Đánh giá Nothing Phone 1, chiếc điện thoại có mặt lưng phát sáng kỳ lạ nhất thị trường hiện nay
Ngoài mặt lưng tích hợp những dải đèn LED bắt mắt, Nothing Phone 1 không có quá nhiều nổi trội so với các smartphone hiện nay, nhưng vẫn là một lựa chọn đáng để cân nhắc trong tầm giá 500 USD.
Mới đây, công ty smartphone Nothing của Carl Pei, cựu sáng lập OnePlus, đã chính thức cho ra mắt sản phẩm đầu tiên có tên gọi Nothing Phone 1, chiếc điện thoại với mặt lưng tích hợp hệ thống đèn LED độc đáo. Mặc dù không có quá nhiều điểm nổi trội so với đa số các smartphone tầm trung hiện nay, nhưng Nothing Phone 1 vẫn là sản phẩm rất đáng chú ý, được bán ra ở nhiều thị trường lớn, với phiên bản hệ điều hành Android sạch hơn cùng thiết kế khác biệt hơn.
Trước khi đi vào những đánh giá chi tiết, hãy cùng điểm qua một vài thông số của chiếc smartphone này.
Kích thước: 159.2 x 75.8 x 8.3mm
Khối lượng: 193.5g
Màn hình: 6.55 inch OLED; mặt kính Gorilla Glass; độ phân giải 2400 x 1080; tần số quét 120Hz - độ sáng lên đến 1200 nits; HDR10
SoC: Qualcomm Snapdragon 778G Plus
RAM & Bộ nhớ: 8GB 128GB; 8GB 256GB; 12GB 256GB
Pin: 4500mAh; hỗ trợ sạc không dây 15W, sạc dây 35W; không bán kèm củ sạc
Camera sau: Cảm biến chính 50MP IMX766, f/1.9, 1/1.56-inch; camera góc siêu rộng 50MP JN1, f/2.2, 114-degree field-of-view
Camera trước: 16MP
Chuẩn chống nước, chống bụi IP53
Khả năng kết nối: 5G/4G LTE/Wi-Fi 6/Bluetooth 5.2
Hệ điều hành: Nothing OS (dựa trên Android 12)
Thiết kế
Nothing Phone 1 mang đến thiết kế tổng quan rất giống với các sản phẩm iPhone 12 và 13, đặc biệt là phiên bản Pro Max: Các mặt bên phẳng và bo tròn ở 4 góc. Điều đó khiến cho cảm giác cầm nắm không được đầm tay cho lắm. Tuy nhiên, vì kích thước chiều ngang nhỏ hơn, máy cũng nhẹ hơn, nên việc sử dụng chiếc smartphone này vẫn thoải mái hơn một chút so với các sản phẩm của Apple.
Thiết kế mặt bên phẳng giúp cho điện thoại trở nên tinh tế hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng lại ảnh hưởng ít nhiều đến cảm giác cầm nắm của người dùng. Điều đáng chú ý là trong thời gian gần đây, Oppo hay Xiaomi cũng đã sử dụng kiểu thiết kế này, với những thay đổi nhỏ ở 4 góc máy để biến những góc cạnh sắc lẹm trở nên mềm mại hơn. Tuy nhiên, Nothing Phone 1 lại không làm vậy mà hoàn toàn đi theo nguồn cảm hứng đến từ iPhone.
Nhưng đây cũng không phải vấn đề quá lớn, và có thể giải quyết dễ dàng bằng cách sử dụng ốp điện thoại. Dẫu vậy, riêng đối với Nothing Phone 1, có lẽ chúng ta nên lựa chọn các mẫu ốp trong suốt, để có thể khoe ra phần lưng bán trong suốt của máy - thiết kế độc đáo giúp chúng ta phần nào đó thấy một vài bộ phận bên trong.
Phần lưng bán trong suốt kết hợp với các dải đèn LED là điểm đặc biệt trong thiết kế của Nothing Phone 1.
Giao diện “Glyph”
Mặt lưng của Nothing Phone 1 tích hợp 4 dải đèn, với 2 dải bao quanh cụm camera và cuộn sạc không dây. Họ gọi đây là giao diện “Glyph”, và dĩ nhiên là hệ thống đèn này có nhiều tác dụng hơn là chỉ để trang trí. Nothing đã thiết kế các quy tắc nhấp nháy khác nhau có các tác vụ riêng biệt, ví dụ như khi đổ chuông, nhận thông báo, hay khi sử dụng trợ lý ảo Google Assistant. Hiệu ứng âm thanh đi kèm với những dải đèn này được lấy cảm hứng từ máy chơi game cổ điển NES và các mẫu đồng hồ điện tử Casio.
Việc cài đặt ánh sáng cho từng số liên lạc hay từng loại thông báo cũng ít nhiều mang đến sự tiện lợi cho người dùng. Ví dụ như khi họ tắt âm điện thoại và úp màn hình xuống, chỉ cần nhìn vào họa tiết ánh sáng trên mặt lưng, họ vẫn có thể biết ai đang gọi đến hay ứng dụng nào vừa gửi thông báo cho mình. Tuy nhiên, xét trong thực tiễn, giao diện Glyph có lẽ lại khá vô dụng, bởi chẳng mấy ai úp màn hình điện thoại của họ xuống cả.
Cuối cùng, độ sáng của các dải đèn có thể được tùy chỉnh trong cài đặt, và được sử dụng để hỗ trợ chụp ảnh trong những môi trường thiếu sáng.
Màn hình
Màn hình của Nothing Phone 1 có thể nói là khá “ổn áp” với kích thước 6.55 inch, màn OLED, độ sáng trung bình khoảng 500 nit và có thể kéo lên đến 1200 nit (dù vẫn thấp hơn đa số flagship 2022). Tần số quét 120Hz cũng mang đến chất lượng hình ảnh động mượt mà, rực rỡ hơn, cùng với đó là phần viền đối xứng đẹp mắt ở cả 4 cạnh máy.
Nothing Phone 1 không sử dụng tấm nền LTPO, đồng nghĩa với việc tần số quét có thể là 60Hz hoặc 120Hz, và không thực sự tiết kiệm pin cho lắm. Ngoài ra, vị trí đặt cảm biến vân tay trên màn hình là khá thấp (tương tự như OnePlus 9), đã vậy còn không nhạy bằng số sản phẩm tầm trung của Trung Quốc hiện nay, như Xiaomi 12 Lite hay các dòng điện thoại Oppo Reno.
Camera
Nothing Phone 1 sử dụng các cảm biến camera khá quen thuộc với One Plus, công ty cũ của Carl Pei. Ở mặt lưng, chiếc smartphone được trang bị camera kép gồm camera góc rộng 50MP f/1.9, sử dụng cảm biến Sony IMX766 (tương tự như OnePlus Nord 2T); và camera góc siêu rộng 50MP f/2, cảm biến JN1 của Samsung (tương tự như OnePlus 10 Pro). Trong phân khúc giá 500 USD (khoảng hơn 11 triệu đồng), camera của Nothing Phone 1 được đánh giá là khá tốt, với khả năng xử lý hình ảnh tương đối ổn.
Một số hình ảnh chụp bằng camera sau của Nothing Phone 1.
Sự khác biệt giữa camera chính và camera góc siêu rộng (ảnh dưới): Hình ảnh góc siêu rộng có phần mịn hơn, màu sắc nhạt hơn, đặc biệt là trong điều kiện trời tối.
Bạn cũng có thể xem những đoạn video 4K do XDA thực hiện bằng Nothing Phone 1 tại đây.
Phần mềm
Nothing Phone 1 sử dụng hệ điều hành Nothing OS dựa trên Android 12, với giao diện thiết lập ban đầu hoàn toàn là màu đen thay vì trắng như thông thường. Ngoài ra, nó chỉ mang đến các ứng dụng cốt lõi của Google, không có bloatware hay các ứng dụng bên thứ 3 khác. Các ứng dụng duy nhất không phải của Google được cài đặt sẵn là ứng dụng máy ảnh, máy tính và máy ghi âm.
Giao diện chính mang đến cảm giác khá giống với bản Android gốc, với 2 thay đổi nhỏ. Đầu tiên là khả năng phóng lớn các biểu tượng ứng dụng trên màn chính, cho phép người dùng làm nổi bật một vài ứng dụng họ thường xuyên sử dụng giữa “một rừng” app trên màn hình. Thứ hai là các nút phím tắt trong thanh thông báo đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều.
Giao diện cài đặt của Nothing OS cũng chỉ mang đến 2 điểm khác biệt so với bản Android gốc: “Glyph Interface”, cho phép bạn chỉnh sửa giao diện (sắp xếp danh bạ, thay đổi độ sáng đèn,...); và “Experimental Features” để kết nối với các mẫu xe Tesla.
Hiệu năng
Nothing OS mang đến sự mượt mà đáng kinh ngạc cho Nothing Phone 1, với tốc độ nhanh hơn, animation thuận mắt hơn cả OneUI của Samsung. Dẫu vậy, tương tự như mẫu máy Galaxy S22 Ultra, tình trạng “giật lag” nhẹ đôi khi vẫn xảy ra khi lướt Twitter. Bên cạnh đó, chế độ tự điều chỉnh ánh sáng cũng không được thông minh cho lắm, thường xuyên khiến cho màn hình quá tối.
Đội ngũ kỹ thuật của XDA đã phát hiện ra một dòng mã trong phần mềm của Nothing Phone 1 có thể thao túng điểm benchmark. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm với 2 phiên bản của GeekBench (1 phiên bản gốc và 1 phiên bản tinh chỉnh), kết quả thu được không có chênh lệch đáng kể, đồng nghĩa với việc điểm benchmark không hề bị gian lận như họ lầm tưởng.
Nhìn chung, hiệu năng của máy khá ổn nhờ con chip Snapdragon 778G Plus, ít xảy ra sự cố như tự động tắt app hay khởi động lại app trong quá trình sử dụng, và hạn chế việc nhiệt độ máy tăng quá cao. Dung lượng pin 4500mAh cũng khá tốt đối và có thể trụ được cả ngày đối với những tác vụ thông thường.
Giá bán
Nothing Phone 1 sẽ chính thức lên kệ vào ngày 21/7 tại một số thị trường như Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hồng Kông, Ấn Độ, Malaysia, Phần Lan, Bồ Đào Nha…. Mức giá cho từng phiên bản lần lượt là 399 bảng (hơn 11,1 triệu đồng) với bản 8GB 128GB; 449 bảng (hơn 12,5 triệu đồng) với bản 8GB 256GB; và 499 bảng (gần 14 triệu đồng) với bản 12GB 256GB.
Theo XDA
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Học theo người giàu nhất thế giới, CEO Xiaomi Lei Jun cũng đăng ảnh ngủ trên sàn nhà máy
Không chỉ là một hành động noi gương người giàu nhất thế giới hiện nay, bài đăng này của ông Lei Jun còn để kỷ niệm một cột mốc quan trọng đối với Xiaomi.
Quên chatbot AI đi: OpenAI sắp ra mắt “trợ lý AI” mới có khả năng tự động điều khiển máy tính và thực hiện mọi tác vụ thay bạn