Đánh giá hiệu năng SoC Surge S1 trên Mi 5c: Liệu có thể đánh bại Snapdragon 625 như Xiaomi quảng cáo?

    Minh Trang,  

    Surge S1 là SoC đầu tiên do chính tay Xiaomi sản xuất - nhưng liệu nó có thể đánh bại "tượng đài lâu năm" Qualcomm với Snapdragon 625 như những gì Xiaomi mạnh miệng quảng cáo?

    Ngày 28/2 mới đây, Xiaomi đã chính thức trình làng SoC đầu tiên của mình mang tên Pinecone Surge S1, đi kèm với đó là một chiếc smartphone sử dụng con chip này là Mi 5c. Chỉ sau chưa đầy 1 tuần ra mắt, những chiếc Mi 5c đầu tiên đã về Việt Nam và chúng tôi đã có bài mở hộp và trên tay nhanh chiếc máy này vào ngày hôm qua.

     Xiaomi Mi 5c - chiếc máy đầu tiên sử dụng SoC Pinecone Surge S1 của chính Xiaomi

    Xiaomi Mi 5c - chiếc máy đầu tiên sử dụng SoC Pinecone Surge S1 của chính Xiaomi

    Vấn đề được người dùng quan tâm nhất ở Surge S1 là hiệu năng. Được hướng đến phân khúc giá rẻ và tầm trung, đối thủ của Surge S1 không phải là những con chip cao cấp như Snapdragon 821, Exynos 8890 hay Kirin 960, mà được đích thân Xiaomi chỉ định là Snapdragon 625. Tại buổi lễ ra mắt, Xiaomi đã trình chiếu một vài kết quả benchmark của Surge S1 cho thấy sự vượt trội của con chip này so với Snapdragon 625. Vậy thực tế ra sao?

     Trong buổi thuyết trình ra mắt sản phẩm, Xiaomi khẳng định hiệu năng của Surge S1 vượt qua Snapdragon 625

    Trong buổi thuyết trình ra mắt sản phẩm, Xiaomi khẳng định hiệu năng của Surge S1 vượt qua Snapdragon 625

    May mắn thay, cách đây không lâu, Xiaomi đã tung ra một chiếc smartphone sử dụng chip Snapdragon 625 là Redmi Note 4X, vì vậy nó sẽ được lựa chọn để tham gia vào bài so sánh. Bên cạnh đó, tôi cũng quyết định sẽ bổ sung kết quả từ chiếc Redmi Note 3 Pro, do con chip Snapdragon 650 của nó cũng được đánh giá rất cao và người dùng ưa chuộng trong phân khúc này.

    Trước hết, hãy cùng so sánh một chút về thông số kỹ thuật của ba SoC này. Có thể thấy kiến trúc của Surge S1 và Snapdragon 625 khá giống nhau khi đều sở hữu 8 nhân Cortex-A53, tuy nhiên Surge S1 có lợi thế đôi chút về xung nhịp khi có thể đạt mức tối đa 2.2Ghz, trong khi với Snapdragon 625 chỉ là 2Ghz. Snapdragon 650 thì lại ở một "đẳng cấp" khác khi mặc dù chỉ có 6 nhân, nhưng có 2 nhân Cortex-A72 cho hiệu năng mạnh mẽ hơn hẳn Cortex-A53. Một điểm khác biệt nữa giữa Surge S1 và Snapdragon 625 nằm ở tiến trình, khi Snapdragon 625 được sản xuất trên dây chuyền 14nm, xét trên lý thuyết sẽ giúp tiết kiệm điện năng hơn so với những con chip 28nm.

    Tồn tại bên trong phiên bản MIUI của Mi 5c bao gồm hai chế độ: Cân bằng (Balanced) và Hiệu năng (Performance). Đây là một tính năng mà chỉ các máy Xiaomi sử dụng chip MediaTek mới có, và nay, nó cũng xuất hiện trên Mi 5c. Chúng tôi phát hiện ra sự tồn tại của tính năng này khi máy "gợi ý" người dùng kích hoạt chế độ hiệu năng cao khi khởi chạy ứng dụng AnTuTu Benchmark. Để bạn đọc có một cái nhìn cụ thể nhất về hiệu năng của con chip này, chúng tôi sẽ thực hiện benchmark trên cả hai chế độ Balanced và Performance.

     Mi 5c sở hữu hai chế độ là Cân bằng (Balanced) và Hiệu năng cao (Performance)

    Mi 5c sở hữu hai chế độ là Cân bằng (Balanced) và Hiệu năng cao (Performance)

    Đầu tiên, hãy cùng đến với AnTuTu Benchmark - công cụ phổ biến nhất hiện nay. Ở chế độ Balanced, Mi 5c đạt điểm số khá thấp, chỉ dao động trong khoảng 47.000 điểm. Khi bật chế độ hiệu năng cao, Surge S1 mới phát huy được sức mạnh của mình và cho điểm số gần tương đương với Snapdragon 625 trên Redmi Note 4X. Trong đó, điểm 3D là yếu tố chứng kiến mức tăng mạnh nhất, từ mức 11.000 vọt lên 20.000 và đánh bại cả Adreno 506 lẫn 510 của Snapdragon 625 và 650.

    Tiếp theo đó là Geekbench. Khác với AnTuTu, Geekbench chỉ đo riêng hiệu năng của CPU và bỏ qua các yếu tố khác như GPU và RAM. Bù lại, Geekbench cho thấy chi tiết hiệu năng đơn nhân và đa nhân của CPU. Ở chế độ Balanced, Mi 5c thua kém Redmi Note 4X cả về điểm đơn nhân lẫn đa nhân. Khi kích hoạt chế độ Performance, tuy điểm đa nhân đã có sự cải thiện đáng kể (và giúp cho Mi 5c dành vị trí dẫn đầu), tuy nhiên điểm đơn nhân của Surge S1 vẫn thua kém Snapdragon 625 và Snapdragon 650. Đối với đa số ứng dụng, điểm đơn nhân được đánh giá là đem đến ảnh hưởng lớn hơn đối với các tác vụ thường ngày.

    Chuyển sang GPU, công cụ đầu tiên được sử dụng là GFXBench GL Benchmark. Công cụ này sở hữu một bộ sưu tập những khung cảnh đồ họa trải dài trên các phiên bản API OpenGL ES khác nhau, được sử dụng rộng rãi trên nhiều engine của game và ứng dụng. Do Mi 5c, Redmi Note 4X và Redmi Note 3 Pro đều có độ phân giải màn hình Full HD, chúng tôi quyết định sử dụng kết quả từ các cảnh on-screen (có hiển thị trên màn hình) để đem lại kết quả thực tế hơn.

    Có thể thấy, GPU Mali-T860MP4 cho hiệu năng khá tốt khi ở chế độ Balanced, nó đạt mức fps ngang ngửa so với Adreno 506 trên Snapdragon 625. Khi ở chế độ Performance, nó còn có thể vượt qua đôi chút so Adreno 510 của Redmi Note 3 Pro. Chúng ta tiếp tục bị ấn tưởng bởi sự khác biệt đáng kể giữa hai chế độ hiệu năng của máy, khi fps tăng lên đến 50-70%.

    Tiếp theo đó, chúng tôi sử dụng cảnh Sling Shot Extreme Unlimited từ công cụ 3DMark. Mặc dù cũng được xây dựng bằng thư viện đồ họa OpenGL ES 3.1, nhưng khác với GFXBench, Sling Shot Extreme Unlimited được render ở độ phân giải 2K (2560x1440), off-screen (không hiển thị trên màn hình và không phụ thuộc vào độ phân giải), và giảm thiểu tối đa những yếu tố của hệ điều hành và hệ thống gây ảnh hưởng đến kết quả benchmark. Kết quả của cảnh này sẽ thể hiện rõ nhất sức mạnh thuần của GPU.

    Qua kết quả đánh giá của 3DMark, lợi thế của GPU trên Surge S1 tiếp tục được thể hiện, khi chế độ Balanced, nó vẫn cho hiệu năng ngang ngửa so với Snapdragon 625. Kịch bản tiếp tục được lặp lại khi kích hoạt chế độ Performance: điểm số lại một lần nữa nhảy vọt, trong đó đặc biệt là điểm đồ họa. Điểm Physics (vật lý, dựa nhiều vào CPU) tuy cũng có tăng, nhưng không ấn tượng bằng. Mặc dù vậy, khác với GFXBench, lần này Mi 5c không thể vượt qua được Redmi Note 3 Pro.

    Cuối cùng, chúng tôi sử dụng PCMark với bài kiểm tra Work 2.0 để đánh giá hiệu năng thực tế. Nó sẽ mô phỏng quá trình sử dụng các tác vụ cơ bản như lướt web, chỉnh sửa ảnh/video, soạn thảo văn bản và phân tích dữ liệu. Chính vì vậy, PCMark sẽ đưa đến một kết quả benchmark rất gần so với trải nghiệm sử dụng hàng ngày của người dùng.

    Khác với những công cụ trước, hai chế độ Balanced và Performance không đem đến sự cải thiện đáng kể về điểm số cho Mi 5c, khi máy chỉ lần lượt đạt 3.663 điểm và 3.934 điểm. Con số này thua kém kha khá mức 4.596 điểm của Redmi Note 4X và 4.893 điểm của Redmi Note 3 Pro.

    Đến đây, có thể thấy Pinecone Surge S1 chỉ để lại ấn tượng ở GPU, khi GPU Mali-T860MP4 đã cho mức hiệu năng ngang ngửa với Adreno 506 của Snapdragon 625, và thậm chí có thể bỏ xa đối thủ khi đặt ở chế độ Performance. Còn lại, hiệu năng CPU vẫn chưa "ăn thua". Điều này được thể hiện rõ ở kết quả benchmark PCMark với những ứng dụng thực tế, khi mà đối với các tác vụ này, không phải lúc nào tất cả các nhân cũng sẽ được sử dụng do nó còn phụ thuộc vào khả năng chia luồng (thread) của phần mềm. Lúc này, hiệu năng đơn nhân sẽ đóng vai trò then chốt. Và kết quả Geekbench đã cho thấy hiệu năng đơn nhân của Surge S1 ngay cả khi bật chế độ Performance cũng không thể vượt qua Snapdragon 625.

    Mặc dù vậy, với việc chế độ Performance tạo nên sự thay đổi đáng kể về hiệu năng cho Mi 5c, nhiều người sẽ sẵn sàng bật nó để đem lại trải nghiệm tốt nhất. Tuy nhiên, cá nhân chúng tôi không cho rằng đây là một quyết định sáng suốt. Thậm chí, ngay bản thân Xiaomi cũng cảnh báo người dùng khi bật chế độ Performance về việc thiết bị sẽ nóng lên khi sử dụng các tác vụ nặng.

     MIUI sẽ cảnh báo về nhiệt độ khi chế độ Performance được bật

    MIUI sẽ cảnh báo về nhiệt độ khi chế độ Performance được bật

    Mặc dù trong thời gian trải nghiệm, chiếc Mi 5c chưa bao giờ nóng đến mức khiến đôi tay chúng tôi phải khó chịu, nhưng vấn đề mà chúng tôi muốn nói ở đây là thời lượng pin. Sử dụng công cụ đánh giá thời lượng pin có sẵn của GFXBench, cảnh Manhattan sẽ được lặp đi lặp lại liên tục, và chúng tôi sẽ đếm xem với 10% pin, Mi 5c sẽ chạy benchmark được trong thời gian bao lâu. Đối với Redmi Note 3 Pro và Redmi Note 4X, do hai máy có dung lượng pin lớn hơn, kết quả sẽ được lấy sau khi tụt 7% pin.

    Thật đáng kinh ngạc. Với 10% pin, nếu như Mi 5c ở chế độ Balanced có thể chạy bài benchmark trong hơn 18 phút, thì ở chế độ Performance, con số này chỉ đạt gần 9 phút, tức là chưa bằng 1/2. Con chip Snapdragon 650 trên Redmi Note 3 Pro cùng được xây dựng trên tiến trình 28nm như Surge S1 nhưng cũng đạt mức hơn 17 phút, trong khi cho mức hiệu năng cao hơn. Nhưng tất cả đều phải ngả mũ kính phục Snapdragon 625, khi đây thực sự là một con chip được Qualcomm tối ưu rất tốt và đạt mức gần 34 phút, bỏ xa mọi đối thủ còn lại.

    Như vậy nếu tính toán một cách tương đối, trong trường hợp người dùng muốn tận hưởng hiệu năng và kích hoạt chế độ Performance, viên pin 2860mAh của Mi 5c sẽ bị đốt sạch chỉ trong khoảng 1.5-2 tiếng. Ngay cả ở chế độ Balanced, con số này có lẽ cũng sẽ chỉ dao động trong khoảng 3-4 tiếng. Với một SoC không thật sự hiệu quả trong việc quản lý năng lượng, kết hợp với một dung lượng pin trung bình, tôi không mong đợi nhiều vào thời lượng pin của Mi 5c. Trong khi đó, SoC Snapdragon 625 kết hợp với dung lượng pin "khủng" của Redmi Note 4X sẽ dễ dàng biến đây trở thành ông hoàng mới về thời lượng pin.

    Để giải thích lý do tại sao chế độ Performance lại cho mức hiệu năng cao hơn và cũng tốn pin hơn đến như vậy, hãy cùng theo dõi hoạt động của các nhân CPU. Khi kích hoạt chế độ Balanced, sẽ chỉ có 6/8 nhân của Surge S1 được kích hoạt, còn lại hai nhân 2.2Ghz sẽ bị tắt. Kể cả khi thực hiện các bài benchmark nặng, hai nhân này cũng vẫn bị tắt, từ đó dẫn đến kết quả benchmark CPU yếu kém mà chúng ta được thấy ở trên.

     Ở chế độ Balanced (trái) sẽ chỉ có 6/8 nhân hoạt động. Trong khi đó với chế độ Performance, cả 8 nhân sẽ luôn hoạt động với xung nhịp cao

    Ở chế độ Balanced (trái) sẽ chỉ có 6/8 nhân hoạt động. Trong khi đó với chế độ Performance, cả 8 nhân sẽ luôn hoạt động với xung nhịp cao

    Còn khi bật chế độ Performance, không chỉ cả 8 nhân đều được kích hoạt, mà chúng còn luôn hoạt động ở xung nhịp rất cao. Mặc dù không có ứng dụng nào chạy nền, máy chỉ ở màn hình chính và không có bất kỳ tác động nào, vẫn luôn có 4 nhân Cortex-A53 thường trực ở mức 1.8Ghz. Còn khi chạy các ứng dụng benchmark, cả 8 nhân đều đạt mức xung nhịp tối đa của mình là 1.4Ghz và 2.2Ghz. Đây cũng chính là lý do mà thời lượng pin của máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

     Điều trên là đúng kể cả khi máy ở chế độ nghỉ hay đang ở trong quá trình benchmark nặng

    Điều trên là đúng kể cả khi máy ở chế độ nghỉ hay đang ở trong quá trình benchmark nặng

    Mặc dù rất trân trọng sự dũng cảm của Xiaomi trong việc tham gia vào một lĩnh vực đầy khó khăn là chế tạo SoC, tuy nhiên, điều đó không khiến chúng tôi "mủi lòng" mà chối bỏ sự thật rằng Pinecone Surge S1 vẫn chưa đủ sức để cạnh tranh với các SoC khác, ít nhất là đến từ Qualcomm. Cần lưu ý rằng, một SoC không chỉ bao gồm CPU và GPU mà còn rất nhiều thành phần khác như ISP (xử lý ảnh), DSP (xử lý tín hiệu số) hay modem (phục vụ cho các kết nối mạng 2G/3G/LTE), nhưng, ở hai yếu tố quan trọng nhất mà người dùng coi trọng ở một SoC là hiệu năng và quản lý năng lượng, Surge S1 vẫn chưa khiến họ bị thuyết phục để sẵn sàng chuyển sang một nền tảng còn non trẻ.

     Kết quả của bài đánh giá này có là thế nào đi chăng nữa thì nó cũng chẳng quan trọng, vì trong tầm giá này, ai cũng sẽ lựa chọn Mi 5 với chip Snapdragon 820

    Kết quả của bài đánh giá này có là thế nào đi chăng nữa thì nó cũng chẳng quan trọng, vì trong tầm giá này, ai cũng sẽ lựa chọn Mi 5 với chip Snapdragon 820

    Một lý do nữa khiến Surge S1 sẽ rất dễ thất bại chính là do chính sách giá của Xiaomi. Với mức giá khoảng 5 triệu đồng, Mi 5c đắt hơn Redmi Note 4X và Redmi Note 3 Pro nhưng lại cho hiệu năng không thật sự ổn định. Kể cả khi kết hợp những yếu tố như thiết kế đẹp, camera tốt... giá trị của Mi 5c cũng không thể vượt qua được chiếc Mi 5, cũng đang được bán với giá khoảng 5-6 triệu tại thị trường Việt Nam nhưng sở hữu con chip Snapdragon 820 cho hiệu năng vượt trội hoàn toàn. Chính vì vậy, việc Surge S1 có thật sự vượt qua được Snapdragon 625 hay không cũng chẳng hề quan trọng, vì trong lúc bạn đang bận đọc bài review này, người ta đã đi mua Mi 5 hết cả rồi.

    Xin cảm ơn cửa hàng Mi Việt NamMobile City đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ