Đi tìm Lena Forsen - Người phụ nữ trong bức ảnh JPEG đầu tiên trên Thế giới
Một người phụ nữ bí ẩn, đã có đóng góp không nhỏ cho ngành công nghiệp hình ảnh hiện đại mà đến chính cô ấy cũng không hay biết.
Mỗi buổi sáng, bà Lena Forsen thức dậy phía dưới một chiếc đồng hồ bằng gỗ và đồng chạm khắc, được dành tặng cho 'Người phụ nữ đầu tiên của Internet'. Danh hiệu này được tặng cho bà bởi Cộng đồng khoa học và hình ảnh, dành cho thành tựu to lớn của bà với Thế giới số hiện đại ngày hôm nay.
Vào 1973, hình ảnh của người mẫu Playboy Lena Forsen (bên trái) được sử dụng để phát triển định dạng JPEG, nhưng bà ấy năm nay đã 67 tuổi vẫn là một điều bí ẩn đối với cư dân mạng.
Trong giới kĩ sư công nghệ, bà Lena là một nhân vật huyền bí, đồng hạng với những người như Woz hay Zuck. Dù bạn có biết tới Lena hay không, thì chắc chắn bạn cũng đã sử dụng công nghệ được phát triển với sự giúp sức của bà. Tất cả những bức hình trên mạng, những meme hài hước bạn từng chia sẻ đều mang ơn bà. Nhưng tới nay đã 67 tuổi, bà cũng cảm thấy ngạc nhiên vì mọi người vẫn nhớ tới sự đóng góp này.
Ngược dòng thời gian, bà Lena là một người mẫu cho tờ báo Playboy và được dùng làm bìa cho số báo 1972 ở tuổi 21. Tất nhiên, đây là một bức ảnh 'nóng' và bà chỉ đi giày, đội mũ vành và một con trăn màu hồng. 6 tháng sau, bức hình này có mặt tại khoa Tín hiệu và hình ảnh của trường đại học Nam California, nơi mà Alexander Sawchuk và cộng sự đang tìm cách phát triển một định dạng hình ảnh nén hiệu quả cao để có thể truyền qua mạng máy tính.
Hình ảnh của bà Lena với màu sắc đậm đà, nhiều chi tiết nhỏ trở thành lựa chọn hoàn hảo. Họ cắt 1/3 phía trên hình ảnh (từ vai trở lên), sau đó cho lên máy scan để tạo ra 512 dòng hình ảnh trên chiếc máy tính Hewlett-Packard 2100. Hình ảnh này sau đó trở thành tiêu chuẩn cho định dạng ảnh JPEG, mà nhóm này chia sẻ với những kĩ sư khác để nghiên cứu và làm theo.
Lena bỗng trở thành một nhân vật nổi tiếng, mọi người làm thơ để tôn vinh tên bà, thậm chí còn đặt tên tấm hình giống như một bức tranh thời Phục hưng nổi tiếng: "Bà Lenna" (bà muốn mọi người thêm 1 chữ 'n' để mọi người không đọc nhầm tên). Vào năm 1973, khi nhân vật chính trong bộ phim Sleeper thức dậy khi du hành tới năm 2173, anh được hỏi về các bức ảnh của các nhân vật nổi tiếng như Stalin, de Gaulle, và cả bà Lena. Tới nay, bức hình của bà không còn được chia sẻ rộng rãi, nhưng vẫn được coi là một phần lịch sử quan trọng của Internet.
Nhưng sự nổi tiếng của bức hình này cũng đã làm những người ủng hộ nữ quyền tức giận. Họ cho rằng bức hình này không hề đứng đắn, và cần được thay thế bởi một bức hình khác làm bức hình JPEG đầu tiên. Thậm chí còn có một học sinh cấp 3 mang tên Maddie Zug đã viết một bài báo gửi tới The Washington Post để bày tỏ sự phẫn nộ, nói rằng bức hình này đã dấy lên nhiều 'lời bình không hay' bởi các học sinh nam trong lớp cô.
Deanna Needell, giảng viên của trường UCLA, cũng có những kí ức tương tự từ hồi đi học. Vào năm 2013, cô tham gia một buổi biểu tình để sử dụng một bức ảnh khác của người mẫu nam mang tên Fabio Lanzoni để dùng làm hình ảnh tham chiếu. Nhưng có lẽ lời bình gay gắt nhất đến từ nhà báo Emily Chang, cô cho rằng: "Việc hình ảnh của bà Lena được sử dụng là đại diện cho những hành vi không đúng đắn trongThế giới công nghệ". Với cô Chang, thì đây chính là tội lỗi đầu tiên của Internet.
"Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi nó vẫn chưa ngừng" - Bà Lena nói về sự nổi tiếng của mình sau khi được dùng làm hình ảnh JPEG đầu tiên.
Đứng ngoài tất cả những cuộc tranh luận này lại chính là bà Lena. Lần cuối cùng bà lên tiếng với báo giới Mỹ là vào năm 1997, lúc bà nhận chiếc đồng hồ quà tặng của mình. Jeff Seidema, cựu chủ tịch của Cộng đồng khoa học và hình ảnh kể rằng sự xuất hiện của bà làm những đồng nghiệp của ông cảm thấy ngạc nhiên, vì nhiều người thậm chí tưởng người phụ nữ trong bức ảnh không có thật! Nhiều người ngắm nhìn bức ảnh, phân tích nó trong suốt 25 năm, người phụ nữ bỗng trở nên siêu thực, không phải là một con người bằng da bằng thịt nữa. Từ đó tới nay, cũng không bất cứ ai đoái hoài tới việc hỏi bà nghĩ sao về hình ảnh đó.
Tôi bắt đầu công cuộc tìm bà vào 1 năm trước, và quả thực quá trình tìm kiếm này khá khó khăn. Sau một thời gian, tôi biết được lần cuối cùng bà xuất hiện trước công chúng là vào 2015, là một vị khách mời đặc biệt ở một hội nghị về hình ảnh tại Quebec, Canada. Nhưng khi tôi gọi điện tới những người tổ chức sự kiện, họ lại nói rằng không giữ số liên lạc của bà. Nhưng cuối cùng, thì người đứng đầu của công ty tổ chức sự kiện là ông Jean-Luc Dugelay cũng đồng ý kết nối chúng tôi. Ông cũng khuyến cáo tôi rằng phải tôn trọng đời sống riêng tư của bà, nếu như bà từ chối gặp thì tôi cũng phải chấp nhận.
Và cuối cùng, trong một buổi chiều mùa hè nóng nực tại Stockholm, người phụ nữ đằng sau bức ảnh đầu tiên của Internet, một con người bí ẩn cũng xuất hiện trước mắt tôi. Chúng tôi gặp nhau tại một chiếc ô hình nấm tại trung tâm thành phố, và tôi vẫn nhớ rằng bên kia đường là một biển quảng cáo lớn về chiếc smartphone Galaxy S9 của Samsung.
Bà ấy đến gặp tôi cùng với một người bạn, có lẽ là để đảm bảo an toàn vì tôi là một người lạ. Bà mặc một bộ váy đen trắng, cùng tôi dép quai hậu màu hồng. Bộ tóc đã bạc của bà trải dài xuống tới vai, và móng tay của bà được sơn màu hồng rất hợp với đôi dép. Chúng tôi đi vào khu thương mại, dừng chân tại một quán café. Bà Lena gọi một cốc cà phê nóng, lau mắt kính rồi bắt đầu kể câu chuyện của mình.
Câu chuyện bắt đầu từ khi bà còn học cấp 3, khi bà chuyển tới sống tại Mỹ và ở cùng với một người thân. Bà có dự tính sẽ ở lại 1 năm, nhưng cuối cùng đã kéo dài tới 8 năm. Đến 1971, bà đến sống tại Chicago, vừa kết hôn và phải đi kiếm tiền để trang trải. Chồng bà khuyến khích bà đi làm người mẫu. "Tôi hơi thấp để làm người mẫu quần áo, nhưng cũng nhận được một vài việc làm người mẫu trang sức và cuối cùng được tạp chí Playboy liên hệ". Bà được giới thiệu tới một nhiếp ảnh gia tên Dwight Hooker, và họ tạo ra bức ảnh bìa cho tạp chí người lớn này. Chồng bà không phản đối, thậm chí còn thấy đây là một cơ hội hiếm có!
Sau khi bìa tạp chí được công bố, Lena, với tấm thẻ xanh (thẻ chấp thuận người nước ngoài sống tại Mỹ) trên tay, chia tay người chồng và kiếm bạn trai mới. Playboy mời bà tới sống tại dinh thự của Hugh Hefner tại Beverly Hills, nhưng bà lại từ chối. Thay vào đó, cùng với người bạn trai của mình, Lena đến Rochester, New York và nhận việc làm người mẫu cho hãng Kodak. Cô trở thành gương mặt thương hiệu cho hãng này, xuất hiện ở những tạp chí, trên cả những biển quảng cáo của hãng. Đây là một công việc dễ dàng, nên bà cũng nhân cơ hội này làm thêm công việc tiếp tân tại một quầy bar tại Marriott.
Hình ảnh của bà Lena xuất hiện trên các bài báo về kĩ thuật in ấn của Kodak, Xerox và một bài Luận án tiến sĩ về hình ảnh.
Sự thành công của bà vào thời điểm này không phải là ngẫu nhiên, khi ngành công nghệ thời bấy giờ rất nhiều đàn ông, những nữ kĩ sư ngành công nghệ cũng bỏ đi để làm ngành khác.
Marie Hicks, một nhà sử học công nghệ nói: "Vào 1973, khi mà bìa ảnh của Lena được sử dụng làm ảnh mẫu cho công nghệ số, thì hàng ngàn người phụ nữ đã từ bỏ ngành này. Nếu như hình ảnh này không được sử dụng, thì chắc chắn một ảnh của một người phụ nữ khác cũng sẽ được dùng thay thế mà thôi! Và việc hình ảnh này được lấy từ Playboy cũng đã làm nhiều người để ý!"
Qua việc cộng tác với Playboy và Kodak, bà Lena trở thành một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tới ngành công nghệ ảnh. Trong thế kỉ 19, có một câu chuyện kể lại rằng một người làm việc ở nhà xác Paris đã nhặt được tấm hình của một người phụ nữ xinh đẹp bên bờ sông Seine, và ông đã in lại tấm hình đó để đem bán. Sau này cô ấy được gọi là "L’Inconnue de la Seine" - người phụ nữ bí ẩn của sông Seine. Cô ấy là nguồn cảm hứng cho các họa sĩ và nhà văn trong nửa thế kỉ sau đó, và cũng trở thành người mẫu để tạo ra con mannequin cứu thương đầu tiên.
Cũng tương tự như thế, vào thế kỉ 20, một người mẫu mang tên Audrey Munson được làm hình mẫu để tạc tượng đồng và đá trên khắp Thế giới. Mặc dù thân phận của cô không nổi tiếng với công chúng, nhưng hình ảnh của cô vẫn còn mãi. Audrey Munson có câu chuyện giống với những cây cầu và tòa nhà tại New York vậy, ai cũng có thể chiêm ngưỡng, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ.
Cả Munson và L’Inconnue cũng là những người con gái đầu tiên với hình ảnh được dùng để cân chỉnh màu sắc của phim và ảnh trong thế kỉ 20. Những người phụ nữ này đã định hình cả một ngành công nghiệp. Vào những năm 50 của thế kỉ trước, Kodak thuê toàn những người mẫu nữ da trắng như họ, chính vì vậy nên phim của họ lại không phù hợp với dân da màu!
Xu hướng này vẫn được tiếp tục tới nay, khi cô Suzanne Vega không hề hay biết giọng nói của mình lại trở thành những âm thanh đầu tiên của định dạng nhạc MP3 rất nổi tiếng. 2 thế kỉ sau, cô Susan Bennett nhận được một cuộc gọi của người bạn và hỏi rằng tại sao trợ lí ảo Siri lại có giọng nói giống cô ấy đến vậy, sau đó mới biết được cô Bennett chính là giọng nói đứng sau Siri. Nhìn lại lịch sử, phụ nữ đã đóng một vai trò to lớn với ngành công nghệ, mặc dù tên tuổi của nhiều người đã bị phai mờ theo năm tháng.
Lena đến giờ vẫn cảm thấy ngạc nhiên vì sự nổi tiếng của mình. Cô kể lại: "Khi đến Quebec, tôi gặp một người phụ nữ nói với tôi rằng 'Có lẽ tôi biết từng chấm tàn nhang trên mặt cô', cô ấy còn cảm thấy ngạc nhiên khi tôi là một người thật". Lena nói rằng mọi người quá để tâm tới sự nghiệp của bà với tạp chí Playboy, mà không ai nhớ tới những sự kiện khác trong cuộc đời của mình.
Khi được hỏi về những ý kiến trái chiều trong thời gian gần đây về hình ảnh của bà, bà cảm thấy ngạc nhiên. Tôi cho bà xem lại hình ảnh của bà, và sau đó gọi điện để xin ý kiến của bà về vấn đề này. Bà nói rằng bức ảnh này tuy được chụp cho Playboy, nhưng đã được cắt từ vai trở lên nên rất đứng đắn. "Khi tôi đọc bài báo về người nữ sinh cảm thấy bực tức khi các nam sinh trong lớp nhìn ảnh của tôi, có lẽ tôi cũng hiểu cảm giác của cô ấy. Có lẽ họ đã tìm thấy toàn bộ bức hình chứ không phải hình ảnh được cắt ra."
Bà Lena ở nhà của mình tại Södertälje, Thụy Điển ngày 13 tháng 1 năm 2019.
Mặc dù vậy, bà nói rằng mình không cảm thấy bực tức với quyết định của những kĩ sư đã sử dụng hình ảnh của bà để tạo ra ảnh số đầu tiên, nhưng cũng cảm thấy tiếc vì không nhận được những lương thưởng mà đáng ra bà có được.
"Tôi rất tự hào về bức ảnh đó." Quả thực việc bà cảm thấy tự hào cũng rất dễ hiểu. Khác với những người phụ nữ khác trong lịch sử của công nghệ, ít nhất bà Lena cũng nhận được sự quan tâm của mọi người vì sự đóng góp của mình. Ông Hicks nói rằng: "Lena xuất hiện trong một bức ảnh rồi được mọi người sử dụng khắp nơi, bà như bất tử khi được sống trong Thế giới số."
Cuộc sống của bà ít ai hay biết, cho dù hình ảnh có được sử dụng bao nhiêu lần, càng ngày càng được làm đẹp hơn nhờ công nghệ làm ảnh hiện đại. Tại Thụy Điển, bà cố gắng tìm những bài báo về bức hình, nhưng cuối cùng cũng ngừng lại vì thông tin rất khó tìm. Con bà cũng làm trong ngành công nghệ, và cũng có liên quan tới công nghệ ảnh. "Con tôi làm việc với ảnh! Tôi không hiểu về nghề đó lắm, nhưng có lẽ tôi cũng đã đóng góp một phần!"
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming