Đánh giá WD My Passport thế hệ mới: Ổ cứng di động hiếm hoi đạt mức 4TB nhưng kích thước không đổi
Bên cạnh những chiếc SSD Blue lần đầu ra mắt, Western Digital tiếp tục làm hài lòng người dùng với thế hệ ổ cứng gắn ngoài mới có dung lượng khổng lồ.
Đối với người dùng máy tính xách tay, dung lượng lưu trữ luôn là một hạn chế khó khắc phục khi thường chỉ cho phép gắn 1 ổ cứng. Các máy có thể gắn 2 ổ trở lên đều to xác, nặng nề, rất cồng kềnh, chủ yếu là những chiếc laptop Gaming đắt tiền, chỉ phù hợp với một số ít người.
Vấn đề càng trở nên khó khăn khi bạn muốn tăng tốc máy tính lên gấp nhiều lần bằng SSD. Giải pháp lưu trữ duy nhất hiện nay là cầu viện tới ổ cứng gắn ngoài. Và nếu bạn có rất rất nhiều dữ liệu thì sao? Hãy tìm đến WD My Passport - ổ cứng gắn ngoài có dung lượng lớn nhất hiện tại với khả năng lưu trữ tới 4 TB!
WD My Passport
Western Digital là hãng rất chăm làm mới sản phẩm và liên tục đưa ra cải tiến. Với chiếc My Passport mới này, không chỉ dung lượng được mở rộng hết cỡ mà thiết kế sản phẩm cũng rất mới mẻ.
My Passport có tới 6 phiên bản màu sắc khác nhau: đen, đỏ, trắng, xanh dương, cam, vàng. Chiếc ổ trên tay chúng tôi là bản màu trắng sữa - màu sắc theo chủ quan của tôi là đẹp & tao nhã nhất. Ngoài màu sắc, người dùng có thể lựa chọn 4 mức dung lượng là 1 TB, 2 TB, 3 TB và 4 TB.
So với các ổ di động trên thị trường hiện nay, My Passport 4 TB to, dày và nặng hơn đáng kể nhưng vẫn đủ cầm nắm trong lòng bàn tay. Chiếc ổ có kích thước 110 x 21,5 x 81,5 mm, khối lượng 250g.
4 miếng đệm cao su chống rung được đặt ở 4 góc ổ.
Dày hơn khoảng 2,5 lần so với iPhone 5C
My Passport được trang bị một đèn led báo hiệu tình trạng đọc / ghi dữ liệu, cũng màu trắng luôn.
Phụ kiện đi kèm chỉ có 1 sợi dây cáp trắng tinh khôi, hơi ngắn và cứng.
Dung lượng mà chúng ta có thể sử dụng là 3,63 TB.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z170 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-6600K @4,6 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 8 GB Avexir Core Series DDR4 2666 MHz
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: Seasonic X650
Xin cám ơn ASRock Việt Nam và Công ty Máy tính Vĩnh Xuân đã tài trợ bo mạch chủ ASRock Z170 Extreme4 cho cấu hình thử nghiệm của chúng tôi.
Xin cám ơn Công ty Máy tính Hà Nội (43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã tài trợ kit nhớ Avexir Core Series DDR4 2666 MHz cho testbench của chúng tôi.
Bài test bằng các phần mềm đo tốc độ
Tôi sử dụng Crystal DiskMark, HD Tune Pro và ATTO Disk Benchmark để đo tốc độ của My Passport tại các mốc sử dụng 0%, 50%, 75% và 98%.
Khi chưa sử dụng, tốc độ của ổ rơi vào khoảng 115 - 106 MB/s (đọc - ghi). Đây là con số thường thấy ở các ổ HDD 2,5”.
Dữ liệu chiếm 0% dung lượng ổ. Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.
Đổ dữ liệu chiếm 50% ổ, tốc độ giảm một chút còn 99 - 90 MB/s (đọc - ghi). So với các ổ cứng khác ở cùng mức sử dụng thì độ sụt giảm này là thấp.
Dữ liệu chiếm 50% dung lượng ổ. Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.
Với 75% dữ liệu nạp đầy, tốc độ của ổ lúc này còn 84 - 75 MB/s (đọc - ghi).
Dữ liệu chiếm 75% dung lượng ổ. Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.
Dữ 98%, gần đầy. Tốc độ mà phần mềm đo được còn 67 - 59 MB/s (đọc - ghi). Các kết quả này cho thấy WD My Passport có tốc độ tương đương với các ổ gắn ngoài thế hệ mới có mặt trên thị trường.
Dữ liệu chiếm 98% dung lượng ổ. Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.
Bài test thực tế copy dung lượng
Là một chiếc ổ cứng di động, không thể bỏ qua tốc độ chuyển dữ liệu với máy tính. Trong bài test này, tôi copy dữ liệu qua lại giữa My Passport với một ổ SSD 480 GB, sử dụng 1 bộ phim HD nặng 8 GB (dữ liệu lớn) và 1 thư mục ảnh nặng 8 GB (dữ liệu nhỏ, phân mảnh). Trong các ảnh dưới đây, chuyển file phim HD được đặt ở trên và chuyển thư mục ảnh đặt ở dưới.
Khi trống hoàn toàn, việc chuyển dữ liệu từ SSD vào My Passport diễn ra khá trơn tru, tốc độ ổn định trên 100 MB/s.
Sao chép từ My Passport vào SSD cũng vậy.
Với 50% dung lượng được sử dụng, việc copy dữ liệu vào My Passport cchậm đi đôi chút, chỉ còn gần 90 MB/s.
Tuy nhiên copy dữ liệu từ My Passport vào SSD vẫn rất nhanh, không hề chậm đi chút nào.
Dùng hết 75% dung lượng, tốc độ copy vào My Passport giảm còn 75 MB/s, đối với thư mục ảnh có sự trồi sụt nhẹ trong quá trình copy.
Nhưng copy từ My Passport vào SSD tốc độ vẫn giữ nguyên 105 MB/s.
Cuối cùng khi ổ gần đầy, tốc độ copy vào My Passport còn khoảng 56 MB/s. Các ổ HDD 3,5” thường dùng trong máy tính để bàn cũng ở mức này.
Trong khi đó, copy dữ liệu từ My Passport vẫn nhanh hệt như lúc đầu.
Nhiệt độ hoạt động
Nhiệt độ hoạt động của WD My Passport ở mức ổn, chấp nhận được. Sau hơn 4 giờ liên tục copy dữ liệu, nhiệt độ ổ khoảng 45 độ C - vẫn nằm trong ngưỡng an toàn cho HDD.
Phần mềm hữu ích
Trước khi đến tay người dùng, chiếc ổ đã được format sẵn và có sẵn bộ cài phần mềm tiện ích WD Apps. WD Apps có 3 tiện ích là Backup, Security và Drive Utilities.
Với tính năng Backup, tôi có thể chọn My Passport làm thiết bị sao lưu dữ liệu định kỳ, có thể cài đặt được thơi gian backup.
Security là tính năng cài đặt mật khẩu để người lạ không thể sử dụng được ổ của bạn. WD cảnh báo nếu quên mật khẩu, chủ nhân của nó sẽ không có cách nào lấy lại được dữ liệu, đến chính bản thân hãng cũng bó tay.
Drive Utilities là bộ tiện ích gồm 4 chức năng chính: Kiểm tra sức khỏe của ổ, tắt / bật đèn led, cài đặt thời gian sleep, xóa sạch sẽ toàn bộ dữ liệu.
Kết luận
Ở chiếc My Passport thế hệ mới, chúng ta không được chứng kiến cải tiến vượt bậc nào về tốc độ. Tuy vậy, việc không gian lưu trữ được mở rộng tới 4 TB là điểm nhấn hết sức ấn tượng. Giờ đây chúng ta đã có thể mang theo người lượng dữ liệu vô cùng lớn, không cần phải chia ra 2 3 ổ như trước kia nữa. Đối với người dùng máy tính xách tay, My Passport cho phép bạn có thể vừa dùng SSD vừa có được không gian lưu trữ thoải mái.
Thiết kế của ổ cũng là 1 điểm tôi đánh giá cao, đặc biệt là phiên bản màu trắng này, cảm giác khi cầm trên tay rất chắc chắn, tinh tế và tao nhã. Dù sử dụng liên tục trong thời gian dài, nhiệt độ vẫn không quá cao, nằm trong ngưỡng an toàn.
WD My Passport đã được phân phối tại thị trường Việt Nam với giá bán lẻ lần lượt là 1.850.000 VNĐ (1 TB), 3.490.000 VNĐ (2 TB), 4.390.000 VNĐ (3 TB) và 5.190.000 VNĐ (4 TB).
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"