Đánh giá Honor 20 Lite - Chữ 'Lite' được nhấn hơi mạnh
Có lẽ đã đến lúc Honor phải đổi mới bản thân để không tụt lại so với các hãng smartphone tầm trung khác.
Một câu nói đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong thời gian gần đây: "Thị trường smartphone tầm trung hiện nóng hơn bao giờ hết", các hãng đang ra mắt liên tiếp các dòng máy ở phân khúc này như nấm mọc sau mưa. Honor mới đây cũng đã 'góp vui' với Honor 20 Lite, được coi là 'anh em xa' của chiếc Huawei P30 Lite.
Thế nhưng thị trường càng 'nóng', sự cạnh tranh càng cao và những smartphone có chất lượng kém hơn dù chỉ một chút cũng sẽ 'không chịu được nhiệt' rồi để bị các sản phẩm khác bỏ lại. Vậy Honor 20 Lite thuộc nhóm nào, dẫn đầu phân khúc hay đang phải tức tốc chạy theo?
Thiết kế đẹp, hoành tráng, song có điểm cần cải thiện
Điểm đầu tiên bắt mắt người dùng của Honor 20 Lite đó là cách phối màu của mặt lưng. Phiên bản mình có ở đây được gọi là màu 'Đỏ trạng nguyên', có đầy đủ từ sắc tím đậm đến hồng và đỏ, chắc chắn khi sử dụng ngoài đường sẽ làm mọi người phải ngoái nhìn!
Máy có trọng lượng nhẹ, kèm theo đó được vát cong rất hợp lý nên cầm trên tay thoải mái dù có sử dụng trong một thời gian dài. Trong khi sử dụng Honor 20 Lite mình cũng được thử nghiệm chiếc Huawei P30 Pro và phải công nhận một điều là những dòng máy cao cấp nhìn thì thật 'sexy', ngược lại thì thua hoàn toàn những dòng máy cấp thấp về tính công thái học!
Ta tiếp tục tìm hiểu về thiết kế với cụm camera gồm có 3 chiếc (sẽ nói rõ hơn trong phần sau) cùng với cảm biến vân tay ở mặt lưng.
Cảm biến vân tay này không cho cảm giác hiện đại như kiểu đặt dưới màn hình, bù lại có tốc độ đọc và độ chính xác rất tốt, chỉ nhấn nhẹ là ta đã mở được máy. Kèm theo đó, Honor 20 Lite cũng được trang bị khả năng nhận diện khuôn mặt, hoạt động nhanh không kém và có thể sử dụng được trong cả điều kiện thiếu sáng.
Mở khóa bằng cảm biến vân tay
Mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt
Lật cạnh phải, ta có nút nguồn và chỉnh âm lượng.
Khe cắm SIM và thẻ mở rộng bộ nhớ micro SD được đặt lên trên.
Cạnh dưới ta có thêm cổng 3.5mm (cộng một điểm cho thiết kế) và cổng sạc micro USB (ngay lập tức trừ điểm vừa cộng!). Vẫn chưa hiểu tại sao Honor chưa chuyển sang chuẩn USB Type-C mới giống với các sản phẩm P30 đến từ Huawei.
Điểm vẫn được giữ từ P30 Lite trên Honor 20 Lite đó là thiết kế màn hình. Ta có một màn hình lớn 6.2 inch với 'giọt nước' và các viền đều khá mỏng nên tối ưu hóa được hơn 90% diện tích cho mục đích hiển thị. Cạnh dưới hay còn gọi là 'cằm' có dày hơn đôi chút so với viền, nhưng ở mức chấp nhận được và giữ được dáng vẻ cân đối của mặt trước.
Máy cũng được trang bị hệ thống điều hướng bằng cách vuốt từ cạnh đáy, nên việc có thêm một chút 'cằm' cũng giúp người dùng không phải vuốt tay vào phần gờ được làm nhô lên, tạo cảm giác thoải mái hơn.
Tấm nền được hãng sử dụng có dạng LCD với độ phân giải FullHD , với khả năng tái tạo màu ở mức ổn, cân bằng trắng tốt ngay từ khi lấy ra khỏi hộp (không bị quá xanh hay quá vàng).
Phần mềm đậm chất Honor - Huawei
Giống như những sản phẩm trước đây của hãng, Honor 20 Lite không những đậm đà ở cách thiết kế vỏ ngoài mà còn cả về ngôn ngữ phần mềm bên trong. Máy sử dụng Android 9 Pie với 'bộ vỏ' EMUI 9 không hề thiếu màu sắc!
Giao diện EMUI 9.0.1 trên Honor 20 Lite
Không biết vô tình hay cố ý nhưng giống hệt với trải nghiệm vỏ ngoài, phần mềm của Honor 20 Lite phải sử dụng thực tế mới thấy có những điểm chưa hợp lý. Đầu tiên phải kể tới hàng tá ứng dụng được cài sẵn của Honor - Huawei như HiCare, Health, Honor Store,...không thể xóa được và bắt buộc phải đặt vào một folder nếu như không sử dụng tới.
Phần mềm màu mè nhìn trong một thời gian ngắn thì 'hay', song sau khi đã trải nghiệm những dòng máy Android khác hoặc các máy thuộc chương trình Android One với giao diện thuần thì mình mới thấy giao diện của Honor nhìn chưa ổn lắm, từ icon đến các thanh công cụ.
Trong bài đánh giá chiếc Huawei P30 Pro cũng đã chỉ ra, thì EMUI có một số 'cử chỉ thông minh' của hãng được kích hoạt một cách bất ngờ, khi người dùng đang muốn thực hiện các tác vụ thông thường khác. Kèm theo đó là việc kiểm soát tác vụ nền quá chặt chẽ cũng gây ra những vấn đề với ứng dụng của bên thứ 3.
Cấu hình đủ dùng
Điều khiển hoạt động của Honor 20 Lite là vi xử lý Kirin 710 cùng với đó là 4GB RAM. Vi xử lý Kirin 710 gồm có 64-bit 8 nhân, trong đó có 4 nhân Cortex-A73 hiệu năng cao và 4 nhân Cortex-A53 tiết kiệm điện, cuối cùng là GPU xử lý đồ họa Mali-G51.
Đánh giá hiệu ứng CPU...
...và GPU của vi xử lý HiSilicon Kirin 710.
Trong các bài đánh giá benchmark về CPU thì Kirin 710 có điểm số ngang ngửa với Snapdragon 660 và thấp hơn khoảng 10% so với Helio P70 xuất hiện trên OPPO F11/F11 Pro. Nhưng khi đánh giá về GPU thì Kirin 710 tỏ ra thua kém một cách rõ rệt, khi chỉ cho điểm 3DMark thấp hơn nhiều.
Điều này đồng nghĩa với việc các tác vụ thông thường như sử dụng ngoài giao diện chính, lướt web Honor 20 Lite hoàn toàn có thể đáp ứng được, ngược lại khi vào game thì máy sẽ thua kém so với các máy tầm trung khác. Kirin 710 hiện nay cũng không còn là một vi xử lý mới nữa, rất mong Huawei - Honor phát triển các thế hệ thay thế, đặc biệt là phải nâng cấp về khả năng đồ họa.
Vấn đề pin sạc lại tiếp tục là một khoản nữa Honor 20 Lite 'ổn' nhưng chưa nổi bật so với các hãng khác. Máy được trang bị một viên pin 3400mAh, do có khả năng quản lý tác vụ nền rất chặt (đã đề cập ở trên) nên vẫn cho thời lượng sử dụng trong 1 ngày, miễn là người dùng không chơi game nặng liên tục.
Kèm theo đó, máy cũng không được trang bị chuẩn sạc nhanh và chỉ có nguồn 5V/2A mà thôi, trong khi các dòng máy tầm trung khác trên thị trường cũng đã dần được trang bị khả năng sạc nhanh, từ 15 - 25W.
Khả năng chụp hình: phần mềm 'kéo đuôi' phần cứng
Về khả năng chụp hình, Honor 20 Lite được trang bị camera selfie 32MP, 3 camera sau gồm một camera chính 24MP, một chiếc góc siêu rộng 16mm 8MP và một cảm biến 'chết' đo chiều sâu. Có lẽ đã nói đi nói lại nhiều lần, việc các hãng smartphone thêm một camera siêu rộng vào sản phẩm làm mình rất hào hứng, vì nó có thể tạo ra các bức ảnh khác biệt và tạo ấn tượng mạnh.
Phần cứng đầy đủ rồi, nhưng điều làm mình chưa hài lòng lại là cách máy xử lý hình ảnh. Giống như bất cứ smartphone vào trong quá khứ của Honor, 20 Lite thường lạm dụng tính năng HDR nên ảnh chụp thường bị 'bệt' màu, phẳng và đặc biệt là xuất hiện đường viền sáng (halo) quanh chủ thể.
Một vài ảnh chụp từ camera sau Honor 20 Lite
Kết quả là hình ảnh chụp từ Honor 20 Lite thường thiếu tương phản vì không có điểm sáng tối rõ rệt vì cách pha màu không tươi sáng. Tình hình này có thể được cải thiện bằng cách bản cập nhật phần mềm, hy vọng hãng sẽ sớm bổ sung!
Lời kết
Nếu được miêu tả trải nghiệm Honor 20 Lite chỉ với một từ, thì nó sẽ là 'Khá'. Chiếc smartphone này đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sử dụng của người dùng tầm trung: nghe gọi, lướt web, xem video - phim và chơi game nhẹ nhàng.
Song từ thiết kế, cấu hình và phần mềm đều dừng lại ở mức "thường thường bậc trung", lại có những nét xưa cũ của các sản phẩm của Honor và Huawei trước đây. Đặc biệt trong số đó thì chất lượng hoàn thiện vỏ ngoài - cụ thể hơn là mặt lưng thể hiện rất rõ chữ 'Lite - rút gọn' trong tên sản phẩm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming