Đánh giá laptop doanh nhân Lenovo ThinkPad X1 Carbon 2016: Pin khỏe, máy nhẹ, phần cứng mạnh mẽ, bản lề linh hoạt

    Dee Tee,  

    Sau hơn 20 năm tồn tại, thuơng hiệu ThinkPad vẫn luôn khẳng định được vị thế của mình giữa hàng ngàn sản phẩm máy tính xách tay mới trên thị trường.

    Khởi điểm ThinkPad là những chiếc máy tính của gã khổng lồ IBM, trong khoảng thời gian từ năm 1992 - 2005, các sản phẩm mang thuơng hiệu này đã khẳng định được vị thế trong thị trường laptop dành cho doanh nhân, nhờ vào khả năng bảo mật cũng như thiết kế chắc chắn nam tính của nó.

    Sau đó, thuơng hiệu ThinkPad được hãng máy tính Trung Quốc mua lại và phát triển cho tới nay. Đổi chủ sở hữu, nhưng cái chất của dòng laptop ThinkPad không hề mất đi. Thậm chí, các sản phẩm mới được ra mắt sau này còn thu hút nhiều hơn các đối tượng người dùng.

    Gần đây nhất, dòng Ultrabook ThinkPad X1 năm 2016 chính thức được giới thiệu. Vẫn những đường nét thân quen sau gần 25 năm, các sản phẩm mới tối ưu tốt hơn về kích thước cũng như hiệu năng, một lần nữa khẳng định ThinkPad chính là lựa chọn dành cho đối tượng doanh nhân.

    Nhân vật chính trong bài viết này là ThinkPad X1 Carbon, một sản phẩm Ultrabook siêu mỏng nhẹ, trang bị cấu hình phần cứng tốt cũng như có một thời lượng pin ấn tượng. Ngoài ra, điểm nhấn của thiết bị này còn nằm ở phần bản lề, cho phép mở rộng 180 độ để có thể dễ dàng làm việc trong nhiều tư thế ngồi.

    Thông tin phần cứng thiết bị được sử dụng để review

    CPU: Intel Core i7-6500U 2 lõi, 2,5GHZ (phiên bản cao cấp hơn sử dụng i7-6600U)
    Đồ họa: Intel HD Graphic 520
    Màn hình: 14-inch, FullHD 1920x1080 (phiên bản cao cấp hơn có màn hình 2K)
    Bộ nhớ RAM: 8GB
    Lưu trữ: SSD 256GB
    Cổng kết nối: WiGig, OneLink , Mini DisplayPort, HDMI, USB 3.0 x3, khe gắn thẻ MicroSD và MicroSim
    Kết nối không dây: WiFi a/c Snowfield Peak 2x2, Bluetooth 4.1, sử dụng 3G hoặc 4G qua Micro SIM

    Ngoài ra, thiết bị này còn được trang bị 1 số công nghệ bảo mật như chip TPM, bảo mật vân tay và Intel vPro. Tôi sẽ nêu rõ khả năng của các công nghệ này trong phần sau của bài viết.

    Thiết kế mỏng nhẹ ấn tượng

    Đầu tiên, Lenovo khẳng định luôn ThinkPad X1 Carbon là chiếc Businessman Laptop nhẹ nhất hiện nay, nó nhẹ hơn cả Apple MacBook Air và Dell XPS 13. Chiếc ThinkPad này chỉ nặng vỏn vẹn 1,1kg, các thông số kích thước khác là 332 x 229 x 16mm.

    Đúng với kích thước vô cùng khiêm tốn của máy, cảm giác cầm ThinkPad X1 Carbon bằng 1 tay vô cùng dễ dàng, cực nhẹ, chắc chắn các doanh nhân luôn mong muốn sở hữu 1 thiết bị gọn gàng như sản phẩm này làm bạn đồng hành trong những chuyến công tác xa.

    Tuy rất nhỏ gọn, nhưng phong cách thiết kế của ThinkPad vẫn được giữ nguyên. X1 Carbon vẫn là 1 chiếc máy đầy nam tính, lớp vỏ tối màu và các đường nét vuông gốc cứng cáp. Tôi vẫn bắt gặp 1 bóng đèn LED nhỏ nằm trên logo ThinkPad ở mặt trước của máy.

    Một điểm rất đáng chú ý trong thiết kế của X1 Carbon là phần bản lề 180 độ, bạn có thể mở ngang máy, yên tâm với một trọng lượng chỉ 1,1kg thì việc cầm ultrabook này trên tay vẫn vô cùng dễ dàng. Phần bản lề này cũng khiến tôi liên tưởng tới "anh em" của X1 Carbon, là chiếc X1 Yoga, một máy ThinkPad cho phép bạn lật màn hình 360 độ.

    Phần bản lề khá chắc chắn, tuy nhiên bạn vẫn phải dùng tay để giữ khi muốn mở máy từ trạng tháng gập sẵn.

    Trải nghiệm sử dụng

    Hiệu năng thiết bị

    Trang bị tới Intel Core i7, dù chỉ là dòng U-series với hiệu năng bị cắt giảm để tiết kiệm năng lượng, nhưng rõ ràng không thể đánh giá thấp trải nghiệm người dùng trên ThinkPad X1 Carbon 2016.

    Vi xử lý mà nó sử dụng là Core i7-6500U, kiến trúc Skylake mới nhất của Intel tính tới thời điểm hiện tại. Vi xử lý này có xung nhịp 2,5GHz và mang tới khả năng làm việc tuyệt vời, đáp ứng tốt cả các tác vụ đồ họa văn phòng.

    Quả thực, các thành phần con lại không quá ấn tượng, bạn không có chip đồ họa bổ sung, thay vào đó chỉ là Intel HD Graphic 520 và vỏn vẹn 8GB RAM. Tuy nhiên, điểm mạnh của ThinkPad X1 Carbon nằm ở SSD 256GB của nó, đây là ổ cứng thể rắn sử dụng giao tiếp M.2 mang tới tốc độ cao, cho hiệu năng sử dụng rất tốt.

     Tốc độ ổ cứng ThinkPad X1 Carbon (bên trái) so với Dell XPS 13 (bên phải), cả 2 đều vô cùng ấn tượng.

    Tốc độ ổ cứng ThinkPad X1 Carbon (bên trái) so với Dell XPS 13 (bên phải), cả 2 đều vô cùng ấn tượng.

    Với một ổ lưu trữ hoạt động tốt, trải nghiệm các tác vụ công việc trên X1 Carbon không có bất cứ điểm trừ nào, đặc biệt khi nó được cài sẵn hệ điều hành Windows 10 mới nhất.

    Test sâu hơn CPU Intel Core i7-6500U thông qua các phần mềm benchmark và so sánh với một số sản phẩm Business Laptop khác.

    Kết quả trên cho thấy CPU của X1 Carbon năm 2016 có mạnh hơn phần nào so với phiên bản 2015 của chính sản phẩm này, điều này chắc chắn nhờ vào vi xử lý Skylake trên tiến trình 14nm vượt trội hơn Broardwell trước đó.

    Điểm Benchmark toàn hệ thống với ứng dụng PCMark 8 tiếp tục chứng minh Lenovo đã tập trung nâng cấp sức mạnh phần cứng cho X1 Carbon 2016, ở các hạng mục chấp điểm như khả năng làm việc cơ bản, khả năng thực hiện đồ họa và điểm số giải trí gia đình, phiên bản mới đều mạnh hơn từ 15-20% so với thế hệ cũ.

    Riêng về khả năng chơi game, chắc chắn ThinkPad X1 Carbon không được đánh giá cao với nhân đồ họa tích hợp Intel HD Graphic 520. Tuy vậy, những người dùng lựa chọn ThinkPad X1 Carbon là doanh nhân, vốn đề cao tính linh động và bảo mật của thiết bị hơn là chơi game trên thiết bị làm việc của mình.

    Loa, bàn phím, touchpad và trackpoint

    Là các thành phần ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm sử dụng của người dùng, các thành phần I/O này chắc chắn sẽ được nhà sản xuất đầu tư kỹ lưỡng.

    Ấn tượng đầu tiên với bàn phím, touchpad và trackpoint trên ThinkPad X1 Carbon được gói gọn trong 2 từ "gần gũi". Vẫn một thiết kế được giữ nguyên sau hơn 20 năm qua, những đường nét trong bộ nhập liệu và điều khiển của ThinkPad X1 Carbon mang đúng phong cách của thương hiệu này. Đó là một bàn phím trông có phần thô kệch, nhưng tạo cảm giác chắc chắn, là touchpad với 3 nút bấm kèm theo, cuối cùng một nút màu đỏ vẫn ở đó ngay giữa bàn phím.

    Với thiết kế rất mỏng, thật khó để phần bàn phím của ThinkPad X1 Carbon có hành trình bấm dài. Cảm giác gõ trên X1 Carbon là hơi hụt hẫng nếu so sánh với một số mẫu ThinkPad cổ điển. Tuy vậy, các phím được thiết kế với phần gờ cao, khác hẳn hầu hết mẫu bàn phím laptop trên thị trường, đảm bảo người dùng không gõ nhầm phím.

    Trackpad với 3 nút, chuột trái, chuột phải và cuộn nằm riêng biệt sẽ là khá lạ lẫm với những ai chưa từng tiếp xúc với ThinkPad. Nhiều người có thể cho rằng nên loại bỏ các thành phần "thừa" kia, thay vào đó là tích hợp chúng lên ngay touchpad cảm ứng, sử dụng dựa trên gesture để tiết kiệm không gian.

    Nhưng đó không phải là thứ mà người dùng ThinkPad tìm kiếm, họ chấp nhận hy sinh một phần không gian trên bề mặt làm việc để có được sự tiện lợi với các phím cứng, thứ mà touchpad cảm ứng khó có thể mang tới.

    Sau cùng, nhắc tới cái chấm đỏ ngay giữa bàn phím, trackpoint của ThinkPad, một thành phần thừa thãi nhưng nếu thiếu sẽ khiến bạn vô cùng khó chịu.

    Trackpoint là công cụ giúp bạn dễ dàng điều chỉnh con trỏ ngay trong quá trình nhập liệu, thậm chí thay thế chuột máy tinh cũng như touchpad ở một số tác vụ khác. Đồng nghĩa với việc, nếu không có trackpoint bạn vẫn có thể sử dụng touchpad hay chuột máy tính để thay thế.

    Nhưng chắc chắn một điều, cảm giác sử dụng trackpoint thích thú hơn nhiều so với 2 lựa chọn kia. Đôi tay của bạn sẽ không phải rời xa khỏi bàn phím dù chỉ một giây nếu đã làm quen được với điểm nhấn màu đỏ nói trên. Chắc chắn đã có những lúc, khi đang gõ phím, bạn phải đưa 1 tay tới chuột hay trackpad để chọn một công cụ nào đó, thậm chí lặp đi làm lại nhiều lần điều đó, rất mất thời gian. Với một trackpoint, đôi tay của người dùng hoàn toàn có thể giữ ở tư thế gõ 10 ngón, dùng ngón trỏ điều chỉnh trackpoint một chút, và lại tiếp tục gõ văn bản.

    Loa X1 Carbon khá ấn tượng, không quá lớn nhưng vượt trội so với thân hình "nhỏ nhắn" của nó. Nằm gọn ở mặt dưới, nhưng âm lượng có thể bao trọn một phòng làm việc hơn 20 mét vuông. Chất âm ở mức khá, không gặp hiện tượng rè hay méo tiếng, âm trường đủ rộng để bạn xem phim, nghe nhạc trong không gian yên tĩnh.

     Khe loa nhỏ ở phía dưới máy.

    Khe loa nhỏ ở phía dưới máy.

    Khả năng bảo mật

    Như đã giới thiệu ở trên, ThinkPad X1 Carbon được trang bị khả năng bảo mật với 3 công cụ chính là Chip TPM (Trusted Platform Module), bảo mật vân tay và cả Intel vPro.

    Đâu tiên, chip TPM có nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu của bạn khỏi các can thiệp phần cứng. Con chip này được gắn ngay trên bo mạch chủ ThinkPad X1 Carbon, trường hợp kẻ gian tháo máy, đánh cắp ổ cứng, thì khi gắn lên một máy khác, cũng không thể truy cập vào dữ liệu bởi thông tin mã hóa đã được lưu trên con chip TPM trong máy bạn.

     Cảm biến vân tay bảo mật trên ThinkPad X1 Carbon.

    Cảm biến vân tay bảo mật trên ThinkPad X1 Carbon.

    Với khả năng bảo mật bằng vân tay, dòng ThinkPad thậm chí đã trang bị công nghệ này từ rất lâu trước khi nó phổ biến trên những mẫu smartphone hiện nay. Ngoài khả năng bảo mật, nó cũng giúp bạn mở máy vô cùng tiện lợi nữa.

    Các kết nối đặc biệt

    Trên ThinkPad Carbon X1, bạn sẽ thấy có một số cổng kết nối và công nghệ kết nối không dây đặc biệt, ít xuất hiện trên các máy notebook thông thường.

    Đầu tiên là cổng OneLink ,nằm ở cạnh trái của máy. Có thể coi cổng giao tiếp này là một "Thunderbolt" do Lenovo phát triển. Hãng này giới thiệu một thiết bị mang tên OneLink, là một chiêc dock với rất nhiều cổng kết nối tích hợp khác nhau, bạn có thể thiết lập dock nói trên qua cổng OneLink của ThinkPad và sử dụng những chuẩn kết nối trên máy không có sẵn.

    Thứ 2 là WigiG, một thiết bị tương tự như OneLink, chỉ khác một điều nó không sử dụng kết nối có dây, thay vào đó là thiết lập qua sóng WiFi.

    Sau cùng là khả năng sử dụng MicroSIM trên ThinkPad X1 Carbon. Nằm ở mặt sau của máy, có một vị trí chứa khe cắm thẻ nhớ MicroSD và MicroSIM. Với một chiếc SIM di động thông thường, bạn có thể dễ dàng sử dụng các kết nối 3G /4G để truy cập Internet mọi lúc mọi nơi, một tính năng rất nhiều doanh nhân tìm kiếm.

    Hơi buồn một chút khi sản phẩm này không hỗ trợ khe cắm thẻ SD tiêu chuẩn, chắc chắn đó sẽ là một điểm trừ dành cho những nhiếp ảnh gia.

    Với các kết nối vô cùng tiện dụng, ThinkPad X1 Carbon có thể dễ dàng ghi điểm với những người ưa sự đơn giản, tiện lợi và sự linh hoạt.

    Thời lượng Pin

    Nhà sản xuất quảng cáo viên pin 4-cell của họ có thể sử dụng trong 11 giờ đồng hồ. Thử nghiệm thực tế của tôi cho thấy con số nêu trên là khá chính xác.

    Trong khoảng thời gian ngắn sử dụng ThinkPad X1 Carbon. chiếc máy này dễ dàng đáp ứng được 1 ngày dài làm việc và giải trí.

    Tôi bắt đầu một ngày mới lúc 10h sáng, để thực hiện bài test, tôi sạc đầy pin cho máy từ đêm hôm trước, độ sáng để ở mức 60%.

    Trong khoảng 6 tiếng làm việc liên tục, tới 4 giờ chiều, các tác vụ duyệt web cơ bản rút pin xuống mức 45%. Sau đó tôi sử dụng ThinkPad X1 Carbon để giải trí, nghe nhạc và xem phim, pin của máy trụ được thêm 3 tiếng trước khi xuống mức 20% và báo hiệu để tôi chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng. Lúc này, thiết bị vẫn có thể sử dụng thêm khoảng hơn 1 giờ đồng hồ trước khi hết pin hoàn toàn.

    Như vậy, với hơn 10 giờ sử dụng kết hợp nhiều tác vụ khác nhau, thời lượng pin của ThinkPad X1 Carbon nằm ở mức khá so với nhiều thiết bị cùng phân khúc trên thị trường.

    Tổng kết

    ThinkPad X1 Carbon có mức giá khá cao, lên tới 50 triệu đồng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một thiết bị đáp ứng tốt hầu hết các nhu cầu công việc của người dùng là doanh nhân.

    Ưu điểm:

    - Thiết kế mỏng nhẹ, nhưng vẫn nam tính và lịch thiệp
    - Ổ SSD có tốc độ cao, mang tới trải nghiệm tốt
    - Tích hợp nhiều kết nối thông minh, tiện dụng
    - Chú trọng bảo mật dữ liệu cho người dùng
    - Thời lượng pin rất khá

    Nhược điểm:

    - Dung lượng RAM hơi thấp, ảnh hưởng phần nào tới khả năng đa nhiệm của máy
    - Thiếu vắng khe cắm thẻ nhớ SD cũng là một yếu điểm

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ