Đôi khi, bạn sẽ là người đầu tiên nghĩ ra một ý tưởng hết sức sáng tạo. Thế nhưng, chỉ một ý tưởng thôi là chưa đủ.
Thế giới công nghệ của chúng ta phát triển với tốc độ chóng mặt, và trong cuộc đua gay gắt ấy, rất nhiều gã khổng lồ đã quỵ ngã. Thông thường, một sản phẩm mới sẽ xuất hiện để thay thế hoàn toàn hoặc đẩy một sản phẩm cũ vào khó khăn: gần đây nhất, bạn đã chứng kiến smartphone lật đổ điện thoại tính năng và tablet đe dọa nặng nề tới vị trí của laptop nói riêng, PC nói chung để trở thành thiết bị giải trí di động chính của con người.
Nhưng, thực tế là các công ty công nghệ thường "copy" lẫn nhau, và những ý tưởng thành công như mạng xã hội Facebook hoặc chiếc điện thoại thông minh iPhone thực chất chỉ là một bước tiến mới của một ý tưởng đã được ai đó nghĩ ra từ trước, nhưng không kịp mài dũa hoặc trớ trêu hơn là cố tình bỏ qua. Thành công cuối cùng lại rơi vào tay các đối thủ, và đôi khi chính những người tiên phong lại phải trả giá bằng "tính mạng" của chính mình.
Sau đây, hãy cùng điểm qua một vài ý tưởng sản phẩm thông minh và những tên tuổi đã không may mắn… tiên phong cho các công nghệ đó.
Sony: TV OLED
Đã từng là tên tuổi đi đầu trong lĩnh vực TV cho đến tận thập niên 90, thất bại lớn nhất của Sony là không thể nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của mình và ngủ quên trên chiến thắng để rồi thua cuộc đau đớn trong cuộc đua LCD. Đến cuối thập niên 2000, Sony có thêm một cơ hội thứ 2: OLED.
Bạn có thể nhìn vào sự bành trướng của Samsung và LG trên thị trường hiện nay và nghĩ rằng 2 công ty này đã đi đầu trong cuộc đua OLED, nhưng thực chất Sony mới là tên tuổi đầu tiên ra mắt một thiết bị có sử dụng công nghệ màn hình mới mẻ này: năm 2004, Sony vén màn mẫu PDA chạy Palm OS có tên gọi Clie PEG-VZ90. Năm 2007, tại sự kiện hội chợ Điện tử Người tiêu dùng CES, Sony ra mắt 2 mẫu TV OLED đầu tiên trên thế giới với kích cỡ 11 inch và 27 inch. Phiên bản 11 inch, chiếc XEL-1 sau đó đã trở thành mẫu TV OLED đầu tiên được bán ra thị trường.
Trong suốt những năm từ 2004 đến 2008, những bước tiến đáng chú ý nhất trên mảng OLED đều thuộc về Sony. Thế nhưng, đến nay công nghệ màn hình này vẫn vắng mặt trên toàn bộ những chiếc smartphone và TV cao cấp của Sony. Cùng lúc, Samsung - đối thủ Hàn Quốc đã từng vượt mặt Sony trên lĩnh vực LCD lại một lần nữa vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua OLED mới mẻ: vào quý 3/2015, lợi nhuận OLED của Samsung tăng 30%, đồng thời thị phần… 96% cho toàn bộ thị trường. Đứng thứ hai trong cuộc đua OLED là LG khi tên tuổi Hàn Quốc liên tục ra mắt nhiều mẫu TV OLED cùng dự án đầu tư xây dựng nhà máy OLED đạt mức 1 tỷ USD trong năm nay.
Sony thì sao? Không ra mắt được chiếc TV OLED nào thực sự thu hút được người tiêu dùng (XEL-1 thậm chí còn bị đánh giá thấp thậm tệ), Sony đã từ bỏ lĩnh vực màn hình này vào năm 2014 để chuyển trọng tâm sang TV 3D và TV 4K.
Dĩ nhiên, tình hình tài chính ảm đạm của Sony không cho phép hãng này thoải mái chạy đua nghiên cứu công nghệ mới như LG và Samsung, nhưng cuối cùng thì quyết định từ bỏ OLED và tiếp tục tập trung vào LCD đã không thể khiến cho Sony có thể xoay chuyển thành công mảng TV của mình. Đau lòng hơn, thị trường OLED hiện nay đã đạt trị giá 3 – 4 tỷ USD mỗi quý và chắc chắn sẽ gia tăng trong tương lai nhờ tiềm năng to lớn trên smartphone. Sau khi công nghệ AMOLED trên các mẫu Galaxy cao cấp được đón nhận tích cực, Samsung cũng đang đứng trên cơ hội ký kết các hợp đồng hàng tỷ USD để cung cấp màn hình OLED cho Apple và các đối tác khác.
Sau cơ hội bị bỏ lỡ mang tên OLED, Sony cũng chẳng thể vươn lên dẫn trước Samsung và LG thêm một lần nữa. Vào tháng 1 năm 2013, Samsung và LG cùng tuyên bố ra mắt TV màn hình cong đầu tiên trên thế giới trong cùng một ngày trong khi Sony phải mất tới… 4 tháng mới có thể ra mắt một sản phẩm tương tự, nhưng là TV LED chứ không phải TV OLED như 2 tên tuổi Hàn Quốc. Quả thật là những thành tích đáng buồn cho một công ty đã từng đồng nghĩa với khái niệm "TV chất lượng cao" trên toàn cầu.
Microsoft: Máy tính bảng
Khi Apple vén màn iPad vào năm 2010, rất nhiều người đã khẳng định chiếc tablet này sẽ sớm trở thành "bom xịt" vì quá thiếu tính năng so với những chiếc laptop đã tràn ngập thị trường. Trớ trêu là, trong khi iPad đã mở màn cho một cuộc cách mạng mới có trị giá hàng tỷ USD mỗi quý thì trước đó 10 năm, Microsoft cũng đã từng ra mắt một chiếc tablet có tính năng đầy đủ như laptop. Và, như bạn cũng có thể đoán ra, chiếc tablet này là một trong rất nhiều những quả bom xịt "chính hiệu" Microsoft.
Chìa khóa cho thành công của iPad cũng chính là lý do vì sao Microsoft Tablet PC thất bại: thay vì thiết kế một hệ điều hành tập trung cho cảm ứng như Windows Mobile hoặc sau này là iOS, Microsoft lại cố tình "nhồi nhét" Windows XP phiên bản đầy đủ lên Tablet PC và rồi cố quảng bá tính năng stylus trên sản phẩm. Giao diện chuột/bàn phím rõ ràng là không tương thích với người dùng cảm ứng, chưa kể Tablet PC còn có giá lên tới 2.000 USD. Chẳng mấy chốc mà Tablet PC chìm vào quên lãng, cũng giống như vô số sản phẩm phần cứng khác của Microsoft.
Doanh số rất hạn chế của những chiếc laptop có màn hình cảm ứng trong suốt nhiều năm sau đó đã chứng minh một sự thật rằng Microsoft không thể tìm thấy thành công trên "máy tính bảng" nếu như không tạo ra một phiên bản Windows tối ưu cho cảm ứng. Cho đến tận khi Apple đạt thành công lớn với chiếc iPad vào năm 2010, gã khổng lồ phần mềm mới vội vàng chạy theo trào lưu mới khi ra mắt những mẫu tablet lai laptop như Surface RT, Surface Pro và phát hành Windows 8, một hệ điều hành có 2 thành phần giao diện, một nửa tối ưu cho cảm ứng, một nửa tận dụng lại nền tảng Explorer và ứng dụng x86 quen thuộc của Windows.
Khi thiết kế giao diện này được hoàn thiện trên Windows 10, Microsoft cũng đã kịp ra mắt những chiếc tablet rất được yêu quý như Surface Book và Surface Pro 3. Trong quý cuối năm 2015, lợi nhuận của mảng Surface đã đạt mức trên 1 tỷ USD, đồng thời chứng minh cho tiềm năng to lớn của thiết kế sản phẩm "lai" mới lạ. Thế nhưng, nếu Microsoft chịu suy nghĩ thấu đáo hơn vào năm 2001, có lẽ giờ đây "Microsoft Tablet PC 10" mới là chiếc máy tính bảng mà bạn sử dụng để chiến Clash of Clans chứ không phải là iPad.
Myspace: Mạng xã hội
Con số 1,5 tỷ người dùng nói lên một điều: Facebook là một mạng xã hội hoàn hảo. Trên "xã hội ảo" này, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những người bạn có thể quen biết, có thể dễ dàng bày tỏ suy nghĩ hay đăng tải những bức ảnh chứng minh rằng "Tôi hạnh phúc" (hoặc "Tôi sâu sắc") với cả thế giới.
Nhưng dĩ nhiên Facebook không phải là tên tuổi đầu tiên trong lĩnh vực mạng xã hội – nơi người dùng có thể dễ dàng tạo ra một trang web của riêng họ, thể hiện bản thân với cả thế giới mà chẳng cần bỏ tiền ra mua tên miền web hay có chút hiểu biết nào về HTML. Vào khoảng 2004, nhắc đến mạng xã hội là nhắc tới Myspace và những bản sao như Yahoo 360.
Bi kịch của Myspace là tiên phong cho lĩnh vực mạng xã hội nhưng lại không thể hoàn thiện trải nghiệm mạng xã hội. Có rất nhiều lý do dẫn tới sự sụp đổ của Myspace. Đầu tiên, nhiều người dùng chắc hẳn vẫn còn nhớ những trang Myspace… "nhoe nhoét" màu sắc và những biểu tượng ngôi sao lấp lánh, một ý tưởng tồi tệ mà sau này Yahoo cũng mang lên 360. Trên Facebook, tất cả các trang cá nhân đều buộc phải tuân theo quy chuẩn của Facebook. Thành công của mạng xã hội này cho thấy, khi bạn không thể xây dựng những ngôi nhà xấu xí, người khác sẽ ghé thăm nhà bạn nhiều hơn. Ngay chính bạn cũng sẽ thích những ngôi nhà được xây dựng sẵn, bởi khi ở trong căn nhà này bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào "nội thất" – những nội dung bạn chia sẻ, những điều người khác thực sự muốn biết về bạn.
Những thiếu sót khác của Myspace còn bao gồm cả sự có mặt chậm trễ trên các nền tảng di động cũng như quyết định không tìm cách mở rộng nền tảng để tích hợp vào các trang web bên ngoài. Nhưng, điểm thiếu sót lớn nhất của Myspace so với Facebook có lẽ là chính sách không ép buộc/khuyến khích tên thật. Người dùng Facebook ban đầu đã từng thèm muốn được đặt những cái tên "cute", chứa đầy ký tự lạ, nhưng sự thật là những cái tên như °¤°GüMMy ßeAR LøVëR°¤° đã giết chết Myspace khi khuyến khích người dùng mạng xã hội này cố gắng thể hiện đến mức giả tạo hoặc thậm chí là đáng sợ.
Thực chất, sự khác biệt giữa Myspace và Facebook không phải là quá nhiều, nhưng cũng đủ nhiều để tạo ra một không gian dễ chịu hơn đáng kể cho người dùng. Năm 2011, Myspace bị bán lại với giá được đồn đại chỉ vào khoảng 35 triệu USD, thấp hơn một nửa so với mức giá 75 triệu USD mà Mark Zuckerberg đã từng đưa ra khi gặp mặt CEO Chris DeWolfe của Myspace để chào bán Facebook. Thật là trớ trêu tới mức đau lòng.
General Motors: Xe hơi chạy điện
Phần khung "skateboard" sáng tạo của Tesla...
Kể từ khi Tesla ra mắt chiếc Model S và độc chiếm mảng xe hơi chạy điện cao cấp, ngành sản xuất xe hơi toàn cầu dường như cũng đã tái sinh. Ford, Mercedes-Benz, BMW, Audi… tất cả các nhà sản xuất lớn đều lần lượt ra mắt những chiếc xe hơi chạy điện hoặc xe hybrid không chỉ thân thiện với môi trường mà còn được trang bị nhiều công nghệ thú vị như hệ thống giải trí thông minh hoặc hệ thống lái tự động.
Những chiếc xe hơi tìm cách thay thế động cơ xăng dầu truyền thống đã có từ lâu, nhưng chỉ duy nhất Tesla tạo được một cuộc cách mạng mới cho ngành xe hơi bằng 3 triết lý căn bản: theo đuổi động cơ điện thay vì "thỏa hiệp" với động cơ hybrid, đặt phần lớn trọng lượng xe ở khung phía dưới nhằm tiết kiệm điện năng và tăng mức độ an toàn và cuối cùng là thiết kế module để dễ nâng cấp cũng như thay thế pin.
Nhưng hơn 10 năm trước khi Model S ra đời, General Motors đã có một ý tưởng tương tự như vậy: mẫu concept Hy-wire, hay còn được gọi là "skateboard" vì thiết kế khung gầm giống như ván trượt. Lý do vì sao GM không theo đuổi thiết kế này tới cùng vẫn còn là một ẩn số, nhưng có lẽ cũng giống như nhiều tên tuổi khác trong danh sách này, nhà sản xuất xe hơi số 1 thế giới (vào lúc đó) rất có thể đã lo sợ những chiếc xe quá mới lạ sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn sống chủ chốt của hãng là xe chạy xăng.
Khi Model S đã trở thành biểu tượng của thời đại xe hơi mới, GM vẫn chưa ra mắt được một chiếc ô tô điện nào ra hồn. Ngay cả nỗ lực đáng chú ý nhất của hãng này vẫn chỉ là Spark EV, một model "cải tiến" từ xe chạy xăng kém ấn tượng. Ngược lại, Tesla hiện đang làm chủ 2 thị trường quan trọng: thị trường xe động cơ điện thuần túy và thị trường xe cao cấp thân thiện môi trường với doanh thu mỗi quý vào khoảng 1 tỷ USD.
Bài học từ câu chuyện này? Nếu có cơ hội đột phá, hãy thực hện ý tưởng đó một cách quyết liệt bất kể giá nào.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"