Đánh giá chi tiết tai nghe true-wireless WF-1000xm3: Muộn còn hơn là không bao giờ
Một trong những cặp tai nghe được mong chờ nhất của năm nay, và cũng mang gánh nặng 'sửa sai' không hề nhỏ!
- Hết smartphone, giờ đến TV của Honor cũng có camera selfie 'thò thụt'
- Trên tay nhanh tai nghe không dây Sony WF-1000XM3: Thiết kế rất đẹp từ tai đến hộp sạc, trang bị công nghệ chống ồn mới, chưa có giá tại Việt Nam
- Samsung chính thức giới thiệu loa thanh Harman Kardon Q Series 2019: tự động điều chỉnh âm thanh, chế độ chơi game, giá từ 10 triệu đồng
Ai cũng biết rằng Sony là một trong những hãng điện tử có tên tuổi nhất trên Thế giới, đặc biệt là ở những sản phẩm về 'nghe' và 'nhìn'. Thế nhưng điều đó đã không ngăn cản hãng...thất bại liên tục trong việc bước chân vào mảng tai nghe không dây hoàn toàn (true-wireless) đang trở thành xu hướng của thị trường âm thanh di động hiện nay.
Sony WF-1000x thế hệ đầu (trái) và WF-1000xm3 (phải)
Sản phẩm đầu tay của hãng được ra mắt tại IFA 2017 là cặp Sony WF-1000x được đánh giá cao về chất lượng âm thanh, với sự hài hòa tốt và thậm chí có những tố chất của những cặp tai nghe có dây đắt tiền, nhưng gặp 2 lỗi vô cùng lớn đó là độ trễ với nguồn cao (hình ảnh xuất hiện trước khi âm thanh tới được tai người dùng) gây cản trở trong việc dùng tai nghe để chơi game và xem phim; kèm theo đó là chất lượng kết nối rất tệ, liên tục mất tín hiệu 1 thậm chí cả 2 bên.
Theo đúng như lời nói của một ông anh 'Sony fan' mình quen: "Hiện tại chỉ có những fan cứng nhất của hãng và chấp nhận được khả năng kết nối không hoàn hảo thì mới còn giữ lại cặp WF-1000x, người dùng thông thường đầu tư nó sẽ bị lỗ rất lớn".
WF-SP700N - Cặp tai nghe sửa chỗ này hỏng chỗ kia!
'Cú nhẩy' tiếp theo của hãng là cặp WI-SP700N, có thể coi là một phiên bản sửa lỗi của cặp WF-1000x. Thế nhưng quả thực là 'vá chỗ này thủng chỗ kia', cặp tai nghe này đã không giữ được chất âm tuyệt vời của phiên bản trước đó, kèm theo đó là vẫn gặp những lỗi cơ bản khác khiến nó cũng tiếp tục là một sản phẩm không hề đáng mua một chút nào.
Cuối bài đánh giá WI-SP700N, mình có một lời thỉnh cầu: mong Sony với tiềm lực tài chính vô cùng dồi dào sẽ 'quá tang ba bận', và tạo ra được một cặp tai nghe true-wireless không gặp lỗi để đáng tiền (chứ chưa dám đòi hỏi chất lượng vượt xa các hãng khác).
Và mới đây, hãng đã ra mắt cặp WF-1000xm3, liệu cặp tai nghe này có thể làm được điều đó? Liệu đây sẽ là cái kết của câu chuyện chuộc tội (redemption arc) dài 2 năm của Sony, hay tiếp tục là một sản phẩm xứng đáng được đặt trên...kệ cửa hàng hơn là trong túi của người dùng?
Mở hộp / Thiết kế
WF-1000xm3 có vỏ hộp thiết kế rất giống phiên bản đầu tiên, và cũng giống đa phần các tai nghe Sony thế hệ mới.
Mặt sau vẫn vô cùng nhiều hình ảnh và thông tin, có vẻ như hãng rất tự hào về những công nghệ được tích hợp ở sản phẩm này.
Kéo nắp ta, ta thấy được ngay tai nghe và hộp sạc được đặt gọn gàng ở bên trong. Cả 2 thành phần này đều có những thay đổi rõ rệt về thiết kế!
Bộ phụ kiện gồm có dây sạc USB Type-C và 6 cặp đệm cao su. Phiên bản này đã không còn (hook) cánh vành tai như cặp WF-1000x, điều này có ảnh hưởng đến độ thoải mái khi đeo hay không ta sẽ tìm hiểu rõ sau.
Phần hộp sạc tai nghe được chia ra làm 2 phần, ở trên màu vàng đồng và ở dưới màu đen giống màu của tai nghe. So với hộp sạc của phiên bản cũ, hộp này nhỏ hơn về chiều ngang, nhưng cũng dày và dài hơn. Chất liệu làm hộp cũng được chuyển từ nhôm mỏng sang thành nhựa, theo mình đây là một bước cải lùi nhỏ về độ bền, nhưng với thời gian sử dụng chỉ 1 tuần mình không thể đánh giá chuẩn xác được vấn đề này.
Hộp mới cũng có một nhược điểm nhỏ đó là...không đứng dọc được, vì mặt đáy đã được làm tròn thay vì phẳng như phiên bản cũ. Có lẽ hãng muốn người dùng đặt nó ngang xuống chăng?
Hộp mới đã có thể gắn tai nghe bằng nam châm, chứ không còn gá vật lý như phiên bản trước nữa, giúp cho việc đặt vào, lấy ra trở nên đơn giản và 'hiện đại' hơn. Ở đây ta cũng tìm thấy chip NFC kết nối nhanh và một đèn báo hiệu nhỏ.
Như đã đề cập phía trên, thì WF-1000xm3 đã chuyển sang chuẩn USB Type-C thay vì micro USB. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể sử dụng chung dây sạc với những dòng smartphone đời mới, rất tiện dụng.
Hộp vẫn sạc được cho tai nghe 3 lần, nhưng mỗi lần dùng nhạc WF-1000xm3 'trụ' được tới 6 - 8 tiếng (phụ thuộc vào việc có bật chống ồn hay không) so với 3 tiếng một lần sạc của phiên bản trước nên thời gian sử dụng đã được tăng lên rất nhiều. Trong những lúc 'cần kíp' thì hộp cũng có thể sạc nhanh, 10 phút cho 1 tiếng 30 phút nhạc.
Và đây là nhân vật chính của bài viết: cặp WF-1000xm3. Thiết kế của cặp tai nghe này đã có sự thay đổi hoàn toàn so với phiên bản trước, lớn hơn và với mặt ngoài cảm ứng để ngừng / chơi nhạc, chuyển bài,gọi trợ lý ảo và bật tắt tính năng chống ồn (WF-1000x thì là nút bấm vật lý). Rất tiếc là ta vẫn chưa thể chỉnh âm lượng được như cặp Sennheiser Momentum TWS, nên điều này vẫn sẽ phải làm trên nguồn phát.
Một nâng cấp nhỏ nhưng cũng hữu ích đó là tai đã có cảm biến tiệm cận, nên sẽ có thể tự ngắt nhạc mỗi khi người dùng kéo ra khỏi tai!
Phần cánh vành tai đã được loại bỏ hoàn toàn, nhưng phần trong của tai nghe đã được làm lớn hơn nên khi đeo vẫn lấp đầy vành tai, không hề dễ bị tuột ra ngoài. Tất cả những thành phần khác (pin, bộ thu phát...) đều được đặt ra ngoài, nên tai nghe sẽ thường chạm vào mũ bảo hiểm khi ra đường, và không thể đeo được đi ngủ, nhưng cũng vì thế mà tạo cảm giác thoải mái vì chúng không chạm vào tai người dùng.
WF-1000x (trái) và WF-1000m3 (phải)
Đa phần những thay đổi bên ngoài của WF-1000xm3 đều mang hướng tích cực, kèm theo đó là vẫn giữ được độ thoải mái cao giống phiên bản cũ nên rất nói chung là đáng khen. Nhưng như đã nói ở trên, hãng nên thêm các chức năng như chỉnh âm lượng và chuyển bài ở mặt cảm ứng để trải nghiệm được hoàn thiện hơn nữa; ngoài ra nếu có thể thì thêm một chuẩn chống nước nào đó!
- Màng loa dynamic 0.24''
- Bluetooth 5.0
- Dải tần: 20 Hz–20,000 Hz
- Chống ồn chủ động ANC thế hệ mới
- Thời lượng chơi nhạc (tai nghe): 6 - 8 tiếng
- Thời lượng hỗn hợp: 24 - 32 tiếng
Trải nghiệm thực tế
'Thủ phạm' của những lỗi kết nối (hay bị mất sóng, độ trễ cao) của phiên bản WF-1000x thế hệ đầu tiên nằm ở việc hãng chọn Bluetooth 4.2, hệ quả là tai nghe sẽ chỉ kết nối được 1 bên tai trái với nguồn phát. Bên tai trái nhận tín hiệu của nguồn, sau đó sẽ phải dành thêm 1 thời gian (và băng thông) để truyền tín hiệu đó qua tai phải, từ đó gây ra trễ và có thể là lỗi gây mất sóng.
WF-1000xm3 đã chuyển sang chuẩn Bluetooth 5.0 giúp cho cả 2 bên tai đều có thể kết nối với nguồn, kèm theo đó dải ăng-ten cũng được làm dài hơn (chạy dọc thân tai) nên chất lượng kết nối tốt hơn rất nhiều. Trong thời gian sử dụng, mình chỉ bị mất sóng đúng 1 lần, và sau khi mất tai nghe đều kết nối lại ngay; trái lại với việc mất sóng mỗi lần cách nhau vài phút ở phiên bản cũ. Độ trễ cũng giảm đáng kể, đã gần như bằng với tai nghe có dây nên hoàn toàn có thể sử dụng được trong việc chơi game, xem phim.
Sony cũng nói rằng chất lượng chống ồn chủ động đã được cải thiện nhờ vào chip QN1e, phiên bản 'thu nhỏ' của chip QN1 trên cặp WH-1000xm3. Nhờ chip này mà tai nghe có thể điều chỉnh được mức độ chống ồn, và có thêm khả năng chống ồn theo hoàn cảnh (Adaptive) chứ không chỉ có 2 chế độ là tắt và bật.
Cá nhân mình cho rằng phiên bản đầu tiên đã có khả năng chống ồn rất hiệu quả (đến giờ vẫn tốt nhất trong mảng In-ear), việc cặp tai nghe mới nâng cấp thêm cũng là điểm cộng nhưng không quá quan trọng, nên ta sẽ chuyển qua phần quan trọng hơn rất nhiều: chất lượng âm thanh.
Lần đầu tiên lấy WF-1000xm3 ra khỏi hộp, mình cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì tai nghe có một chất âm rất...tệ: Âm trầm yếu và thiếu lực, đẩy quá mạnh phần trung cao và âm cao. Nhưng sau khi tải ứng dụng Headphone Connect của Sony thì mới biết tai đang được đặt ở chế độ chỉnh âm (EQ) Bright, với hiệu ứng đúng như chất âm miêu tả ở trên.
Cũng nhờ sự hiểu lầm này thì mình mới biết được rằng, WF-1000xm3 có bộ nhớ trong để lưu những cài đặt của người dùng để có thể chuyển nó giữa các nguồn phát khác nhau, khá tiện cho người dùng bình thường nhưng lại lợi bất cập hại với những người phải đi mượn sản phẩm đánh giá đã qua tay nhiều người như mình. Sau khi chỉnh lại EQ về chế độ tắt, WF-1000xm3 trở nên hài hòa hơn rất nhiều. Tổng thể chất âm của tai nghe có thể miêu tả là cân bằng, tự nhiên và êm. Từng dải âm được đều được chỉnh 'vừa phải', nên không cho cảm giác lệch tông với nhiều thể loại khác nhau.
Âm trầm có lượng dừng lại ở mức trung bình (ngả về hướng nhiều với những ai thích nghe ít trầm), với khả năng phân bố giữa siêu trầm (sub bass) và trung trầm (mid bass) khá hài hòa. Trống trong bài Chandelier của ca sĩ nữ Sia không bùng nổ như những cặp tai nghe Sony khác, vì được kiểm soát tốt và chơi tập trung tại 1 điểm (không lan ra nền), nhưng mỗi lần được chơi đều gây ấn tượng với độ nẩy và độ tròn đầt đặn (body tốt). Đây là một âm trầm đủ cân bằng giữa 'lượng' và 'chất', nên sẽ làm hài lòng được số đông người nghe.
Dải âm thường làm những cặp tai nghe Sony tầm thấp 'mất điểm' đó là âm trung. Giọng ca sĩ của các dòng Balance Armature cũ (XBA) thì lại quá sáng và điện tử, những sản phẩm eXtra bass mới thì lại hơi tối và bị chìm về phía sau. Thành phần này của WF-1000xm3 mặc dù không sáng và đứng ngay sát người nghe, nhưng không bị chia đất diễn quả nhiều với dải trầm có độ kiểm soát tốt cộng với độ chi tiết tốt nên luôn rõ ràng. Giọng Emily Loizeau trong Jasseron dày dặn song không quá tối, cân bằng được giữa âm hơi và âm giọng. Phần trung cao (high-mid) không bị quá giới hạn, tạo được sự 'thoát' trên nền chất âm êm ái và có phần hơi chậm.
Dải cao cũng được chỉnh theo đúng triết lý của 2 dải âm trước đó: vừa phải, dễ nghe. Hi-hat tạo nền trong Paradise của Coldplay sáng, ngân vừa đủ lâu để lấp đầy những 'khe kẽ' trong không gian âm thanh. Cặp Sony WI-1000x (tai nghe vòng cổ cùng thời với WF-1000x thế hệ đầu tiên) có dải cao sáng và gây ấn tượng hơn so với WF-1000xm3 nhờ vào thiết kế màng Hybrid - có màng loa Balance Armature riêng để đảm nhiệm dải âm này. WF-1000xm3 có âm cao yếu hơn, song mình cho là 'thực' hơn, tạo cảm giác như được chơi từ nhạc cụ chứ không phải từ máy tính như WI-1000x, từ đó có tính đồng nhất (coherence) cao hơn hẳn.
Điểm đưa WF-1000xm3 tách biệt với những dòng tai nghe thấp và trung là độ chi tiết và âm trường. Các dải âm đều được chơi theo kiểu 'tự nhiên' và không có gì quá nổi bật, nhưng được trang bị cho độ chi tiết ở mức tốt nên thay vì tạo ra chất âm nhàm chán thì lại mang tính thưởng thức cao. Sự khác biệt với những cặp tai nghe chi tiết kém chỉ là những tiếng bật dây đàn guitar chỗ này, tiếng vỗ tay chỗ kia, nhưng sự khác biệt tạo ra cho trải nghiệm âm thanh lại không nhỏ.
Âm trường về chiều ngang của tai dừng ở ở mức khá, vì dù sao đây vẫn chỉ là một cặp tai nghe dạng nhét trong mà thôi, nhưng cá nhân mình cho rằng hãng đã làm tốt về phần độ sâu âm trường. Bài nhạc chơi qua WF-1000xm3 luôn luôn có 'độ dày' nhất định, giúp ta định hình được rõ hơn không gian âm nhạc.
So với phiên bản WF-1000x phiên bản đầu tiên, thế hệ mới có chất âm gần như y hệt. Trong thời gian khoảng 1 tiếng nghe đối xứng (A - B), mình có thể nghe thấy được đôi chút sự khác biệt ở dải cao, với WF-1000xm3 sáng hơn đôi chút; nhưng sự khác biệt là quá nhỏ, không hề dễ nhận ra.
Không ngoại trừ phiên bản mới đã sử dụng lại loại màng loa của WF-1000x, với sự khác biệt nhỏ nói trên do sự khác biệt giữa các lô linh kiện, hoặc do chạy các phiên bản phần mềm khác nhau. Nhưng đây lại không phải là nhược điểm, vì chất âm của phiên bản đầu tiên đã được giới chuyên gia đánh giá cao, người dùng thích nên việc sử dụng lại là không có gì sai!
Lời kết
'Lần thử thứ 3 là lần thử may mắn', hay dân Việt nói một cách đơn giản: 'Quá tang ba bận' là những lời miêu tả rất chuẩn xác với Sony WF-1000xm3. Cặp tai nghe này giữ lại được chất âm rất tuyệt vời của WF-1000x, kèm theo đó là sửa được hoàn toàn lỗi kết nối và vấn đề về độ trễ. Đây chính là viên ngọc mà các Sony fan đã chờ đợi bấy lâu, xứng đáng mang nhãn của hãng điện tử Nhật Bản hơn hẳn 2 phiên bản trước.
Nói như vậy không có nghĩa đây là sản phẩm hoàn hảo, và trong phiên bản tiếp theo (mark 4 hay IV gì đó), mình muốn hãng tiếp tục cải thiện chất lượng hoàn thiện của hộp sạc, thêm cử chỉ điều khiển nữa cho mặt cảm ứng và cuối cùng là trang bị cho tai khả năng chống nước, dù là chuẩn thấp như IPX4 chẳng hạn.
Ưu điểm
- Tai thiết kế đẹp, đeo thoải mái
- Thời lượng chơi nhạc tăng đáng kể (24 - 32 tiếng)
- Chống ồn rất hiệu quả
- Sửa hoàn toàn lỗi kết nối và trễ nhờ Bluetooth 5.0
- Có thêm cảm biến tiệm cận
- Chất âm sạch sẽ, hài hòa giữa các dải
- Độ chi tiết và âm trường đều ổn
Nhược điểm
- Hộp sạc hoàn thiện bằng nhựa, không đứng được
- Vẫn chưa chỉnh được âm lượng
- Chưa có khả năng chống nước
- Giá cao hơn bản cũ (song cũng chỉ khoảng 500 ngàn)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"