Dòng smartphone có sự ‘góp tay’ của nhà thiết kế cũ từ Gucci!
Vẫn ‘đều như vắt tranh’, realme năm nay lại tiếp tục giới thiệu tới người dùng dòng smartphone realme 11 series, với sản phẩm đi tiên phong là realme 11 Pro+. Phiên bản năm nay đã có những nâng cấp lớn về camera, công nghệ sạc và đáng nói nhất là thiết kế bên ngoài ‘không hề đụng hàng’.
Nhìn sang
Là một người theo dõi realme từ những ngày đầu và cũng đã từng sử dụng chiếc realme 2 Pro, tôi thực sự cảm thấy khó tin khi realme 11 Pro+ là một sản phẩm của hãng này. Từ một hãng có thiết kế đơn giản, thậm chí là tối giản để giảm chi phí, realme giờ đã chú tâm hơn rất nhiều vào vẻ bên ngoài và chiếc smartphone ta có ở đây hôm nay là một minh chứng rõ ràng.
Điểm nổi bật nhất của máy không đâu khác chính là phần mặt lưng phủ da với 1 đường cắt nằm ở chính giữa, kết nối cạnh trên, cụm camera và cạnh dưới. Kiểu thiết kế này là thành quả của sự hợp tác giữa realme với Matteo Menotto - một nhà thiết kế đã từng làm việc với Gucci và công ty làm da Lychee Leather Design.
Lớp da này cho cảm giác sờ hơi ráp nhẹ nên cũng bám tay hơn so với nhựa hay kính, nên dù máy mỏng (8.2mm) và có kích thước khá lớn nhưng vẫn luôn chắc chắn trên tay. Soi kỹ hơn một chút, xung quanh đường kẻ màu cam ở giữa còn có các đường chỉ, giúp cho máy nhìn giống một chiếc ví hay túi bằng da vậy.
Cụm camera cũng có một thiết kế rất đặc biệt! Cụm 3 camera được đặt trên một ‘đảo’ hình tròn với phần viền màu cam, ở chính giữa là camera chính được bao quanh bởi những đường tròn phay xước vàng đồng, 2 camera phụ ở 2 bên, cạnh trên là flash và ở dưới là dòng chữ ‘200MP OIS camera’ để đảm bảo tính tương xứng.
Tông màu cam nhạt hơi ánh đồng trên cụm cũng xuất hiện ở cạnh bên, tạo nên sự khác biệt so với những đường viền trắng và đen thông thường.Toàn bộ nút bấm gồm nút nguồn và chỉnh âm lượng được chuyển về cạnh trái và bấm khá cứng tay, cho cảm giác vật lý tốt.
Với kiểu thiết kế mặt sau mang hơi hướng thời trang, nổi bật như vậy thì việc realme 11 Pro+ có màn hình dạng cong để hoàn thiện thiết kế cũng không phải là điều lạ. Đây là màn hình lớn 6,7 inch độ phân giải FullHD+ (tỷ lệ 20:9), dạng AMOLED 1 tỷ màu và có tần số làm tươi 120Hz.
Đây là một màn hình với chất lượng cao, với màu sắc tươi sáng và không bị quá đậm, có độ mượt tốt nhờ tần số 120Hz và có độ cong vừa phải. Kèm theo đó là những đường viền xung quanh được làm cân đối và không có ‘cằm’ dày, lại có camera selfie 32MP được đặt ở chính giữa giống những dòng máy flagship nên tôi không có điều gì để chê về mặt trước của chiếc máy này.
Nhìn chung, realme 11 Pro+ là một chiếc smartphone có khả năng ‘hút ánh nhìn’ mạnh, sử dụng nó ở ngoài đường chắc chắn sẽ có nhiều người ngoái lại nhìn bạn lần 2. Vẫn như thường lệ thì những dòng máy nổi bật như vậy thì sẽ không ‘vừa mắt’ nhưng bạn thích sự đơn giản, vì nhìn realme 11 Pro+ không ‘đơn giản’ một chút nào!
Sạc nhanh
Ngay từ khi mở hộp, tôi cũng đã biết được khả năng sạc của realme 11 Pro+ sẽ là 1 điểm mạnh của chiếc máy này. Củ sạc công nghệ SuperVOOC của máy có công suất lên tới 100W, cùng với sợi dây dày dặn để hỗ trợ công suất cao này. Sạc máy từ chế độ cạn kiệt, realme 11 Pro+ đạt 28% trong chỉ 5 phút, đạt 64% sau 15 hút và khoảng 28 - 29 phút là đầy pin. Chỉ dưới 30 phút để sạc đầy pin từ 0%, thực sự là ấn tượng nhất là khi đây là một dòng máy có pin dung lượng tới 5000mAh.
Viên pin dung lượng 5000mAh này có thể sử dụng được trong bao lâu? Trong một ngày cuối tuần giải trí với Liên Quân trong 2 tiếng và xem livestream Youtube trong gần 2 tiếng để có thời gian screen-on là 3 tiếng 52 phút, máy chỉ mất 33% pin. Đây là một kết quả ấn tượng, vì nếu cộng thêm những tác vụ nhỏ khác thì máy vẫn có thể sử dụng trong 2 ngày trước khi phải sạc, và như đã tìm hiểu thì quá trình sạc lại pin của máy cũng chỉ dưới 30 phút là đầy. Trải nghiệm pin sạc của realme 11 Pro+ là không có gì đáng để phàn nàn cả.
Sức mạnh đủ dùng
Đừng để những từ ‘Pro’ hay ‘Plus’ trong tên chiếc smartphone này làm bạn chóng mặt, đây vẫn là một dòng máy cận cao cấp chứ chưa đạt tới tầm flagship. Điều này thể hiện rõ thông qua cấu hình xử lý, khi máy được trang bị chip Dimensity 7050 5G. Đây mặc dù là một dòng chip mới, nhưng theo thông tin từ GSMarena thì thực ra chỉ là 1 phiên bản đổi tên của Dimensity 1080 và cũng chỉ là nâng cấp nhỏ của Dimensity 920 mà thôi.
Điểm đánh giá benchmark của máy cũng đã thể hiện rõ điều này. Điểm Antutu của máy đạt 556.484 điểm, so trên bảng xếp hạng thì sẽ gần sát với những dòng máy với chip Snapdragon 778G. Điểm GPU thông qua 3DMark thì Dimensity 7050 lại thấp hơn đôi chút, lấy điển hình là bài thử Wild Life Extreme thì Snapdragon 778G sẽ đạt 690 điểm, còn realme 11 Pro+ chỉ đạt 634 điểm.
Thử nhanh với tựa game Liên Quân Mobile, realme 11 Pro+ đạt mức đồ họa lên gần cao nhất, cụ thể là ‘Chất lượng hình ảnh’ chỉ thể đặt là Cao chứ không phải HD. Điểm tích cực là máy hỗ trợ khung hình 60fps chứ không bị dừng ở 30fps, và khi vào trận đấu thì mức này cũng được giữ một cách ổn định chứ không ‘tụt’ kể cả với những pha giao chiến nhiều người.
Ưu điểm của dòng chip này đó là hoạt động mát và tiết kiệm pin. Thời lượng pin cũng đã được tôi đề cập ở trên, còn về vấn đề nhiệt độ thì trong bài thử Antutu chip Dimensity 7050 chỉ nóng lên tới 37.4 độ, sờ vào mặt lưng cũng chỉ hơi ấm. Suốt quá trình tôi chơi Liên Quân máy vẫn luôn mát, một điểm đáng khen nhất là trong thời tiết ‘như đổ lửa’ này tại Hà Nội.
Camera 200MP từ Samsung là tâm điểm
Nằm trên chiếc ‘đảo’ hình tròn ở mặt sau realme 11 Pro+ là 3 camera bao gồm camera chính 200MP, siêu rộng 8MP và macro 2MP. Chỉ cần nghe thông số này thôi ai cũng có thể đoán được tâm điểm của hệ thống này chính là chiếc camera chính độ phân giải cao 200MP với cảm biến ISOCELL HP3 từ Samsung.
Ảnh từ camera chính realme 11 Pro+ ở chế độ 12.5MP
Trong chế độ chụp thông thường, cảm biến này sẽ gộp 8 điểm ảnh lại với nhau để tạo thành ảnh 12.5MP để tiết kiệm dung lượng cũng như dễ dàng chia sẻ hơn. Kể cả ở chế độ này, ảnh từ realme 11 Pro+ vẫn có độ nét cao, kèm theo đó là màu sắc đậm đà và có độ tương phản tốt. Màu ảnh đôi khi ngả về hướng xanh dương, thiếu 1 chút độ ấm nhưng trong đa phần trường hợp thì đủ trung tính và có thể sử dùng được luôn không cần chỉnh thêm.
Muốn chụp ảnh độ phân giải ta sẽ phải vào chế độ chụp Hi-res riêng, và có thể chọn giữa 50MP và 200MP. Khi chụp và ‘soi’ ảnh chụp 12.5MP và 200MP, ảnh 12.5MP vẫn được máy xử lý hậu kỳ nhiều hơn nên cho màu đậm, ít nhiễu hơn. Ảnh độ phân giải cao 200MP khi zoom lớn đúng là có nhiều chi tiết ‘thật’ hơn và không thấy được từng pixel ảnh, nhưng nhìn tổng thể cũng mờ và nhiều nhiễu hơn 1 chút. Những bức ảnh dạng Hi-res muốn sử dụng thì cần chỉnh sửa thêm với phần mềm hậu kỳ để vừa có độ nét vừa nhìn thuận mắt nhất.
Ảnh zoom 2x và 4x
Ưu điểm của camera 200MP đối với tôi không phải là việc chụp ảnh ‘soi chi tiết’, mà hỗ trợ realme 11 Pro+ chụp zoom, vì máy không có thêm camera tele. Ở ngưỡng 2x, ảnh vẫn có độ chi tiết tốt và các yếu tố màu sắc, tương phản đều không thua kém gì ảnh chụp thường cả. Đến ngưỡng 4x thì ảnh đã bắt đầu xuất hiện độ mờ và nhiễu hạt, nhưng vẫn nằm ở mức chấp nhận được và hoàn toàn có thể sử dụng trên các nền tảng mạng xã hội.
Ảnh từ camera siêu rộng
Camera siêu rộng 8MP nghe thì không có gì đặc biệt lắm, nhưng chất lượng sử dụng thực tế cũng khá tốt. Độ nét khó lòng có thể bắt kịp được với camera chính nhưng các yếu khác vẫn luôn được đảm bảo, từ màu sắc (cho màu sắc giống với camera chính), ảnh không bị nhiễu và quan trọng là không bị méo nhiều ở viền ảnh.
Ảnh từ camera macro
Yếu điểm của hệ thống camera này nằm ở camera macro 2MP, là loại có khoảng nét cố định nên phải lấy nét thủ công. Chất lượng hình ảnh từ camera này cũng không thực sự cao, cho màu sắc hơi nhạt và độ nét cũng không cao. Nếu cần chụp đồ vật gì đó nhỏ, tôi sẽ chọn cách chụp zoom lớn từ camera chính thay vì dùng camera macro này.
Sắm hay không?
Realme hiện nay đã rất khác so với realme lúc mới được thành lập. Thay vì ra mắt những sản phẩm nhìn đơn giản, cắt giảm chi phí ở nhiều chỗ để đạt cấu hình cao thì giờ ‘budget’ tạo nên 1 chiếc máy như realme 11 Pro+ đã ‘dàn trải’ hơn, các yếu tố như thiết kế, hệ thống pin sạc và camera đều đã được chú tâm hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc realme 11 Pro+ đã không còn là dòng máy dành cho những bạn ‘chạy đua cấu hình’ hay mọi người gọi là ‘chip thủ’ nữa rồi. Đây thực sự cũng chả phải là điều gì xấu, vẫn luôn có những bạn muốn có một trải nghiệm smartphone toàn diện hơn là chỉ có cấu hình đầu bảng. Bạn thuộc nhóm nào?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android