Đây là chiếc điện thoại "khó hiểu" nhất thế giới: Từng thách thức iPhone, Samsung nhưng thất bại thảm hại

    Mạnh Kiên,  

    10 năm sau ngày ra mắt, Fire Phone vẫn được nhiều người nhớ đến nhưng không phải những điều tích cực mà là trải nghiệm tồi tệ.

    Cách đây đúng một thập kỷ, Amazon đã công bố điện thoại Fire Phone vào ngày 18/6/2014 sau nhiều năm rục rịch với hàng loạt tin đồn. Rất ít người khi ấy tin rằng Amazon – một nền tảng thương mại điện tử - sẽ lao toàn lực vào thị trường điện thoại thông minh vốn đầy rẫy sự cạnh tranh.

    Đi con đường không giống ai, chiếc điện thoại đầu tiên của Amazon đã làm rung chuyển giới công nghệ khi ấy, với giá bán ngang với những điện thoại cao cấp của Apple hay Samsung. Và cho đến ngày nay, dư âm của thiết bị vẫn vang vọng, nhưng không phải vì sự thành công mà là thất bại nặng nề.

    Cái kết của Fire Phone là minh chứng cho thấy, không có gì đảm bảo cho việc một công ty công nghệ lớn nắm giữ nguồn dữ liệu người tiêu dùng khổng lồ và năng lực nghiên cứu sản phẩm hàng đầu sẽ làm ra một chiếc điện thoại hiệu quả.

    Đây là chiếc điện thoại "khó hiểu" nhất thế giới: Từng thách thức iPhone, Samsung nhưng thất bại thảm hại- Ảnh 1.

    Chiếc điện thoại khó hiểu

    Ngay từ bài phát biểu ra mắt điện thoại, người ta đã hiểu rõ lý do vì sao Fire Phone thất bại tệ hại đến thế. Amazon nghĩ rằng, để bán được một chiếc điện thoại, họ chỉ cần tập hợp tất cả những thứ từng tưởng tượng ra, dán chúng lại với nhau thành một sản phẩm rời rạc và niêm yết giá ở mức cao cấp.

    Các tính năng chính của Fire Phone nghe qua có vẻ khá thú vị. Được cung cấp bởi nguồn dữ liệu khổng lồ và trang bị tới 4 camera phía trước, điện thoại có giao diện ba chiều mở ra một loạt các điều khiển cử chỉ giúp việc sử dụng ứng dụng dễ dàng hơn.

    Nhưng rất tiếc, mọi thứ chỉ dừng lại ở mánh lới quảng cáo và không mang lại lợi ích gì lớn, thậm chí còn khiến giao diện trở nên vụng về và khó hiểu hơn.

    Cải tiến hữu ích nhất của Fire Phone là tính năng có tên Firefly. Nó giống như Google Lens (tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh) kết hợp với cửa hàng của Amazon, giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm mua sắm.

    Fire Phone được xuất xưởng với phần cứng ở cấp độ hàng đầu thời điểm ấy. Chip Snapdragon 800 hoạt động tốt và camera mang lại hình ảnh đẹp, nhưng nhìn chung, hiệu suất không thể biện minh cho mức giá đáng kinh ngạc là 650 USD (hơn 16 triệu đồng).

    Con số này khá cao vào thời điểm ấy, tương ứng với cả HTC One M8 và Galaxy S5 của Samsung – những chiếc điện thoại thuộc vào hàng cao cấp nhất. Chỉ sau vài tháng, nó thường xuyên được giảm giá chỉ còn 160 USD. Nhưng vẫn không ai muốn mua chiếc điện thoại này.

    Đây là chiếc điện thoại "khó hiểu" nhất thế giới: Từng thách thức iPhone, Samsung nhưng thất bại thảm hại- Ảnh 2.

    Nền tảng Fire OS chạy trên máy cũng kém thân thiện với người dùng vào năm 2014. Mặc dù dựa trên Android nhưng nó thiếu sự hỗ trợ của Dịch vụ Google Play mà các ứng dụng quan trọng như ngân hàng yêu cầu, chưa kể các ứng dụng của Google nói chung.

    Gần như không có khả năng tùy chỉnh, lựa chọn ứng dụng của Amazon rất tệ và giao diện không trực quan - một điều hoàn toàn ngược lại với giao diện mua sắm vốn chiếm vị trí hàng đầu trên máy tính của hàng triệu người dùng.

    Tính năng Firefly khi ấy dù được ví như AI bây giờ nhưng khả năng nhận dạng hình ảnh và mô hình ngôn ngữ lớn của năm 2014 vẫn còn rất kém so với những gì chúng ta sử dụng ngày nay.

    Và thay vì biến tính năng nói trên thành một công cụ tăng cường trải nghiệm tổng thể, Firefly đã kết hợp với phần còn lại của thiết kế giao diện tù mù của Amazon chỉ để hướng đến mục đích thúc đẩy mọi người mua sắm nhiều hơn.

    Không biết quan điểm của mọi người thế nào nhưng có vẻ như sẽ ít ai chi tiền để mua một chiếc điện thoại đắt đỏ nhất năm 2014 rồi chỉ nhận về là sự thúc giục hãy mua hàng nhiều hơn trên Amazon.

    Thiết kế cồng kềnh cũng là điểm trừ, cảm giác cầm trên tay rẻ tiền và trọng lượng tổng thể nặng cũng là yếu tố không mang lại cảm giác cạnh tranh. 4 camera mặt trước của Fire Phone không mang lại vẻ ngoài cao cấp. Về mặt chức năng, thời lượng pin cũng không tốt chút nào.

    Cuối cùng, tính độc quyền của nhà mạng AT&T đã khiến Fire Phone trở thành sản phẩm hạn chế đối với nhiều người.

    Đây là chiếc điện thoại "khó hiểu" nhất thế giới: Từng thách thức iPhone, Samsung nhưng thất bại thảm hại- Ảnh 3.

    Amazon sẽ ra mắt điện thoại mới?

    Dường như đã có được bài học của riêng mình, Amazon chưa đưa ra dấu hiệu nào về việc hãng sẽ quay trở lại phát triển điện thoại thông minh. Sẽ ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra khi thị trường đã bão hòa và thậm chí trì trệ về doanh số bán hàng. Một gã khổng lồ bán lẻ toàn cầu có lẽ cũng không cần thị phần điện thoại làm gì.

    Câu chuyện của Amazon và chiếc điện thoại "rực cháy" Fire Phone là minh chứng cho việc người tiêu dùng chỉ muốn một chiếc điện thoại đúng nghĩa thay vì trả một khoản tiền lớn chỉ để sở hữu thiết bị giúp cho việc mua sắm dễ dàng hơn và tốn tiền hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày