Đánh giá màn hình Samsung Odyssey Neo G8: đỉnh cao công nghệ nhưng khó dành cho số đông

    Hoàng Lê,  

    Thông số kỹ thuật đỉnh cao của Samsung Odyssey Neo G8 thuộc hàng siêu phẩm cũng đồng nghĩa với việc chiếc màn hình này không dành cho số đông.

    Trong khuôn khổ CES 2022, các hãng sản xuất màn hình hàng đầu đã đồng loạt ra mắt sản phẩm màn hình đầu bảng của mình. Một trong những cái tên nổi bật nhất có thể kể đến Samsung Odyssey Neo G8 với giải thưởng CES 2022 Best of Innovation – Đổi mới nhất. Đây là màn hình chơi game 32 inch độ phân giải 4K đầu tiên trên thế giới có tần số quét lên tới 240Hz.

    Là sản phẩm đầu bảng của Samsung cũng như thương hiệu con chuyên về màn hình chơi game Odyssey, Neo G8 được trang bị gần như tất cả các công nghệ tốt nhất hiện tại của hãng. Đầu tiên là tấm nền cong 32-inch độ phân giải 4K công nghệ VA với tần số quét 240Hz. Về màu sắc, Samsung cũng trang bị cho Neo G8 không thiếu các công nghệ hàng đầu như Quantum Mini-LED với 1.196 vùng làm mờ cục bộ cùng mức màu đen lên tới 12bit hay Quantum HDR2000 với độ sáng cực đại lên tới 2.000 nits và độ tương phản 1.000.000:1. Nhờ vậy, giờ đây người dùng thậm chí không cần phải cân bằng giữa chất lượng hình ảnh và tần số quét mà có thể có được cả hai với Neo G8.

    Đánh giá màn hình Samsung Odyssey Neo G8: đỉnh cao công nghệ nhưng vẫn còn một vấn đề - Ảnh 1.

    Với kích thước 32-inch cùng độ cong 1000R, Neo G8 là một chiếc màn hình có kích thước lớn cùng cân nặng 9kg khi gắn chân đế. Một điểm cộng là chân đế của chiếc màn hình này không quá chiếm diện tích. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến nghị một chiếc bàn có chiều rộng từ 80cm trở lên để đảm bảo thoải mái về diện tích mặt bàn cũng như khoảng cách từ mắt tới màn hình.

    Mặt trước của màn hình có thiết kế đơn giản với viền màn hình ở mức trung bình, tiệm cận mức mỏng. Ngoài logo Samsung và NVIDIA G-Sync, cạnh dưới màn hình cũng được điểm xuyết vài đường gân nổi ở để hài hòa với tổng thể thiết kế của màn hình. Đồng thời, hai góc dưới màn hình còn được trang bị đèn LED RGB được đồng bộ màu với phần đèn CoreSync ở phía sau.

    Phần lưng của Samsung Odyssey Neo G8 ấn tượng như những người anh em của mình. Đây cũng là thiết kế đặc trưng của màn hình chơi game Odyssey với phong cách tương lai và màu trắng làm chủ đạo. Trải dài phía trên là khe tản nhiệt cho tấm nền cỡ lớn. Ngoài ra là logo Odyssey bên trái và lỗ khóa Kensington ở góc phải phía dưới. Phía dưới là các cổng kết nối được che bởi tấm nhựa cỡ lớn để tăng tính thẩm mỹ.

    Đánh giá màn hình Samsung Odyssey Neo G8: đỉnh cao công nghệ nhưng vẫn còn một vấn đề - Ảnh 4.

    Phần đặc biệt nhất ở phía sau của Neo G8 chắc chắn là lõi phát sáng CoreSync. Phần lõi này sẽ phát sáng đồng bộ với hai dải đèn ở mặt trước và đồng màu với nội dung đang hiển thị trên màn hình để đem lại trải nghiệm đắm chìm nhất cho game thủ. Ngoài ra, người dùng cũng có thể thiết lập các hiệu ứng màu như các loại đèn LED RGB thông dụng.  

    Chân màn hình gồm thân và chân đế, được gắn với nhau bằng một chiếc ốc khá nhỏ gây tương đối quan ngại trong quá trình sử dụng lâu dài. Phần thân của chân màn hình cũng được trang bị công cụ buộc dây. Với chân đế này, Neo G8 có đầy đủ các tính năng bao gồm gật gù, xoay 90 độ hay quay ngang. Một điểm trừ khác của chiếc chân đế này là việc phải cố định màn hình bằng 4 con ốc Philips trong khi xu hướng của các sản phẩm công nghệ giờ đây là tool-free.

    Đánh giá màn hình Samsung Odyssey Neo G8: đỉnh cao công nghệ nhưng vẫn còn một vấn đề - Ảnh 6.

    Menu OSD của Neo G8 được trang bị khá nhiều tính năng thiết lập, được điều khiển bằng phím 4 hướng và nút nguồn ở phía dưới màn hình, ngay sát logo Samsung ở mặt trước. 

    Về trải nghiệm, với gần như mọi công nghệ màn hình LED hàng đầu, chất lượng hình ảnh trên Neo G8 là rất tốt. Nhờ Quantum Dot mà màu sắc được thể hiện rất tốt, đặc biệt với các nội dung HDR. Kết hợp tầm số quét 240Hz với các công nghệ như G-Sync hoặc FreeSync Premium Pro giúp trải nghiệm từ lướt web tới chơi game đều cực kỳ mượt mà, nhất là khi máy có thể xuất được lượng khung hình tương ứng.

    Dù sở hữu cấu hình AMD Ryzen 9 5900X và Radeon 6900XT, tôi vẫn phải giảm đôi chút thiết lập chất lượng hình ảnh để các tựa game thường chơi như DotA 2, F1 22, Valorant có thể đạt và ổn định ở khoảng 240 FPS. Tất nhiên, trải nghiệm so với chiếc màn hình 27-inch 2K 165Hz tôi vẫn dùng hàng ngày quả thực là một trời một vực.

    Đánh giá màn hình Samsung Odyssey Neo G8: đỉnh cao công nghệ nhưng vẫn còn một vấn đề - Ảnh 7.

    Trải nghiệm chơi đua xe giải lập sim racing của tôi cũng đồng thời được nâng tầm nhờ góc cong 1000R, kích thước lớn và màu sắc chuẩn cũng giúp "đắm chìm" hơn khi chơi Gran Turismo 7, F1 22 hay ACC.

    Không những thế, với kích thước màn hình và độ phân giải lớn, Neo G8 còn được trang bị thêm các tính năng bổ trợ như PIP – hình trong hình và Ultrawide Game Vision. Với PIP, tôi hoàn toàn có thể vừa chơi game trên PS5 vừa chat Facebook hoặc xem hướng dẫn chơi game ở góc màn hình. Trong khi đó, với Ultrawide Game Vision, người dùng có thể trải nghiệm chơi game hoặc xem phim ở tỉ lệ 21:9 với 2 viền đen hoàn toàn ở trên và dưới. Điểm trừ duy nhất có lẽ là vấn đề cố hữu của tấm nền VA với độ sáng không đều, đặc biệt khi thể hiện các nội dung màu đen dù đã được bù đắp bằng công nghệ Local Dimming.

    Đánh giá màn hình Samsung Odyssey Neo G8: đỉnh cao công nghệ nhưng vẫn còn một vấn đề - Ảnh 9.

    Về cổng kết nối, Neo G8 cũng được trang bị tương đối đầy đủ với 2 cổng HDMI 2.1, 1 cổng DisplayPort 1.4, jack tai nghe 3.5 cùng 2 cổng USB 3.0 passthrough. Nhờ vậy mà tôi có thể luôn cắm cùng lúc PC, PS5 và Switch vào màn hình. Tính Auto Source Switch+ tự động chuyển nguồn phát khi có tín hiệu bật cũng tăng tính tiện lợi trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, tính năng này lại không tự động chuyển về các nguồn đang bật nếu nguồn phát đang sử dụng được tắt đi.

    Đánh giá màn hình Samsung Odyssey Neo G8: đỉnh cao công nghệ nhưng vẫn còn một vấn đề - Ảnh 10.

    Một thứ nữa khiến tôi chê chính là cục nguồn "siêu to khổng lồ". Trong khi nhiều hãng đang tìm cách tích hợp cục nguồn vào màn hình thì Samsung lại chọn cách xử lý đơn giản nhưng hơi thiếu thẩm mỹ là đính kèm một cục nguồn có kích thước gần bằng một chiếc Nintendo Switch.

    Nhìn chung, Samsung Odyssey Neo G8 là một chiếc màn hình ấn tượng cả về hiệu năng lẫn thiết kế dẫu đâu đó vẫn còn một vài điểm hạn chế có thể bỏ qua nếu không quá khó tính. Điểm hạn chế duy nhất của chiếc màn hình này có lẽ chính là mức giá tương đối cao, khoảng 30 triệu đồng cũng như yêu cầu nguồn phát tương xứng. Để "kéo" được chiếc màn hình này ở 4K 240Hz khi chơi game AAA, người dùng chắc chắn sẽ phải cần đến cấu hình với card đồ họa tối thiểu là NVIDIA RTX 3090 hoặc tương đương trở lên.

    Trải nghiệm màn hình Samsung Odyssey G3: 144Hz, chống xé hình, độ trễ 1ms đúng chuẩn "ngon bổ rẻ" để chiến game cho đã
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ