Đánh giá Intel Core i5-10600K: CPU chơi game hợp lý nhất hiện nay
Tiếp nối truyền thống của dòng Core i5, i5-10600K lại một lần nữa chiếm ngôi vương về chơi game ở phân khúc tầm trung
Trong đợt ra mắt sản phẩm cuối tháng Năm vừa qua, bên cạnh Core i9-10900K chiếm hầu hết tâm điểm của các trang công nghệ, Intel cũng gửi tới giới truyền thông i5-10600K trong press kit. Chuyện các dòng CPU i5 không được chú ý nhiều như i7 hay sau này là i9 cũng là điều hiển nhiên bởi chúng được định hình cho thị trường máy tính cá nhân trung – cao cấp. Tuy nhiên, không vì thế mà sức hấp dẫn của dòng CPU này thua kém các đàn anh. Thậm chí, i5-10600K có thể được coi là một trong những CPU thú vị nhất trong hàng chục CPU Core i thế hệ 10 Comet Lake-S của Intel.
Vẫn tiếp nối truyền thống của các dòng CPU Core i5, i5-10600K hướng tới đối tượng người dùng với hầu bao vừa phải và biết mình cần gì. Mức chênh lệch giữa i5-10600K và i7-10700K là khoảng 100 USD, con số mà nhiều người có thể tận dụng để nâng cấp card đồ hoạ, cho trải nghiệm chơi game tốt hơn.
Một trong những điểm khiến Core i5 thế hệ 10 nói chung và i5-10600K nói riêng trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với thế hệ trước là sự trở lại của tính năng siêu luồng HyperThreading. Giờ đây, các CPU i5 sẽ có cấu hình 6 nhân 12 luồng thay vì 6 nhân 6 luồng như i5-9600K. Nhờ vậy, hiệu năng đa nhiệm của CPU này đã được cải thiện rất nhiều, sẵn sàng cạnh tranh với đối thủ ngang tầm ở bên kia chiến tuyến và thậm chí là đối thủ ở phân khúc cao hơn nhờ vào mức xung vượt trội.
Cấu hình thử nghiệm:
-CPU: Intel Core i5-10600K
-RAM: Corsair Vengeance LPX 2x16GB 3200MHz CL16
-Mainboard: Gigabyte Z490 AORUS Master
-VGA: EVGA RTX 2080 Super XC Ultra Hybrid
-NVMe: Samsung PM981 1TB
-Tản nhiệt CPU: Arctic Liquid Freezer II 240mm
-PSU: Corsair SF750
Cấu hình trên được sử dụng lại từ bài đánh giá i9-10900K nên trông có vẻ hơi thừa, "overkill". Thực tế, mainboard để đá cặp với i5-10600K sẽ chỉ cần là một chiếc Z490 tầm trung với VRM khoảng 6-8 pha, vừa đủ để ép xung nhẹ. Ngoài ra, tôi cũng đánh giá i5-10600K sẽ là một lựa chọn lý tưởng cho các cấu hình nhỏ gọn SFF sử dụng bo mạch chủ form ITX.
Với việc được trang bị HyperThreading, với 12 luồng, hiệu năng render của i5-10600K đã được cải thiện hoàn toàn so với người tiền nhiệm i5-9600K. Nhờ vậy, ở bài thử tiêu biểu Cinebench R20, vốn rất được ưa chuộng để đo hiệu năng đơn và đa nhân cũng như kiểm tra độ ổn định của hệ thống, điểm số đơn nhân và đa nhân của i5-10600K thậm chí đã nhỉnh hơn chút so với đối thủ Ryzen 5 3600X.
Xin lưu ý một điều là tuy điểm số tương đương, Intel Core và AMD Ryzen 3000 có một khoảng cách khá xa về công nghệ, một bên sử dụng tiến trình 14nm trong khi bên còn lại sử dụng 7nm. Thế mới thấy, dù có phần cũ kĩ, công nghệ của Intel vẫn đủ khiến đối thủ phải dè chừng.
Trong khi đó, điểm số Blender của i5-10600K lại cho kết quả bất ngờ khi nhanh hơn Ryzen 5 3600X khi render file BMW và chậm hơn ở file Classroom. Về hiệu năng thuần tuý thông qua các bài thử như CPU-Z, Geekbench, 3DMark, nhờ mức xung nhịp cao hơn so với đối thủ, i5-10600K dễ dàng có điểm số cao hơn, thậm chí vượt trội lên tới 15%.
Nhờ mức xung nhịp cao hơn đối thủ khoảng 0,4GHz ở xung nhịp boost đa nhân lẫn đơn nhân, Core i5-10600K dễ dàng vượt mặt đối thủ ở hiệu năng chơi game khi thử nghiệm. Chỉ số FPS trung bình lẫn 1% low cao hơn đối thủ sẽ giúp đảm bảo cho người dùng một trải nghiệm mượt mà hơn. Không những thế, ở những tựa game tối ưu kém như PUBG, FPS trung bình của i5-10600K thậm chí còn ngang với đối thủ cạnh tranh ở quãng trên như Ryzen 7 3700X. FPS chính là minh chứng hùng hồn nhất cho việc dù công nghệ đã có tuổi đời lên tới 5 năm, Intel vẫn có khả năng gây khó khăn, thậm chí vượt trội ở khả năng chơi game so với đối thủ. Đây là một điều gây bất ngờ lớn, nhất là trong bối cảnh công nghệ bán dẫn vẫn có những bước nhảy vọt hàng năm.
Về mặt nhiệt độ, với chỉ 6 nhân xử lý, nhiệt độ của i5-10600K được xử lý rất tốt. Ở thế hệ Core i thứ 10, việc dát mỏng đế silicon đồng thời tăng độ dày của miếng tán nhiệt IHS đã giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát nhiệt độ hoạt động. Khi hoạt động với xung nhịp tiêu chuẩn trong điều hoà 25 độ C, nhiệt độ của i5-10600K cao nhất cũng chưa chạm 70 độ C khi được tản nhiệt bằng AIO 240mm và TDP chỉ ở mức 89W. Mức TDP khi CPU ở trạng thái nghỉ cũng chỉ 36 độ C. Nếu không có nhu cầu ép xung, i5-10600K hoàn toàn có thể được tản nhiệt bằng các dòng tản nhiệt bình dân hoặc các loại tản thấp low profile cho case nhỏ gọn SFF.
Cũng nhờ nhiệt lượng sinh ra trong quá trình hoạt động khá khiêm tốn, người dùng vẫn còn khoảng 30 độ C để có thể dễ dàng ép xung cho i5-10600K. Trong bài đánh giá này, với công cụ ép xung Intel Extreme Tuning Utility, i5-10600K có thể dễ dàng đạt mức xung 4,9 GHz all core mà nhiệt độ cũng chưa tới 80 độ C. Đồng thời, mức TDP chỉ ở khoảng 150W, cao hơn chút so với định mức 125W được công bố. Việc ép xung nhẹ nhàng này dễ dàng giúp người dùng có thêm được khoảng 10% hiệu năng.
Để tổng kết, i5-10600K có thể được coi là CPU thú vị nhất trong dòng CPU Comet Lake-S vừa ra mắt của Intel. Việc được trang bị 6 nhân 12 luồng cùng mức xung nhịp cao giúp CPU này dễ dàng chạm vào "sweet spot" của các cấu hình chơi game trang bị NVIDIA RTX 2070 hoặc AMD Radeon RX 5700 XT trở lên. Chưa kể, nhiệt độ hoạt động được kiểm soát rất tốt cũng giúp i5-10600K có thể được sử dụng cho các cấu hình ITX nhỏ gọn. Nếu đang có nhu cầu xây dựng cấu hình phục vụ chơi game thì Core i5 thế hệ 10 nói chung và i5-10600K nói riêng sẽ là lựa chọn tối ưu nhất trên thị trường hiện nay, sẵn sàng đua hiệu năng chơi game với cả các đối thủ trên tầm giá.
Ưu điểm:
-Hiệu năng chơi game tốt
-Hoạt động mát mẻ
-Dễ dàng ép xung
Nhược:
-Vẫn dậm chân tại tiến trình 14n
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI