Với mức giá khởi điểm gần 6 triệu đồng, liệu Xiaomi Mi A2 có đáng mua?
Mi A2 là chiếc điện thoại thứ hai mà Xiaomi hợp tác với Google trong chương trình Android One, một bước đi mới của họ trong dàn sản phẩm vốn đang phát triển theo MIUI khá thành công. Vậy smartphone kế vị của Mi A1 này có những điểm gì khiến chúng tôi ấn tượng và những nhược điểm nào cần khắc phục? Hãy cùng tìm hiểu.
Thiết kế không có nhiều sự thay đổi
Nếu so với thiết kế của Mi A1 cách đây 1 năm, bạn có thể thấy được rất nhiều nét tương đồng trên chiếc điện thoại hậu bối này: vẫn kiểu khung kim loại nguyên khối, các cạnh viền được vát cong về phía sau để cầm nắm chắc tay hơn, cảm biến vân tay phía sau máy, cụm phím cứng nằm tất cả ở cạnh phải.
Vậy thì đâu là những điểm khác biệt về ngoại hình của Mi A2 so với Mi A1? Đầu tiên là cụm camera kép sau được chuyển từ ngang sang dọc, một phần nào đó khiến cho nó trông có gì đó hơi giống với iPhone X.
Điểm thứ hai là cổng tai nghe 3,5 mm vốn từng có trên A1 đã không còn nữa, điều này có nghĩa Xiaomi đã tận dụng cổng USB-C để làm luôn cả 2 chức năng: sạc và cắm tai nghe. Tất nhiên nó sẽ tạo sự bất tiện không nhỏ cho người dùng khi nếu vừa muốn sạc pin lại vừa đeo tai nghe, giải pháp lúc đó chỉ có thể là mua thêm phụ kiện adapter chia 2 mới có thể đáp ứng được.
Chơi game mà vướng cái adapter thế này thì phải nói là khá khó chịu.
Điều đáng khen nhất ở mặt thiết kế của Mi A2 có lẽ là phần viền màn hình được gọt mỏng hơn ở hai bên và đặc biệt hơn nữa là phần cằm cũng đã bớt dày, nhờ vậy nên dù sử dụng màn hình 5,99 inch nhưng tổng thể kích thước máy vẫn ngang ngửa đời A1 trước đây (vốn chỉ có kích thước màn hình 5,5 inch).
Tỉ lệ màn hình so với mặt trước chiếm 77,4%, nhiều hơn khoảng 4% đối với đời trước. Độ phân giải màn hình cũng tăng lên 1080 x 2160 pixels so với 1080 x 1920 pixels của A1, tỉ lệ hiển thị cũng thay đổi từ 16:9 sang 18:9.
Thêm một điểm đáng ăn tiền khác của Mi A2 so với đời trước là có sự xuất hiện của phiên bản màu xanh.
Cấu hình tốt, hiệu năng ổn định, nhưng vắng bóng các tiện ích kèm theo
Có câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" và Xiaomi Mi A2 chính là ví dụ điển hình cho câu nói đó: ngoại hình không ấn tượng, nhưng kết cấu bên trong thì không hề xoàng xĩnh chút nào. Smartphone này trang bị vi xử lý Snapdragon 660 thuộc hàng "xịn" nhất trong các dòng chip tầm trung của Qualcomm, bên cạnh đó là tuỳ chọn phiên bản RAM 4 hoặc 6 GB.
Với cấu hình theo lý thuyết này, bạn có thể thấy được Mi A2 không hề thua kém ai trong danh sách các đối thủ tầm trung trên thị trường, kèm theo đó là sử dụng nền tảng Android One của Google, cắt giảm các ứng dụng thừa một cách triệt để nên chiếc smartphone này lại càng có thêm sự mượt mà, trơn tru trong lúc vận hành hàng ngày.
Trải nghiệm thực tế với tựa game đình đám hiện tại là PUBG Mobile, máy tự động nhận ở mức cấu hình Medium và cho hiệu năng vận hành rất mượt. Gần như qua 2 ngày chơi thì máy không hề gặp phải bất kỳ hiện tượng giật lắc gì trong lúc chiến game nàynày. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thử thêm Asphalt 9 - game đua xe mới nhất hiện nay - và cho kết quả rất ấn tượng. Vi xử lý đồ hoạ Adreno 512 cho khả năng render khung cảnh, chi tiết trong game rất tốt, bên cạnh đó màn hình IPS của Mi A2 cũng cho góc nhìn rộng cùng độ sáng cao nên bạn có thể thoải mái trải nghiệm ở điều kiện ngoài trời hay trong nhà.
Tuy nhiên có một tiện ích rất cần cho các game thủ smartphone hiện nay mà Mi A2 thiếu vắng chính là chế độ không làm phiền. Nếu bạn đang chiến game căng thẳng mà lại có tin nhắn SMS hay tin nhắn Facebook Messenger xuất hiện, bạn sẽ hiểu được nó cực kỳ khó chịu đến nhường nào.
Ngoài ra, tính năng điều hướng bằng thao tác vuốt (gestures) cũng chưa xuất hiện trên chiếc điện thoại này, điều này khiến Mi A2 tiếp tục sử dụng 3 phím điều hướng ảo nên phần nào cũng gây choáng không gian hiển thị.
Đối với pin, chúng tôi từng nghi hoặc với viên pin dung lượng 3.000 mAh của chiếc điện thoại này, tuy nhiên sau khi trải nghiệm thì kết quả vô cùng khả quan. Số thời gian chơi PUBG Mobile lên đến 2 giờ 39 phút với độ sáng màn hình maximum, phần thời gian còn lại dành cho các tác vụ lướt Facebook. Sau 26 giờ đồng hồ thì chiếc máy này chính thức báo còn 10% pin và tất nhiên như thế là quá đủ để bạn không phải lo chuyện hết pin giữa ngày.
Camera Mi A1 đã tốt, lên A2 thì thế nào?
Năm 2017, Xiaomi từng khiến cho các Mi Fan hoan hỉ khi cho ra đời chiếc Mi A1 với hệ thống camera kép, đây giống như là cơn mưa giải toả cơn khát của Fan trong bối cảnh camera phone bước qua kỉ nguyên mới - camera kép xoá phông - do chính Apple đưa đến. Vì sao họ giải toả được cơn khát? Bởi thời điểm đó muốn có một chiếc smartphone hiệu năng xoá phông với camera kép thì chúng ta phải bỏ một số tiền rất lớn cho iPhone 7 Plus, thế nên Xiaomi đã nắm bắt nhanh thời cơ để Mi A1 có được đặc tính tương tự này.
Tuy nhiên kể từ đó, trong 10 tháng trở lại đây, chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều sản phẩm khác xuất hiện cùng hệ thống camera kép, vậy Mi A2 có còn thực sự hấp dẫn?
Về cơ bản, nhu cầu chụp ảnh xoá phông của người dùng hiện nay vẫn còn đang nở rộ rất tốt và Mi A1 vốn đã xử lý khá tốt khả năng xoá phông nên A2 cũng được thừa hưởng phần này và cố gắng phát triển tốt hơn từ cái nền ấy. Ảnh xoá phông cho ra chi tiết rất tốt, vùng chuyển xoá phông trông mượt mà hơn, phần tóc ít bị cắt lẹm và đặc biệt là tốc độ xử lý ảnh đã nhanh hơn rõ rệt.
Tuy nhiên, điều chúng tôi vẫn thấy tiếc ở tính năng xoá phông chân dung của chiếc Xiaomi Mi A2 này chính là không cho phép thay đổi độ xoá mờ hậu cảnh trong lúc chụp lẫn sau khi chụp xong.
Thử xoá phông hai người, tốt hơn hẳn so với A1.
Ở chế độ chụp ảnh bình thường, camera của Mi A2 cũng cho kết quả rất tốt, màu sắc trong trẻo, ảnh ít nhiễu hạt và hệ thống lấy nét tự động cũng ổn định hơn. Để có được như vậy, Xiaomi đã cho camera của Mi A2 có khẩu độ lớn hơn, lên đến f/1.75 nên thu sáng vào nhiều hơn, dẫn đến ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng đỡ nhiễu hạt và đỡ rung nhoè hơn.
Ngược sáng HDR rất tốt.
Thử một tấm trong điều kiện thiếu sáng, chi tiết vẫn được đảm bảo.
Xoá phông trong điều kiện ánh sáng yếu.
Cũng cần nói thêm, Mi A2 sử dụng camera kép nhưng camera thứ hai không phải là camera tele và cũng chẳng phải camera để đo độ sâu trường ảnh như chúng ta thường thấy ở một số sản phẩm khác trên thị trường.
Theo đại diện Xiaomi cho biết trong buổi giới thiệu, khác biệt của 2 camera sau này chỉ nằm ở chỗ một cái chụp ở điều kiện thường và cái còn lại được tự động kích hoạt khi chụp ở điều kiện thiếu sáng. Lúc này, camera 20 MP đó sẽ tận dụng độ phân giải cao để cho ra bức ảnh được có phần chi tiết nhiều hơn và đỡ nhiễu hạt hơn. Như vậy từ đó cũng có thể hiểu được camera xoá phông của Mi A2 thực chất chỉ là thuật toán, tuy nhiên kết quả hình ảnh mà nó làm ra được lại khá tốt và đáng khen.
Một điểm nâng cấp khác là nằm ở camera trước, Mi A2 đã được tăng độ phân giải lên đến 20 MP cùng đèn LED Flash kết hợp với công nghệ AI Beauty nên chất lượng ảnh chụp tự sướng cũng ổn hơn hẳn so với trước đây. Bên cạnh đó, camera trước cũng có tính năng xoá phông, chỉ tiếc rằng những tính năng vui vẻ khác như AR hay sticker thì vẫn chưa được tích hợp vào.
Khởi điểm với mức giá 6 triệu đồng, có đáng không?
Với cấu hình khởi điểm 4 GB RAM 32 GB ROM, Mi A2 có mức giá 5.999.000 đồng khi về Việt Nam và chắc chắn sẽ đối đầu với các đối thủ khác như Huawei Nova 3i (khoảng gần 7 triệu đồng) hay Nova 3e (gần 6 triệu đồng), Oppo F7 Youth (khoảng 6,5 triệu đồng) nhưng Mi A2 có thể tự tin thu hút hơn nhờ sử dụng vi xử lý Snapdragon 660 ngon lành đến từ Qualcomm, bên cạnh đó là được hỗ trợ nâng cấp phần mềm mạnh mẽ từ Android One cũng như vận hành mượt mà hơn do không có ứng dụng rác.
Riêng về camera, Mi A2 đã làm tốt bổn phận của mình, dù không sử dụng camera tele ở cụm camera kép nhưng thuật toán xoá phông của nó vẫn rất tốt, khuyết điểm nhiễu hạt ở điều kiện thiếu sáng cũng được khắc phục nhiều hơn so với phiên bản A1 đầu tiên. Thế nên, nếu so về giá thành, cấu hình và camera, chiếc điện thoại này quá đủ để không làm bạn thất vọng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"