng, lạ mẳt hơn hẳn các sản phẩm di động khác.
Chất ảnh từ ống kính góc rộng của LG G6 không khác biệt nhiều so với ống kính thường, nhưng độ chi tiết thì thấp hơn, dễ bị nhiễu hạt hơn vì khẩu độ f/2.4 khá nhỏ so với trung bình hiện nay và không hỗ trợ chống rung OIS.
Các chi tiết ở viền ảnh chụp từ ống kính này luôn bị méo, nhưng điều này là hoàn toàn bình thường khi chụp/quay góc siêu rộng bằng bất kì thiết bị ghi hình nào khác. Dù sao thì người dùng sau đó hoàn toàn có thể chỉnh sửa lại cho thẳng hơn bằng các phần mềm như Lightroom trên PC hay Snapseed trên điện thoại nếu cần.
Với cá nhân tôi, độ cong này chính là thứ tạo nên sự thú vị cho những bức ảnh. Nếu được chọn đúng góc độ chụp, các tấm hình sẽ đạt được sự ấn tượng nhất định về tổng thể bố cục mà kể cả khi chụp panorama bạn cũng khó mà có được.
Chụp chỉnh tay - Chế độ Manual
Chế độ chụp chỉnh tay của LG G6 không có gì khác biệt so với hầu hết các thiết bị khác trên thị trường. Máy cho phép người dùng tự lựa chọn các thông số như EV, Cân bằng trắng, lấy nét, ISO và tốc độ màn trập. Ngoài ra, trong menu cài đặt còn có thêm lựa chọn để lưu ảnh bằng file RAW với đuôi .DNG. File này lưu lại nhiều thông tin hơn định dạng JPEG mà sau đó có thể chỉnh sửa một cách chuyên nghiệp bằng các phần mềm hậu kì phổ biến trên cả PC lẫn điện thoại.
Lợi ích của file RAW có thể thấy rõ, nhất là để khử nhiễu và giữ chi tiết trong khâu hậu kì.
Những bức hình chụp từ chế độ chỉnh tay vẫn có chất ảnh tương tự khi chụp tự động, nhưng ở một số điều kiện như chụp ban đêm, phơi sáng (tối đa 32 giây) hay chụp thể thao thì nó sẽ có lợi thế hơn hẳn vì có thể điều chỉnh các thông số phù hợp nhất với từng môi trường.
Khi chụp phơi sáng với mức ISO thấp, lưu ảnh file RAW có thể không cần thiết vì quá trình xử lý có sẵn của máy đã là đủ tốt rồi.
Chụp ảnh Selfie
LG G6 chỉ sử dụng 1 cảm biến ảnh 5MP với ống kính góc rộng 100 độ cho camera trước.
Đối với tôi, camera trước của G6 chỉ nằm ở mức đủ dùng. Ảnh chụp ra có độ chi tiết không cao lắm vì độ phân giải chỉ 5MP mà góc chụp lại rộng tới 100 độ. Khi chụp ở chế độ góc hẹp, con số này giảm xuống chỉ còn 3.2MP và có ta có thể thấy rõ sự “bệt” chi tiết, nhất là trong điều kiện thiếu sáng. Nhìn chung, điểm cộng của camera trước chỉ nằm ở góc chụp rộng rãi, cho phép chúng ta dễ dàng “tự sướng” với nhóm bạn hoặc để khoe khung cảnh phía sau lưng và có đầy đủ những tính năng phần mềm để làm đẹp.
Quay video
Chế độ quay video tự động của LG G6 không có gì đáng kể cho lắm. Máy hỗ trợ quay video từ HD, fullHD@30fps, fullHD@60fps cho tới 4K@30fps. Với các tùy chọn từ fullHD@30fps trở lại, máy còn hỗ trợ chống rung điện tử để giảm hiện tượng méo viền gây ra bởi hệ thống OIS.
Chế độ quay video có thể truy cập nhanh chóng từ giao diện chụp ảnh chính.
Bên cạnh các đặc điểm như màu sắc, tương phản, cân bằng trắng không có gì đáng chê thì điểm trừ rất lớn khiến tôi thất vọng về khả năng quay video trên G6 chính là cách máy xử lý các chi tiết. Ở những khung cảnh với độ sáng chênh lệch cao, ta có thể thấy rõ viền của các vật thể bị làm sắc cạnh quá mức, tạo ra những "bóng ma" (halo) xấu xí. Khi chuyển sang quay video độ phân giải 4K, vấn đề này vẫn còn xuất hiện nhưng không rõ ràng như ở các độ phân giải thấp hơn.
Chi tiết trong video bị viền bóng ma thấy rõ ở một số điều kiện.
Chuyển sang chế độ quay chỉnh tay, LG thậm chí còn cung cấp nhiều lựa chọn hơn cả khi chụp ảnh. Ngoài các thông số ISO, EV, tốc độ màn trập, cân bằng trắng, lấy nét…, LG G6 cũng cho phép thu âm thanh chất lượng Hi-Fi và lựa chọn bitrate/tốc độ khung hình của video.
Riêng về khả năng thu âm Hi-Fi, LG đã cung cấp 3 thanh trượt điều chỉnh độ nhạy của mic, LCF (Low-cut Frequencies) để giảm tiếng ồn nền và LMT (Limiter) để giới hạn mức âm lượng cao nhất. Đây là những tính năng chưa từng thấy trên các dòng smartphone khác ngoài LG và nó có hiệu quả rất cao để cho ra một đoạn video được tối ưu chất lượng về mọi mặt. Thậm chí, người dùng còn có thể cắm tai nghe vào máy và trực tiếp kiểm soát phần âm thanh mà micro thu được ngay trong khi đang quay.
Giao diện điều chỉnh âm thanh trong chế độ quay video Manual.
Ngoài hai chế độ chính, LG cũng tích hợp sẵn rất nhiều tính năng quay video khác như Timelapse, Slow-motion (HD@120fps), Picture-in-Picture kết hợp hình ảnh từ cả camera trước và sau… Người dùng chắc sẽ ít sử dụng tới các tính năng này nhưng rõ ràng là có vẫn hơn không rồi.
Dưới đây là đoạn video tổng hợp ghi lại bởi LG G6 ở nhiều chế độ khác nhau và bằng cả hai ống kính.
LG G6 video sample
Kết
Nhìn chung, LG vẫn đang làm rất tốt với khả năng chụp hình của những chiếc flagship gần đây. Riêng với G6, máy mang lại trải nghiệm đồng đều hơn đàn anh G5 và vẫn giữ được những nét độc đáo, hiếm thấy trên thị trường di động. Có thể nói, G6 ngoài màn hình FullVision mới ra thì cụm camera kép thú vị chắc chắn là một đặc điểm nữa dễ khiến người dùng “đổ” ngay lập tức.
Để xem chi tiết ảnh và video gốc từ LG G6, bạn đọc có thể truy cập vào link này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4