Điểm lại tất cả tính năng mới của Android Q: Dark Theme, thao tác cử chỉ giống iPhone và nhiều điều khác nữa
Không chỉ tập trung vào những thứ mới mẻ, Google đã cố gắng mang tới những gì tốt hơn cho trải nghiệm người dùng trên phiên bản thứ 10 của hệ điều hành mang tên Android Q.
Một bản phát hành đầy đủ của Android Q dự kiến sẽ ra mắt vào mùa thu này, nhưng Google đã công bố các tính năng chính mới nhất cho phiên bản thứ mười của Android ngày hôm nay tại sự kiện Google I/O.
Một số điểm nhấn nổi bật của nó là chủ đề tối (Dark Theme) cũng như những thay đổi về thao tác cử chỉ. Bên cạnh đó là tùy chọn trợ năng Live Caption cùng những cải tiến về bảo mật và quyền riêng tư. Tuy nhiên, phần quan trọng hơn được ít người để ý tới là việc Google đã tìm cách giải quyết các vấn đề lâu dài với nền tảng Android, hơn là chỉ tập trung vào giải quyết các nhu cầu thực sự của người dùng.
Có thể nói, Google đang cố gắng hoàn thành rất nhiều công việc dang dở mà nó đã bắt đầu với Android 9 Pie.
Chủ đề tối (Dark Theme)
Đây là một trong những tính năng được nhiều người quan tâm, cũng là xu hướng đang được triển khai trên macOS, Windows 10 cũng như được đồn đoán sẽ hỗ trợ iOS vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Google đã chọn gọi nó là Chủ đề tối (Dark Theme) thay vì Chế độ tối (Dark Mode).
Việc kích hoạt Dark Theme trong Android Q khá đơn giản. Bạn chỉ cần kéo xuống từ trình đơn cài đặt nhanh, nhấn nút Dark Theme và giao diện sẽ chuyển từ trắng sang đen. Đây là màu đen thực sự, không phải màu xám đen mà chúng ta đã thấy trên một số chế độ tối khác. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp tiết kiệm pin và trên thực tế, việc bật trình tiết kiệm pin trên Android 10 Q cũng sẽ tự động kích hoạt Dark Theme.
Một trong các vấn đề quan trọng của tính năng này là các ứng dụng hỗ trợ đi kèm. Và Google đã cam kết tất cả các ứng dụng Android của bên thứ nhất (sản phẩm do chính hãng phát triển) sẽ hỗ trợ chủ đề tối. Tất nhiên, một số ứng dụng sẽ có sẵn sớm hơn phần còn lại như Lịch và Google Photos.
Đối với các nhà phát triển bên thứ ba, Google đang tạo một API để các ứng dụng nhận biết khi nào Dark Theme được bật. Nó cũng cung cấp cho các nhà phát triển tùy chọn thêm một dòng mã vào ứng dụng của họ để tạo ra một chủ đề tối một cách nhanh chóng.
Thao tác cử chỉ và nút Back
Đây được dự đoán sẽ là phần gây tranh cãi nhất của Android Q. Bởi trước hết, nó mô phỏng gần như hoàn toàn hệ thống điều hướng bằng cử chỉ từ iPhone. Thứ hai, Google quyết định thực hiện việc biến nút Back (quay lại) thành một thao tác cử chỉ.
Trong giao diện mới, người dùng có thể nhận thấy một thanh trắng, dài và mỏng ở phía dưới màn hình. Khi vuốt lên, nó đưa bạn trở về trang chủ. Bạn vuốt lên và kéo qua để vào chế độ xem đa nhiệm. Nếu vuốt nhanh nó sẽ chuyển giữa các ứng dụng. Vuốt lên từ màn hình chính sẽ đưa tới khu vực đặt các ứng dụng.
Hệ thống điều khiển này không chỉ quen thuộc với những người có kinh nghiệm dùng iPhone mà rõ ràng khi so sánh với sự kết hợp giữa các nút và thao tác vuốt trên Android Pie, nó phù hợp và dễ sử dụng hơn. Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh động cũng được cải thiện nhiều hơn so với phiên bản hệ điều hành thứ 9 trước đó. Qua những gì được hiển thị, người dùng có thể cảm nhận sự mượt mà và trơn tru. Google chỉ thử nghiệm hệ thống mới trên Pixel 3, tuy nhiên nó được khẳng định sẽ hoạt động tốt trên các điện thoại có cấu hình thấp hơn.
Có thể nói, Google đã thừa nhận hệ thống cử chỉ trên iPhone đã hoạt động tốt và "nghiến răng" chấp nhận sao chép nó để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng hệ điều hành của mình. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Với nút quay lại (Back), Google đã làm một điều đáng ngạc nhiên hơn thế.
Trên Android Q, người dùng sẽ vuốt từ cạnh trái hoặc phải của điện thoại để quay lại. Khi làm như vậy, một biểu tượng "<" nhỏ sẽ xuất hiện để biểu thị rằng hành động đang thực thi. Thao tác vuốt ngược này hoạt động trên toàn bộ cạnh trái và phải của màn hình, tương tự như cách Huawei thực hiện các cử chỉ trên phiên bản Android của hãng.
Với sự hoàn thiên này, đây có thể sẽ là hệ thống cử chỉ tiêu chuẩn sẽ được Google áp dụng lên tất cả các biến thể của thiết bị sử dụng Android Q để đảm bảo tính nhất quán. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng tới các nhà phát triển ứng dụng cũng như các hãng sản xuất smartphone có mong muốn tùy chỉnh hệ điều hành trên thiết bị của mình.
Hệ thống cập nhật bảo mật
Mỗi năm, Google sẽ cố gắng làm điều gì đó mới để cập nhật hệ điều hành Android giúp nó chạy nhanh và ổn định hơn. Năm nay, hãng hướng tới các bản cập nhật bảo mật.
Thông thường, có hai loại cập nhật hệ điều hành Android chính là những bản cập nhật lớn bên cạnh các bản cập nhật nhỏ hàng tháng cung cấp các bản vá bảo mật. Nhưng những bản vá bảo mật này thường không hỗ trợ đủ các loại điện thoại. Nó vẫn phải tùy thuộc vào từng nhà sản xuất, thậm chí là nhà mạng trong việc áp dụng và phân phối chúng lên thiết bị.
Vì vậy, Google đã tạo ra một sáng kiến mới có tên Project Mainline. Theo đó, các bản vá bảo mật nhỏ sẽ được phân phối thông qua nền tảng Google Play Store. Rõ ràng, Google đang cố gắng loại bỏ những bộ phận trung gian, có khả năng làm chậm quá trình cập nhật hệ thống của mình. Tất nhiên Project Mainline rất hạn chế về những nội dung nó có thể cập nhật và sẽ chú trọng vào phần bảo mật.
Các nội dung này cũng thường không liên quan tới người dùng. Một số nhà sản xuất cũng có thể từ chối một số nội dung cập nhật này. Đối với các điện thoại không truy cập được vào Google Play như các thiết bị ở Trung Quốc, Google vẫn cung cấp nguồn mở để tải về và cập nhật dưới dạng file APK.
Cách tung ra các bản cập nhật Android của Google
Quy trình phát hành các bản thử nghiệm Android của Google khá phức tạp, tuy nhiên chúng thường đi theo một mô hình chung như sau:
Một phiên bản beta đầu tiên, thường được đưa ra không báo trước vào mùa xuân, bao gồm một loạt các bản cập nhật dành cho nhà phát triển nhưng hạn chế tính năng của người dùng.
Sau đó, tại sự kiện Google I/O, Google sẽ thông báo các tính năng chính đối với người dùng trong một phiên bản beta khác.
Bản phát hành chính thức thường xuất hiện vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu. Sau đó, thường có một số tính năng sẽ xuất hiện trên smartphone Pixel mới nhất vào tháng 10. Một điều cần lưu ý là không phải tất cả các tính năng sẽ xuất hiện cùng một lúc mà sẽ được cập nhật, đưa lên rải rác trong suốt quá trình cho tới bản phát hành cuối cùng.
Google thông báo rằng 21 điện thoại sẽ có bản Android Q thử nghiệm trước khi phát hành, từ 13 nhà sản xuất. Danh sách cụ thể bao gồm:
Asus Zenfone 5z
Essential PH-1
HMD Global Nokia 8.1
Huawei Mate 20 Pro
LG G8
OnePlus OP 6T
Oppo Reno
Google Pixel, Pixel XL, Pixel 2, Pixel 2 XL, Pixel 3, Pixel 3 XL
Realme 3 Pro
Sony Xperia XZ3
Tecno Spark 3 Pro
Vivo X27, NEX S, NEX A
Xiaomi Mi Mix 3 5G, Mi 9
Tăng cường bảo mật và quyền riêng tư
Google cuối cùng đã sửa lỗi liên quan tới cách truy cập vị trí hoạt động trên Android. Giống như trên iPhone, Android sẽ cung cấp cho người dùng tùy chọn giới hạn quyền truy cập vị trí của ứng dụng chỉ khi ứng dụng này mở và hoạt động trên màn hình. Bây giờ, khi một ứng dụng truy cập vào vị trí của người dùng, hệ thống sẽ đưa một thông báo nhỏ lên thanh trạng thái để nói rằng điều đó đang xảy ra.
Ngoài ra, Google đang thêm một phần cài đặt mới được gọi là Privacy (Quyền riêng tư). Trong đó, người dùng sẽ thấy các cài đặt và bảng điều khiển khác nhau để hiển thị và kiểm soát những gì có quyền truy cập vào dữ liệu của họ. Điều này bao gồm một số cài đặt riêng của Google, nghĩa là bạn có thể xóa chúng trực tiếp thay vì tìm kiếm ở đâu đó trong phần cài đặt tài khoản Google.
Ngoài ra, còn có một trung tâm cho tất cả các quyền ứng dụng trên điện thoại của bạn. Nó sẽ hiển thị một danh sách đơn giản các loại dữ liệu mà bạn có thể cấp quyền truy cập (như danh bạ, lịch, cuộc gọi, micro và vị trí). Nó cũng cho bạn biết có bao nhiêu ứng dụng có quyền truy cập vào từng loại ở cấp cao nhất, tiếp đó cho phép bạn đào sâu và từ chối bất cứ điều gì mình muốn.
Theo Google, có khoảng 40 bản cập nhật khác nhau về bảo mật và quyền riêng tư trong Android Q.
Live Caption
Tính năng này khi được kích hoạt sẽ tự động dịch và thêm phụ đề vào bất cứ video hoặc nhạc được phát trên smartphone với độ chính xác cao. Live Caption sẽ phủ trên bất kỳ ứng dụng nào mà người dùng đang sử dụng, từ YouTube, Instagram, Pocket Casts... cho tới các cuộc gọi video qua Skype và Google Duo. Thậm chí, nó còn hoạt động với cả video hoặc file âm thanh mà bạn tự quay lại.
Theo Google, tính năng này được tạo ra bằng công cụ máy học (machine learning) trên thiết bị nên có thể hoạt động mà không cần kết nối mạng. Nó cũng không cần gửi bất kỳ dữ liệu hoạt động nào của người dùng về máy chủ điện toán đám mây. Các dòng phụ đề xuất hiện trong một khung đen và bạn có thể di chuyển khung này trên khắp màn hình và đặt ở bất cứ nơi nào cảm thấy thuận tiện nhất. Thậm chí, tính năng này hoạt động ngay cả khi âm lượng của máy bị giảm hoặc tắt hẳn. Tuy nhiên, phụ đề không thể lưu lại được để xem lại. Chúng xuất hiện khi nội dung được phát và biến mất ngay sau khi phát xong.
Về cơ bản, tính năng này sẽ mang lại sự hỗ trợ rất lớn cho những người khiếm thính. Còn với người dùng bình thường, nó cũng có nhiều tác dụng trong các tình huống muốn xem video nhưng khó nghe được âm thanh.
Kiểm soát cho phụ huynh và Focus Mode
Năm ngoái, cả Google và Apple đều giới thiệu tính năng cho phép người dùng theo dõi lượng thời gian dành cho ứng dụng và đặt giới hạn thời gian cho chúng. Google cũng giới thiệu chế độ Wind Down, biến màn hình của bạn thành màu xám như một lời nhắc nhở nên đặt điện thoại xuống và đi ngủ.
Năm nay, Google đã mở rộng nó bằng cách tích hợp với tính năng cho phép phụ huynh kiểm soát hoạt động của người dùng là con cái, ngay trong hệ điều hành. Ví dụ như cha mẹ có thể cài đặt để đứa trẻ chỉ có đúng 5 phút thời gian sử dụng điện thoại theo ý muốn.
Bên cạnh đó là chế độ mang tên Focus Mode, tương tự nhưng tốt hơn chế độ "Không làm phiền" thông thường. Với chế độ này, người dùng có thể chọn danh sách các ứng dụng mà mình thấy mất tập trung hoặc hấp dẫn. Khi bật lên, các ứng dụng đó sẽ chuyển sang màu xám và thông báo của chúng bị ẩn đi.
Ý tưởng của Google là thay vì chờ đồng hồ hẹn giờ tắt và cảnh báo rằng bạn đã lãng phí rất nhiều thời gian trong một ứng dụng, người dùng có thể chủ động tự khóa mình khỏi nó ngay lập tức.
Thông báo hiển thị
Hàng năm, Google luôn làm một cái gì đó để điều chỉnh cách thông báo hoạt động trên Android. Bản thử nghiệm Android Q ban đầu tiết lộ rằng bạn không thể vuốt theo cả hai hướng để loại bỏ thông báo. Thay vào đó, một hướng là bỏ qua và hướng còn lại cho thấy các tùy chọn như báo lại hoặc thay đổi cài đặt.
Thay đổi thông báo chính trong Android Q là một cách mới để tự động trả lời các cuộc trò chuyện. Ở cấp độ hệ điều hành, nó có thể đề xuất trả lời dựa trên ngữ cảnh của tin nhắn mà người dùng nhận được. Ví dụ, nếu ai đó nhắn tin cho bạn một địa chỉ, bạn có thể nhấn nút để trả lời ngay tại đó, hoặc một nút khác để mở Google Maps. Google một lần nữa cẩn thận chỉ ra rằng tính năng sử dụng công cụ máy học cục bộ và không có dữ liệu gì được truyền tải lên máy chủ. Ngoài việc xử lý trả lời tự động, nó cũng có thể thay đổi mức độ ưu tiên của thông báo cho bạn.
Một điều mới mẻ được Google đưa vào Android Q gọi là "bong bóng", thứ kết hợp giữa thông báo và một cửa sổ ứng dụng. Nó tương tự như Facebook Messenger, nơi người dùng có thể thiết lập cửa sổ nhỏ bật lên và di chuyển nó như một biểu tượng tới bất kỳ đâu mình muốn trên màn hình.
Tham khảo The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Phó Giám đốc NIC: "Chúng tôi tin rằng Better Choice Awards sẽ không chỉ tạo dấu ấn trong nước mà còn vươn xa trên tầm khu vực và quốc tế"
Được biết, đây là mùa tổ chức thứ 2 của giải thưởng Better Choice Awards, cũng như đánh dấu 2 năm hợp tác của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia và Công ty Cổ phần VCCorp.
Bùng nổ cảm xúc đêm Gala Better Choice Awards 2024: Chị đẹp cùng anh tài tụ hội, quá mãn nhãn và ấn tượng