Đích thân cựu phó chủ tịch của Google khuyên người dùng bỏ Android, chọn iPhone nếu muốn chụp ảnh đẹp
Ông tuyên bố : "Tôi không bao giờ sử dụng một chiếc điện thoại Android để chụp ảnh nữa."
“Tôi sẽ không bao giờ sử dụng một chiếc điện thoại Android để chụp ảnh nữa!” Câu này hẳn sẽ chẳng làm bạn ngạc nhiên chút nào nếu như nó do ông Tim Cook, CEO của Apple hay một chí ít là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của iPhone nói ra. Nhưng thật đáng ngạc nhiên khi đây lại là lời nhận xét của ông Vic Gundotra, người từng là phó chủ tịch về kỹ thuật của Google trong 7 năm từ năm 2007 đến 2014, và đích thân ông phụ trách mảng di động của Google từ 2007 đến 2010.
Đó là những gì ông đăng tải trên trang Facebook của mình vào hôm qua, sau khi quá ấn tượng với những gì mà chế độ chụp chân dung trên camera của chiếc iPhone 7 mang lại, khi ông sử dụng nó để chụp lại những đứa cháu của mình trong một bữa tối tại nhà hàng, mà không dùng flash. Thậm chí ông còn cho rằng chiếc iPhone 7 này có thể giúp ông không cần đến chiếc DSLR cho những dịp như vậy.
Dưới đây là lời giải thích của ông cho nhận định trên của mình, và nó giúp ta biết được nhiều điều thú vị đằng sau nó:
“Đây là vấn đề: đó là Android. Android là một hệ điều hành mã nguồn mở, và phải trung lập với tất cả các bên. Điều này nghe có vẻ tốt cho đến khi bạn đi vào từng chi tiết của nó. Đã bao giờ bạn băn khoăn tại sao một chiếc điện thoại Samsung lại có những lựa chọn về ảnh chụp dễ khiến người ta nhầm lẫn không? Tôi nên sử dụng ứng dụng Samsung Camera hay Android Camera? Ứng dụng Samsung Galery hay Google Photos?”
“Đó là bởi vì khi Samsung đổi mới những phần cứng cơ bản (như một camera tốt hơn) họ phải thuyết phục Google cho phép sáng tạo đổi mới đó được xuất hiện với các ứng dụng khác thông qua một API phù hợp. Điều đó có thể mất đến HÀNG NĂM TRỜI.”
“Thậm chí sự đổi mới lớn nhất cũng có thể không xảy đến ở cấp độ phần cứng – Nó đang xảy đến ở cấp độ nhiếp ảnh điện toán. (Google đã đề cập đến việc này 5 năm trước – họ có những tính năng “tự động tuyệt vời” khi sử dụng các kỹ thuật AI để tự động loại bỏ nếp nhăn, làm trắng răng, thêm họa tiết, … nhưng gần đây Google thụt lùi trong lĩnh vực này)”.
“Nhưng Apple lại không vướng phải những trở ngại này. Họ có thể cải tiến các phần cứng cơ bản, và đơn giản chỉ cần cập nhật phần mềm phù hợp với các cải tiến mới nhất của họ (như chế độ chụp chân dung) và xuất xưởng.”
“Kết luận: nếu bạn thực sự quan tâm đến việc chụp ảnh đẹp, bạn nên sở hữu một chiếc iPhone. Nếu bạn không ngại việc bị bỏ lại phía sau một vài năm, mua một chiếc Android”.
Trong khi đánh giá của ông Gundotra có phần nào đó thiên vị, nó cũng cho thấy sự phức tạp trong việc duy trì chính sách mã nguồn mở của Google với Android. Điều này trong khi đóng góp đáng kể cho việc tăng trưởng và mở rộng thần tốc của hệ điều hành này, đồng thời nó cũng trở thành chướng ngại ngăn cản những thiết bị hàng đầu của Android có thể duy trì được sự ổn định và phát huy hết tiềm năng phần cứng và phần mềm với đối thủ lớn nhất của mình: iPhone.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI