Đây là lời đáp trả của McDonald's khi chính phủ Mỹ tăng lương tối thiểu: Thay thế nhân viên bằng robot

    Tân Phan,  

    Họ cho rằng nếu sử dụng robot thu ngân thay cho nhân viên thì chi phí sẻ rẻ hơn nhiều.

    Vừa qua, McDonald's cho biết trong tương lai, toàn bộ 14.000 cửa hàng trên khắp thế giới của họ sẽ thay thế nhân viên thu ngân bằng robot. Họ sẽ bắt đầu với những nơi có mức lương tối thiểu cao (quy định bởi chính phủ) như Florida, New York, San Francisco, Boston, Chicago, Washington, D.C. và Seattle.

    Theo như trang CNN cho biết:

    "Ông lớn ngành thức ăn nhanh đang ra mắt hệ thống ki-ốt giúp người dùng chọn món ăn tự động. Nó sẽ có tùy chọn trả bằng thẻ, tiền hoặc qua điện thoại. Hiện tại nó đã có mặt ở khoảng 500 nhà hàng McDonald's tại các bang Florida, New York và California. Nhưng nơi khác sẽ được bổ sung vào đầu năm 2017. Thực khách đến dùng bữa tại đây sẽ có thể thỏa thích tùy chọn món ăn của mình qua màn hình cảm ứng hoặc qua chính điện thoại của họ".

    Điều đó có nghĩa rằng 20 triệu khách hàng hằng ngày của McDonald's sẽ không nhất thiết phải đến quầy để chọn món ăn như cách truyền thống, họ chỉ cần ngồi ở bàn và thực hiện vài bước qua màn hình cảm ứng, món ăn sẽ được dọn đến bàn theo đúng ý của họ.

    Ed Rensi bắt đầu sự nghiệp với vị trí nướng thịt tại McDonald’s vào năm 1966, ông được thăng chức lên quản lý chỉ trong 1 năm và trở thành Giám đốc quản lý vào năm 1984. Năm 1991, ông trở thành CEO và nghỉ hưu vào năm 2007.

    Trong tháng 5 vừa qua, khi được hỏi về vấn đề tăng lương cơ bản, ông Rensi cho biết: "Tôi đảm bảo rằng nếu cả nước Mỹ tăng lương cơ bản lên 15 USD/1 giờ, bạn sẽ chứng kiến tình trạng mất việc tràn lan. Thực sự là tiết kiệm chi phí hơn nhiều khi sử dụng con robot 35.000 USD để thay thế cho một người nhân viên với mức lương 15 USD/1 giờ".

    Cái đó chỉ xét về vấn đề tiền bạc, ông Rensi còn cho biết các yếu tố khác như doanh số, lợi nhuận, hoạt động kinh doanh, sự hài lòng của khách hàng, phát triển sản phẩm, nhân sự và các khóa huấn luyện cũng sẽ thay đổi. Nếu các cửa hàng thay thế nhân viên 15 USD/1 giờ với robot 35.000 USD, sự hài lòng và trải nghiệm của khách hàng sẽ được gia tăng: robot không biết nghỉ bệnh, nó không có thái độ cộc cằn với khách hàng, nó không đình công, nó luôn làm việc đúng giờ và luôn có những giao diện vui tươi để phù hợp với mọi lứa tuổi khách hàng.

    Như vậy, động thái của McDonald's sẽ trả lời cho câu hỏi mà các nhà kinh tế đã đau đầu tìm câu giải đáp trong nhiều thập kỷ qua: Liệu việc tăng lương cơ bản sẽ gây ra những tác động gì? Các bên ủng hộ nói rằng nó sẽ tăng mức sống của nhân viên, giảm đói nghèo, giảm tình trạng bất công trong xã hội, phát triển kinh tế và tăng đạo đức của nhân viên. Những người phải đối lại cho rằng nó sẽ tăng tỉ lệ thất nghiệp và làm ảnh hưởng các hộ kinh doanh nhỏ vì phải tăng lương cho nhân viên.

    Theo như luật lao động của Mỹ, một người nhân viên được trả 15 USD 1 giờ kèm tất cả những phúc lợi lương bổng và nghỉ phép, công ty phải chi trả người đó trung bình 38.500 USD/1 năm. Trong khi đó robot của McDonald's có giá 35.000 USD và nó có thể được sử dụng trong thời gian dài. Như vậy nếu McDonald's giảm được các chi phí nhân sự, khách hàng sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất (tiện lợi, giá thành sản phẩm thấp hơn).

    Tham khảo CNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ