Đây là thứ Mark Zuckerberg cần ở Apple, nếu ‘lợi dụng’ thành công sẽ có thể cứu nguy cho vũ trụ ảo
Sản phẩm này của Apple được cho là có thể giúp Reality Labs của Meta thoát lỗ.
- Ra mắt đã lâu nhưng đến hôm nay CEO Apple Tim Cook mới dám đăng ảnh đeo Vision Pro
- Kính thực tế ảo Apple Vision Pro cán mốc 200.000 lượt đặt mua
- Vô tình phát hiện bí mật trong thiết kế của Apple Vision Pro
- Không chỉ là đua cấu hình nữa, Galaxy S24 sẽ mở đầu cho cuộc đua "ai thông minh hơn" trên smartphone
- Chủ tịch Microsoft Xbox: các quy tắc mới của Apple tại App Store Châu Âu là “bước đi sai lầm”
Meta đang kỳ vọng chiến dịch ra mắt Vision Pro của Apple có thể tiếp thêm động lực cho ‘kỷ nguyên’ metaverse trị giá 50 tỷ USD. Công ty truyền thông xã hội này đã đặt cược danh tiếng vào thứ công nghệ mới hồi năm 2021, thậm chí đổi tên để phản ánh tầm nhìn rộng mở.
Ba năm sau, bộ phận Reality Labs chiếm chưa đến 1% tổng doanh thu, trong khi Meta phải vật lộn mở rộng thiết bị Quest ra ngoài thị trường ngách. Theo FBB Capital Partners, Reality Labs dự kiến sẽ lỗ 115 tỷ USD từ nay đến năm 2030.
Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của Vision Pro, các giám đốc điều hành Meta lạc quan rằng việc nhà sản xuất iPhone gia nhập thị trường sẽ giúp canh bạc của Mark Zuckerberg thu hút thêm nhiều sự quan tâm.
Nhân viên Meta coi Quest và hệ sinh thái phần mềm của mình như một giải pháp thay thế Apple. Chính vì thế, việc Apple lấn sân sang lĩnh vực kính thực tế ảo, dù ít nhiều có lợi cho Meta, song lại gián tiếp bùng nổ một cuộc cạnh tranh gay gắt. Cả hai đã xung đột tiếng nói trên nhiều lĩnh vực, từ quyền riêng tư của người dùng đến phân phối ứng dụng ở châu Âu.
“Meta sẽ phải đẩy mạnh các sản phẩm và đảm bảo rằng bất cứ điều gì họ đang làm đều sẽ thu hút nhà phát triển cốt lõi”, Kim Forrest, giám đốc đầu tư của Bollywood Capital Partners cho biết. “Đây có thể là Apple Newton – nếu bạn còn nhớ thì đó là một sự thất bại thực sự – hoặc chiếc iPhone tiếp theo”.
Nhiều người cho rằng kính thực tế ảo sắp ra mắt của Apple — dù thành công hay không — vẫn ảnh hưởng đến suy nghĩ Meta. Meta đang ngày càng tập trung vào thực tế hỗn hợp, cho phép người dùng nhìn thấy các hình ảnh ảo phủ lên thế giới thực. Trước đây, Meta nói rất nhiều về metaverse - nơi con người làm việc và vui chơi trong thực tế ảo.
Meta lần đầu tham gia phát triển kính thực ảo khi mua lại Oculus VR với giá 2 tỷ USD vào năm 2014. Tính cả thương vụ mua lại, Meta đã chi ít nhất 50 tỷ USD cho bộ phận phần cứng Reality Labs của mình. Kính thực tế ảo Meta's Quest hiện có 6,37 triệu người hoạt động hàng tháng tính đến tháng 10 năm 2022, theo WSJ.
Phiên bản kính thực tế ảo mới nhất, Quest 3, ra mắt vào tháng 10, sau đó được xuất xưởng từ 2 triệu đến 2,7 triệu thiết bị trong quý IV, theo ước tính của IDC. Đây là mức tăng đáng kể so với 160.000 thiết bị Quest 2 mà Meta xuất xưởng trong quý IV/2022.
Với mức giá 500 USD, Quest 3 có giá phải chăng hơn so với Vision Pro - vốn được Apple định giá 3.500 USD.
Trong nhiều năm, Zuckerberg và Giám đốc Công nghệ Andrew Bosworth đã thảo luận về việc cần ít nhất một đối thủ cạnh tranh có thể mang lại sự thúc đẩy to lớn cho thị trường. Cathy Craig, Giám đốc điều hành của Incisiv, một nhà phát triển trò chơi VR, cho biết việc Apple gia nhập thị trường là rất tuyệt vời.
“Meta nghĩ mọi người sẽ mua sản phẩm của họ vì chúng rẻ hơn”, Cathy Craig nói.
Được biết, thiết bị Apple sử dụng cơ sở hạ tầng tương tự như iPhone và iPad, qua đó giúp các nhà phát triển phần mềm dễ dàng nghiên cứu ứng dụng cho Vision Pro. Với bộ phận các nhà phát triển iPhone và iPad hiện có, Apple có thể dễ dàng thu hút các nhà phát triển phần mềm sử dụng kính thực tế ảo của mình thay vì Meta.
Ngoài giá cả, cách tiếp cận công nghệ của Apple cũng khác với Meta. Quest chủ yếu bao gồm các ứng dụng trò chơi điện tử, thể dục và xã hội ảo, trong khi Apple quảng cáo Vision Pro với các tác vụ và ứng dụng người dùng đã quen thuộc từ trước.
Trước đó, Meta mở cửa hàng thực tế đầu tiên ở California, song song với chiến dịch PR tôn vinh đây như một cách để trải nghiệm vũ trụ ảo và thấu hiểu tầm nhìn của CEO Mark Zuckerberg. Meta Store chủ yếu được dùng để trưng bày kính thực tế ảo cũng như giúp người dùng có được những trải nghiệm thực tế về sản phẩm.
Tại đây, khách hàng sẽ có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm công nghệ mới của hãng, từ kính thông minh Ray Ban, thiết bị gọi video Portal cho tới kính thực tế ảo. Nhiều khách hàng tỏ ra hài lòng với những trải nghiệm này.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi là thực sự tích cực. Đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi với công nghệ thực tế ảo. Tính tương tác của nó hoàn toàn thoải mái và tôi muốn tận dụng metaverse để đến thăm những nơi mình chưa từng đặt chân đến”, ông Frank Saunders, khách hàng Meta Store, chia sẻ.
Thời điểm mới khai trương, Meta Store được kỳ vọng sẽ có thể mở ra tham vọng bán lẻ cho gã khổng lồ công nghệ. Công ty cũng đã có lúc lên ý tưởng về việc mở thêm nhiều cửa hàng trên toàn cầu.
“Meta Store sẽ giúp mọi người kết nối với các sản phẩm của chúng tôi - những thứ có thể dẫn đến vũ trụ ảo trong tương lai”, Martin Gilliard, Giám đốc cửa hàng Meta Store, nói.
Thay vì đặt tại các con phố mua sắm đông đúc, cửa hàng của Meta ngay gần trụ sở phòng thí nghiệm thực tế. Công ty cho biết, đây sẽ là cơ sở ban đầu để các nhà phát triển sản phẩm có thể tìm hiểu trực tiếp nhu cầu thị trường.
“Chúng tôi cần đảm bảo các trải nghiệm của khách hàng sẽ là yếu tố cốt lõi trong cách thức phát triển sản phẩm. Việc đặt cửa hàng tại nơi phát triển sản phẩm là rất hợp lý, bởi điều này giúp chúng tôi nhận được phản hồi nhanh chóng từ khách hàng”, ông Martin Gilliard nói.
Với cửa hàng này, Meta đang thực hiện bước đi tiếp theo trong quá trình phát triển từ một mạng xã hội trở thành một công ty công nghệ định hướng phần cứng cho thời đại metaverse.
“Tôi coi đây là một bước phát triển, hướng đến những gì mà chúng tôi muốn trở thành. Sau trải nghiệm dịch chuyển mạng Internet từ máy tính để bàn sang thiết bị di động, những gì mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là trải nghiệm web 3.0 và metaverse. Chúng tôi đang phát triển những sản phẩm để giúp mọi người tiếp cận các trải nghiệm đó”, ông Martin Gilliard nhấn mạnh.
Theo: WSJ, BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"