Dịch vụ đám mây Shadow PC cung cấp hệ thống máy tính với cấu hình cực "khủng", chơi mọi game mượt mà với giá từ 800.000 VND 1 tháng
Hiện tại, dịch vụ này mới chỉ có mặt ở Châu Âu và California nhưng sẽ sớm mở rộng ra nhiều khu vực khác trên thế giới.
Mới đây, start-up về điện toán đám mây của Pháp Blade đã cho ra mắt dịch vụ Shadow PC tại California, đánh dấu lần đầu tiên tấn công vào thị trường Mỹ của công ty này. Điều đặc biệt ở dịch vụ này là khi sử dụng nó, bạn có thể chạy hệ điều hành Windows 10 trên một thiết bị Mac hoặc chơi tựa game bắn súng trực tuyến đình đám Overwatch ngay trên chiếc smartphone (cùng một tay cầm hỗ trợ) của mình.
Dịch vụ Shadow PC cho phép người dùng truy cập vào một máy tính cao cấp trên đám mây, mang lại trải nghiệm Windows 10 hoàn chỉnh giúp người dùng có thể cài đặt bất cứ phần mềm nào họ muốn, bao gồm cả Photoshop và Slack. Tuy nhiên, ưu điểm vượt trội của dịch vụ này nằm ở khả năng cung cấp trải nghiệm gaming tối ưu, hoàn hảo nhất.
Dịch vụ Shadow PC sẽ mang lại những trải nghiệm gaming cao cấp, hoàn hảo nhất.
Các dịch vụ gaming khác như Playstation Now của Sony hay GeForce Now của Nvidia chỉ có thể mang lại trải nghiệm còn khá nhiều hạn chế, trong khi giải pháp điện toán đám mây khác lại không chú trọng đến mảng này. Trong khi đó, Shadow PC cho phép người dùng truy cập vào hệ thống máy tính “quái vật” có cấu hình tương đương với một cỗ PC trị giá 2.000 USD (hơn 45 triệu đồng):
Đồ họa hoàn hảo: Giải pháp đồ họa NVIDIA cao cấp mang đến chất lượng hình ảnh tốt nhất ở độ phân giải 1080p với tần số quét 144Hz hoặc 4K với tần số quét 60Hz.
Sức mạnh vượt trội: Bộ xử lý Intel® Xeon® 8 luồng với hiệu năng tương đương với một cỗ PC cao cấp sử dụng chip Intel® Core™ i7, RAM 12GB và ổ cứng 256GB.
Không có độ trễ: Công nghệ độc quyền mang lại trải nghiệm liên tục, liền mạch cho bất kỳ kết nối Internet nào có tốc độ trên 15 Mbps.
Hiện tại, đây là hệ thống đám mây duy nhất hỗ trợ livestream game ở độ phân giải 4K, và tất nhiên người dùng cũng nên sử dụng màn hình 4K để tận dụng tối đa lợi thế này. Asher Kagan, CEO của Blade cho biết anh rất muốn thử thay đổi tư duy và suy nghĩ của những người phản đối ý tưởng mà mình đang theo đuổi: “Nếu tôi có thể chứng minh dịch vụ này hoạt động ổn định cho thị trường game hiện tại thì nó cũng sẽ hoạt động tốt trong bất kỳ lĩnh vực nào khác. Game thủ là những người có nhu cầu khắt khe về cấu hình và độ trễ luôn là một vấn đề khó chịu đối với họ”.
Đội ngũ phát triển của Blade đánh giá Shadow PC được đón nhận rất tích cực tại Pháp. Các game thủ thậm chí còn thử nghiệm dịch vụ này với những mức độ cao nhất của gaming, từ việc stream các game offline cho đến một giải đấu Overwatch địa phương.
Đa số các game thủ đều cho rằng hiệu năng mà Shadow PC mang lại, dù là đối với một tựa game trực tuyến nhiều người chơi như Overwatch cũng không hề khác biệt so với một cỗ máy PC “khủng” có kết nối Internet ổn định.
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng bản thân Overwatch đã được trang bị một công nghệ đặc biệt để giảm độ trễ chứ Shadow PC không làm được gì nhiều. Nếu Blade thực sự muốn chứng minh khả năng vượt trội mà dịch vụ của họ mang lại, họ nên thử nghiệm với CS:GO.
Start-up tại Pháp này đã không hề do dự mà chấp nhận ngay lời thách thức từ những người chỉ trích. Và kết quả vẫn như vậy, dù là Overwatch hay CS:GO thì Shadow PC vẫn mang lại trải nghiệm trọn vẹn nhất mà gần như không hề có độ trễ.
Dù là Overwatch hay CS:GO cũng không thể làm khó Shadow PC.
Thành tựu này có được là nhờ phần mềm machine learning tích hợp bên trong luôn không ngừng kiểm định chất lượng mạng tại trung tâm phân phối điện toán đám mây của Blade. Và với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo như ngày nay thì cũng không có gì ngạc nhiên khi AI chính là công nghệ đằng sau tính năng “stream game 4K không độ trễ”.
Trong một bài thử nghiệm của mình, Blade đã khởi động trò chơi Rise of The Tomb Rider trên phần cứng Shadow Box (một yếu tố không thể thiếu đối với những thiết bị không thể kết nối được với hệ thống đám mây). Bên cạnh đó, họ cũng khẳng định độ phân giải màn hình được đẩy lên mức cao cấp nhất, dù không tiết lộ thông số cụ thể.
Sau đó, họ dừng game lại và chuyển sang một chiếc tablet. Họ khởi động ứng dụng Shadow, kết nối tay cầm Bluetooth và tiếp tục trò chơi đang dang dở trên PC của mình. Điều đặc biệt là dù chơi trên thiết bị nào thì trải nghiệm mà Shadow PC mang lại cũng rất mượt mà, không hề có độ trễ.
Dịch vụ này cũng mang lại hiệu quả tương tự đối với smartphone kết nối 4G và smart TV kết nối Wi-Fi. Bài thử nghiệm của Blade thậm chí còn cho thấy một cỗ máy Mac có thể chạy Windows 10 sau khi truy cập vào phần mềm Shadow cho phép người dùng sử dụng cả hai hệ điều hành cùng một lúc mà không tiêu tốn thêm tài nguyên của máy chủ Mac.
Shadow Box - phần cứng chuyên dụng dành cho những thiết bị không thể kết nối với hệ thống đám mây.
Bên cạnh đó, đội ngũ lập trình viên tại Blade cũng hy vọng có thể sớm hỗ trợ hai loại kính thực tế ảo không dây Vive và Rift cho dịch vụ Shadow PC để mang lại trải nghiệm người dùng trọn vẹn nhất. Nếu họ có thể hiện thực hóa tham vọng này, chúng ta sẽ không cần phải tiêu tốn đến 2.000 USD cho một cỗ PC cao cấp mà vẫn có thể chơi những tựa game có yêu cầu đồ họa khắt khe nhất.
Hiện tại, dịch vụ của Blade mới chỉ có mặt tại Châu Âu cũng như bang California và sẽ sớm mở rộng ra toàn nước Mỹ vào cuối mùa hè năm nay. Có ba mức chi phí cho một gói đăng ký: 35 USD/tháng (gần 800.000 đồng) với cam kết sử dụng trong vòng một năm, 40 USD/tháng (hơn 900.000 đồng) với cam kết sử dụng trong vòng ba tháng và 50 USD/tháng (hơn 1.1 triệu đồng) mà không cần cam kết thời gian sử dụng. Blade cũng chưa đưa ra thông báo chính thức về việc mở Shadow PC trên quy mô toàn cầu, nhưng họ khẳng định sẽ tiếp tục mang dịch vụ của mình đến với nhiều thành phố, quốc gia khác.
Theo TheNextweb
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Trên tay iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max vừa ra mắt: Màu vàng sa mạc, viền màn hình mỏng kỷ lục, nút chụp ảnh chuyên nghiệp nhưng 1 tính năng quan trọng chưa dùng được ở Việt Nam
iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max không chứng kiến một sự lột xác, nhưng vẫn mang đến nhiều nâng cấp đáng chú ý.
Trên tay Apple AirPods 4 và AirPods Max: Bản thường cũng có ANC, bản Pro thêm tính năng trợ thính, bản Max nâng cấp nhẹ