Đây là 5 miệng núi lửa đáng sợ nhất thế giới

    Nguyễn Tuấn Tài,  

    Vì sao núi lửa lại nguy hiểm đến vậy?

    Vụ phun trào của núi lửa Etna mới đây đã được ghi lại bởi một số nhà báo đang tác nghiệp của BBC. Đoạn phim ghi lại những cảnh tượng bất thường của tự nhiên và nhấn mạnh sự nguy hiểm mà núi lửa có thể gây ra cho con người.

    Từ năm 1600, đã có 278.800 người chết do các hoạt động của núi lửa, với rất nhiều cái chết gây bởi khói bụi và các vấn đề theo sau vụ phun trào chính. Ví dụ: năm 1815, núi lửa Tambora đã phun trào ở Indonesia, nạn đói theo sau đó đã giết chết khoảng 92.000 người. Năm 1883, núi lửa Krakatoa phun trào dẫn đến sóng thần và làm chết hơn 36.000 người.

    Vụ phun trào núi lửa Etna

    Kể từ những năm 1980, con số thương vong liên quan đến núi lửa phun trào đã được hạn chế, nhưng điều này không hoàn toàn là kết quả sự chuẩn bị hay sự đầu tư nhiều hơn vào quản lý rủi ro - nó phụ thuộc chủ yếu vào sự may mắn.

    Nghiên cứu cho thấy hoạt động của núi lửa không hề giảm đi từ khi chuyển sang thế kỷ 21, nó chỉ không diễn ra ở những khu vực trung tâm tập trung nhiều dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số núi lửa trong tình trạng nguy hiểm sẵn sàng phun trào, tạo ra một mối đe dọa lớn với cuộc sống và sinh kế.

    Núi lửa Vesuvius, Ý

     Toàn cảnh núi lửa Vesuvius

    Toàn cảnh núi lửa Vesuvius

    Nổi tiếng với vụ phun trào năm 79 sau Công nguyên, phá hủy thành phố Pompeii và Herculaneum. Vesuvius vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với thành phố Naples và khu vực lân cận, là nơi hiện có hơn 3 triệu người sinh sống.

    Núi lửa này còn được biết tới với một dạng phun trào rất mạnh, đặc trưng bởi những cột khí và tro bụi rộng lớn được phát tán vào khí quyển, cao hơn rất nhiều so với độ cao thông thường của những loại máy bay thương mại. Những cột khói này sau đó lại rơi xuống, đem theo những mảnh đá phun trào từ núi lửa rơi xuống với tốc độ cao, sẵn sàng để biến Naples thành Pompei thứ hai.

    Núi lửa Nyiragongo, Cộng hòa Dân chủ Congo

    Ngọn núi lửa ở trung tâm châu Phi này đã phun trào rất nhiều lần trong vài thập kỷ gần đây. Những vụ phun trào của nó không quá mạnh nhưng lại tạo ra rất nhiều dung nham. Một khi được thoát ra ngoài, dung nham này nhanh chóng chảy theo sườn núi và phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó mà không hề có cảnh báo trước.

    Năm 2002, hồ dung nham ở miệng núi lửa bị phá vỡ, dòng nham thạch đã chảy xuống gần thành phố Goma với vận tốc 60 km/h, nhấn chìm một phần nơi đây dưới 2 m nham thạch.

    May mắn thay, các cảnh báo đã đưa ra vì tình trạng bất ổn của núi lửa và hơn 300.000 người đã được di tản kịp thời. Nếu sự việc này còn tái diễn, chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng chính quyền có được sự chuẩn bị tốt nhất, tuy nhiên đây lại là khu vực không ổn định về chính trị và rất dễ bị công kích.

    Núi lửa Popocatepetl, Mexico

    Người dân nơi đây gọi nó là “Popo”, nó chỉ nằm cách 70 km về phía tây nam của một trong những thành phố đông dân cư nhất thế giới: thành phố Mexico, nơi cư trú của 20 triệu người. Popo thường xuyên hoạt động và lần gần nhất là vào năm 2016, đã gửi một cột tro bụi cao tới 5 km vào khí quyển.

    Trong thời gian gần đây cũng như suốt chiều dài lịch sử của nó, các sự kiện phun trào của Popo thường chỉ đi kèm với các cột khói. Nhưng những cột khói này phủ lên ngọn núi một lớp tro bụi, khi hòa vào nước, nó tạo thành một hỗn hợp bùn đặc, có thể chảy xa nhiều km với tốc độ cao.

    Một vụ phun trào của núi lửa Popo

    Những hiện tượng như vậy, còn được gọi là “lahars” và có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm. Ví dụ, năm 1985, trong thảm họa Nevado del Ruiz đã có 26.000 người bị giết ở thành phố Armero của Columbia bởi một dòng “lahars” bắt nguồn từ núi lửa cách đó 60 km. Cũng giống như dung nham, những dòng bùn đặc “lahars” này tiến đến mà không hề có bất kỳ cảnh báo nào.

    Đảo núi lửa Krakatoa, Indonesia

    Còn được biết đến với tên gọi Krakatau, đảo núi lửa này nổi tiếng với vụ phun trào năm 1886. Nó đã kích hoạt sóng thần, giải phóng năng lượng gấp 13.000 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và làm chết hơn 36.000 người. Vụ phun trào đã phá hủy hoàn toàn đảo núi lửa, nhưng chỉ trong vòng 50 năm, một hòn đảo mới đã xuất hiện ở vị trí đó.

    Hòn đảo mới này được đặt tên là Anak Krakatau (có nghĩa là con của Krakatoa) và từ những năm 1920, nó bắt đầu phát triển theo nhiều giai đoạn khác nhau, đến nay đã đạt độ cao khoảng 300 m. Những hoạt động đáng kể của Anak Krakatau bắt đầu diễn ra vào năm 2007, đáng chú ý và gần nhất là vào tháng 3 năm 2017.

    Hoạt động của núi lửa Anak Krakatau

    Không ai có thể nói chắc rằng liệu sự phát triển nhanh chóng của Anak Krakatau một ngày nào đó sẽ lặp lại thảm họa của “người cha” đã gây ra hay không. Nhưng vị trí của núi lửa nằm ở giữa hai quần đảo đông dân nhất của Indonesia là Java và Sumatra, vì vậy nguy cơ mà nó đem đến là vô cùng lớn.

    Núi Trường Bạch, Trung Quốc

    Rất ít người nghe nói đến miệng núi lửa ở núi Trường Bạch, một khu vực xa xôi của châu Á. Lần hoạt động gần nhất của miệng núi lửa là vào năm 1903. Tuy nhiên, lịch sử lại kể một câu chuyện đá sợ về miệng núi lửa này. Vào khoảng năm 969 sau Công nguyên, núi lửa đã có một vụ phun trào lớn nhất trong vòng 10.000 năm, giải phóng lượng vật chất gấp 3 lần vụ phun trào ở Krakatoa năm 1886.

    Mối nguy hiểm chính hiện nay là hồ chứa khổng lồ nằm trên miệng núi lửa. Nếu bị phá vỡ, hồ chứa có thể tạo ra dòng chảy “lahars” từ nước và tro bụi, tạo thành một dòng bùn đặc đe dọa cuộc sống của 100.000 người dân sống quanh đây.

    Vào đầu những năm 2000, các nhà khoa học bắt đầu theo dõi hoạt động của núi lửa và xác định các hoạt động của nó đang ngày càng gia tăng, lượng mắc ma của nó đã lên tới đỉnh điểm và có thể phun trào trong vòng vài thập kỷ tới.

    Đặc biệt, dãy Trường Bạch là biên giới tự nhiên của Trung Quốc và Triều Tiên, một vị trí vô cùng nhạy cảm về chính trị, vì vậy mà bất kỳ hoạt động nào của núi lửa cũng sẽ rất khó để quản lý.

    Tham khảo Sciencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ