Đến bao giờ Apple và Microsoft mới nhảy vào thị trường phần cứng duy nhất có thể "bóp chết" Google?

    Lê Hoàng,  

    Cũng giống như rất nhiều gã khổng lồ công nghệ khác, gót chân Achilles của Google là mảng kinh doanh đang đem lại phần lớn nguồn sống của hãng này: quảng cáo hiển thị.

    Nếu phải chọn ra một bài toán làm Google đau đầu nhất thì đó chắc chắn sẽ là loa thông minh. Đây là loại thiết bị duy nhất có thể bóp chết doanh thu quảng cáo truyền thống của Google, vốn luôn được hiển thị trên giao diện màn hình. Chính bởi vậy mà chỉ 1 năm sau khi thành công của chiếc Amazon Echo được chứng minh, Google đã phải vội vã ra mắt một sản phẩm copy Echo và cùng lúc phải hoàn thiện trợ lý ảo có giao diện giọng nói cho Android.

    Trước đó, trong hàng năm trời, khi Apple và Microsoft đều có trợ lý ảo giọng nói đầy đủ thì Google chỉ ra mắt một phiên bản Now dùng giọng nói để nhập liệu. Muốn tham chiếu thông tin từ Google Now, người dùng vẫn phải nhìn vào màn hình.

    Rõ ràng là Google biết hướng đi đúng đắn dành cho tương lai.

    Google vs Amazon

    Nhưng đáng tiếc "biết" không đồng nghĩa với "quyết tâm theo đuổi". Assistant vẫn có khả năng ảnh hưởng rất tiêu cực đến nguồn sống chính của Google: quảng cáo trên màn hình. Kết quả là cho đến tận bây giờ, nguồn cung của Pixel - chiếc điện thoại tiên phong cho Assistant - vẫn chưa ổn định.

    Mới đây nhất, phó chủ tịch phần cứng của Google, người lãnh đạo 2 dự án Home và Pixel, David Foster đã chính thức nghỉ việc chỉ sau 6 tháng tại vị. Bến đỗ "mới" của Foster là Amazon, chính nơi ông đã rời đi sau khi đạt thành công với Fire và Echo.

    Lại nói về Amazon, nỗ lực trợ lý ảo của hãng này đang ngày một sáng sủa hơn bao giờ hết. Đầu năm nay, tại CES 2017, Amazon tuyên bố sẽ "mở" công nghệ Alexa cho tất cả các đối tác phần cứng có thể tích hợp vào sản phẩm của riêng họ, bao gồm cả sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Echo như Lenovo Smart Assistant. Tuần trước, Amazon lại công bố mở công nghệ AI và nhận diện giọng nói cho các khách hàng đám mây.

    Đến tuần này, gia đình Echo đón nhận thêm một sản phẩm mới: Echo Looks. Về bản chất, đây vẫn là một chiếc loa nhận câu lệnh giọng nói và phản hồi bằng giọng nói của Alexa nhưng lại được tích hợp thêm một bộ camera chất lượng cao. Với trọng tâm là lĩnh vực thời trang, Echo Looks vẫn mang đến đầy đủ sức mạnh của AI và deep learning để giúp người dùng lựa chọn những bộ quần áo phù hợp nhất.

    Chưa dừng lại ở đây, Amazon còn đang phát triển một chiếc "Echo Knight" có tích hợp màn hình. Một lần nữa, giọng nói vẫn là trung tâm, nhưng kịch bản sử dụng của Echo Knight chắc chắn sẽ khiến Google lo sợ: "Hey Alexa, tối nay tôi nên ăn ở đâu?" "Cách đây 15 phút có một nhà hàng tên là ABC, đánh giá trung bình là 5 sao, đây là một số hình ảnh bên trong nhà hàng".

    Microsoft và Apple

    Nếu đã từng một lần được sử dụng trải nghiệm Alexa đầy đủ, bạn sẽ hiểu rằng giọng nói chắc chắn là giao diện của tương lai. Việc cả hai hãng ông lớn của kỷ nguyên PC ngày trước cùng ra mắt loa thông minh có lẽ sẽ là tất yếu. Cả Apple và Microsoft đều đã có trợ lý ảo và thậm chí còn đi trước cả Google (Assistant xuất hiện sau cả Siri, Cortana và Alexa). Cả Apple và Microsoft đều đã tìm cách đưa trợ lý ảo của mình vào các môi trường tĩnh (Apple TV, macOS, Windows PC...) nhưng vẫn chưa thể thoát ly khỏi màn hình. Cả 2 hãng đều sở hữu các bộ dịch vụ tương đối đầy đủ để tranh đấu quyết liệt.

    Riêng Apple có lợi thế là thành công của iPad, iPhone, còn Microsoft thì có hẳn một đám mây đứng thứ 2 thế giới. Và thực tế là Microsoft đã công bố hợp tác với Harman để phát triển chiếc loa "Invoke" từ tận 2016, còn Apple dù vẫn kín tiếng như mọi khi nhưng cũng đã nắm trong tay Beats Electronics.

    Quan trọng nhất, Apple và Microsoft không phải bận tâm đến ràng buộc lớn nhất của Google: quảng cáo. Về bản chất, Apple bán phần cứng còn Microsoft bán phần mềm có thu phí thay vì sống bằng quảng cáo như Google. Việc phát triển các hệ thống trợ lý ảo "tĩnh" như Echo sẽ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến nguồn sống của Apple hay Microsoft và thậm chí còn làm cho hệ sinh thái của các hãng này thêm phong phú.

    Đó là một kịch bản Google sẽ phải sợ hãi. Dù sao, hiện tại Google vẫn có thể coi là thế lực đứng thứ hai trên thị trường loa thông minh, nhưng trong tất cả các đối thủ tiềm năng, chỉ có Google là phải sống nhờ vào quảng cáo hiển thị. Lịch sử công nghệ tràn ngập các trường hợp sợ hãi công nghệ mới thay thế công nghệ "kiếm ăn" của mình mà chậm chân chìm vào dĩ vãng. Giờ là lúc Google phải tự trả lời, liệu gã khổng lồ tìm kiếm có thể là một phần trong danh sách ảm đạm đó hay không.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ