Đen đủi như Adobe: Thâu tóm Figma nhưng bị cấm cản, đã không được gì lại còn bị phạt 1 tỷ USD
Thương vụ giữa Adobe và Figma đã chính thức đi đến hồi kết trong ngày hôm nay.
Mới đây, Adobe đã chính thức tuyên bố chấm dứt kế hoạch mua lại Figma trị giá 20 tỷ USD, với lý do chính là gặp phải trở ngại từ các cơ quan quản lý.
Được công bố vào tháng 9/2020, Adobe thâu tóm Figma được kỳ vọng sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành phần mềm. Tuy nhiên, nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý của EU và Anh, lo ngại rằng việc này sẽ trao cho Adobe quyền kiểm soát quá lớn đối với thị trường phần mềm thiết kế.
Ủy ban Châu Âu, vốn đã tiến hành điều tra về thương vụ sáp nhập này, đã thông báo vào Thứ Hai rằng cuộc điều tra đã kết thúc và họ đã nắm được thông tin về quyết định chấm dứt thỏa thuận.
Để giải quyết các vấn đề liên quan đến quy định, Adobe đã đồng ý rút khỏi thương vụ và trả cho Figma khoản phí huỷ bỏ trị giá 1 tỷ USD. Đây là một bước lùi đáng kể cho Adobe, vốn đang hy vọng gia tăng thị phần trong thị trường phần mềm thiết kế dựa trên đám mây đang phát triển mạnh mẽ. Figma là một trong những công ty hàng đầu trong thị trường này, với lượng người dùng tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Adobe, ông Shantanu Narayen, cho biết: "Mặc dù Adobe và Figma không đồng ý hoàn toàn với những kết luận gần đây của cơ quan quản lý, chúng tôi tin rằng việc hoạt động độc lập là lựa chọn tốt nhất cho cả hai. Dù chúng tôi không còn có cơ hội cùng nhau định nghĩa lại tương lai của sáng tạo và năng suất, Adobe vẫn sẽ tận dụng triệt để cơ hội thị trường rộng lớn và sứ mệnh thay đổi thế giới thông qua những trải nghiệm kỹ thuật số cá nhân hóa."
Figma được thành lập vào năm 2012 với sứ mệnh chính là cải thiện khả năng cộng tác giữa các nhà thiết kế trên ứng dụng web và di động. Công ty sử dụng các công nghệ thiết kế tiên tiến, quy trình làm việc đa người dùng và hệ sinh thái nhà phát triển để cung cấp nền tảng sáng tạo của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI