Đánh giá hệ thống chụp hình Honor 20 Lite - Không hề tệ nếu biết sử dụng
Mua các sản phẩm tầm trung, chắc chắn người dùng sẽ phải chấp nhận những giới hạn!
Trong bài đánh giá tổng thể Honor 20 Lite, mình có nói rằng máy có phần cứng dành cho khả năng chụp hình rất tiềm năng, nhưng có vẻ đã bị phần mềm giữ chân. Vậy nên ngày hôm nay, sau khoảng 3 tháng cập nhật phần mềm ta sẽ 'nhấc máy lên và ra đường' chụp ảnh xem có những sự cải thiện gì, và như vậy đã là đủ để biến nó thành một smartphone tốt cho nhu cầu nhiếp ảnh hay không?
Nhắc lại đôi chút về phần cứng: Honor 20 Lite có tổng cộng 4 camera, với một camera selfie 32MP, 3 camera sau gồm một chiếc thông thường 24MP, một chiếc góc siêu rộng 16mm (góc tương đường Full-frame) 8MP và một cảm biến 'chết' để đo chiều sâu. Khoan nói về chất lượng mà chỉ bàn về công dụng, thì máy chỉ thua những dòng máy tầm cao ở 1 camera zoom để có thể chụp được những sự vật ở xa, còn lại đã khá đầy đủ.
So sánh giữa góc nhìn camera thường và camera siêu rộng
Cá nhân mình thì thích camera góc rộng hơn là zoom xa, vì có nhiều trường hợp ta gặp những sự vật lớn, không gian rộng rãi cần phải 'bắt gọn' được trong một tấm hình. Như bức hình ở trên, mình có thể chụp được toàn b quảng trường Royal City mà không cần lùi lại quá xa, hơn nữa cũng có hiệu ứng méo ảnh để tạo ra sự 'hoành tráng' mà camera góc thường không làm được.
Ảnh chụp thiếu sáng của camera góc rộng bị giảm về chất lượng
Nhưng không phải vì vậy mà ta dùng camera góc rộng này ở khắp mọi nơi. Do thiết kế ống kính có khẩu độ nhỏ, và cũng có thể là cảm biến chất lượng thấp hơn nên camera góc rộng này cho ra những bức hình kém hơn so với camera góc thường ở những điều kiện thiếu sáng. Ảnh vẫn đủ chất lượng để chia sẻ mạng xã hội, nhưng nếu soi kĩ thì sẽ thấy màu sắc không tươi tắn, chi tiết bệt so với các ảnh khác.
Ảnh chụp của máy thường hơi dư sáng do cách đo sáng của phần mềm
Trở lại với camera thông thường, máy không được trang bị những cảm biến độ phân giải 'khủng' 40, 48MP như một số dòng máy trên thị trường, nhưng vẫn cho ra những bức hình đủ tốt. Một nhược điểm cố hữu (nằm ở phần mềm) của Honor và Huawei đó là khả năng đo sánh: trong đa phần trường hợp, máy sẽ cho bức hình sáng hơn thông thường.
Nếu chụp ở độ sáng mà máy chọn này, ta sẽ mất chi tiết ở vùng Highlight, tạo ra nhiễu ở vùng tối và tất nhiên là không tạo ra bức hình nhìn giống đời thực. Tất nhiên, ta cũng có thể chỉnh lại độ sáng bằng tay, nhưng quá trình này cũng sẽ tốn thêm một chút thời gian.
Có vẻ như những nâng cấp về phần mềm được thể hiện rõ nhất ở cách máy xử lý ảnh ở camera chính. 3 tháng trước, hình ảnh ở camera chính thường có độ tương phản thấp, làm các chi tiết bị lem vào nhau nên bức hình thường thiếu sức sống. Nhưng qua những lần cập nhật phần mềm, tương phản trong hình ảnh đã tương tăng lên rõ rệt, hiện tượng viền sáng (halo) cũng đã được loại bỏ triệt để.
Ảnh của Honor 20 Lite đã bớt bệt và có tương phản đủ tốt
Tất nhiên là cách phối màu của Honor (và Huawei) vẫn không thay đổi: đậm đà ngay từ lúc chụp, nên ta sẽ không phải chỉnh sửa thêm một chút nào nữa. Tuy vậy, do có độ tương phản đã được cải thiện so với trước đây nên nhìn màu cũng đỡ bị lem luốc hơn trước, chỉ cần đo sáng chuẩn là sẽ ra được những bức hình đẹp và đăng được ngay.
Khả năng xóa phông của máy cũng không tệ chút nào, nhưng cũng sẽ cần sự trợ giúp của người dùng để đạt được hiệu quả cao nhất. Ở chế độ tự động, đôi khi máy vẫn chọn sai sự vật để làm chủ thể, và xóa nó cùng với những thứ ở phông. Ta chỉ cần chọn lại chủ thể thì máy sẽ làm tốt việc chọn viền, xóa phông để làm nổi bật nó lên.
Khả năng chụp xóa phông từ Honor 20 Lite
Thuật toán xóa phông hiện nay của Honor nói riêng và các smartphone trên thị trường nói chung đã khá tốt, không còn quá nhiều trường hợp bị cắt sai, làm vật bị lem ra ngoài nữa; song ở những mức xóa phông mạnh nhất (như giả lập f/0.95, f/1.2) thì máy xóa hơi mạnh, nhìn hơi 'quá đà', ta chỉ cần dùng tới f/1.8 hoặc f/2 là hợp lý.
Như đã đề cập ngay ở đầu bài, điểm yếu về phần cứng của Honor 20 Lite là thiếu đi camera zoom để chụp những vật ở xa. Với zoom số, ta có thể 'kéo' độ phân giải 24MP của camera chính lên tới 1.5x thì vẫn đủ tốt, ngược lại thì tới mức 2x như bức hình chụp cá vàng Nhật ở trên thì bắt đầu xuất hiện vỡ hạt, không sử dụng được.
Thêm một vài hình ảnh được chụp từ Honor 20 Lite:
Vậy hệ thống chụp hình này có tốt hay không?
Nằm ở phân khúc tầm thấp / trung, thậm chí lại có chữ 'Lite' ở trong tên nên Honor 20 Lite chắc chắn sẽ không được trang bị hệ thống camera tốt nhất trên thị trường. 3 điểm yếu đáng nói đó là chất lượng chụp hình trong tối của camera siêu rộng, khả năng đo sáng (hay bị dư sáng) và khả năng chụp xa yếu.
Nhìn về mặt tích cực, với những ai biết rõ về các điểm yếu này và có khả năng khắc phục thì Honor 20 Lite lại không hề tệ chút nào. Nhờ vào những sự sửa chữa về phần mềm mà cách xử lý hình ảnh của máy cũng đã tốt hơn, tăng độ tương phản làm ảnh không còn bị 'bẩn' nữa, đưa nó ngang hàng với các sản phẩm ở cùng tầm giá.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming