Điểm lại những chiêu bài lão luyện của "cáo già" Tim Cook trong năm 2017

    Liam,  

    Năm 2017 có những cơ hội và thử thách chưa từng có tiền lệ dành cho Apple. Dưới bàn tay của CEO ranh ma nhất thế giới, Táo Cắn Dở sẽ sớm kết thúc năm nay ở mức trị giá cao hơn cả Samsung và Facebook cộng lại: 900 tỷ USD.

    Chúng tôi đã từng khẳng định với bạn đọc không chỉ một lần: Tim Cook là một bậc thầy lão luyện của nghệ thuật kinh doanh. Năm này qua năm khác, nhà lãnh đạo của Apple luôn luôn có những chiêu bài cực kỳ hiệu quả để Apple có thể dễ dàng vượt qua thử thách, áp đảo lợi nhuận so với các đối thủ cạnh tranh và tạo lập lòng trung thành tuyệt đối từ fan hâm mộ.

    2017 cũng không phải là ngoại lệ.

    iPad giá rẻ

    iPad là câu chuyện đau lòng duy nhất của năm 2016: tất cả các danh mục phần cứng khác đều tăng trưởng, riêng iPad thì suy thoái. Rõ ràng là khi iPad Pro đã không thể tạo ra những cơn sốt mới, Tim Cook chắc chắn đã hiểu rằng con bài giá rẻ cũng có lúc phải dùng đến. Để giải quyết bài toán hiện tại, Cook khai tử danh mục Air và ra mắt 1 sản phẩm mới: iPad 9.7 inch giá 330 USD.

    Không cần phải nói, bất cứ một fan nào cũng coi chiếc iPad không-Pro mới là những món hời, bởi chưa bao giờ Apple ra mắt một mẫu iPad 9.7 inch hoàn toàn mới ở mức giá thấp đến vậy. So với ngay cả chiếc iPad Mini 4 giá 400 USD, người mua iPad 9.7 inch vẫn có một số lợi thế như vi xử lý Apple A9 và diện tích hiển thị lớn hơn.

    Dùng iPad 9.7 làm bàn đạp cho iPad Pro

    Một trong những lý do khiến iPad Pro không thể "hồi sinh" cho danh mục iPad là bởi những chiếc iPad 9.7 inch vẫn còn quá hấp dẫn. Với quyết định đại hạ giá iPad 9.7 inch, Tim Cook đã bắn một mũi tên trúng 2 con nhạn: vừa có iPad giá rẻ bán cho người dùng hạn hẹp, vừa tạo cơ sở để thuyết phục người mua iPad Pro rằng tiền bạc có thể mua được trải nghiệm iPad tốt hơn hẳn. Bởi vậy, iPad 9.7 inch bị cắt bỏ đáng kể về chất lượng hiển thị (không có lớp chống lóa) và thiết kế (dày hơn, nặng hơn cả đời cũ).

    Để chứng minh iPad Pro tốt hơn hẳn, Apple cũng từ bỏ phiên bản Pro 9.7 inch và ra mắt bản mới 10.5 inch. Khi đã có 2 phiên bản khác biệt hẳn để tấn công vào thị trường, quả nhiên doanh số iPad của Cook đã thoát khỏi suy thoái. Quý 2/2017, iPad tăng trưởng trở lại. Quý 3, doanh số đạt 10,3 triệu chiếc.

    Khai tử Apple Watch Series 2

    Với thế hệ thứ 2 của Apple Watch, Apple đã giải quyết một vấn đề quan trọng: chống nước. Bên cạnh tính năng bắt buộc phải có cho "thiết bị luyện tập" này, Series 2 còn có GPS, chip GPU mạnh mẽ hơn và màn hình chất lượng cao hơn hẳn.

    Nhưng lên đến thế hệ thứ 3, Apple gần như chẳng mang đến được cải thiện nào ngoại trừ kết nối 4G LTE. Với những người vốn đã không cần sử dụng điện thoại khi đang... bơi, kết nối này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu giữ lại Apple Watch Series 2 ở mức giá "đời cũ" (250 USD), chắc chắn doanh số Series 3 sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

    Giải pháp của Tim Cook: khai tử luôn Series 2. Người mua Watch phải chọn giữa Series 3 và Series 1, vốn là một chiếc đồng hồ thiếu nhiều tính năng và cũng không hề chống nước. Nói cách khác, muốn mua Apple Watch trong kỳ nghỉ lễ, bạn phải chọn giữa một chiếc smartwatch tốt (S3) và một chiếc smartwatch dở (S1).

    Quả nhiên, chỉ trong vài ngày lên kệ doanh số Series 3 đã đạt 800.000 chiếc (số lượng Canalys). Sự hy sinh của Series 2 đã đem lại kết quả quá tốt đẹp cho Apple.

    Dùng iPhone 8 làm bàn đạp "làm giá" iPhone X

    Thực tế, Apple không phải là kẻ khơi mào cho cuộc chiến nâng KHUNG giá smartphone đầu bảng: Samsung đã liên tục làm điều đó trong nhiều thế hệ S và Note vừa qua. Thế nhưng, bước đi của Tim Cook vẫn cứ khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải thán phục: với thế hệ đầu bảng “thường” (iPhone 8/8 Plus), Apple chỉ nâng giá vỏn vẹn 50 USD. Sử dụng 2 chiếc đầu bảng “thường” này làm bàn đạp, Cook chọn hẳn mức giá... 1000 USD cho iPhone X.

    Thoạt nhìn, mức giá đó không hẳn là không có lý do: iPhone 8 chỉ có thiết kế “hơi” mới và chip mới trong khi iPhone X có hẳn thiết kế và tầm nhìn hoàn toàn mới. Song, nếu nhìn sâu hơn, ai ai cũng sẽ phải đặt ra câu hỏi: tại sao trước nay người tiêu dùng luôn được tận hưởng những tính năng đầu bảng hoàn toàn mới mà nay lại sẵn sàng chấp nhận những chiếc điện thoại không nhiều điều mới ở khung giá cũ? Tại sao những thay đổi mới nhất lại được phép dùng để đẩy toàn bộ KHUNG giá smartphone lên mức nghìn đô?

    Không ai biết câu trả lời, nhưng sự thật là thị trường đã thay đổi. Tất cả các hãng đều đang tiến rất sát đến khung giá nghìn đô cho sản phẩm của mình: Note 8 giá 960 USD, Pixel 2 XL 128GB giá 950 USD, thậm chí đến cả Mate 10 Pro cũng có giá khoảng 920 USD.

    Tạo cơn sốt “ảo” cho iPhone X

    Đây mới là con bài lão luyện nhất của Tim Cook. Kể từ trước ngày ra mắt cho đến tận ngày lên kệ, cả thế giới vẫn tin rằng iPhone X sẽ bị khan hàng. Những tin tức về giá cung ứng màn hình của Samsung cho Apple, về vấn đề Face ID hay thời gian chờ đợi 4-6 tuần trên Apple Store online khiến các fan lo sợ: làm thế nào để mua được chiếc iPhone choáng ngợp nhất ngay trong ngày phát hành?

    Kết quả là, ngày lên kệ, iPhone X được tận hưởng những hàng dài chờ đợi đông đảo hơn cả iPhone 4 và iPhone 6. Mức giá đắt đỏ, những lo sợ vì trải nghiệm bị thay đổi (do loại bỏ Touch ID) hay thời điểm phát hành quá muộn (tháng 11) nhanh chóng trở nên vô nghĩa trước cơn sốt mới.

    Thế rồi, chỉ không đầy một tuần sau, thời gian giao hàng của iPhone X nhanh chóng bình ổn về mức... bình thường. Người mua tại Apple Store vật lý thậm chí còn có cơ hội lấy hàng ngay trong ngày. Hóa ra, nguồn cung iPhone X đâu có thiếu!

    Vậy, ai là người bí mật tung tin hàng thiếu cho báo giới và các nhà đầu tư để tạo cơn sốt? Chúng ta sẽ không thể xác thực được câu trả lời chính xác, nhưng hãy nhớ rằng Apple đã từng giấu kín các thế hệ iPhone cũ hay Apple Watch (đời đầu)... Nếu Cook không bật đèn xanh, iPhone X có sốt ảo hay không?

    Dĩ nhiên là không rồi. Bởi Cook khôn ngoan đến thế, Apple mới trở thành công ty đầu tiên cán đổ mốc 900 tỷ USD ngay sau khi ra mắt iPhone X vài ngày được chứ!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ