Đánh giá Playstation 4: Biểu tượng mới khuấy đảo làng game console

    H.A,  

    (GenK.vn) - Playstation 4 đã chính thức ra mắt và mang đến những trải nghiệm đầu tiên đầy thuyết phục.

    Tính từ 2006 cho đến nay, PlayStation 3 của Sony đã trải qua 7 năm phát triển và gặt hái được không ít thành công. Tuy nhiên, đó là khoảng thời gian tương đối dài mà guồng quay công nghệ thì không hề dừng lại. Sony cần một sự đổi mới và đó là lý do để PlayStation 4 ra đời với những nâng cấp mạnh mẽ về cấu hình cũng như phong cách điều khiển. Cuộc chạy đua máy chơi game năm nay cũng chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt đến từ Xbox One của ông lớn Microsoft do đó PS 4 sẽ phải làm rất nhiều điều để khẳng định mình. Đúng như mong đợi, vừa qua PS 4 đã ra mắt sớm nhất tại Mỹ vào ngày 15/11 trong khi Xbox One sẽ có mặt trên nhiều thị trường vào ngày 22/11. Mức giá của sản phẩm là 399 USD, nếu tính thêm tiền thuế và một số khoản phí khác có thể chênh lên khoảng 430 đến 440 USD.

     

    Vậy một sản phẩm có mức giá không rẻ và được đầu tư rất nhiều về mặt phần cứng như PS 4 có thực sự mang đến những trải nghiệm game ấn tượng hay không?

    Thiết kế đơn giản

    Quả thực PS 4 nhỏ hơn những gì mà chúng ta đã hình dung trước đó về nó. Máy cao khoảng 2 inch, rộng ngang 10 inch và sâu 12 inch, nhỏ hơn bất cứ một phiên bản PS 3 nào mà Sony từng phát hành kể cả phiên bản Super Slim đời năm 2012. Ngoài ra, với trọng lượng 2,8 kg, PS 4 cũng nhẹ hơn so với người tiền nhiệm. Có thể nói PS 4 giống như một công trình kiến trúc mini 2 tầng vuông vắn, đơn giản nhưng vẫn tinh tế.

     
    Bộ phụ kiện đi kèm máy không quá cầu kỳ bao gồm: một tay cầm Dualshock 4, thân máy, cáp USB để sạc pin cho tay cầm, cáp HDMI, tai nghe kiêm chức năng microphone, dây cắm điện và một số sách hướng dẫn nhỏ gọn.
     

    Sony đã sử dụng 2 loại chất liệu có hình thức khác nhau để xây dựng nên chiếc console này. Phần bên phải là nhựa nhám còn bên trái lại là sự tương phản đến mức đối nghịch, nhựa bóng và trơn. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải lưu ý là các bề mặt này khá bám bụi và phần nhựa bóng thì tương đối dễ xước.

     
     

    Phần mặt trước của máy một lần nữa lại cho thấy Sony đã lược giản các chi tiết thừa trên PS 4 đến mức tối đa, không hề còn nút bấm vật lý như PS 3. Thay vào đó là 2 nút cảm ứng xếp dọc có tác dụng bật/tắt và nhả đĩa. Bạn chỉ cần lướt ngón tay qua để kích hoạt chúng nhưng mới đầu nó cũng làm tôi cảm thấy khá bối rối khi với tay trượt vào nút nhả đĩa nhưng hóa ra lại là nút tắt. Tiếp đó, để ý kỹ ở phần khe hở giữa thân máy sẽ có 2 cổng USB 3.0 và khe đựng đĩa được che giấu kín đáo.

     

    Ở phần mặt lưng của PS 4 lại tỏ ra hầm hố hơn hẳn bởi việc bố trí các khe tản nhiệt dạng lỗ. Ngoài ra, Sony còn bổ sung thêm các cổng kết nối như HDMI, Ethernet, jack âm thanh và khe cắm tích hợp PlayStation Camera. Khi lắp đặt thiết bị, bạn sẽ cần cáp nguồn và cáp HDMI, tương tự như chiếc PS 3. Phía bên trong máy sẽ chứa đựng các phần linh kiện cao cấp cũng như bộ tản nhiệt khủng giúp làm giảm tối đa sức nóng cho CPU. Sony PS4 sử dụng ổ cứng HDD thông thường, chiếm diện tích khá nhỏ so với các bộ phận còn lại với dung lượng 500 GB. Ngoài ra máy còn được trang bị một CPU AMD Jaguar 8 nhân kiến trúc x86 như chúng ta vẫn thấy trên PC thông thường và những thanh RAM GDDR5 dung lượng 8 GB. Việc hỗ trợ ổ đĩa Blu-ray cũng giúp PS 4 có thể tải và cài đặt game nhanh hơn nhiều so với PS 3. Đặc biệt, phải nói rằng PS 4 chạy rất êm và gần như không phát ra một tiếng ồn đáng chú ý nào trong quá trình vận hành.

    Tay cầm DualShock 4 với những trải nghiệm mới

    Nếu như thiết kế thân máy PS 4 được đánh giá là đơn giản thì bộ điều khiển DualShock phiên bản thứ 4 đã có những thay đổi đáng kể, trông cuốn hút và hiện đại hơn rất nhiều. Mới đầu, bạn sẽ thấy tay cầm này có phần hơi nặng nhưng sau một chút thời gian làm quen, phải nói rằng DualShock 4 cho cảm giác cầm rất dễ chịu, một chiếc gamepad thân thiện nhất từ trước đến nay mà tôi từng sử dụng.

     
     

    Các nút L2 và R2 được thiết kế dễ bấm, tạo cảm giác "bóp cò" thật hơn so với tay cầm cũ. Ngoài ra cổng kết nối đã chuyển từ miniUSB sang giao thức microUSB phổ biến còn 2 nút Start và Select đã được thay thế bằng Share và Option với tác dụng chia sẻ hình ảnh trong game mà bạn đang chơi, trong khi nút Option thì hoạt động giống như nút Start. Điểm khác biệt lớn nhất là việc DualShock 4 được trang bị một bàn cảm ứng, nếu ấn mạnh xuống thì nó cũng chính là một nút bấm. 

     

    Thêm nữa Sony còn bố trí một bộ phận phát sáng ở trên đỉnh tay cầm không chỉ làm đẹp mà mục đích chính để phân biệt giữa nhiều tay cầm khác nhau với những game sử dụng hệ thống camera quan sát.

     

    So với tay cầm thế hệ trước của PS 3, chúng tôi thực sự hài lòng và đánh giá cao độ nhạy, sự chính xác và phong cách thiết kế tối ưu với đôi bàn tay game thủ của DualShock 4.

     

    Giao diện cải biên

    PS 4 sử dụng giao diện PlayStation Dynamic Menu mới với các biểu tượng hình khối lớn nhưng lại có phần rườm rà trong các thao tác. Sony đã khá chú trọng đến liên kết mạng xã hội, nơi mà các game thủ có thể kết nối cùng nhau, chia sẻ ảnh hay các đoạn video “chiến tích” của mình. Tuy nhiên, bạn sẽ phải bấm khá nhiều trên loại giao diện này. Chẳng hạn bạn đang chơi game Killzone: Shadow Fall và có một tin nhắn từ người chơi khác gửi qua, bạn sẽ phải nhảy ra màn hình chủ Homescreen, mở trình duyệt web hoặc kiểm tra hòm thông báo nhưng may mắn là không cần thoát game hoàn toàn. Sau khi xong việc, bạn lại có thể tiếp tục chơi phân cảnh đang bỏ dở lúc trước.

     

    Hầu hết các game sẽ cài đặt tự động ngay khi bạn đưa đĩa vào trong máy, người chơi sẽ chỉ mất khoảng 1 phút để máy nhận game và có thể tiến hành chơi luôn ngay sau đó. Không chỉ dừng lại ở đó, người dùng hoàn toàn có thể biến PS 4 trở thành một rạp hát gia đình nhờ sự hỗ trợ của khá nhiều ứng dụng phổ biến như Netflix, Hulu và Amazon. Chúng đều hoạt động mượt chỉ ngoại trừ trình duyệt web. Mỗi hệ thống PS4 cũng đi kèm với một trình duyệt web tích hợp sẵn. Nhưng nó chậm chạp và rất ì ạch, thậm chí một chiếc smartphone trung cấp cũng đảm đương được việc lướt web tốt hơn PS 4.

    Linh hồn của PS 4: Game

    Gạt qua những tiểu tiết rườm rà mà giao diện chính mang lại, những trải nghiệm chính mà PS 4 hướng tới đương nhiên là các tựa game hấp dẫn. Không làm game thủ phải thất vọng, PS 4 hiện đã sở hữu những cái tên đình đám song nếu xét về số lượng thì chúng vẫn còn tương đối thưa thớt. Nhưng có lẽ kho game của hệ máy này sẽ được lấp dần trong tương lai gần.

     

    Các tín đồ đam mê tốc độ cao có thể thưởng thức Need for Speed: Rivals, Injustice: Gods Among Us cho thể loại nhập vai chiến đấu, Assassin’s Creed IV: Black Flag là game đầu bảng của phong cách hành động ẩn nấp, hay Killzone: Shadow Fall, Call of Duty: Ghosts và Battlefield 4 sẽ làm thỏa mãn các fan ưa thích game bắn súng.

     

    Với những tựa game nặng ngốn 30 đến 50 GB dung lượng, chiếc ổ cứng 500 GB của PS4 (92GB dành riêng cho hệ điều hành) bỗng chốc trở nên nhỏ bé. Nhưng xét cho cùng đó là cái giá xứng đáng mà nền đồ họa đỉnh cao của các game này mang lại. Trải nghiệm trên một chiếc TV Sony 40 inch cùng dàn loa chiến đấu đem lại cảm giác như bạn đang ở trong một chiến trường khốc liệt thật sự của Battlefield 4. Để làm được điều này, nếu chơi game trên PC chắc chắn bạn sẽ cần tới một dàn máy cấu hình khủng trên 15 triệu đồng thậm chí hơn nữa.

     

    Tạm kết

    Đến thời điểm này, vẫn chưa thể khẳng định PS 4 hay Xbox One sẽ trở thành máy chơi game xuất sắc nhất của năm. Tuy nhiên với những trải nghiệm đầu tiên cùng PS 4 và tay cầm DualShock 4, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục và đắm chìm vào những khung cảnh mãn nhãn mà Killzone: Shadow Fall mang lại. Nếu có cơ hội thử sức với PS 4, bạn sẽ thấy nó là một thành tựu nhảy vọt của Sony so với PS 3. Có lẽ trong tương lai gần, Playstation 4 cũng sẽ sớm phổ biến tại Việt Nam giống như những gì mà PS 3 đã làm được cho đến nay.

    Thang điểm đánh giá của trang tin công nghệ The Verge về Playstation 4.

    Tham khảo: The Verge