Đánh giá chi tiết Redmi Note 9 Pro: 2 nâng cấp với giá 500 ngàn Đồng có đáng hay không?
'Có bao nhiêu tiền mua máy ở tầm đó' hay 'Cố thêm một chút để có thêm sự hoàn thiện'?
Cũng như 'Táo', thời gian gần đây Xiaomi Redmi áp dụng chiến thuật đặt tên 'S' và 'Pro' cho những dòng sản phẩm của mình. Khoảng 4 tháng trước ta đã có chiếc smartphone tầm trung Redmi Note 9S, ngay 2 tháng sau ta đã có một dòng máy mang tên 'Note 9 Pro' ở tầm giá cao hơn chỉ đôi chút.
Phiên bản Pro có những sự khác biệt gì, và liệu rằng những sự khác biệt này có đáng để ta bỏ ra thêm một số tiền nhỏ nữa để nâng cấp hay không.
Hộp của Redmi Note 9 Pro có màu trắng, có ảnh của những dòng máy màu đen và trắng, nhưng phiên bản chúng ta có ngày hôm nay lại là màu xanh dương.
Redmi lại tiếp tục 'cà khịa' người đồng hương Huawei việc họ không được sử dụng Google Play với dòng chữ "Redmi Note 9 Pro có thể sử dụng bất cứ ứng dụng Google nào mà bạn muốn" trên hộp.
Trong hộp ta có một ốp lưng nhựa dẻo màu đen, dây sạc USB Type-C và dock sạc. Ốp lưng tôi đánh giá là hơi 'kém sang' khi được làm bằng chất liệu bám dính dấu vân tay khá nhanh, nhưng hàng được tặng kèm thì ta cũng không nên phàn nàn quá nhiều!
Ở dock sạc này ta tìm thấy điểm khác biệt đầu tiên giữa Redmi Note 9 Pro và Note 9S. Note 9S chỉ có thể sạc với công suất 18W, còn Note 9 Pro sẽ sạc ở công suất 30W. Trên trải nghiệm thực tế, Redmi Note 9 Pro từ trạng thái cạn kiệt sẽ sạc được 27% trong 15 phút, 50% sau 30 phút, 1 tiếng đạt 96% và sau khoảng 1 tiếng 18 phút thì đầy pin. Đây là tốc độ sạc khá ấn tượng, không thua kém gì chuẩn VOOC 4.0 từ OPPO.
Mặt lưng chia thành 2 nửa với cách trang trí khác nhau của Redmi Note 9 Pro
Để so sánh thì đây là mặt lưng của Redmi Note 9S
Mặt lưng của Note 9 Pro cũng được làm bằng kính Gorilla Glass 5 giống với Note 9S nên cho cảm giác sờ khá cứng cáp, hơn 1 bậc so với những dòng máy sử dụng nhựa. Ta có một chút sự thay đổi về thiết kế khi Note 9 Pro có mặt lưng chia ra làm 2 mảng, một mảng trơn và một mảng có các họa tiết đan chéo.
Có lẽ sự thay đổi này cũng chỉ để người dùng biết được đâu là Note 9S, đâu là 9 Pro thôi chứ không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, tôi cho rằng cả 2 máy đều có thiết kế khá thanh nhã, trẻ trung nhưng không quá bị 'lố'.
Những họa tiết đan chéo trên mặt lưng Note 9 Pro
Ở ngay mặt lưng này ta cũng thấy được một sự khác biệt nữa của phiên bản Pro đối với Note 9S. Cả 2 dòng máy đều được trang bị hệ thống 4 camera sau, bao gồm camera siêu rộng 8MP, camera chuyên cho mục đích macro 5MP, camera đo chiều sâu 2MP; và sự khác biệt đến từ camera với phiên bản Pro được nâng cấp lên 64MP thay vì 48MP.
Ta sẽ cần trả lời luôn một câu hỏi: độ nét của camera chính có cao hay không? Như thường lệ camera độ phân giải của smartphone sẽ cho ra ảnh ở độ phân giải thấp hơn và chỉ khi vào một chế độ riêng thì mới cho ảnh đầy đủ, ở trường hợp của Redmi Note 9 Pro là 64MP và 16MP.
So sánh ảnh độ phân giải 64MP (trái) và 16MP (phải)
Bức ảnh 64MP có dung lượng năng gấp đôi, nhưng phải thú thật tôi thấy sự khác biệt giữa 2 bức ảnh khá là nhỏ. Chỉ khi zoom thật lớn như bức ảnh phía trên, chỉ lấy mỗi phần biển số của 1 chiếc xe đang rất nhỏ trong khung hình thì ta mới thấy được sự khác biệt 'xíu xiu'. Điểm khác biệt nằm ở việc Redmi Note 9 Pro giữ được màu sắc và khả năng tái tạo HDR khi chụp ở chế độ 64MP, không như những dòng máy khác thường bị tệ đi.
Trong đa phần trường hợp, tôi vẫn chỉ sử dụng tính năng chụp thông thường vì rất ít khi phải zoom quá lớn để soi những chi tiết nhỏ. Đánh giá một cách tổng quan camera chính của Redmi Note 9 Pro ta có thể đặt ở mức cao trong phân khúc tầm trung.
Độ chi tiết không thể bằng những dòng máy flagship, nhưng có 2 điểm mà Redmi đã làm tốt đó là màu sắc và khả năng đo sáng. Màu sắc ảnh từ camera chính đủ tươi nhưng không bị làm quá đậm, nên những bức ảnh nhìn tự nhiên và không gặp hiện tượng bệt.
Khả năng đo sáng cũng rất tốt, khi trong những điều kiện trời quá sáng máy sẽ tập trung giữ phần sáng để không bị cháy. Như bức ảnh phía trên tôi chụp lúc 5 giờ chiều, Note 9 Pro đo sáng vào ánh nắng cuối trời nên tạo được một bức ảnh khá đẹp, thay vì làm sáng tòa nhà khá nhàm chán ở phía trước.
Ảnh zoom 2x từ Redmi Note 9 Pro
Không có camera chuyên zoom, Redmi Note 9 Pro chắc chắn sẽ không thể zoom xa được, trên trải nghiệm thực tế thì ảnh từ 2 - 3x sẽ cho độ chi tiết tốt nhất, còn từ 3x - 10x thì bắt đầu mờ và nhòe, màu sắc cũng ngày càng tệ đi.
Ảnh chụp tối ở chế độ thường
Vẫn cảnh đó nhưng ở chế độ chụp đêm chuyên dụng
Khi trời bắt đầu tối, Redmi Note 9 Pro có thể sử dụng chế độ chụp đêm chuyên dụng. Giống những ảnh chụp ban ngày, ảnh chụp đêm từ Note 9 Pro sẽ cố gắng 'cứu' những phần dễ bị cháy sáng hơn là đẩy sáng nhiều ở những vùng tối, đối với những bức ảnh chụp những con phố nhộn nhịp nhiều đèn chiếu sáng chắc chắn sẽ là một ưu điểm.
Một bức ảnh chụp đêm bị bóng sáng (flare) khá năng từ Redmi Note 9 Pro
Và đây vẫn là bức ảnh đó nhưng tôi che tay phần camera
Tuy vậy có một nhược điểm đáng nói trên hệ thống chụp hình của máy, mà khi chụp đêm sẽ hiện ra rõ nhất: máy khá dẽ dàng bị chói sáng (flare). Trong những điều kiện chụp có ánh đèn rọi theo góc, viền ánh thường bị chói khiến ảnh mấy chi tiết đi nhiều. Ở trường hợp này, bạn cần phải đi ra những nơi không có đèn chiếu đúng góc chụp, hoặc che tay ở phía trên camera (giống như ống chắn nắng trên ống kính máy ảnh).
Ta cũng sẽ có thêm một camera macro chụp cận cảnh, thứ không thể thiếu trong phân khúc smartphone tầm trung hiện nay. Khác với các hãng khác sử dụng camera với ống kính lấy nét sẵn, Redmi Note 9 Pro sở hữu ống kính có thể lấy nét lại nên sẽ dễ dàng hơn với những người mới tìm hiểu thể loại ảnh này.
Camera macro của Redmi Note 9 Pro cũng có góc nhìn hẹp hơn (zoom xa hơn) so với những dòng máy khác, tôi cho đây là một ưu điểm vì sẽ giúp người dùng chụp cận cảnh mà không cần phải 'dí' máy quá sát vào vật.
Vẫn như thường lệ, camera góc rộng sẽ là một camera rất tiện dụng nhưng lại không có chất lượng cao trong hệ thống camera sau. Trong điều kiện đầy đủ sáng, ảnh từ camera siêu rộng trên Note 9 Pro có màu sắc khá, nhưng nếu 'soi' kỹ ta thấy các chi tiết nhỏ không được sắc nét, góc ảnh hơi mờ so với camera chính.
Vào những điều kiện thiếu sáng hoặc ngược nắng, camera góc rộng cũng sẽ giống camera chính và cố gắng bảo toàn vùng sáng. Nhưng khả năng HDR của camera góc rộng là yếu hơn, nên bức ảnh trong điều kiện này sẽ bị yếu hơn ở vùng tối, độ tương phản bị giảm cũng như màu sắc hơi 'nhợt'. Ta có thể 'cứu vãn' được phần nào bằng cách chỉnh sửa, nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng camera này thể hiện được thế mạnh ở những nơi ánh sáng đều hơn.
Nói về phần camera có vẻ hơi nhiều, ta trở lại với những chi tiết trên thiết kế của Note 9 Pro. Cạnh trái ta sẽ có cổng gắn 2 SIM và 1 micro SD riêng, rất đầy đủ.
Cạnh còn lại sẽ có cảm biến vân tay cùng nút âm lượng. Cảm biến vân tay của Note 9 Pro là giống hệt với Note 9S, có tốc độ đọc gần như tức thời nhưng có nhược điểm nho nhỏ là được đặt hơi cao 1 chút, những ai có bàn tay nhỏ sẽ phải với lên mỗi lúc mở máy.
Cạnh dưới là cổng sạc, cổng nhạc 3.5mm và lỗ loa. Loa của Note 9 Pro nằm ở phía phải để khi cầm máy theo chiều ngang người dùng sẽ khó che dẫn đến mất tiếng, nhưng vẫn chỉ là loa đơn nên không thể tạo ra hiệu ứng stereo được.
Đến màn hình của Redmi Note 9 Pro cũng giống với phiên bản 9S luôn! Ta có một màn hình 6.67 inch độ phân giải FullHD dạng LCD, với một chấm 'nốt ruồi' ở giữa màn hình để đặt camera selfie trước.
Đây có thể gọi là một màn hình rất tiêu chuẩn cho một dòng máy tầm trung, với các viền được làm khá mỏng, chỉ riêng phần cạnh dưới (cằm) là nơi dày hơn đôi chút. Khả năng hiển thị của màn hình này cũng rất 'tiêu chuẩn', với màu sắc tươi, cân bằng trắng mặc định hơi ngả về hướng xanh dương nhưng MIUI vẫn cho phép ta điều chỉnh lại được.
Thứ có thể làm màn hình này trở nên nổi bật hơn trong thời điểm này sẽ là khả năng hiển thị tần số cao. Có lẽ không cần tới 120Hz, màn hình Redmi Note 9 Pro có thể tăng lên 90Hz thôi cũng đủ để người dùng cảm thấy được sự khác biệt rồi.
Những yếu tố cuối cùng là cấu hình bên trong của Note 9 Pro cũng không hề có sự sai khác đối với Note 9S. Ta có vi xử lý Snapdragon 720G với 2 nhân Kryo 465 Gold xung nhịp 2.3 GHz hiệu năng cao và 6 nhân Kryo 465 Silver xung nhịp 1.8 GHz tiết kiệm điện năng, GPU Adreno 618, cùng với đó là 6GB RAM. Nói đúng ra thì Note 9S có thêm một phiên bản RAM 4GB ở tầm giá rẻ hơn, nhưng ở thời điểm hiện nay việc nâng cấp lên 6GB RAM đối với những người sử dụng nhiều ứng dụng một lúc là điều cần thiết.
Đánh giá hiệu năng chip Snapdragon 720G
Cấp nguồn cho hoạt động của máy là một viên pin dung lượng 5020mAh, quả thực là rất lớn. Theo đánh giá từ GSMArena, nếu sử dụng liên tục Note 9 Pro có thể xem phim 15 tiếng, 11 tiếng 30 phút lướt web hoặc lên tới 7 tiếng với game. Nếu không sử dụng quá nặng, việc bạn có thể dùng Note 9 Pro trong 2 ngày là điều rất khả thi. Thời lượng sử dụng này kết hợp với khả năng sạc nhanh 30W (1 tiếng 17 phút là đầy từ cạn kiệt như đã nói ở trên) giúp tôi rất hài lòng về trải nghiệm pin-sạc của Note 9 Pro.
Thời lượng pin của Redmi Note 9 Pro qua bài thử PCMark
Nên 'cố thêm một chút'
Nói một cách ngắn gọn, Note 9 Pro có 2 điểm nâng cấp chính đối với phiên bản S đó là camera 64MP và khả năng sạc nhanh 30W. Camera độ phân giải cao hơn có lẽ tôi sẽ không sử dụng nhiều, nhưng khả năng sạc nhanh hơn chắc chắn sẽ cần thiết với những dòng máy có viên pin lớn tới 5020mAh như Note 9S / Pro. Chính vì vậy trong trường hợp này, việc bỏ ra thêm 500.000 vnđ để nâng cấp lên phiên bản Pro là khá đáng.
Trong cùng tầm giá 6.5 triệu Đồng, Redmi Note 9 Pro có một đối thủ rất nặng ký là Realme 6. Realme 6 có thế mạnh về màn hình với tần số làm tươi 90Hz, có lượng RAM cao hơn (8GB so với 6GB), ngược lại Note 9 Pro có thiết kế cứng cáp hơn (dùng kính Gorilla ở mặt sau thay vì nhựa), camera macro có thể lấy nét được, pin lớn hơn 700mAh. Vi xử lý Helio G90T và Snapdragon 720G trong 2 dòng máy này theo nhiều đánh giá thì có hiệu năng ngang ngửa, khác nhau không đáng kể; song chắc chắn nhiều bạn sẽ thích 'xài hàng Qualcomm Mỹ' hơn, nên cũng là một điểm nhỏ cho Note 9 Pro.
Realme 6, đối thủ có khả năng đối trọng rất mạnh mẽ với Redmi Note 9S / 9 Pro
Lại một lần nữa sự lựa chọn lại được đặt vào tay bạn, bạn cảm thấy những thế mạnh của Note 9 Pro hay Realme 6 quan trọng với mình hơn? Đối với tôi màn hình 90Hz là một thứ dùng để 'dành điểm' rất lớn từ đối thủ đến từ Realme, và rất mong Redmi trong thời gian tới cũng sẽ bắt kịp xu hướng này trên những dòng máy tầm trung tiếp theo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4