Đánh giá chuột gaming Corsair M55 Wireless: Chất lượng hoàn thiện như một "cỗ xe tăng"
Để mô tả con chuột gaming này, ta chỉ cần sử dụng từ "chắc chắn" là đủ!
Để cạnh tranh trong phân khúc chuột tầm trung, cuối tháng 8 vừa qua Corsair đã cho ra mắt dòng chuột M55 và M55 Wireless . Trong đó, M55 Wireless thì như cái tên đã gợi ý thì sẽ cao cấp hơn 1 chút, hướng tới việc chơi game không dây bằng cả Bluetooth lẫn dongle 2.4GHz.
Sau 1 tuần sử dụng, con chuột này cũng để lại nhiều ấn tượng đối với tôi, nhưng cũng vẫn có các yếu điểm khiến nó không hoàn hảo - và hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Chuột được đặt trong một chiếc hộp với 2 tông màu đen vàng đặc trưng của Corsair.
Mở hộp, bên cạnh chuột ta có thêm một chiếc dongle 2.4GHz có công nghệ giảm độ trễ Slipstream Wireless độc quyền.
Và đây là con chuột M55 Wireless của chúng ta. Đây là một con chuột mang hình dáng cân xứng (symetrical) hay mọi người còn gọi là chuột 2 bàn tay (ambidextrous).
Nhìn chung, chuột cũng theo xu hướng thiết kế hiện nay đó là tối giản, ngoài logo Corsair hình cánh buồm ở mặt trên thì cũng không có thêm nhiều chi tiết trang trí quá lòe loẹt.
Chỗ đặt logo này cũng chính là phần cổng cho khe cắm pin của chuột. M55 Wireless với một viên pin AA có thể sử dụng được 185 giờ với dongle 2.4GHz và 400 giờ nếu dùng Bluetooth - đều là những mức thời lượng pin cao, tương đương với lần lượt 23 ngày và 50 ngày nếu dùng chuột mỗi ngày 8 tiếng.
Ở các cạnh bên, chuột không gắn thêm cao su mềm mà thêm những họa tiết hình tam giác bằng nhựa bóng để chống trơn trượt ngón tay. Cá nhân tôi thích điều này, vì cao su mềm ở chuột gaming thường dùng 1 thời gian sẽ rất bẩn và dễ bong tróc, thời gian gần đây các hãng đang chuyển dần sang sử dụng mặt nhựa hoàn toàn như thế này.
Cạnh trái cũng có họa tiết tương tự, và có thêm 2 nút chuyển trước và sau. Chuột không cao nên những nút bấm này cũng được đặt thấp, gần như là ngay bên cạnh ngón cái khi đặt tay vào nên cũng không cần di chuyển ngón tay nhiều để nhấn.
Cạnh dưới sẽ là nơi nhiều chi tiết nhất của con chuột này! Ta có 2 miếng feet lớn và 1 miếng feet nhỏ bao quanh cảm biến làm bằng PTFE (nhựa trơn), một khe nhỏ để đặt dongle khi đem đi và nút điều khiển duy nhất để bật / tắt chuột cũng như chuyển giữa chế độ 2.4GHz và Bluetooth.
Nút bấm này sẽ hoạt động với 1 chiếc đèn đổi màu nhỏ ở cạnh trên ở nút thay đổi DPI, ngay bên dưới con lăn.
Chuột sử dụng cảm biến quang học tầm trung PixArt 3311, với mức DPI cao nhất là 26.000.
Trở lại với mặt trước của chuột, ta có 2 nút bấm chính cũng như con lăn sử dụng cảm biến cơ học. Trong đó, 2 nút bấm trái phải có vị trí đặt thấp so với mặt bàn (không bị lơ lửng), và có lực nhấn nằm ở mức nặng hơn so với trung bình 1 chút.
Cảm giác sử dụng với 2 phím này có thể nói là "chắc chắn", nhấn xuống không có cảm giác bị hẫng hay lung lay sang 2 bên, thời gian hồi lại vị trí cũ sau khi kích hoạt cũng rất nhanh. Từ "chắc chắn" cũng có thể dùng để miêu tả chất lượng hoàn thiện của con chuột này.
Cầm trên tay, M55 Wireless tuy có dáng nhỏ nhưng khá "đặc", lắc qua lại không có tiếng lọc cọc. Bóp mạnh ở các cạnh bên, cạnh trên nơi có cổng đặt pin hay cả mặt dưới thì các miếng nhựa cũng không hề lõm vào, có thể thấy ở các linh kiện bên trong của chuột đã được gia cố đầy đủ.
Với dáng chuột cân xứng và cũng hơi nhỏ như vậy, Corsair M55 Wireless sẽ phù hợp với kiểu cầm bằng ngón tay (fingertip-grip) cho tới claw-grip, chỉ riêng những bạn cầm bằng lòng bàn tay (palm-grip) sẽ thấy chuột chưa đủ nâng đỡ. Với những bạn dùng chuột kiểu palm-grip, thì chắc chắn một con chuột công thái học như Lamzu Thorn mà ta đã tìm hiểu trong bài viết trước sẽ hợp hơn.
Để so sánh với những con chuột dùng pin AA hiện nay như Logitech G309 Lightspeed, Razer Orochi V2 hay SteelSeries Rival 3 Wireless thì Corsair M55 Wireless có trọng lượng nhẹ nhất là 83g với pin.
Nhưng khi so sánh với thị trường chuột nói chung, thì đây không phải là "chuột siêu nhẹ". Ta vẫn sẽ cảm nhận được rõ chuột khi di chuyển nhanh, đặc biệt là ở khu vực đặt pin gần với lòng bàn tay. Để có một con chuột nhẹ hơn, Corsair cũng có phiên bản M55 có dây (55g) và vẫn muốn có không dây thì là phiên bản Corsair M75 Air (60g) cao cấp hơn với pin tích hợp.
Corsair M55 Wireless (có mức giá 1.190.000 Đồng ) từ đó thực hiện đúng nhiệm vụ của nó: Hướng tới người dùng chơi game từ mức nghiệp dư cho tới trung cấp, và vẫn có chất lượng hoàn thiện rất tốt để dùng làm chuột cho công việc, công tác. Với những bạn chơi game "hardcore" hơn thì có lẽ nên bỏ thêm tiền để đầu tư một con chuột cao cấp với trọng lượng nhẹ hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?