Đánh giá Huawei P30 Pro: Chiếc smartphone phi thường dành cho người không bình thường
Nếu coi thế giới smartphone như một xã hội thu nhỏ và mỗi chiếc smartphone là một con người bình thường, thì Huawei P30 Pro là một... siêu nhân với những siêu năng lực mà không một ai khác có được. Nhưng, những siêu năng lực ấy khi vào tay của một con người bình thường sẽ ra sao?
Nếu được chọn ra một nhà sản xuất smartphone “nhọ" nhất 2018, thì tôi nghĩ ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu đó là Huawei. Trong năm 2018, Huawei đã tạo ra nhiều công nghệ đột phá như hệ thống ba camera, sạc nhanh SuperCharge, chip Kirin với NPU, quét khuôn mặt 3D, cảm biến vân tay dưới màn hình… trên các dòng sản phẩm như P20 và Mate 20. Trước thời điểm ngành công nghiệp smartphone đi đến bão hoà, để tạo ra ngần ấy những đột phá là điều không hề đơn giản - và Huawei đã phải nỗ lực rất nhiều thì mới có thể biến chúng thành hiện thực.
Ấy vậy, những nỗ lực của Huawei lại bị huỷ hoại bởi những sự kiện liên-quan-mà-lại-không-hề-liên-quan: Mỹ và châu Âu tẩy chay, CFO Huawei bị bắt, cộng thêm những rắc rối trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Trong khoảng cuối năm ngoái và đầu năm nay, không một tập đoàn công nghệ nào được phương tiện truyền thống nhắc đến nhiều, kèm theo những thông tin tiêu cực, như Huawei. Điều này đã tạo nên sự hoang mang cho người dùng, trong đó định kiến phổ biến nhất là “dùng điện thoại Huawei có nghĩa là bạn đang bị giám sát".
Vậy tại sao nói những sự kiện trên của Huawei là “liên-quan-mà-lại-không-hề-liên-quan”? Tất cả những cáo buộc (xin nhắc lại một lần nữa là cáo buộc) hiện nay về Huawei đều liên quan đến thiết bị mạng, tức là hạ tầng đằng sau mạng 4G/5G của các nhà mạng. Còn đối với người dùng cuối như tôi và bạn, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào (ít nhất là về mặt kỹ thuật) cho thấy điện thoại Huawei đang theo dõi chúng ta.
Thế nhưng không phải người dùng nào cũng hiểu rõ điều đó - vậy Huawei sẽ phải làm gì? Thể hiện bằng sản phẩm thực tế. Hãy tích hợp thật nhiều công nghệ đột phá để tạo ra một sản phẩm vượt trội hoàn toàn so với đối thủ, từ đó khiến người dùng sẵn sàng bỏ qua những bê bối kia để đến với sản phẩm của mình.
Và với thế hệ smartphone cao cấp nhất của mình là P30 Pro, Huawei đã thành công trong việc tạo ra một chiếc smartphone với những tính năng phi thường. Nhưng với người dùng bình thường, liệu họ có cần đến sự phi thường đó không?
Nếu coi thế giới smartphone như một xã hội thu nhỏ và mỗi chiếc smartphone trong đó là một con người bình thường, thì Huawei P30 Pro là một… siêu nhân với những siêu năng lực mà không một ai khác có được.
Bên cạnh những ưu điểm vốn có của smartphone cao cấp về thiết kế, màn hình hay cấu hình, Huawei coi P-series là dòng máy tập trung cho việc nhiếp ảnh (P = Photography). Và năm nay, Huawei tiếp tục rèn giũa cho P30 Pro những siêu năng lực mới về nhiếp ảnh.
Năm ngoái, P20 Pro từng gây ấn tượng với khả năng zoom quang học 3X, vượt trội hơn so với mức 2X của đối thủ. Năm nay, trong khi Apple và Samsung vẫn chưa thể vượt qua mức 3X của P20 Pro, Huawei tiếp tục phá vỡ kỷ lục bản thân khi đem đến cho P30 Pro ống kính zoom quang học 5X với tiêu cự 125mm. Chưa dừng lại ở đó, P30 Pro còn được trang bị kính tiềm vọng (periscope), cho phép chiếc máy này zoom lai (hybrid) 10X và zoom số 50X - lớn nhất từ trước đến nay.
Với những thông số phần cứng khủng như vậy, không ngạc nhiên khi P30 Pro này hủy diệt hoàn toàn Apple iPhone XS Max và Samsung Galaxy S10 về khả năng zoom. P30 Pro không chỉ zoom xa hơn, mà nó còn cho độ nét cao hơn ở mỗi mức zoom so với đối thủ.
Nếu bạn có sở thích chụp trăng, P30 Pro là chiếc smartphone duy nhất trên thị trường có thể khiến bạn thỏa mãn
Đương nhiên, không phải ai cũng có nhu cầu... chụp trăng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thực tế, khả năng zoom của P30 Pro là tỏ ra khá hữu dụng. Ví dụ, khi bạn trông thấy một khung cảnh khá ngộ nghĩnh của những con vật, nhưng bạn không thể tiến lại gần vì sẽ làm nó giật mình... không sao, đã có P30 Pro.
Một chú chó vàng nằm trên xe ba gác
Có những lúc bạn đi xem ca nhạc nhưng lại ngồi ở hàng ghế cuối và không nhìn thấy ai đang biểu diễn trên sân khấu... không sao, đã có P30 Pro (nhưng đừng áp dụng tính năng này ở trong rạp chiếu phim nhé).
A, Bích Phương!
Có những lúc bạn thấy đám đông bu lại vào một thứ gì đó, bạn ở xa nhưng vẫn muốn "hóng"... không sao, đã có P30 Pro.
Hóa ra là xếp hàng mua kem cuộn
Hay khi bạn đang ngồi ở trong quán cafe, bạn định gọi một vài người bạn của mình đến đây "chém gió" nhưng không nhớ mình đang ngồi ở phố nào... không sao, đã có P30 Pro.
"Đang ngồi ở Lò Sũ nhé!"
Không chỉ zoom, P30 Pro còn đánh bại các đối thủ ở khả năng chụp ảnh thiếu sáng - hay nói một cách chính xác hơn là cực tối.
Hãy lấy một ví dụ cụ thể. Ở cùng một khung cảnh, đây là ảnh chụp từ chiếc iPhone XS Max
Đây là Galaxy S10
Còn đây là P30 Pro
Thần kỳ phải không? “Siêu năng lực” này của P30 Pro không chỉ là kết quả của một thành phần, mà nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, cả về phần cứng lẫn phần mềm:
- Cảm biến với cấu trúc RYYB (Red-Yellow-Yellow-Blue) thu nhận ánh sáng nhiều hơn 40%
- Kích thước cảm biến 1/1.7 inch lớn hơn đáng kể so với đối thủ
- Độ nhạy sáng (ISO) đạt mức tối đa 409.600
- Phần mềm với sự hỗ trợ của AI và kỹ thuật chồng ảnh (stacking) để kéo dài thời gian phơi sáng nhưng ảnh vẫn không bị rung.
Để nắm vững kỹ năng "thuần hóa" 2 siêu năng lực nói trên, bạn có thể tham khảo bài viết này.
Sạc nhanh là tính năng mà mọi chiếc smartphone ngày nay đều có. Trên P30 Pro, tính năng này đã được Huawei nâng lên một tầm cao mới với công nghệ SuperCharge.
Mặc dù đã sử dụng P30 Pro được một thời gian, nhưng đôi lúc tôi vẫn cảm thấy bất ngờ vì chiếc máy này... sạc quá nhanh. SuperCharge đã khiến cho những công nghệ sạc nhanh của những hãng khác trở thành… sạc chậm.
Khả năng sạc nhanh của P30 Pro đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn cách sử dụng điện thoại. Bản thân P30 Pro đã có thời lượng pin rất “trâu" (4200mAh), tuy nhiên khi kết hợp với khả năng sạc siêu nhanh thì đây là chiếc máy mà tôi hoàn toàn không phải lo lắng về pin.
Ngoài ra, nếu như bạn từng gặp cảnh quên cắm sạc điện thoại buổi đêm và buổi sáng thức dậy mới phát hiện ra máy gần cạn pin, thì đây không phải là một vấn đề với P30 Pro. Bạn chỉ cần cắm sạc chiếc máy này rồi đi đánh răng, rửa mặt, thay quần áo và bạn sẽ ra đường với một chiếc điện thoại với ít nhất 60-70% pin, hoàn toàn đủ cho một ngày sử dụng thông thường.
P30 Pro quả là một chiếc smartphone với nhiều năng lực phi thường. Nhưng, những năng lực ấy khi vào tay của một con người bình thường thì sẽ ra sao? Hay nhìn theo một góc độ khác, liệu một chiếc smartphone phi thường như P30 Pro sẽ ra sao khi làm những công việc bình thường?
Như nói ở trên, camera P30 Pro cho khả năng zoom 50X và chụp thiếu sáng vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, nói một cách thực tế, liệu một người bình thường có mấy khi cần đến zoom xa hay chụp ảnh ở điều kiện ngặt nghèo như vậy?
Vậy thì, hãy để P30 Pro làm thử một công-việc-rất-đỗi-bình-dị-mà-mọi-nguời-bình-thường-đều-làm-trên-chiếc-smartphone-bình-thường của họ xem sao, đó là chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng thông thường.
Trong tình huống này, P30 Pro là chiếc máy cho ảnh tệ nhất. Chiếc máy này đo sáng sai khiến ảnh tối hơn hai chiếc máy còn lại, đặt cân bằng trắng cũng sai khiến cho ảnh bị ám xanh.
Không ít trường hợp P30 Pro cho ảnh với màu sắc nhạt nhòa và khó coi. Ở trong ảnh trên, màu sắc của hoa và chiếc bình từ vàng chuyển sang trắng.
Màu sắc nhạt nhòa khiến cho khung cảnh chụp ở phố đi bộ trở nên kém sống động và cho cảm giác "lạnh lẽo"
Một vấn đề khác của thuật toán xử lý ảnh của P30 Pro là độ tương phản thường bị tăng lên quá cao. Ở trong tình huống này, độ tương phản cao cộng thêm đo sáng thiếu đã khiến chú mèo trong ảnh của P30 Pro trông bẩn hơn, cây cối không tươi tắn và tạo ra một bức ảnh trông tệ hơn cả iPhone X - một chiếc máy hơn hai năm tuổi
Thêm một ví dụ khác về màu sắc không đẹp mắt, cộng thêm độ tương phản bị tăng quá đà khiến cho ảnh của P30 Pro trở nên thua kém đối thủ
Trong một vài tuần qua, khi được biết mình có cơ hội được sử dụng chiếc điện thoại cho điểm số DxOMark cao nhất hiện nay, tôi cảm thấy rất hứng thú (và tự hào) mỗi khi được chụp ảnh bằng P30 Pro. Nhưng, cứ mỗi khi tôi chụp xong một tấm ảnh bằng P30 Pro, tôi lại ngậm ngùi đút máy vào túi quần, sau đó sử dụng chiếc iPhone X/XS/S10 mà tôi mang "back-up" ở túi quần còn lại để chụp thêm một tấm khác tương tự. Khi lọc ảnh, không ít lần tôi quyết định xóa ảnh của P30 Pro và giữ lại ảnh của chiếc máy back-up.
Thuật toán xử lý can thiệp vào ảnh để làm chúng trở nên nịnh mắt hơn là điều mà rất nhiều nhà sản xuất làm. Thế nhưng, cách thức phần mềm Huawei xử lý ảnh thật sự rất kỳ quặc. Mọi khía cạnh của bức ảnh đều bị “làm quá” và tạo ra một bức ảnh không những thiếu tự nhiên, mà còn tệ hơn cả góc nhìn thực tế của người dùng. Nó giống như một món ăn được chế biến từ rất nhiều nguyên liệu tươi ngon, nhưng rốt cục thì thành phẩm cuối cùng lại chẳng ra đâu với đâu do người đầu bếp lại không biết cách nêm gia vị và cho thừa muối, thừa tiêu, thừa mì chính.
Không chỉ chất lượng ảnh của chiếc máy phi thường này trông rất đỗi bình thường, mà giao diện camera của nó cũng không dành cho người bình thường. Trong số các nhà sản xuất smartphone hiện nay, giao diện camera của Huawei mang đến nhiều tính năng nhất, nhưng cũng khó sử dụng nhất. Ngay cả bản thân một người đam mê smartphone như tôi cũng cảm thấy lúng túng trong việc sử dụng camera của P30 Pro.
Huawei tự hào về việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào camera, nhưng có vẻ như AI của Huawei không đủ thông minh để biết người dùng cần gì nên Huawei buộc phải thêm nút bật/tắt AI ở giao diện camera. Người dùng sẽ cảm thấy rất lúng túng khi không biết nên bật AI hay không. Để thêm phần rối rắm, khi tắt AI, người dùng còn có đến ba tuỳ chọn màu sắc khác nhau. Rốt cục tôi nên bật cái gì và tắt cái gì?
Đa số smartphone ngày nay đều có chế độ chụp ảnh xoá phông và thường được đặt tên là chế độ chân dung. Thế nhưng, Huawei có đến hai chế độ xoá phông khác nhau. Chế độ "Chân dung" dành riêng để chụp ảnh người, hỗ trợ các hiệu ứng bokeh và làm đẹp; còn chế độ "Khẩu độ" dùng để chụp cả người và vật, hỗ trợ thay đổi khẩu độ. Mỗi lần chụp xoá phông, tôi cảm thấy rất lúng túng khi không biết chọn chế độ nào.
P30 Pro còn có ty tỷ tính năng chụp ảnh khác mà có lẽ người dùng chuyên nghiệp sẽ thích, nhưng người dùng bình thường sẽ không bao giờ sử dụng.
Camera không phải là thứ duy nhất mà phần mềm P30 Pro bộc lộ điểm yếu - mà toàn bộ giao diện EMUI trên chiếc máy này cũng không được tôi đánh giá cao.
Đầu tiên, giao diện EMUI của Huawei có tính thẩm mỹ không cao khi so sánh với hai đối thủ chính là iOS (Apple) và One UI (Samsung). Mặc dù đã có nhiều cải thiện so với những phiên bản cũ, tuy nhiên thiết kế của EMUI vẫn đem lại cảm giác “rẻ tiền" và không xứng với một thiết bị đẳng cấp như P30 Pro.
Trong số ba nhà sản xuất smartphone lớn nhất hiện nay là Samsung, Huawei và Apple, không khó để nhận ra Huawei sở hữu giao diện người dùng xấu nhất
Ngoài giao diện, EMUI còn có hàng loạt những "tính năng" tưởng chừng như sẽ giúp ích người dùng, nhưng thực tế thì lại đem đến cho họ nhiều phiền toái. Tính năng dùng khớp ngón tay để chụp ảnh/quay phim màn hình đôi khi bất ngờ được kích hoạt khi tôi đang chơi game và không khỏi khiến tôi muốn "đập máy" giữa những pha combat căng thẳng. Tính năng "Tạp chí màn hình khóa" tùy ý thay đổi hình nền màn hình khóa, tuy nhiên thực tế thì ai cũng sử dụng hình ảnh của riêng mình và khiến cho nó trở nên vô dụng. Hay, việc EMUI kiểm soát ứng dụng chạy nền để tiết kiệm pin cũng khiến cho một số ứng dụng bên thứ ba gặp vấn đề với khả năng hiển thị thông báo.
Để có thể cảm thấy “dễ chịu” hơn khi sử dụng P30 Pro, tôi đã phải thay thế launcher gốc của máy, vào cài đặt để tắt một số tính năng không dùng đến cũng như gỡ một loạt ứng dụng đi kèm. Sau khi làm những điều này, trải nghiệm của tôi với P30 Pro trở nên tốt hơn đáng kể.
Đổi launcher và loại bỏ bộ icon xấu xí của EMUI là một trong những điều tôi làm khi sử dụng P30 Pro
Nhiều nhà sản xuất điện thoại sử dụng từ “Pro” để đặt tên sản phẩm của mình (ví dụ như Xiaomi Redmi Note 7 Pro, Realme 2 Pro hay Asus Zenfone Max Pro) đơn giản là chỉ để nghe cho “ngầu", chứ bản chất của chúng thì không có gì “Pro” hơn so với các sản phẩm khác và cũng không hướng tới đối tượng chuyên nghiệp.
Nhưng với Huawei P30 Pro, đây là một chiếc máy mà cái mác “Pro” của nó được thể hiện một cách đúng nghĩa. Bạn phải là Pro thì mới sử dụng những tính năng như zoom 50X hay chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng đến cực độ. Bạn phải là Pro thì mới có thể điều chỉnh những thông số camera mà người bình thường không thể hiểu được. Bạn phải là Pro thì mới đủ “đam mê vọc vạch" để thay launcher, đổi theme rồi tuỳ chỉnh cài đặt để chiếc điện thoại hoạt động đúng theo ý mình.
Nghĩ xem, trên đời này được mấy ai "Pro" như vậy?
Đối với một số thiết bị điện tử như máy tính, máy ảnh hay thiết bị nghe nhìn, người dùng được chia ra làm hai phân cấp: người dùng “bình thường” (consumer) và người dùng chuyên nghiệp (prosumer). Thiết bị phục vụ cho cả hai đối tượng người dùng này đều có chung một công dụng, tuy nhiên sản phẩm dành cho prosumer sẽ có nhiều tính năng/tuỳ chỉnh hơn, cho thành phẩm tốt hơn nhưng cũng khó sử dụng hơn so với sản phẩm dành cho consumer. Một ví dụ điển hình của sản phẩm dành cho consumer và prosumer là máy ảnh: consumer sẽ là những chiếc máy compact với ít tính năng nhưng dễ sử dụng, còn prosumer là những chiếc máy DSLR chuyên nghiệp với hàng loạt những thông số mà người dùng cần phải tìm hiểu trước khi bấm máy.
Smartphone là một lĩnh vực khác khi không có khái niệm người dùng smartphone “bình thường" và người dùng smartphone “chuyên nghiệp". Cho dù bạn có là ai và nhu cầu ra sao, thì những yếu tố cần thiết của một chiếc smartphone tốt vẫn không thay đổi: thiết kế bắt mắt, trải nghiệm nghe-nhìn (màn hình, âm thanh) tốt, camera đẹp, thời lượng pin lâu, phần mềm dễ sử dụng. Thế nên, việc Huawei tạo ra một chiếc điện thoại dường như chỉ dành cho “Pro” đang khiến cho hãng này tự tạo cho mình thế khó.
Thường thì, để tạo ra những sáng tạo về phần cứng là khó khăn hơn so với phần mềm. Ấy vậy mà trong trường hợp của P30 Pro, thứ khiến cho nó trở nên kén người dùng không phải là phần cứng, mà lại là phần mềm. Chúng ta đã được thấy rõ điều đó qua minh chứng cụ thể ở trên: chính phần mềm của Huawei đã khiến cho camera, cũng là thứ “vũ khí" giúp Huawei tấn công Apple, Samsung và chinh phục trái tim người dùng, bỗng chốc từ "phi thường" trở nên rất "tầm thường".
Trong thời gian qua, Huawei đã hợp tác với rất nhiều KOLs ở các mảng không-liên-quan-đến-công-nghệ (như đời sống, ẩm thực, làm đẹp...) để quảng bá cho P30 Pro. Nỗ lực này cho thấy Huawei đang rất muốn những con người không-đam-mê-công-nghệ, hay nói một cách khác là những con người bình thường, biết đến P30 Pro. Đây vốn là đối tượng người dùng mà Apple và Samsung vẫn độc chiếm trong suốt những năm qua ở Việt Nam - suy cho cùng, khi nói đến smartphone cao cấp, người ta chỉ nghĩ đến hai thương hiệu này mà thôi.
Huawei nhờ cậy KOLs để quảng bá P30 Pro đến những con người bình thường. Tuy nhiên, P30 Pro lại không phải là một sản phẩm dành cho những con người bình thường ấy, và không một quảng cáo nào có thể thay đổi điều đó.
Thế nhưng, sau khi trải nghiệm P30 Pro, tôi thấy Huawei có vẻ như vẫn chưa hiểu tâm lý người dùng bình thường cần gì. Người dùng bình thường không quan tâm đến cấu hình hay thông số, mà họ chỉ quan tâm đến trải nghiệm thực tế. Một người dùng bình thường sẽ ra cửa hàng điện thoại, cầm trên tay iPhone XS Max, Galaxy S10 và P30 Pro để cùng chụp một tấm hình - và khi họ nhận ra P30 Pro là chiếc máy chụp auto tệ nhất, thì đó cũng là lúc Huawei mất đi một khách hàng vào tay đối thủ. Đó cũng là lúc cảm biến lớn, ISO cao, zoom xa, công nghệ khủng cũng chẳng để làm gì.
P30 Pro là một chiếc máy với nhiều năng lực phi thường - tuy nhiên chỉ khi vào tay đúng người thì những năng lực ấy mới có thể phát huy mà thôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời