Rò rỉ phóng xạ từ xác tàu ngầm Liên Xô vượt 1 triệu lần mức bình thường: Xử lí thảm họa như thế nào?

    Tất Đạt, Theo Trí thức trẻ 

    Thông tin xác nhận về xác tàu ngầm được đưa ra vài tuần sau khi một tàu ngầm hạt nhân tối mật của Nga bị cháy ở biển Barents làm 14 thủy thủ thiệt mạng. Đây là tai nạn tàu ngầm kinh hoàng nhất từng xảy tới với Hải quân Nga từ năm 2008 và làm dấy lên báo động về sự minh bạch của Moskva đối với vấn đề này.

    Tàu ngầm Liên Xô K-278 Komsomolets đã gặp nạn ở biển Barents trong chuyến tuần tra đầu tiên vào ngày 7/4/1989, giết chết 42 thủy thủ có mặt trên tàu. Đây là loại phương tiện chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị vũ khí hạt nhân tiên tiến nhất vào thời điểm đó.

    30 năm sau, khi điều tra xác tàu ở độ sâu 1,7 km dưới đáy biển, một nhóm các nhà khoa học Na Uy xác nhận tàu Komsomolets vẫn tiếp tục gây ra những ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh.

    "Chúng tôi phát hiện sự gia tăng của nguyên tố Caesium vượt gấp 1 triệu lần mức thông thường chúng tôi tìm thấy trong nước biển [không bị nhiễm phóng xạ]," Hilde Elise Heldal, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hải dương, trả lời Đài Châu Âu Tự do (RFE) bằng điện thoại.

    Thông tin xác nhận về xác tàu ngầm được đưa ra vài tuần sau khi một tàu ngầm hạt nhân tối mật của Nga bị cháy ở biển Barents làm 14 thủy thủ thiệt mạng. Đây là tai nạn tàu ngầm kinh hoàng nhất từng xảy tới với Hải quân Nga từ năm 2008 và làm dấy lên báo động về sự minh bạch của Moskva đối với vấn đề này.

    Được biết, các nhà khoa học Na Uy đã theo dõi xác tàu Komsomolets từ những năm 1990. Tàu này nằm cách Đảo Gấu của Na Uy 180 km về phía tây nam và 350 km về phía tây bắc của đảo chính.

    Rò rỉ phóng xạ từ xác tàu ngầm Liên Xô vượt 1 triệu lần mức bình thường: Xử lí thảm họa như thế nào? - Ảnh 1.

    Thiết bị điều khiển từ xa Aegir 600 đang ghi lại hình ảnh xác tàu ngầm Liên Xô. Ảnh: Reuters

    Mỗi năm, đội điều tra đều tới khu vực này để thu thập nước và các mẫu vật từ đáy biển. Tuy nhiên, theo Heldal, những mẫu thu được rất hạn chế bởi họ "không biết họ đang ở gần xác tàu ngầm đến mức nào".

    Năm nay, lần đầu tiên, đoàn khoa học Na Uy đã triển khai một phương tiện không người lái dưới nước - tàu ROV Aegir 600. Nhờ đó, họ đã có thể chụp ảnh, quay video và lấy mẫu vật sát với xác tàu ngầm. Các kết quả được cho là rất xuất sắc về phương diện hình ảnh và có ý nghĩa khoa học rất lớn.

    Đoạn video được phát đi ngày 8/7 cho thấy một cảnh tượng kỳ lạ ở nơi sâu thăm thẳm dưới vùng biển Bắc Cực: các kim loại trên thân tàu bị cháy và xoắn do áp lực nước, làm biến dạng tàu Komsomolets - một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất thời bấy giờ.

    Ngư lôi hạt nhân

    Được trang bị vỏ titan, lò phản ứng hạt nhân áp lực nước và sáu ống phóng ngư lôi 533 mm được thiết kế để chống tàu ngầm, Komsomolets có thể đạt tới độ sâu 1.020 m vào năm 1984 - kỷ lục vào thời điểm đó.

    Nhưng sau những năm liên tiếp phát triển và thử nghiệm, vòng đời của tàu ngầm Liên Xô này không kéo dài được bao lâu.

    Khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra đầu tiên ở độ sâu khoảng 335 m, một ngọn lửa trong phòng động cơ nhanh chóng lan rộng và khiến lò phản ứng hạt nhân bị hư hại nghiêm trọng. Thủy thủ đoàn đã nhanh chóng thực hiện quy trình đưa tàu nổi lên khẩn cấp và chạm được bề mặt nước chỉ trong vòng 11 phút. Mặc dù hầu hết trong số 69 thủy thủ thoát nạn, 4 người đã chết vì hỏa hoạn. Nhiều người khác cũng thiệt mạng vì hạ thân nhiệt trong lúc chờ cứu nạn.

    Rò rỉ phóng xạ từ xác tàu ngầm Liên Xô vượt 1 triệu lần mức bình thường: Xử lí thảm họa như thế nào? - Ảnh 2.

    Tàu ngầm Komsomolets hoạt động vào năm 1986.

    Tàu Komsomolets cháy trong nhiều giờ trước khi chìm xuống đáy biển, đem theo 2 ngư lôi hạt nhân. Tổng cộng, 42 thủy thủ đã hi sinh.

    Trong những nỗ lực cuối cùng, đoàn điều tra Liên Xô đã trở lại khu vực bằng các tàu ngầm có người lái vào tháng 8/1991 để thu mẫu vật và kiểm tra xác tàu. Nhiệm vụ này đã cung cấp một số hình ảnh và video từ bên trong vỏ tàu Komsomolets và cho thấy vụ nổ đã xảy ra ở mũi tàu, nơi lưu giữ các ngư lôi hạt nhân.

    Năm 1992, một chuyến đi thứ hai bao gồm một nhà khoa học Na Uy đã thực hiện nhiều thử nghiệm về nước, trầm tích đáy và sinh vật biển. Theo tài liệu được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Tình báo Mỹ (CSI), chuyến đi này đã xác định được một số thiệt hại lớn ở mũi tàu nhưng không phát hiện được sự suy yếu ở vỏ tàu hoặc tần số phóng xạ quá mức nào cả.

    Phải tới tận năm 1993, các báo cáo về phóng xạ từ Caesium mới được tổng hợp lại. Các chuyên gia Hà Lan, Na Uy và Mỹ cho biết đã phát hiện được lỗ hổng lớn ở khoang ngư lôi và quyết định rằng cần phải giữ những ngư lôi đang bị ăn mòn tại nguyên vị trí đó.

    Rò rỉ liên tục xảy ra

    Khi ấy, Tengiz Borisov, người đứng đầu Ủy ban Đặc biệt của Nga về Hoạt động Dưới biển, trả lời phóng viên rằng: "Nếu có rò rỉ, sẽ không thể đánh cá tại biển Na Uy trong khoảng 600 năm tới 700 năm tới".

    Nghiên cứu năm 1997 bởi Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy về ảnh hưởng của xác tàu ngầm đối với môi trường cũng phát hiện được rằng "cả vỏ tàu lẫn lò phản ứng sẽ không thể bị phá hủy bởi sự ăn mòn trong ít nhất 1.000 năm".

    Cận cảnh xác tàu ngầm Liên Xô dáy đáy biển Barents

    Heldal cho biết những người tham gia chuyến đi mới đây biết rằng từ những năm 1990, và cuối năm 2007, các nhà khoa học đã phát hiện rò rỉ từ một ống thông gió trên xác tàu.

    Sau khi lấy 5 mẫu nước, Heldal đã phát hiện ra những mức ô nhiễm phóng xạ khác nhau. Một mẫu cho thấy mức phóng xạ không vượt quá ngưỡng bình thường. Một mẫu khác cho thấy phóng xạ cao gấp 30.000 lần nước biển sạch.

    Hai mẫu tiếp theo có ngưỡng phóng xạ gấp 100.000 lần bình thường. Và mẫu cuối cùng cao gấp 1 triệu lần mức cho phép. Trong khi đó, Viện nghiên cứu Hải dương Na Uy xác định mốc phóng xạ cao nhất họ thu được là gấp 800.000 lần bình thường.

    Heldal mô tả những phát hiện này "có giá trị so sánh" với những điều tra trước đó của phía Nga, và thể hiện rằng xác tàu Komsomolets đã phát đi phóng xạ liên tục từ lúc gặp nạn.

    "Tuyệt đối an toàn"

    Nhà khoa học Heldal cho rằng mặc dù các kết quả "nghe rất đáng sợ", nhưng không đến mức báo động. Bất kì rò rỉ nào cũng đều được nước biển hòa tan, và thậm chí không tìm được phóng xạ ở nơi chỉ cách ống thông gió nửa mét.

    Heldal cho biết các mô hình khoa học đã được thiết lập để dự đoán điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ Caesium trong xác tàu Komsomolets rò rỉ hết. Tuy vậy, thậm chí trong viễn cảnh tồi tệ nhất "phóng xạ cũng không thể ảnh hưởng tới cá ở biển Barents vì xác tàu ở quá sâu".

    Nghiên cứu cho thấy phóng xạ sẽ tan rã trước khi tới được khu đánh bắt cá chính ở biển Barents. Ngoài ra, Heldal khẳng định vẫn có phương án đem xác tàu lên khỏi mặt nước và xử lí phóng xạ ở trên đất liền.

    "Tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi vẫn đang theo dõi mức độ ô nhiễm phóng xạ và cá từ các khu vực này tuyệt đối an toàn để làm thực phẩm," bà nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ