Đánh giá tai nghe Sony WH-1000XM3: chống ồn bá đạo, 10 phút sạc 5 giờ nghe nhạc, giá rẻ hơn phiên bản cũ 500 ngàn đồng!
WH-1000XM3 xứng đáng là cú knockout đỉnh nhất mà Sony đã thực hiện cho đến hiện tại...
- Đây là máy nghe nhạc "tích hợp AI" Sony DMP-Z1 đầu tiên về Việt Nam: núm mạ vàng, nặng như cục gạch, giá nhẹ nhàng bằng 7 chiếc iPhone XS Max!
- Sony và Grado vừa chứng minh rằng quyết định khai tử cổng tai nghe trên iPhone là đúng đắn
- 4 điểm nhấn không thể rời mắt nếu lỡ bước vào Sony Show 2018 tại Hà Nội
Năm 2016, khi lần đầu tiên trình làng flagship MDR-1000X trên sân khấu IFA (Đức), Sony hẳn không ngờ rằng chiếc tai nghe wireless chống ồn đầu tiên của hãng thành công bất ngờ đến như vậy. Một năm sau, bản nâng cấp WH-1000XM2 như "hổ mọc thêm cánh" với một loạt công nghệ mới, chất âm trau chuốt đáng kể và trở thành một thế lực trong dòng sản phẩm noise-cancelling headphone.
Lên trên đỉnh cao đã khó, duy trì đỉnh cao còn khó hơn gấp bội. Rất nhiều fan hâm mộ của Sony tự hỏi rằng, hãng sẽ tiếp tục làm gì với phiên bản tiếp theo WH-1000XM3: thay đổi thiết kế, bổ sung công nghệ, thay đổi chất âm hay giảm giá bán sản phẩm? Tất cả dự đoán trên đều đã trở thành sự thật, khi WH-1000XM3 chính thức lên kệ với giá bán 8.490.000 VNĐ (rẻ hơn 500 ngàn so với 1000XM2 một năm về trước).
WH-1000XM3 vẫn giữ đóng hộp đơn giản song cũng đầy tinh tế như những sản phẩm khác của Sony. Mặt trước là hình ảnh chiếc tai nghe cùng những công nghệ chủ đạo như Noice Cancelling, Ambient Sound, Bluetooth, NFC,...
Thông số kĩ thuật của WH-1000MX2, đáng chú ý là tính năng sạc nhanh 10 phút, dùng 5 giờ cùng thời lượng pin lên tới 40h.
Bộ phụ kiện cùng bao đựng tai nghe rất chắc chắn & đẹp mắt.
Hãy nói về thiết kế. Nếu đánh giá phiên bản trước là sự nâng cấp nhẹ nhàng so với thế hệ 1000X nguyên bản thì WH-1000XM3 được xem là "thẩm mĩ viện" về mọi mặt. Thiết kế cơ bản vẫn là phần khung kim loại cao cấp kết hợp da bọc các chi tiết tai nghe, song headband và pads trên WH-1000XM3 được bọc đệm dày dặn hơn, kích thước housing cũng lớn hơn ôm trọn vành tai người đeo.
WH-1000XM3 đánh dấu sự thay đổi về mặt thiết kế so với phiên bản tiền nhiệm WH-1000XM2
Sự thay đổi này mang tới cảm giác đeo cực kỳ thoải mái, dù trong quá trình trải nghiệm tôi đã phải đeo WH-1000XM3 trong hơn 5 giờ liên tục. Earcups và headband áp lên đầu mềm mại và dễ chịu, đồng thời nó cũng ôm vừa đủ để có thể chống ồn tốt hơn, lại không quá bí nóng.
Headband được bọc đệm dày dặn hơn phiên bản cũ ...
.. Earcup cũng có kích thước lớn hơn ôm trọn vành tai.
Điều thú vị tiếp theo là WH-1000XM3 lại nhẹ hơn phiên bản cũ, giảm từ 275g xuống chỉ còn 255g, cũng gọn gàng hơn khi gấp lại trong quá trình di chuyển. Đây là một lợi thế không nhỏ của 1000XM3 khi so kè với những đối thủ khác trong cùng tầm giá như B&W PX (335g) hay Bose QuietComfort 35 II (234g).
Phần earcup bọc da trên phiên bản mới này vẫn được trang bị bộ cảm biến cho phép người dùng có thể điều khiển bằng cảm ứng: tăng giảm âm lượng, chuyển bài, nhận cuộc gọi,... chỉ bằng vài cái chạm gõ lên housing của tai nghe. Vuốt lên xuống để tăng giảm âm lượng, vuốt qua lại để chuyển bài hát, chạm 2 lần để Play/Pause hay nhận cuộc gọi - tất cả thao tác vẫn chính xác và hết sức mượt mà.
Bộ cảm biến điều khiển cảm ứng đặt trên ear-cup của WH-1000XM3
Sony WH-1000XM3 cũng được trang bị hệ thống sạc mới. Nói tạm biệt với cổng micro-USB và thay vào là đó chuẩn USB-TypeC mới - một động thái hết sức hợp lý khi hầu hết những smartphone Android cao cấp hiện nay đều đã chuyển sang TypeC, một chiếc cable sạc có thể kiêm cả 2 nhiệm vụ, tiện lợi hơn nhiều chứ nhỉ.
Nói tạm biệt với cổng micro-USB và thay vào là đó chuẩn USB-TypeC mới
Tính năng sạc nhanh cũng đã được cải thiện đáng kể, 10 phút sạc pin là đủ để WH-1000XM3 hoạt động thêm 5 giờ - cực kì ấn tượng so với chỉ hơn 1 giờ trên phiên bản tiền nhiệm WH-1000XM2. Sạc full pin trong 3 giờ, WH-1000XM3 sẽ hoạt động tối đa công suất (bật cả chế độ chống ồn & NFC) tới 30 tiếng đồng hồ - thời lượng pin ao ước với tất cả những chiếc tai nghe không dây khác tại thời điểm hiện tại!
Tất nhiên là WH-1000XM3 vẫn được trang bị input 3.5mm để nghe nhạc khi tai nghe hết pin mà chưa kịp sạc
Nếu đã từng sở hữu một chiếc WH-1000MX2, bạn biết chiếc tai nghe này sẽ tự động tắt nguồn để tiết kiệm pin nếu không nhận được tín hiệu âm thanh từ nguồn phát. Điều này vô tình gây bất tiện với những người dùng không muốn nghe nhạc, chỉ muốn bật chống ồn để "được yên thân" ngủ trưa, đọc sách hay làm việc. Trên phiên bản mới cùng ứng dụng Sony Connect, bạn có thể thiết lập thời gian chống ồn theo nhu cầu sử dụng. Một thay đổi nhỏ, nhưng mang lại trải nghiệm hoàn toàn thú vị với người dùng.
Nói về công nghệ chống ồn, nâng cấp quan trọng nhất trên WH-1000XM3 chính là chip xử lý riêng có tên Noise Cancelling Processor QN1 - thay vì tích hợp vào DAC như phiên bản tiền nhiệm. Theo Sony thì con chip hoạt động độc lập này sẽ có tác dụng chống ồn tốt hơn 4 lần so với WH-1000MX2, bởi vì QN1 không chỉ loại bỏ những tạp âm có tần số thấp như máy bay hay động cơ xe mà còn xử lý cả những âm thanh có tần số cao hơn như tiếng người nói chuyện, dàn nhạc cụ,...
WH-1000XM3 được trang bị chip xử lý riêng Noise Cancelling Processor QN1 để xử lý tiếng ồn
Một thay đổi khác về mặt thiết kế để cải thiện khả năng chống ồn của WH-1000XM3 chính là sự xuất hiện của 3 chiếc microphone bên chiếc earcup trái. Cụ thể, microphone được sử dụng trong việc phân tích noise canceling đã được tách biệt với microphone phục vụ cho việc đàm thoại rảnh tai - đồng nghĩa với chất lượng cuộc gọi trên WH-1000XM3 sẽ tốt hơn nhiều phiên bản tiền nhiệm.
Những tính năng độc quyền còn lại của hãng như Ambient Sound, Personal NC Optimizer, Quick Attention đều được Sony được tối ưu, bên cạnh công nghệ phân tích áp suất không khí Atmospheric Pressure Optimizing dành riêng cho những người dùng thường xuyên phải di chuyển trên máy bay.
Quick Attention Mode là chế độ giảm chống ồn tạm thời khi bạn cần nghe và trò chuyện với bạn bè bên cạnh. Khi đặt bàn tay lên tai nghe thì chế độ này sẽ được kích hoạt, nhạc tự giảm âm lượng trong khi microphone sẽ truyền âm thanh bên ngoài tới tai để nghe rõ hơn. Cấp độ chống ồn cũng tự động được điều chỉnh khi bạn di chuyển trên đường.
Tiếp đó, tính năng Atmospheric Pressure Optimising trên WH-1000XM3 giúp tai nghe nhận biết áp suất khí của môi trường xung quanh nhằm tối ưu hóa hiệu năng chống ồn phù hợp. Kết hợp với ứng dụng Headphone Connect, bạn có thể sử dụng Apdaptive Sound Control để tai nghe tự điều chỉnh noise cancelling dựa trên từng môi trường thực tế khác nhau.
Tóm lại, tất cả những tinh chỉnh trên giúp WH-1000XM3 sở hữu khả năng chống ồn tiệm cận sự hoàn hảo, có phần nhỉnh hơn B&W PX và không hề kém cạnh với Bose QuietComfort 35 II - đối thủ lớn nhất của nó tại thời điểm này.
Tiếp theo là thời gian để bàn luận về chất lượng âm thanh. Việc sử dụng riêng Processor QN1 chính là chiếc chìa khóa để Sony có thể xử lý âm thanh 32 bit trên WH-1000XM3, giúp người dùng trải nghiệm tốt hơn các bản nhạc lossless.
Chiếc tai nghe này cũng hỗ trợ bộ giải mã LDAC độc quyền do chính Sony phát triển. Điểm ưu việt của LDAC nằm ở chỗ phương thức này cho phép truyền tín hiệu ở mức tối đa 990kbps, cao hơn nhiều so với mức 328kbps của chuẩn Bluetooth sử dụng SBC thông thường.
Thực tế với tốc độ tối đa 990kbps, LDAC vẫn chưa thể đáp ứng được băng thông yêu cầu khoảng 4.5Mbps của các bản nhạc hi-res PCM 24bit/96kHz. Tuy nhiên, công nghệ Digital Sound Enhancement Engine (DSEE HX) của Sony sẽ giải quyết vấn đề này, với "khả năng nâng chuẩn file nhạc nén từ mọi định dạng sang âm thanh chất lượng tương đương hi-res, ngay cả trong chế độ wireless".
Cảm nhận thực tế về chất âm, phong cách chủ đạo của WH-1000XM3 vẫn là dải âm trầm mạnh mẽ, chắc khỏe đậm chất Sony từ Sony MDR-1A, MDR-100ABN cho đến series MDR-1000X. Nhưng so với WH-1000MX2 tiền nhiệm, phiên bản mới này sở hữu chất bass giàu lượng, bốc lửa hơn, độ sâu & ngân rung được thể hiện rõ rệt khi WH-1000XM3 đánh những bản Dance, EDM của cố huyền thoại Avicii như Wake Me Up, Addicted To You hay Hey Brother,...
Dải trung cao của WH-1000XM3 theo xu hướng khá ngọt ngào, được peak nhẹ pha chút sắc màu để chiều lòng những đôi tai nghiện vocal, song điều này sẽ làm cho người nghe yêu cầu cao về sự chi tiết, tách bạch trong âm thanh chưa thật sự vừa ý. Theo cảm nhận của riêng cá nhân tôi, điều này không ảnh hưởng quá nhiều tới giá trị sử dụng của WH-1000XM3 - nó được định hướng là chiếc tai nghe portable phục vụ nhu cầu di chuyển & chống ồn, việc cân bằng giữa hiệu năng và chất âm vốn dĩ là điều bắt buộc phải làm.
Công bằng mà nói, flagship của Sony chẳng hoàn hảo đến độ có thể đánh bại những đối thủ cứng cựa khác trên mọi phương diện - song cũng chẳng một chiếc tai nghe chống ồn nào thể hiện sự hấp dẫn như WH-1000XM3 mang lại tại thời điểm hiện tại.
Bose luôn được mệnh danh là "ông vua" của dòng tai nghe chống ồn, QuietComfort 35 II là minh chứng rõ ràng cho danh xưng đó song độ tùy biến Noise Cancelling cũng như khả năng trình diễn âm thanh lại chưa đạt đến mức đỉnh cao. B&W PX sở hữu một dải trung cao tuyệt vời với độ chi tiết, sự tách bạch nổi trội song trải nghiệm sử dụng hay khả năng chống ồn của nó mới chỉ dừng ở mức chấp nhận được.
Đơn giản thì, WH-1000XM3 xứng đáng là cú knockout đỉnh nhất mà Sony đã thực hiện cho đến hiện tại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập