một công ty của Trung Quốc thành công ở quy mô toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp Việt cũng đổ tiền vào làm thương mại điện tử với kỳ vọng tái lập lại thành công này tại Việt Nam.
Hàng ngày, chúng ta có thể được nghe các hãng phân tích đã chỉ ra hàng tá lý do để thương mại điện tử có thể thành công tại Việt Nam: Dân số vàng, tỉ lệ tiếp cận mạng Internet lớn, tầng lớp trung lưu tăng nhanh,…
Tóm lại, các hãng phân tích đều khẳng định thương mại điện tử của Việt Nam sẽ là ngôi sao trong khu vực.
Tiềm năng thế, dại gì không nhảy vào. Những kẻ tham vọng thì nghĩ, nếu doanh thu của Alibaba năm 2015 là 12,9 tỉ USD cho thị trường 1 tỉ dân thì Việt Nam, với gần 100 triệu dân, hoàn toàn có thể xây dựng một doanh nghiệp TMĐT có doanh thu trên 1 tỉ USD, một “Alibaba của Việt Nam”.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thị trường TMĐT Việt Nam vài năm trở lại đây, người ta chỉ thấy toàn màu xám. Sau giai đoạn hàng loạt các trang TMĐT được mở ra, thời điểm này đã có không ít doanh nghiệp “xin chết”.
Có thể kể ra những cái tên như Foodpanda, Bé yêu, Deca, Nhommua, rồi những trang thương mại điện tử của đại gia nước ngoài như Zalora, Lazada cũng “rục rịch” rời khỏi Việt Nam.
A đây rồi, trang thương mại điện tử tham vọng lớn nhất thời điểm hiện tại, cũng chưa thể ra mắt chính thức dù đã ra bản beta từ tháng 8/2015.
Không ngoa khi nói thương mại điện tử Việt Nam giống như một “chiếc máy xay”, sẵn sàng nghiền nát bất cứ tham vọng nào, bất kể tiềm lực của doanh nghiệp lớn đến đâu.
Hóa ra, bức tranh TMĐT Việt Nam không chỉ toàn màu hồng như các hãng phân tích đã “vẽ vời” ra cho khách hàng của mình.
Có một lý do rõ ràng để không bao giờ có một "Alibaba của Việt Nam". Đáng buồn rằng đấy không phải những vấn đề liên quan đến thanh toán, vận chuyển,… mà các doanh nghiệp thường nhắc tới.
Đó là Alibaba lấy hàng Trung Quốc bán ra toàn thế giới, Việt Nam làm gì có hàng để bán.
Alibaba được ra mắt sàn TMĐT đầu tiên của mình vào năm 1997, lúc đó Jack Ma bán gì? Jack Ma kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp để trao đổi hàng hóa với nhau (B2B) chứ không bán cho người tiêu dùng đầu cuối.
Alibaba.com ra đời với mục đích ban đầu là bán hàng do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất cho DN nước ngoài, chứ không phải bán hàng trong nước.
Có hai vấn đề ở đây.
Thứ nhất, thị trường của Alibaba.com hướng tới ban đầu không phải là Trung Quốc, mà là thị trường toàn cầu. Như vậy, quy mô thị trường của Alibaba không phải 1 tỉ dân như chúng ta nhầm tưởng, mà là 5 tỉ dân toàn cầu (sau đó mới cộng thêm 1 tỉ dân Trung Quốc với 2 sàn TMĐT Taobao và 1688) mới đúng. Quy mô thị trường của Alibaba không phải lớn hơn 10 lần Việt Nam, mà là hàng chục lần.
Thứ hai, Alibaba làm được như vậy là nhờ bản thân Trung Quốc giai đoạn đó là công xưởng của thế giới. Đây là nơi tập trung sản xuất mọi loại hàng hóa, có giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
Trong khi đó, năng lực sản xuất của Việt Nam không hề mạnh. Các DN Việt Nam cũng đã thấy điều này khi gần như không mở ra sàn thương mại điện tử B2B nào mà chủ yếu là B2C (doanh nghiệp bán hàng cho người dùng đầu cuối) và C2C (người dùng bán hàng cho nhau).
Tuy nhiên, thiếu đi năng lực sản xuất đồng nghĩa với việc mất đi khả năng cạnh tranh. Lướt qua tất cả các trang thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy gần như tất cả các sản phẩm đều không phải là DN Việt Nam sản xuất, chủ yếu là hàng Trung Quốc.
Việc không tự sản xuất được khiến các trang TMĐT trong nước lúc nào cũng gặp tình trạng không thể cạnh tranh về giá, chấp nhận lỗ để bù giá và cuối cùng là toàn bán hàng Trung Quốc.
Đáng buồn hơn, lý do này không phải là điều các trang TMĐT trong nước có thể khắc phục được, trừ khi Việt Nam bùng nổ trở thành một “công xưởng thế giới” như Trung Quốc cách đây 1 thập kỷ.
Rõ ràng, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, TMĐT của Việt Nam đã bị thiếu hụt lớn.
Giả sử các DN thương mại điện tử Việt Nam đều tiên liệu điều này và đều là người lạc quan, thì người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng được mình sẽ trở thành Alibaba của Việt Nam như thế nào.
Đơn giản bởi nhìn đầy đủ mô hình hoạt động của Alibaba, người ta thấy đó không chỉ là một mô hình thương mại điện tử đơn thuần.
Jack Ma “cáo già” hơn chúng ta tưởng. Thay vì tập trung kiếm tiền trên thương mại điện tử, Jack Ma đa dạng hóa nguồn thu của mình thông qua nhiều mảng khác nhau.
Chẳng hạn, bạn sẽ không bao giờ tìm kiếm được sản phẩm gì trên Alibaba bằng việc tra cứu trên Google hay Baidu (mạng tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc). Bạn chỉ có thể tìm được hàng hóa mình khi tìm kiêm nó trên các trang của Alibaba.
Nghĩa là, Alibaba chỉ cho phép người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm của riêng mình, mọi công cụ tìm kiếm khác đều bị chặn. Tất nhiên, việc độc quyền công cụ tìm kiếm giúp Alibaba thu được nguồn lợi lớn từ việc bán vị trí, ưu tiên kết quả tìm kiếm,…
Đây không phải là thương mại điện tử, mà là mô hình kinh doanh của … Google.
Để là Alibaba, chí ít thì trang thương mại điện tử cũng phải vượt qua Google trong lĩnh vực tìm kiếm mua sắm. Thế nhưng, lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến tại Việt Nam đã hoàn toàn bị Google chiếm mất, và chắc chắn sẽ không thể có DN nào vượt qua được nữa.
Không chỉ vậy, Alibaba còn có điện toán đám mây. Hiện tại, mảng điện toán đám mây của Alibaba – Aliyun là nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất Trung Quốc với 23% thị phần trong nước.
Nếu bạn nghi ngờ khả năng thành công của điện toán đám mây, hãy nhìn sang một ông lớn khác của lĩnh vực TMĐT là Amazon. Thực tế cả chục năm nay, Amazon làm TMĐT chưa bao giờ có lãi, lãi lớn nhất của Amazon hiện tại đến từ dịch vụ đám mây AWS của hãng.
Đấy là chưa kể Jack Ma còn mở rộng Alibaba ra hàng tá những công cụ khác như tiếp thị liên kết, thanh toán điện tử,… và cuối cùng, không thể không nhắc tới là sự “chống lưng” của Chính phủ Trung Quốc phía sau.
Có thể thấy, nếu chỉ coi Alibaba là hình mẫu của mô hình TMĐT, chúng ta đã hiểu thiếu đi khá nhiều. Alibaba là một công ty công nghệ tập trung nhiều loại mô hình, trong đó TMĐT chỉ là một phần của bộ máy.
Nhìn theo góc độ này, liệu chúng ta còn dám hy vọng vào một “Alibaba của Việt Nam”?
Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4