Để có chỗ đứng thị trường Trung Quốc, Samsung buộc phải “đánh cược” vào smartphone tầm trung

    Thiên Long,  

    Ở thế bị “kìm kẹp” lên cũng không được, xuống cũng chẳng xong như Samsung tại thị trường Trung Quốc hiện nay, giải pháp tốt nhất phải chăng là đánh chiếm phân khúc tầm trung?

    Cách đây không lâu, Samsung đã tung ra bộ đôi Galaxy A9 Star và Galaxy A9 Lite hướng đến phân khúc tầm trung. Máy sẽ lên kệ tại thị trường Trung Quốc trước từ ngày 15/6.

    Để có chỗ đứng thị trường Trung Quốc, Samsung buộc phải “đánh cược” vào smartphone tầm trung - Ảnh 1.

    Việc ưu ái cho thị trường Trung Quốc giống với các model Galaxy C9 hay C9 Pro trước đây đã không còn là điều quá lạ với Samsung. Gần đây nhất, Samsung còn tung ra phiên bản Galaxy S9 đỏ cho thị trường Trung Quốc.

    Thông qua việc đánh chiếm phân khúc tầm trung, Samsung muốn “có chân” trên thị trường tỷ dân sau khi bị các đối thủ ở phân khúc giá rẻ và cao cấp hắt cẳng khỏi top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc.

    Galaxy A9 Star tập trung chủ yếu vào tính năng chụp hình với camera selfie lên tới 24MP, hỗ trợ AI giúp chụp selfie đẹp hơn. Ngoài ra, lợi thế của smartphone Samsung trước nay vẫn là màn hình AMOLED với màu sắc rực rỡ và nịnh mắt.

    Giá sản phẩm chỉ khoảng 317 USD, rẻ hơn 1/3 so với siêu phẩm Galaxy S9 hiện nay của Samsung.

    Thông qua những model mới đánh vào phân khúc tầm trung, Samsung muốn đáp ứng nhu cầu của những người trẻ tại Trung Quốc, nơi họ thường thích những chiếc smartphone có kiểu dáng trẻ trung, chụp ảnh selfie đẹp và mức giá mềm.

    Để có chỗ đứng thị trường Trung Quốc, Samsung buộc phải “đánh cược” vào smartphone tầm trung - Ảnh 2.

    Các thương hiệu nội địa biết dánh trúng tâm lý khách hàng Trung Quốc là các sản phẩm có camera chụp selfie tốt

    Hiện tại thị trường nội địa Trung Quốc đang bị chi phối chủ yếu bởi các thương hiệu nội địa với lợi thế sân nhà, tiềm lực mạnh như Huawei, Xiaomi, Oppo hay Vivo. Tuy nhiên các thương hiệu này chỉ nổi tiếng trên phân khúc giá rẻ và tầm trung. Trong khi đó ở phân khúc cao cấp, Apple gần như đã chiếm trọn và khó có hãng nào đủ sức cạnh tranh về mức độ thu hút và giá bán với Apple.

    Tình trạng “kìm trên kẹp dưới” khiến Samsung gặp phải muôn vàn khó khăn tại thị trường này do bị Apple “đè” cửa trên trong khi chẳng thể nào cạnh tranh nổi các hãng Trung Quốc vì lợi thế quân số “quá đông quá nguy hiểm”.

    Biết địch biết ta, trăm trận trăm tháng nhé Samsung!

    Từng có lúc thị phần của Samsung tại thị trường Trung Quốc chỉ còn 0,8% trong Q4/2017. Tuy nhiên bằng những nỗ lực tiếp thị không ngừng nghỉ, thị phần của Samsung đã tăng trở lại và đạt 1,2% trong Q1/2018.

    Mặc dù vậy, sự tăng nhẹ này không đảm bảo Samsung sẽ tiếp tục có được chỗ đứng trong thị trường lâu hơn nếu như không có một chiến lược dài hơi, biết địch biết ta.

    Khi mà các đối thủ Trung Quốc vẫn đang dùng chiêu bài “phá giá” để tranh giành mảnh đất giá rẻ thì có lẽ, Samsung nên tập trung tái chiếm thị trường Trung Quốc dựa trên lợi thế của hãng bấy lâu nay, đó chính là phân khúc tầm trung và cao cấp.

    Để có chỗ đứng thị trường Trung Quốc, Samsung buộc phải “đánh cược” vào smartphone tầm trung - Ảnh 3.

    Các nhà phân tích nhận định, mức tăng 1,2% trên có được phần lớn nhờ sự xuất hiện của bộ đôi Galaxy S9/S9 hồi đầu tháng 3. Người tiêu dùng Trung Quốc bấy lâu vẫn luôn tin vào những chiến dịch quảng cáo và đó có thể là lý do giúp Samsung có màn tăng trưởng trở lại.

    Nhưng nói gì thì nói, Samsung vẫn cho thấy sự yếu kém trong việc “tiếp cận” văn hóa tiêu dùng tại Trung Quốc. Nhiều người dùng tại đây bắt đầu “cạch mặt” điện thoại Samsung không chỉ bởi yếu tố chính trị, mà còn bởi trải nghiệm người dùng không như ý. Đa số đều cho rằng, điện thoại Samsung có hiệu suất kém chỉ sau một khoảng thời gian. Bên cạnh đó, Samsung cũng không biết cách nắm bắt tâm lý và xu hướng của người dùng Trung Quốc đang thay đổi như thế nào.

    Để định vị lại tên tuổi ở thị trường đông dân nhất thế giới, chắc chắn không phải là một bài toán dễ. Nhưng Samsung với tư cách là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, hãng thừa hiểu chỉ có đổi mới sản phẩm, dịch vụ và phần mềm mang tính đột phá mới giúp Samsung gây dựng lại được danh tiếng như nhiều năm trước đây.

    Thị trường Trung Quốc đang dần rơi vào trạng thái bão hòa. Số liệu từ hãng nghiên cứu IDC cho thấy, lượng smartphone xuất xưởng tại Trung Quốc đã giảm xuống dưới 100 triệu máy trong Q1/2018, mức giảm lần đầu tiên kể từ Q3/2013.

    Trong khi đó, tâm lý mua sắm của người dùng Trung Quốc hiện nay vẫn là các sản phẩm có mức giá phải chăng. Hành trình tìm lại ánh hào quang xưa của Samsung cũng vì thế sẽ thêm phần gian truân hơn trong thời gian tới.

    Tham khảo Shine

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ