Đánh giá Qwant - liệu cỗ máy tìm kiếm đầy tham vọng này có thể đe dọa Google?

    Nguyễn Hải,  

    Có lẽ Qwant chưa đủ để đánh bại người khổng lồ này nhưng cũng đáng để thử nếu bạn coi trọng sự riêng tư của mình.

    Thống trị thế giới tìm kiếm ngày nay không ai ngoài khác Google, cỗ máy tìm kiếm lừng danh này không chỉ lấn át các đối thủ khác về thị phần, mà dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dùng thông thuờng khi họ muốn tìm kiếm điều gì đó. Thế nhưng điều này không ngăn cản những đối thủ khác luôn tìm cách thách thức họ trong một số lĩnh vực nào đó.

    Bên cạnh những tên tuổi lớn trong làng công nghệ thế giới như Bing, Qwant – một cỗ máy tìm kiếm đến từ Pháp, dù ít tên tuổi hơn cũng đang nổi lên mạnh mẽ. Khác với Google hay Bing, Qwant được xem như một cỗ máy tìm kiếm bảo mật khi không lưu lại lịch sử tìm kiếm hay cá nhân hóa kết quả tìm kiếm. Các báo cáo cho thấy lượng người dùng hàng tháng của Qwant đã tăng 70% so với năm ngoái lên con số 21 triệu người trên 30 quốc gia khác nhau.

    Trên thực tế, cho dù đây vẫn là một con số nhỏ nhoi so với những người khổng lồ về tìm kiếm như Bing, Google, nhưng cũng đủ để khiến người ta đặt câu hỏi: điều gì giúp cho cỗ máy tìm kiếm ít tên tuổi này hấp dẫn người dùng như vậy? Bên cạnh đặc điểm coi trọng tính riêng tư của người dùng, liệu còn điều gì làm Qwant thu hút người dùng như vậy?

    Giao diện người dùng

    Cũng tương tự như trang Google.com, trang truy cập Qwant.com có vẻ ngoài đơn giản với logo của cỗ máy ở giữa màn hình, bên dưới là thanh tìm kiếm. Bên trái màn hình sẽ là thanh menu với nhiều tùy chọn tìm kiếm trong các danh mục khác nhau như trên Web, trong các trang tin tức, mạng xã hội (hiện chỉ có riêng cho Twitter), hình ảnh, video và cả shopping cũng như music.

    Tìm kiếm trên mạng xã hội là một đặc điểm thú vị của Qwant. Thú vị hơn khi khác với Google và nhiều công cụ tìm kiếm khác, Qwant hiển thị kết quả theo 3 cột: cột Web, cột Tin tức (News) và cột Mạng xã hội (Social). Điều này giúp người dùng có thể cùng lúc theo dõi được nhiều kết quả hơn mà không phải kéo xuống phía dưới để xem thêm kết quả.

    Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn theo dõi các sự kiện nổi bật. Ví dụ, khi tìm kiếm với từ khóa “pin Galaxy Note7”, bên cạnh các kết quả thông thường từ các web ở Việt Nam còn có các tweet của người dùng Twitter ở Việt Nam về sự kiện Samsung công bố nguyên nhân gây cháy nổ chiếc Galaxy Note7, được sắp xếp theo trình tự gần nhất về thời gian. Tuy nhiên, nó không thực sự hữu dụng ở Việt Nam khi không nhiều người dùng công cụ mạng xã hội này, và tiện ích này chưa mở rộng sang các mạng xã hội khác.

    Ngoài ra, Qwant còn một điểm trội hơn Google về giao diện người dùng, đó là khả năng hiển thị tất cả tìm kiếm trên một trang duy nhất. Với Google, số lượng kết quả có một giới hạn nhất định trong mỗi trang tìm kiếm, còn với Qwant, trang kết quả sẽ được tự động tải về, bạn chỉ việc cuộn chuột xuống phía dưới để xem thêm các kết quả tìm kiếm.

    Quả thật so với Google.com, Qwant có một giao diện người dùng thuận tiện và thân thiện hơn hẳn, nhưng còn hiệu năng sử dụng thì như thế nào? Khả năng đồng bộ và tìm kiếm liệu có thể thách thức với người khổng lồ về tìm kiếm hiện thời không?

    Khả năng đồng bộ

    Cũng như Google, bạn cũng có thể đăng ký một tài khoản với Qwant và lưu trên mây các cài đặt cho bookmark và xu hướng tìm kiếm để đồng bộ khi bạn sử dụng Qwant trên máy tính khác. Bên cạnh đó, cạnh mỗi kết quả tìm kiếm, đều có một nút để bạn có thể lựa chọn add nhanh kết quả tìm kiếm đó vào tài khoản của bạn.

    Tuy nhiên, thật khó để so sánh khả năng đồng bộ này với Google khi hầu như ai cũng đã có một tài khoản Gmail. Hơn nữa, Google còn sử dụng một vũ khí đáng kể để củng cố khả năng đồng bộ tìm kiếm của mình, đó là Chrome, một trình duyệt nổi tiếng không kém với người dùng.

    Sự kết hợp giữa tài khoản Gmail và trình duyệt Chrome khiến cho khả năng đồng bộ của Chrome vượt trội hơn hẳn, không chỉ Qwant mà còn hầu hết các đối thủ cạnh tranh khác. Cùng với cỗ máy tìm kiếm Google, các yếu tố này như tạo thành một vòng bảo vệ vững chắc vị thế của Google trong lĩnh vực này.

    Khả năng tìm kiếm

    - Tìm kiếm theo từ khóa:

    Với một nguồn dữ liệu khổng lồ, được tích lũy từ nhiều năm nay, cũng như những nâng cấp liên tục về thuật toán tìm kiếm của Google, thật khó để Qwant, một người chơi mới xuất hiện ở sân chơi này, làm nên những thay đổi có ý nghĩa nào đó.

    Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên là với các từ khóa tiếng Anh mà tôi dùng thử như “data mining algorithms” (các thuật toán khai thác dữ liệu) hay “replace javascript” (hàm replace trong javascript) hay “resistant antibiotics bacteria” (vi khuẩn kháng kháng sinh), kết quả trả về giữa Qwant và Google khá tương đồng với nhau trong trang tìm kiếm đầu tiên.

     Kết quả tìm kiếm tương đồng giữa Qwant (trái) và Google (phải) khi tìm kiếm resistant antibiotics bacteria.

    Kết quả tìm kiếm tương đồng giữa Qwant (trái) và Google (phải) khi tìm kiếm "resistant antibiotics bacteria".

    Tuy vậy, dường như sự thiếu hụt về nguồn dữ liệu làm Qwant không thể đưa ra các kết quả là các nguồn tài liệu chuyên sâu như sách, các bài viết trên những tạp chí hay các trang web chuyên ngành.

    Hơn nữa một điểm trừ khác trong việc đưa ra kết quả tìm kiếm của Qwant so với Google, đó là thiếu thời gian đăng tải thông tin của kết quả tìm kiếm. Với Qwant, bạn không thể biết bài review đánh giá một sản phẩm nào đó diễn ra vào lúc nào trừ khi bạn truy cập vào bài viết đó để đọc. Đối với một người luôn muốn các thông tin mới nhất, sát thực tế nhất như tôi, điều này thật khó chấp nhận.

    - Tìm kiếm tra cứu nhanh

    Tuy vậy, một điểm cộng đáng khen khác cho Qwant là đưa ra kết quả nhanh cho một số tìm kiếm cụ thể. Ví dụ bạn có thể sử dụng từ khóa “1 inch to mm” để hoán đổi giữa hai đơn vị đo này, từ khóa “weather hanoi” (hoặc một địa điểm nào đó) để biết được thời tiết hiện tại, hoặc dùng “1 Fahrenheit to celsius” () để hoán đổi thước đo nhiệt độ. Đây là một tính năng mà tôi đã phải thất vọng khi dùng thử với Bing – đối thủ lớn nhất của Google.

    Nhưng nếu so với Google, tính năng này vẫn còn thiếu hụt khi nó chưa thể hoán đổi tiền tệ theo tỷ giá hiện hành. Tương tự như vậy, nếu bạn thử tìm kiếm với từ khóa “Oscar winners 2016” với Google, ngay lập tức bạn sẽ thấy kết quả ở tất cả các hạng mục, còn với Qwant bạn sẽ phải vào một trang web khác trong phần kết quả để tìm được cái mình muốn.

     So sánh kết quả tìm kiếm nhanh về kết quả Oscar 2016 giữa Qwant (trái) và Google (phải).

    So sánh kết quả tìm kiếm nhanh về kết quả Oscar 2016 giữa Qwant (trái) và Google (phải).

    Ngoài ra, một tác dụng ít người để ý của Google chính là khả năng kiểm tra lỗi chính tả, gõ một từ khóa sai chính tả vào Google và cỗ máy tìm kiếm này sẽ đưa ra các gợi ý viết đúng hơn cho bạn, với từ được sửa lại sẽ bôi đậm để thu hút sự chú ý của người dùng. Trong khi đó, Qwant dù sửa lỗi khá tốt, những lại không đưa ra các gợi ý về từ chính xác, nên dù vẫn cho ra các kết quả cần thiết, thật khó dùng Qwant cho việc kiểm tra xem mình viết đúng hay sai một từ nào đó.

    Ngoài ra, nếu bạn định tìm kiếm một địa điểm nào đó và đường đi tới địa điểm đó, chắc chắn Qwant không thể cho ra những kết quả như bạn có với Google khi họ có được công cụ Google Maps. Hơn nữa, bản đồ kỹ thuật số này còn được tích hợp trong nhiều website địa điểm khác nhau, khiến kết quả tìm kiếm hiển thị càng dễ dàng hơn bao giờ hết.

    Khả năng tìm kiếm theo các điều kiện khác nhau

    Cũng như Google, bạn có thể khoanh vùng tìm kiếm trong giới hạn một diễn đàn hay một website nào đó trên Qwant bằng cách thêm vào từ khóa tìm kiếm cụm từ “site: tên trang web cần tìm”.

    Tuy nhiên, với các mục đích tìm kiếm cụ thể hơn, như tìm kiếm theo hình ảnh, video hay theo các khoảng thời gian xác định, điểm yếu của Qwant mới bộc lộ rõ rệt nhất. Sự thiếu hụt về nguồn dữ liệu làm cho các kết quả Qwant đưa ra nghèo nàn hơn hẳn so với Google. Ví dụ, tìm kiếm bằng video với từ khóa “BlackBerry Priv” trên Qwant, bạn chỉ nhận được những kết quả từ YouTube, trong khi với Google số lượng và nguồn kết quả trả về phong phú hơn nhiều.

    Kết luận

    Đến đây, nếu để tìm ra người chiến thắng tổng thể chắc các bạn không khó để đưa ra kết luận: Google vẫn là một pháo đài khó có thể đánh bại, cho dù giao diện người dùng hay trang hiển thị kết quả chưa thực sự thân thiện và dễ dùng, nhưng đó cũng là sự đánh đổi hợp lý.

    Tuy nhiên, kết quả tìm kiếm web của Qwant cũng không đến nỗi tệ khi so sánh với Google, nhất là khi bạn sẵn sàng đánh đổi điều đó với sự an tâm về việc không ai dõi theo từng từ khóa tìm kiếm của mình. Những tiện ích mà Google thật hữu dụng nhưng việc phụ thuộc hoàn toàn vào một người khổng lồ công nghệ như vậy sẽ khiến không ít cảm thấy không thoải mái. Với họ, có lẽ Qwant là một sự lựa chọn thích hợp, không khó để thấy tại sao hiện tại họ lại đang thành công đến vậy.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ