Đây là cách Samsung phá bỏ sự nhàm chán của thiết kế TV
Thị trường TV luôn là một “lò lửa” với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ hàng loạt những nhà sản xuất cả tên tuổi lẫn “thấp bé nhẹ cân” trên toàn thế giới.
Thị trường TV cạnh tranh khốc liệt
Năm 2020 đã trôi qua được 5 tháng, và đó cũng là quãng thời gian kinh hoàng đối với loài người. Đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến cả thế giới rơi vào tình trạng trì trệ. Chính phủ nhiều quốc gia ban bố các chính sách phong tỏa, nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà, các trường học cũng phải tạm thời đóng cửa. Đó là lúc chúng ta cần đến những hình thức giải trí đa phương tiện hơn bao giờ hết.
Thị trường TV trong Quý I/2020, dù có sự sụt giảm, nhưng vẫn chứng kiến những kết quả ấn tượng, với Samsung tiếp tục dẫn đầu. Thị phần của gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc tăng kỷ lục, chiếm 32,4% thị phần thị trường TV toàn cầu xét về giá trị, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 0,1% so với Quý IV/2019, giúp Samsung giữ vững ngai vàng nhà sản xuất TV số 1 thế giới trong 14 năm liền. Đối thủ chính của họ, người đồng hương LG, cũng "ca khúc khải hoàn" với 18,7% thị phần (xét về giá trị) trong Quý I/2020, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng nhau, các nhà sản xuất TV Hàn Quốc đã giành lại vị trí số 1 từ các đối thủ Trung Quốc, vốn dẫn đầu thị trường trong Quý III và IV/2019.
Cũng như thị trường điện thoại di động, có một cuộc "chạy đua vũ trang" ngầm diễn ra trên thị trường TV. Một trong những xu hướng thường thấy là các nhà sản xuất định kỳ hàng năm sẽ tung ra những bản nâng cấp cho các TV của mình với chất lượng hình ảnh được cải thiện đôi chút, giới thiệu vài công nghệ mới với những cái tên lạ tai, hay tăng kích cỡ màn hình cùng với giảm kích cỡ đường viền bao quanh…
Sáng tạo để tránh tụt hậu
Nhưng nếu chỉ quẩn quanh những con số kia, chẳng sớm thì muộn, người tiêu dùng sẽ cảm thấy nhàm chán. Đó là lúc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang thực hiện những thay đổi trên các khía cạnh khác – ngoài hình ảnh, thứ tiếp theo đập vào mắt người tiêu dùng chính là thiết kế. Chúng ta đã thấy xu hướng tương tự trên thị trường di động, khi mà thời gian qua có khá nhiều mẫu smartphone "độc", "lạ", với form factor mới mẻ ra mắt, như Samsung Galaxy Fold, Galaxy Z Flip, hay Huawei Mate X.
Còn TV thì sao? Liệu TV có thể mang những kiểu dáng "độc", "lạ", khác biệt, phá cách hay không? Một số ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất trên TV là màn hình - chỉ cần màn hình lớn, đẹp, và loại bỏ những chi tiết thừa thãi, rối mắt là được; TV không phải như điện thoại, chỉ đặt cố định một chỗ, chẳng "khoe mẽ" với ai được. Thật sao?
Đó có phải là một chiếc TV không? Hay một bức tranh treo tường? Tại sao không thể là cả hai?
Thay vì đeo đuổi mãi phong cách truyền thống, làm màn hình thật to ra, giảm bớt viền xuống, rồi gắn lên tường để mang lại "trải nghiệm hình ảnh đỉnh cao", thì The Frame đi theo một hướng khác: biến không gian sống của người dùng thành một khu trưng bày nghệ thuật đầy cảm hứng.
Chiếc TV này, đúng như tên gọi, sở hữu thiết kế như khung tranh, với viền "động" có thể dễ dàng thay đổi màu sắc và kiểu dáng cho phù hợp với căn phòng của gia chủ.
Nhưng TV dùng để xem phim thì bình thường rồi. Điểm "ăn tiền" của The Frame là thư viện tranh độc quyền với hơn 1.200 tác phẩm hội họa được trưng bày tại 38 phòng trưng bày nổi tiếng thế giới, trong đó có 68 tuyệt tác của danh họa Vincent van Gogh. Khi bạn tắt màn hình, thay vì chỉ còn một màu đen như "tiền đồ chị Dậu", những kiệt tác nghệ thuật sẽ xuất hiện và làm bừng sáng không gian căn phòng của bạn. Với công nghệ Dual LED giúp tăng độ tương phản đến 27% thông qua thay đổi nhiệt độ màu đèn nền, The Frame thể hiện được một cách chân thực tuyệt đối tất cả các tác phẩm với màu gốc!
Chẳng hứng thú mấy với hội họa cổ điển? Bạn là một người trẻ năng động, một Instagram-er chính hiệu?
Hay là xoay dọc TV lại nhỉ?
The Sero – "chiều dọc", trong tiếng Hàn Quốc – là chiếc TV đầu tiên trên thế giới có khả năng "tung hoành ngang dọc" theo đúng nghĩa đen.
Xem truyền hình hay phim ảnh thông thường, màn hình nằm ngang luôn là sự lựa chọn hợp lý. Nhưng khi kết nối với một thiết bị di động chạy Android 10 trở lên để ánh xạ (mirroring) màn hình thiết bị lên TV, The Sero sẽ tự động xoay dọc hoặc ngang theo hướng thiết bị trên tay người dùng. Có nghĩa là nó sẽ linh hoạt xoay dọc khi bạn lướt Instagram, Facebook, Twitter…, và xoay ngang khi bạn xem Netflix, chơi game, hay đơn giản là thích dùng điện thoại theo chiều ngang!
Nhắm vào đối tượng người dùng tiêu thụ các nội dung đa phương tiện, The Sero được trang bị hệ thống loa 4.1 công suất 60W, loa trầm đặt dưới chân đế đứng để tạo âm vang lớn hơn và âm trầm sâu hơn, dày hơn. Bạn sẽ choáng ngợp trước chất lượng âm thanh mà The Sero mang lại.
Còn chiếc TV trông như chữ "I" này là gì vậy?
The Serif – cùng tên với một loại font chữ xuất hiện từ giữa thế kỷ 18 – đơn giản là sự giao thoa hoàn hảo giữa thiết kế và công nghệ, một sản phẩm đại diện cho phong cách sống duy mĩ và khác biệt.
Kiểu dáng lạ mắt mô phỏng chữ "I" trong font serif của chiếc TV này không giống bất kỳ chiếc TV nào trên thị trường, cho phép nó đứng vững ở bất cứ đâu mà chẳng cần chân đế hay kệ.
Cũng như The Frame, khi không xem TV, người dùng có thể tận dụng chế độ Ambient của The Serif để hiển thị thời gian, dự báo thời tiết, các tin tức nóng trong ngày, hoặc biến nó thành một khung tranh hiển thị các nội dung Bouroullec Palette độc quyền đến từ anh em nhà thiết kế nổi tiếng Ronan & Erwan Bouroullec.
Nếu như The Frame là khung tranh cố định, thì The Serif là khung tranh di động. Gọi nó là TV cũng được, dù rằng The Serif xứng đáng được xếp vào danh mục những món đồ nội thất sang trọng và thời thượng hơn. Nó cân đối và hài hòa đến đáng ngạc nhiên, phù hợp cho mọi không gian và phong cách thiết kế trong căn nhà của gia chủ.
The Frame, The Sero, và The Serif là bộ ba TV thế hệ mới thuộc dòng sản phẩm Lifestyle TV 2020 vừa được Samsung giới thiệu. Cả ba đều sở hữu công nghệ màn hình QLED cao cấp, bộ xử lý Quantum 4K với công nghệ nâng cấp hình ảnh bằng AI, cùng hàng loạt những tính năng ấn tượng khác. Bạn có thể tham khảo giá bán các TV trong bảng dưới đây.
Tham khảo: Samsung
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming