Đề xuất phí khai thác dữ liệu chi tiết dân cư là 800 đồng/1 thông tin về công dân

    M.T, Theo ICTnews 

    Theo dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, Bộ Tài chính đề xuất phí khai thác dữ liệu chi tiết dân cư là 800 đồng/ 1 thông tin về công dân.

     Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Tài chính soạn thảo được đăng tải công khai để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp từ ngày 27/9/2017 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

    Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Tài chính soạn thảo được đăng tải công khai để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp từ ngày 27/9/2017 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

    Theo Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    Đối với việc quản lý, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về dân cư, Luật Căn cước công dân quy định rõ, CSDL về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. CSDL quốc gia về dân cư là CSDL dùng chung, do Bộ Công an quản lý.

    Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDLsở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại các điểm trên có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDL về dân cư theo quy định của pháp luật.

    Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư. Dự thảo Thông tư này vừa được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

    Theo dự thảo Thông tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có văn bản yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư và được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSL quốc gia về dân cư thì phải nộp phí theo quy dịnh tại Thông tư này; trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân.

    Về mức thu phí khai thác dữ liệu tổng hợp dân cư trong CSDL quốc gia về dân cư, dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính đề xuất mức phí cá nhân, tổ chức phải trả là 250.000 đồng/ 1 báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp tỉnh, thành phố; mức phí với báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp quận, huyện là 200.000 đồng/báo cáo; và 150.000 đồng/báo cáo là mức phí khai thác báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp xã, phường, thị trấn.

    Mức phí được Bộ Tài chính đề xuất cho việc khai thác dữ liệu chi tiết dân cư là 800 đồng/ 1 thông tin về công dân. Dự thảo Thông tư cho hay, căn cứ vào nhu cầu khai thác chi tiết dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư sẽ quyết định và cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác số lượng thông tin trong CSDL về dân cư phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm bí mật đời tư của công dân.

    Trong đó, thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào CSL quốc gia về dân cư được xác định gồm 15 thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân ngày 20/11/2014, bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

    Cũng theo dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, người nộp phí thực hiện nộp phí bằng tiền mặt trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc chuyển khoản vào tài khoản của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước khi được cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư cho phép khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư.

    Các tổ chức thu phí khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, theo quy định tại dự thảo Thông tư, gồm có Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) - Tổng cục Cảnh sát; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày