Đây là lý do bạn không nên gọi smartphone, tablet là "PC" dù rằng định nghĩa "máy tính cá nhân" sẽ luôn luôn thay đổi

    Lê Hoàng,  

    Về mặt lý thuyết, bạn không hề sai khi nói smartphone và tablet là những chiếc "máy tính cá nhân" thực thụ. Nhưng không phải vô cớ mà khi nhắc đến cụm từ "PC" hay "Personal Computer" người ta vẫn chỉ nghĩ đến những chiếc máy để bàn (desktop) hay laptop chạy chip x86.

    Sự mâu thuẫn của "Máy tính cá nhân"

    Tôi vẫn nhớ cách đây khoảng 5 năm, khi chúng tôi đưa tin về sự bùng nổ doanh số của những chiếc iPad cũng như tình cảnh ngày một ảm đạm của thị trường PC, rất nhiều người đã lên tiếng tranh cãi "nhưng về bản chất iPad cũng là một loại PC". Và quả thật là họ không sai. iPad (và cả iPhone nữa) đều là những cỗ máy cá nhân (personal) có khả năng tính toán ("compute").

    Cũng giống như thị trường hi-tech của 6 năm trước, thế giới công nghệ của năm 2017 đang đứng bên thềm những cuộc dịch chuyển lớn. Điện toán đám mây đang đi vào giai đoạn thăng hoa nhất. Những chiếc điện thoại có thể biến hình thành PC đã xuất hiện và sẽ sớm chạy được Windows 64-bit bản đầy đủ, thậm chí là khởi động cả Windows lẫn Android. Cuộc cách mạng giao diện giọng nói đang bắt đầu thực sự bùng nổ dưới tác động mạnh mẽ của một... chiếc loa.

    Sự thay đổi lớn lao này buộc chúng ta phải nghĩ lại về khái niệm "PC". Một sản phẩm tưởng chừng chẳng có chút gì là "hi-tech" như chiếc loa thực chất lại là cánh cổng dẫn tới công nghệ xử lý giọng nói và trí thông minh nhân tạo, vốn là các lĩnh vực đòi hỏi lượng chất xám và sức mạnh xử lý thậm chí còn cao gấp hàng triệu lần so với công cuộc đưa con người lên Mặt Trăng của thập niên 1960. Nói cách khác, chiếc loa thông minh ấy vừa là một thiết bị điện toán phục vụ cho cá nhân, vừa là cánh cổng dẫn đến hàng nghìn chiếc máy tính ở "trên mây".

     Trong thời đại IoT, ngay cả tủ lạnh cũng có thể đứng trong danh sách máy tính cá nhân cùng desktop và laptop.

    Trong thời đại IoT, ngay cả tủ lạnh cũng có thể đứng trong danh sách "máy tính cá nhân" cùng desktop và laptop.

    Rõ ràng là khái niệm "máy tính cá nhân" sẽ luôn luôn thay đổi. Nhưng đối lập với sự dịch chuyển vĩnh viễn của điện toán cá nhân vẫn lại là sự "bất biến" của cụm từ "personal computer" - "PC". Báo giới công nghệ, các tập đoàn lớn và cả Phố Wall, khi nhắc đến "PC" đều là nhắc tới những chiếc máy vi tính để bàn, máy trạm và laptop. Hết năm 2016, trong lúc ngay cả máy giặt, máy lau nhà của Samsung cũng có thể trở thành "personal computer" thì IDC và Gartner vẫn đưa ra tuyên bố rằng thị trường PC đã chạm đáy.

    Lý do cho sự bảo thủ này nằm ở lịch sử công nghệ.

    1981: IBM định nghĩa "PC"

    IBM PC 1981.
    IBM PC 1981.

    Vào thập niên 1970, những chiếc "máy vi tính" (microcomputer) lúc này đang bắt đầu thắng thế rõ rệt trước các loại mainframe và minicomputer cồng kềnh và đắt đỏ. Tuy vậy, bất chấp thành công vượt bậc của những chiếc máy như TRS 80, Commodore PET và Apple II, thị trường máy vi tính lúc này đang phân mảnh trầm trọng. Mỗi chiếc máy tương đối thành công đều đang sử dụng một hệ điều hành của riêng nhà sản xuất, một phiên bản BASIC riêng và nhìn chung là có mức độ tương thích cực kỳ thấp với các sản phẩm cạnh tranh.

    Một khía cạnh khác của thị trường máy vi tính vào cuối thập niên 1970 là ấn tượng của người tiêu dùng về chiếc microcomputer. Nếu như ngày nay những chiếc PC là một phần không thể thiếu trong công việc của giới văn phòng thì hơn 40 trước, khi nghĩ đến máy vi tính người ta vẫn nghĩ đến những thứ "đồ chơi" dành riêng cho một nhóm nhỏ người dùng đam mê công nghệ. Chúng không được nhìn nhận một cách "nghiêm túc".

    Sự ra đời của chiếc IBM Personal Computer vào ngày 12/8/1981 đã thay đổi hoàn toàn ấn tượng này. Khác với Apple hay Radio Shack, IBM là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực điện toán doanh nghiệp.Thêm nữa, logo màu xanh của IBM cũng là một dấu chứng nhận về chất lượng, mang đến sự tin tưởng cho người dùng. IBM PC 1981 trở thành sản phẩm phá vỡ định kiến "đồ chơi" về microcomputer.

    Điểm đặc biệt về IBM PC không dừng lại ở đây. Phần cứng có tính module rõ rệt, cho phép bất cứ một nhà sản xuất linh kiện nào cũng có thể tham gia sản xuất linh kiện cho IBM PC (và các bản sao) miễn là họ tuân theo các chuẩn kết nối do IBM kiểm soát. Về mặt phần mềm, IBM PC đưa MS-DOS trở thành hệ điều hành tiêu chuẩn cho thời đại điện toán cá nhân mới. Nói cách khác, cỗ máy Personal Computer gần như không có một yếu tố độc quyền nào cả về phần cứng và phần mềm. Ngoại lệ duy nhất là phần mềm BIOS, tầng giao tiếp trung gian giữa phần cứng và hệ điều hành MS-DOS của Microsoft.

    Khái niệm PC cho cả thế giới

     Compaq, tên tuổi thống trị thị trường PC sau này cũng thành công chỉ là nhờ sao chép chiếc IBM PC.

    Compaq, tên tuổi thống trị thị trường PC sau này cũng thành công chỉ là nhờ "sao chép" chiếc IBM PC.

    Khái niệm PC của IBM nhanh chóng trở thành khái niệm PC của cả thế giới. Do bán quá chạy nên IBM PC thường xuyên ở trong tình trạng thiếu hàng, buộc người dùng phải chuyển sang mua các mẫu PC clone của Compaq, HP hoặc Texas Instruments. Mục tiêu lớn nhất của các nhà sản xuất này là tạo ra mức độ tương thích tối đa cả về phần cứng lẫn phần mềm với PC ở mức giá thấp hơn. Ngay đến cả giới hạn của BIOS cũng sẽ sớm bị xóa bỏ: một vài nhà sản xuất sẽ tìm đủ cách sao chép mã nguồn BIOS và đến khi Phoenix bắt đầu bán các bản BIOS "chép" thì bức tường thành của IBM đã chính thức sụp đổ. Trước đó, thay vì sử dụng khả năng tương thích của BIOS thì nhiều nhà sản xuất còn tìm cách cho phép MS-DOS gọi thẳng tới phần cứng (tương thích) thay vì đi qua tầng giao tiếp được Microsoft khuyến khích này.

    Sang đến thế hệ PC thứ hai là IBM PC AT (1984), Gã Khổng Lồ Xanh đã hiểu rõ sai lầm của mình và bắt đầu tìm cách đăng ký thương hiệu độc quyền. Nỗ lực này hoàn toàn thất bại, và toàn bộ ngành sản xuất PC lại tiếp tục chạy theo kiến trúc của IBM.

     Phoenix BIOS.

    Phoenix BIOS.

    Lần lượt các hệ điều hành, các nền tảng phần cứng độc quyền ra đời trước PC gục ngã với ngoại lệ đặc biệt là Apple II, thay thế vào đó là IBM PC và các mẫu "PC clone" đến ra từ các nhà sản xuất khác. Bất kỳ một nỗ lực nào để phá vỡ kiến trúc PC ban đầu, từ Intel 80186 cho đến thế hệ IBM PC "chính hiệu" thứ 3 là IBM PS/2 đều thất bại thảm hại. Nói cách khác, toàn bộ thị trường máy vi tính (ngoại trừ Apple trước năm 2005) dần dần trở thành IBM PC và các bản sao chép của IBM PC.

    Các khái niệm "microcomputer", "home computer" và "personal computer" dần dần hòa làm một. Những tên gọi "PC compatible", "PC clone" và "microcomputer" cũng dần trở nên vô nghĩa: nếu bất cứ một chiếc microcomputer nào cũng đều là PC compatible và PC clone, bạn còn cần phân biệt làm gì nữa?

    Những hậu duệ đích thực của PC

     Từng là ngoại lệ đặc biệt hàng chục năm, đến năm 2006 Apple sẽ biến toàn bộ danh mục Mac của mình thành những cỗ máy PC clone đích thực.

    Từng là ngoại lệ đặc biệt hàng chục năm, đến năm 2006 Apple sẽ biến toàn bộ danh mục Mac của mình thành những cỗ máy "PC clone" đích thực.

    Dù vậy nhưng tất cả những thiết bị mà ngày nay chúng ta gọi là "PC" như desktop, laptop và laptop lai tablet vẫn là những chiếc máy "PC compatible", "PC clone" đích thực. Chúng vẫn có BIOS, phần đông vẫn có thể cài đặt và chạy MS-DOS trực tiếp, vẫn có thể xử lý dữ liệu từng "qua tay" IBM PC và các bản sao và nhìn chung là vẫn có một mức độ tương thích ngược khá rõ ràng. Dù các chuẩn kết nối cũ đã "chết" gần hết, triết lý module của phần cứng PC vẫn được tiếp tục đến ngày nay.

    Quan trọng nhất, thị trường phần cứng PC luôn có các tiêu chuẩn nhất định (như USB 3.0, PCI Express 3.0...) để cho phép các linh kiện, thiết bị cạnh tranh nhau có thể tương thích với nhau một cách dễ dàng nhất – theo đúng tôn chỉ của IBM PC và PC clone ngày trước. Tất cả những tôn chỉ này đã được duy trì khi laptop, netbook và mới đây là tablet lai laptop xuất hiện - chúng đều là "IBM PC clone".

     Laptop lai tablet, thành viên mới nhất của gia đình PC (hay nói chính xác hơn là PC clone).

    Laptop lai tablet, thành viên mới nhất của gia đình PC (hay nói chính xác hơn là "PC clone").

    Và đó cũng là lý do vì sao khi nhắc đến "PC" chẳng mấy ai nghĩ đến smartphone, tablet chạy chip ARM hoặc loa thông minh, dù rằng chúng là những thiết bị điện toán cá nhân thực thụ. Đơn giản là chúng không phải là hậu duệ trực tiếp của IBM và các bản sao, không có tính tương thích ngược với IBM PC ngày trước và cũng đi theo triết lý module.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ