Đây là 10 nỗi khổ của những người suốt ngày buồn đi tiểu

    zknight,  

    Kích thước thực sự là vấn đề. Bàng quang nhỏ là đặc điểm chung của hầu hết tất cả những người này.

    Một số người thực sự cần đi tiểu nhiều hơn những người khác. Ngay từ khi còn học trung học, tôi đã biết mình là một trong số đó. Trong đầu tôi luôn có một mối căng thẳng mơ hồ khi đi đến một địa điểm mới mẻ, đi du lịch hoặc trên một chuyến xe đường dài: Liệu ở đó có một nhà vệ sinh nào hay không?

    Tiểu nhiều đặt ra rất nhiều tình huống phiền nhiễu khiến bạn phải suy nghĩ. Liệu tôi có nên vào nhà vệ sinh trước khi lên xe bus? Ngồi trong rạp phim chỉ ăn bỏng thôi, nên hạn chế uống nước ngọt thì hơn. Đừng uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ…

    Nhưng tại sao và điều gì đã biến tôi thành một cái máy bơm như vậy?

    Đây là 10 nỗi khổ của những người suốt ngày buồn đi tiểu - Ảnh 1.

    Trung bình, một người trưởng thành chỉ cần đi tiểu từ 6-7 lần mỗi ngày. Nhiều hơn một chút hoặc ít hơn một chút vẫn được coi là bình thường. Chẳng hạn, có ngày bạn đi tiểu chỉ 4 lần, có ngày thì tới 10 lần, không thành vấn đề.

    Nhưng đối với những người có tần suất đi tiểu bất thường thì khác, con số có thể cao hơn nhiều thậm chí tới 20 lần. Điều này có thể bắt nguồn từ bất kỳ nguyên nhân nào trong một trong danh sách dài các tình trạng ảnh hưởng đến đường tiết niệu, từ sỏi bàng quang đến phì đại tuyến tiền liệt và bệnh tiểu đường.

    Ngoài ra, Michael Ingber, một bác sĩ tiết niệu ở New Jersey cho biết việc bạn ăn gì, cảm thấy căng thẳng hay thậm chí cả thay đổi thời tiết cũng có thể ảnh hưởng tới tần suất đi tiểu của bạn. Vậy hãy cùng tìm hiểu đâu là lý do tại sao một số người cảm thấy muốn đi tiểu thường xuyên hơn những người khác:

    1. Đó là do đặc điểm cơ địa mỗi người

    Thông thường, khi ai đó đi tiểu nhiều, họ sẽ cảm thấy rằng mình phải đi tiểu bất cứ lúc nào. Ngay cả khi bàng quang trống rỗng, họ vẫn cảm thấy mình cần đi tiểu.

    Đối với một số người, cơ thể họ thực sự tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường. Một người trưởng thành trung bình tạo ra 3 lít nước tiểu mỗi ngày, nhưng những người tiểu nhiều có thể tạo ra tới gấp 3 lần con số đó.

    Một số yếu tố ngoại cảnh có thể tác động khiến bạn tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường, bao gồm bệnh tiểu đường, một số loại thuốc theo toa, hoặc đơn giản là bạn đã uống quá nhiều nước trong ngày.

    Đây là 10 nỗi khổ của những người suốt ngày buồn đi tiểu - Ảnh 2.

    2. Họ bị stress

    Căng thẳng có thể đẩy đổ một hàng dài những hiệu ứng sinh lý bình thường trong cơ thể như việc đẩy đổ một dãy domino. Một trong số những con domino đó khiến bạn cần đi tiểu nhiều hơn.

    Trước hết, căng thẳng và lo lắng có thể ghi đè tín hiệu não trong hệ thống limbic, những tín hiệu đang kiềm chế ham muốn đi tiểu của bạn. Cộng với đó, căng thẳng cũng làm tăng nồng độ cortisol, hooc-môn có thể ức chế quá trình tái hấp thụ tiết niệu, khiến bạn thải ra nhiều nước tiểu hơn nên đương nhiên, bạn sẽ có nhu cầu đi tiểu nhiều hơn.

    3. Họ ăn một thứ gì đó khiến bàng quang bị kích thích

    Chúng ta đều biết rằng một số loại thực phẩm có thể gây khó chịu cho dạ dày hoặc thực quản, nhưng ít người biết cũng có một số loại thực phẩm gây kích thích bàng quang. Nhìn chung, thủ phạm lớn nhất là các loại thực phẩm cay và có tính axit.

    Anita Ackerman, một bác sĩ tiết niệu tại New Jersey, Hoa Kỳ cho biết, những thực phẩm này có thể gây kích ứng từ miệng cho tới bàng quang và khiến bạn cảm thấy mình cần đi tiểu nhiều hơn.

    4. Họ đã uống rượu hoặc cà phê

    Giống như một số loại thực phẩm nói trên, một số loại đồ uống cũng có thể kích thích bàng quang, chẳng hạn như rượu. Khi bạn uống nhiều rượu, bạn sẽ cần đi tiểu nhiều hơn. Điều tương tự xảy ra với các loại đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê, nước tăng lực…

    Chúng ta đều biết caffeine là một chất lợi tiểu. Thế còn các đồ uống khác, khi bạn uống quá nhiều bất kể một loại đồ uống nào, chúng đều có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường.

    Đây là 10 nỗi khổ của những người suốt ngày buồn đi tiểu - Ảnh 3.

    5. Thời tiết lạnh

    Khi bạn cảm thấy lạnh, cơ thể sẽ có phản ứng co thắt các mạch máu ở tay chân và tứ chi, để ép máu chảy về lõi cơ thể, nhằm giữ ấm cho các nội tạng quan trọng. Sự gia tăng máu này đặt áp lực lên phần lõi cơ thể, sẽ khiến nó cần sơ tán một lượng chất lỏng dư thừa.

    Trong trường hợp bạn chưa hiểu sơ tán chất lỏng dư thừa là gì, đó chính là đi tiểu.

    6. Cơ thể bị mất nước

    Thật kỳ lạ, không uống đủ nước cũng có thể khiến bạn cần đi tiểu. Điều này là do nước tiểu của bạn đang cô đặc lại thành màu vàng đậm, nó tích tụ một mật độ chất thải rất cao gây khó chịu cho bàng quang, bác sĩ Ackerman giải thích. 

    Không khó hiểu khi cơ thể bạn đòi đi tiểu để giải phóng những độc hại đó ra khỏi cơ thể.

    7. Họ đang dùng một loại thuốc nào đó

    Bạn thường uống thuốc như một cách giải quyết một vấn đề nào đó trên cơ thể, nhưng viên thuốc vào bụng lại gây ra một vấn đề khác. Đó là chuyện thường tình, hãy nghĩ đến những tác dụng phụ của thuốc. Một số loại thuốc sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều hơn.

    Đó thường là những loại thuốc huyết áp cao, thuốc chống lo âu và thuốc chống trầm cảm… Một số loại kháng sinh đôi khi cũng có thể là thủ phạm khiến bạn cần vào nhà vệ sinh.

    Đây là 10 nỗi khổ của những người suốt ngày buồn đi tiểu - Ảnh 4.

    8. Đôi khi chỉ là do họ tưởng tượng

    Trong thực tế, một số người bị rối loạn tâm lý khiến họ lúc nào cũng cảm thấy mình cần phải đi tiểu, bác sĩ Ackerman nói. Những người này không có bất kỳ bệnh lý cơ bản nào giải thích cho lý do tại sao họ phải đi tiểu nhiều như vậy.

    Đi tiểu nhiều do tâm lý thường xuất phát từ tiền sử bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu không tự chủ, cảm giác khó chịu hoặc thậm chí là buồn chán cũng khiến những người này nghĩ rằng mình cần đi vào phòng vệ sinh.

    9. Bàng quang của họ hoạt động quá mức

    Bàng quang hoạt động quá mức là thuật ngữ chung cho tất cả các tình trạng khiến bàng quang của bạn co thắt một cách không tự nhiên, khiến bạn nghĩ rằng bạn cần đi tiểu trong khi sự thật thì không. 

    Những lý do gây ra những cơn co thắt đó vẫn chưa được hiểu rõ. Bất cứ điều gì từ bệnh tiểu đường đến tiêu thụ quá nhiều caffeine đều có thể khiến bàng quang hoạt động quá mức.

    10. Bàng quang của họ nhỏ hơn bình thường

    Ở đây thì, kích thước thực sự là vấn đề. Bàng quang nhỏ là đặc điểm chung của hầu như tất cả những trường hợp đi tiểu nhiều quá mức và thường xuyên.

    Với người bình thường, bàng quang thường có thể giữ lại được khoảng hai cốc chất lỏng. Nhưng một số người có đặc điểm giải phẫu đặc biệt khiến con số nhỏ hơn đáng kể. Nếu một người nào đó được sinh ra với bàng quang nhỏ hơn, họ chỉ đơn giản là không thể chứa nhiều nước tiểu như những người có bàng quang lớn, vì vậy, họ phải mở cửa xả nhiều lần hơn trong ngày.

    Đây là 10 nỗi khổ của những người suốt ngày buồn đi tiểu - Ảnh 5.

    Ngoài ra, tiểu nhiều còn gắn với chứng tiểu đêm, được định nghĩa khi bạn thức dậy nhiều hơn một lần mỗi đêm để đi tiểu. Theo bác sĩ Ackerman, chứng tiểu đêm có thể xuất phát từ bất kỳ yếu tố nào kể trên, ngoài ra còn có chứng ngưng thở khi ngủ, khi cơ thể họ giải phóng một loại enzyme gọi là atrial natriuretic peptide kích thích thận tăng sản lượng nước tiểu.

    Cuối cùng, dù cho chứng tiểu nhiều của bạn bắt nguồn từ đâu, có một số lời khuyên chung mà các chuyên gia muốn bạn nhớ khi muốn kiểm soát vấn đề:

    1. Theo dõi thói quen của bạn

    Đó không chỉ là việc ghi lại tần suất vào nhà vệ sinh, theo dõi thói quen nghĩa là bạn nên có một cuốn sổ hoặc ghi vào điện thoại những gì bạn ăn và uống, cảm giác và cảm xúc của bạn trong ngày.

    Cuốn nhật ký này sẽ cho phép bạn đúc kết và nhận diện nguyên nhân nào là nguyên nhân chính khiến bạn phải vào nhà vệ sinh.

    2. Cắt giảm thói quen kém lành mạnh

    Rõ ràng là vậy, sau quá trình theo dõi, bạn sẽ phát hiện ra một số vấn đề với những thói quen của mình. Hãy cố gắng cắt giảm thứ gì khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, rượu bia hoặc cà phê chẳng hạn.

    3. Tìm ra cách kiểm soát căng thẳng

    Bác sĩ Ingber cho biết khi những người trẻ tuổi đến phòng khám và phàn nàn với ông về tần suất đi tiểu của họ, việc ông thường làm cho tất cả họ là nói chuyện về những căng thẳng và tìm cách giải quyết chúng.

    4. Huấn luyện bàng quang của bạn

    Nếu bạn cứ chiều theo cơ thể ngay cả khi cơn buồn tiểu đó rất nhỏ, bạn sẽ biến nó thành thói quen. Thay vì chạy đi tìm nhà vệ sinh, tại sao không huấn luyện bàng quang của bạn làm điều ngược lại. Hãy bấm giờ và đừng bao giờ vào nhà vệ sinh 2 lần trong nửa tiếng.

    Và đó mới chỉ là mục tiêu ban đầu. Hãy tăng dần mốc thời gian lên, ban đầu là 30 phút, rồi mỗi ngày thêm 15 phút. Điều này có thể giúp bàng quang của bạn tăng khả năng giãn nở, và bạn cũng quen với cảm giác cầm cự.

    Nhưng bác sĩ Ackerman giải thích, việc nhịn ở đây là nhịn cảm giác buồn tiểu chứ không phải nhịn đi tiểu. Khi bạn biết rằng cơn buồn của mình chỉ là cảm giác chứ không phải bạn cần đi tiểu thật, hãy cố nhịn cảm giác đó. Còn nếu bạn cần đi tiểu một cách thực sự, sẽ không thông minh chút nào nếu cứ trì hoãn nó lại.

    Tham khảo Tonic

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ