Thay vì phát triển bom nguyên tử, họ đã nghiên cứu vũ khí hóa học.
Từ trên cao nhìn xuống, xuyên qua những tán sồi và bạch dương tại một khu vực gần hồ chứa Dalecarlia, một nhóm các nhà địa vật lý người Mỹ đang thực hiện công việc khảo sát nền rừng. Họ sử dụng một từ kế vô cùng hiện đại nhằm truy tìm ra những mảnh vụn hoặc vật liệu nổ còn sót lại trong lòng đất.
Một trăm năm trước, không một mảnh đạn nào của Chiến tranh thế giới thứ nhất chạm được tới nước Mỹ. Dalecarlia đang là một trong những nguồn cung cấp nước chính cho người dân thủ đô Washington DC.
Tại khu vực khảo sát này, cũng không có bất kể một hầm kè, không hề có bóng dáng dù chỉ một người lính. Nhưng rừng Dalecarlia vẫn trở thành một di tích của cuộc chiến, nơi các nhà khoa học Mỹ từng phát triển và thử nghiệm bom, vũ khí hóa học và mặt nạ phòng độc… trước khi đem chúng đến Châu Âu để sử dụng.
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc được 100 năm, nhưng hình ảnh một nhóm nghiên cứu vẫn miệt mài làm việc trong rừng Dalecarlia là một lời nhắc về quá khứ, cho cuộc chiến còn khoác lên mình một cái tên hoa mỹ khác: "Chiến tranh của những nhà hóa học".
Alex Zahl, 62 tuổi, là một giám đốc dự án của lực lượng Công binh Lục quân Hoa Kỳ. Ông đang ngồi trong một chiếc thùng xe tải được cải tạo thành trụ sở cho nhóm khảo sát và suy ngẫm về công việc mình đang làm.
Ở đây, trong rừng Dalecarlia, Zahl và nhóm nghiên cứu đang sử dụng những công cụ hiện đại bậc nhất của khoa học ngày nay để đi tìm tàn tích của những thí nghiệm từ năm 1918.
"Người ta đã sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất của 100 năm trước để phát triển vũ khí hóa học", Zahl nói. "Đó là công nghệ cao ở thời điểm đó, và bây giờ, ở đây, 100 năm sau, chúng tôi cũng sử dụng công nghệ cao một lần nữa, nhưng là để khắc phục những hậu quả mà họ đã để lại".
Thế chiến thứ nhất kết thúc sau cuộc đình chiến ngày 11 tháng 11 năm 1918. Nó là một trang sử nổi tiếng với những trận chiến khốc liệt và đẫm máu – trận Somme, Verdun và Paschendaele… Khoảng 8,5 triệu binh sĩ đã thiệt mạng cùng 21 triệu người khác bị thương.
Nhưng ít người biết đến Chiến tranh thế giới thứ nhất qua vai trò của khoa học. Mặc dù, cuộc chiến chính là cái nôi cho sự phát triển của nhiều công nghệ quang học, radio và sonar sau này.
Khoa học cũng giúp những khẩu siêu pháo của người Đức đạt tới sức mạnh không tưởng. "Paris Gun" có thể bắn một đầu đạn khổng lồ vào tầng bình lưu, sau đó rơi chính xác xuống thủ đô nước Pháp sau một hành trình dài gần 120 km.
Rất nhiều phát minh của Thomas A. Edison đã được hải quân Mỹ sử dụng để tăng cường sức chiến đấu. Trong khi đó, quân Đức lại có thế mạnh về công nghệ tàu ngầm. Máy bay, ở thời điểm bắt đầu thế chiến còn là một ngành công nghiệp non nớt, nhưng cũng đã kịp phát triển và trưởng thành vào thời khắc nó kết thúc.
Trước khi bước chân vào cuộc chiến, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã dự đoán quân đội không thể chỉ chiến đấu một mình, họ cần phải hợp tác với các nhà khoa học, trường đại học và cả ngành công nghiệp. Năm 1916, Tổng thống Wilson vì thế đã thành lập một Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia.
Và ngay sau khi ông ký tuyên bố chiến tranh vào ngày 6 tháng 4 năm 1917, George E. Hale, thư ký ngoại giao của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia đã viết một bức điện cho các đồng minh ở Anh, Pháp, Ý và Nga, trong bức điện có nói: "Sự tham chiến của Hoa Kỳ sẽ đoàn kết những nhà khoa học của chúng ta lại với nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung".
Trên thực tế, cuộc chiến đã khiến các nhà khoa học Mỹ phải ném mình vào guồng quay của nó. Mặc dù rất ít người còn được nhớ tên cho đến ngày nay, họ đều đã từng là những nhà vật lý, nhà hóa học và kỹ sư hàng đầu ở thời điểm 100 năm về trước. Nhiều người đến từ các trường đại học có uy tín và làm việc tình nguyện. Họ được mệnh danh là những "người đàn ông 1 USD một năm", mức lương tương trưng mà mỗi người nhận được cho nỗ lực nghiên cứu của mình.
"Quân đội luôn có những vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết, nhưng họ không thể tự làm điều đó được", giáo sư lịch sử Daniel J. Kevles đến từ Đại học Yale cho biết. Một trong những vấn đề đặt ra là sự lạc hậu của Hoa Kỳ trong chiến tranh hóa học.
Ở bên kia chiến tuyến, người Đức đã đi trước ít nhất 2 năm. Chương trình chiến tranh hóa học của Đức là sản phẩm trí tuệ của các nhà hóa học đáng kính nhất của họ. Trong trận Ypres lần hai tại Bỉ năm 1915, quân Đức lần đầu tiên triển khai khí clo trên diện rộng và đã đánh bại được cả liên quân Anh , Pháp, Bỉ. Con số thương vong tới 70.000 của liên quân so với 35.000 của quân Đức đã cho thấy sự hiệu quả của khí độc, thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hóa học ở Châu Âu.
Nhưng vào thời điểm năm 1917, khi mà nước Mỹ tham chiến, quân đội Hoa Kỳ vẫn không hề có lấy một chiếc mặt nạ phòng độc, hay thiết bị bảo hộ nào để chống lại các cuộc tấn công hóa học như vậy. Họ cũng không có năng lực sản xuất hoặc triển khai vũ khí hóa học. Các bác sĩ không có kinh nghiệm điều trị cho những người lính bị hỏng hóa chất.
Để đáp ứng tất cả các thiếu sót này trong thời gian cực kỳ cấp bách, Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ đã thành lập một phòng thí nghiệm được gọi là Trạm thí nghiệm của Đại học Mỹ. Ban đầu, trạm này thuộc Cục Khoáng sản và chỉ có dưới 100 nhà khoa học được tập hợp lại làm việc bên trong một tòa nhà duy nhất.
Nhưng vào thời điểm chiến tranh kết thúc, nhân sự của Trạm thí nghiệm Đại học Mỹ đã tăng lên đến gần 2.000 người. Trụ sở của họ được mở rộng thành một khu vực mệnh danh là "Đồi mù tạc", ám chỉ đến loại khí độc lưu huỳnh (C4H8Cl2S) được phát triển trong thế chiến.
Trạm thí nghiệm Đại học Mỹ cũng có hàng loạt phòng thí nghiệm vệ tinh và bãi thử trên khắp nước Mỹ, khiến nó được các sử gia so sánh với Dự án Manhattan trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chỉ có điều khác là, thay vì phát triển bom nguyên tử, các nhà khoa học đã tạo ra một loại vũ khí hóa học mới gọi là lewisite (C2H2AsCl3), một siêu khí độc dự định sẽ được thả xuống Đức nếu chiến tranh chưa kết thúc vào năm 1919.
Lewisite được phát triển bên trong một nhà máy tuyệt mật tại Cleveland, có bí danh là "bẫy chuột". Nó chỉ được tiết lộ và giải mật sau khi chiến tranh kết thúc. Các trạm thí nghiệm dần được dỡ bỏ và cả chương trình thu hẹp lại chỉ còn một cơ sở dưới sự quản lý của Đại học Mỹ.
Qua nhiều thập kỷ, những bãi thử nghiệm vũ khí hóa học trong dự án đã được những nhà đầu tư bất động sản biến thành nhà ở. Những khu dân cư giàu có mọc lên, biến một "thung lũng chết" ngày nào thành Thung lũng Mùa xuân ở phía bắc Columbia.
Tất cả những di sản của cuộc thế chiến đầu tiên đã đều bị lãng quên, cho đến năm 1993, khi các nhà đầu tư bất động sản đào một rãnh mương và phát hiện một quả đạn chưa nổ. Các nhà khoa học cũng đo được nồng độ asen cực cao trong đất ở khu vực này.
Tổng cộng, 141 đầu đạn đã được tìm thấy trong khu vực, khiến nhiều người dân sợ hãi sơ tán khẩn cấp và quân đội phải tiến hành một cuộc đại dọn dẹp
Lực lượng Công binh Hoa Kỳ được huy động sau khi họ kiểm tra thấy các mảnh đạn và chất độc xuất hiện trên khu vực rộng rãi hơn tính toán ban đầu ngày càng khiến nhiều người dân hoang mang. Kể từ đó tới nay, công binh và các nhà khoa học liên tục hiện diện tại Thung lũng Mùa xuân.
Họ đã đào lên và kéo ra khỏi lòng đất hàng trăm mảnh đạn dược. Bởi sự hiện diện của asen, mù tạc, lewisite và nhiều chất độc hóa học khác, hàng ngàn tấn đất bị ô nhiễm đã được thay thế bằng đất sạch.
Hoạt động dọn dẹp môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và nó cũng được coi là một công việc khảo cổ học - một cuộc săn lùng vào lịch sử để tìm kiếm những bằng chứng về cuộc chiến của những nhà hóa học.
Năm 2012, công binh phải tháo dỡ một ngôi nhà sau khi phát hiện nó là một điểm nóng ô nhiễm phức tạp. Trong một cuộc dọn dẹp năm 2017, 3 người tham gia đã bị ốm sau khi tiếp xúc với một chất hóa học không xác định trong lòng đất. Hoạt động đào bới phải bị hoãn lại.
Trong giai đoạn dọn dẹp mới nhất, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc tổng kiểm tra đất, trong phạm vi tầm bắn của pháo binh. Ở khu vực gần hồ chứa Dalecarlia, họ đã sử dụng những máy quét kim loại hiện đại nhất, có khả năng nhận diện chính xác hình dáng của các vật thể kim loại trong lòng đất.
Hình ảnh sẽ được so sánh với cơ sở dữ liệu đạn dược, chẳng hạn các loại đạn cối và đạn pháo 75mm. Nếu chúng có vẻ khớp nhau thì sẽ được khai quật để dọn dẹp, nếu không, quân đội sẽ để chúng nằm lại. Họ gọi đó là những "mảnh vỡ văn hóa" – có thể là những lon nước hay một thứ gì đó vô hại chẳng hạn.
"Chúng tôi sẽ để những vật dụng đó nằm lại mặt đấy, khi máy dò phát hiện nó là những mảnh vỡ văn hóa và không liên quan gì đến các hoạt động trong Chiến tranh thế giới thứ nhất", ông Zahl nói.
Thế nhưng, ngay trên mặt đất ở Thung lũng Mùa xuân, có những tàn tích khổng lồ sẽ không bao giờ được dỡ bỏ. Năm ngoái, Eliot Gerson và vợ mình, Jessica Herzstein đã mua lại một ngôi nhà kỷ niệm ở đây, nơi bố mẹ bà Herzstein đã sống trong nhiều thập kỷ trước đó.
Lực lượng Công binh đã tới khảo sát và dọn dẹp khu nhà này. Họ nói rằng nó an toàn và sẽ không gây ra bất cứ ảnh hưởng sức khỏe nào. Không có đạn pháo, không có chất hóa học còn sót lại, bởi vậy, nhiều di tích của đã hơn 100 năm tuổi ở đây được giữ lại.
Chúng có thể là những kiến trúc thuộc về một trạm thử nghiệm vũ khí. Một mảng bê tông bên lối lái xe dốc bị cỏ dại mọc kín xung quanh, nó có một lỗ dốc ở giữa, có thể là nơi đặt bệ súng cối. Đằng sau ngôi nhà, có 2 hầm trú ẩn bị dương xỉ phủ kín trong rừng, mọc len lỏi vào những vết nứt.
Một buổi chiều, ông Gerson dừng lại trước lối xuống của một trong những căn hầm. Giữa lối đi bằng đá, ông hồi tưởng lại những gì đã diễn ra ở đây 100 năm về trước. Người đàn ông 66 tuổi gọi nó là "địa điểm khảo cổ bí mật trong rừng", là bằng chứng cho những nỗ lực khoa học mà người Mỹ thực hiện trong thế chiến thứ nhất.
Bước vào bên trong, ông chỉ tay vào những lỗ hổng trên tường, có thể là nơi mà các nhà hóa học từng bơm khí độc vào để thử nghiệm.
"Chúng là lời nhắc nhở sinh động về một chương trình ít được biết đến nhưng rất quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Một số nhà hóa học giỏi nhất của đất nước đã tập hợp về đây, trong một nỗ lực khẩn cấp để cứu quân đồng minh sau khi người Đức sử dụng vũ khí hóa học", Gerson nói.
Bây giờ, những căn hầm phía sau nhà ông hoàn toàn vô hại, nhưng đâu đó trên thế giới như ở Syria, vũ khí hóa học vẫn có thể đang được hồi sinh sau 100 năm, bên trong những căn hầm tương tự và gieo rắc những thảm họa mới cho nhân loại.
Tham khảo Nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming