Đây là địa điểm bị ô nhiễm phóng xạ còn hơn cả Chernobyl và Fukushima

    zknight,  

    Nồng độ plutonium trong mẫu đất ở đảo Bikini cao gấp 1.000 lần so với Chernobyl và Fukushima.

    Trong tập 4 của miniseries Chernobyl do đài HBO sản xuất, các quan chức Liên Xô đã ngồi lại với nhau để đánh giá thiệt hại của vụ nổ nhà máy điện hạt nhân năm 1986.

    Mái của nhà máy điện đã trở thành "nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất", họ lập luận. Nếu một người đứng ở đó trong vòng 2 phút, lượng phóng xạ chắc chắn sẽ khiến anh ta giảm một nửa tuổi thọ.

    Thế nhưng, các nỗ lực khắc phục hậu quả trong những năm tiếp theo của Liên Xô đã tỏ ra có tác dụng. Việc xây một quan tài bê tông khổng lồ bao kín lấy lò phản ứng số 4 đã giúp mức độ phóng xạ giảm đi đáng kể.

    Mặc dù Chernobyl đến nay vẫn duy trì một khu vực cách ly rộng 4.200 km2, nhưng các trường học, công viên giải trí và lớp học bị bỏ hoang đã mở cửa cho khách du lịch từ 18 tuổi trở lên đến tham quan.

    "Lượng phóng xạ mà bạn nhận được trong một chuyến bay có thể còn nhiều hơn [thời gian tham quan trong khu vực này]", Claire Corkhill, một nhà nghiên cứu xử lý chất thải hạt nhân tại Đại học Sheffield nói. Corkhill hiện vẫn đang hỗ trợ công tác dọn dẹp tại Chernobyl.

    Đây là địa điểm bị ô nhiễm phóng xạ còn hơn cả Chernobyl và Fukushima - Ảnh 1.

    Một bãi thử hạt nhân trên quần đảo Marshall

    Nhưng khi cả thế giới bị thu hút vào tử địa Chernobyl, ít người biết được rằng trên thế giới còn có một khu vực còn nguy hiểm hơn cả nhà máy điện bỏ hoang ở Ukraine. Đó là Marshall, một quần đảo trên Thái Bình Dương - nơi mà Mỹ đã tiến hành tới 67 vụ thử hạt nhân sau Thế chiến thứ hai.

    Mới đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Columbia đã phát hiện một số đảo thuộc Marshall còn có mức ô nhiễm phóng xạ lớn hơn cả Chernobyl. Mẫu đất tại 11 hòn đảo này có chứa các nguyên tố phóng xạ ở "mức độ cao", bao gồm americium, cesium và hai loại plutonium.

    Liều phóng xạ cao nhất được tìm thấy trên đảo Bikini, nơi Mỹ tiến hành vụ thử bom hydro lớn nhất, rồi sau đó phải đánh chìm hàng chục tàu nhiễm phóng xạ.

    Những nguyên tố phóng xạ được tìm thấy ở Marshall cũng giống với các nguyên tố tìm thấy ở Chernobyl, sau vụ nổ đã giải phóng khoảng 5.300 petabecquerels vật liệu phóng xạ vào môi trường xung quanh.

    Trong vòng 3 tháng sau thảm họa Chernobyl, hơn 30 người đã chết vì bệnh phóng xạ cấp tính. Ngày nay, các nhà khoa học ước tính hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng phóng xạ phát tán ra từ đó.

    Câu chuyện tương tự có thể âm thầm xảy ra ở Marshall mà ít người để ý. Kết quả phân tích của Đại học Columbia cho thấy một số hòn đảo có mức độ phóng xạ american-241 cao hơn nhiều so với lượng đồng vị này được tìm thấy tại Chernobyl năm 2009.

    Đây là địa điểm bị ô nhiễm phóng xạ còn hơn cả Chernobyl và Fukushima - Ảnh 2.

    Quần đảo Marshall là nơi Mỹ đã tiến hành 67 vụ thử hạt nhân kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai

    Các thử nghiệm của họ cũng cho thấy đảo Bikini chứa lượng plutonium cao gấp 1.000 lần so với lượng phóng xạ được phát hiện ở Chernobyl hoặc Fukushima, nơi cũng xảy ra một thảm họa liên quan đến nhà máy điện hạt nhân vào năm 2011 sau khi Nhật Bản phải hứng chịu một đợt động đất và sóng thần.

    Ngoài ra, các nghiên cứu riêng biệt cho thấy trái cây trên một số hòn đảo thuộc Marshall cũng có hàm lượng Caesium-137 vượt tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Một số hòn đảo cũng chứa nhiều Caesium-137 hơn Chernobyl vào thời điểm 10 năm sau vụ tai nạn.

    Kết luận trong nghiên cứu, các nhà khoa học xác định 4 hòn đảo phía bắc của quần đảo này- bao gồm Runit, Enjebi, Bikini và Naen – đang bị ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng hơn cả khu vực gần nhà máy điện Chernobyl.

    Mặc dù hầu hết các hòn đảo này không có người ở, các nhà nghiên cứu khuyến cáo người dân trong khu vực lân cận của Marshall không nên đến và "dành thời gian" ở đó. Ngoài ra, họ cũng nêu trách nhiệm của chính phủ trong việc khắc phục hậu quả và dọn dẹp khu vực phóng xạ này.

    Nghiên cứu được đăng trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

    Tham khảo Businessinsider, ScienceDaily

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày