Điểm mặt top 6 công nghệ đáng mong chờ nhất sắp có trên smartphone
Đây cũng có thể là những công nghệ làm nên xu hướng các smartphone trong tương lai.
Công nghệ smartphone đã tiến những bước dài với camera mới, bộ xử lý mới và những cải tiến khác xuất hiện từng năm. Cách đây không lâu ta đã chứng kiến sự xuất hiện máy quét dấu vân tay, camera kép và các cách thức thanh toán không tiếp xúc trên smartphone, nhưng vẫn còn nhiều công nghệ tuyệt vời khác sẽ ra mắt trong thời gian tới đây.
Và dưới đây là một số công nghệ mới rất đáng mong đợi sẽ xuất hiện trên những thiết bị sắp ra mắt trong tương lai gần đây.
1. Màn hình có thể gập được
Mặc dù đã được nghe nói đến từ lâu với nhiều cái tên khác nhau như: màn hình uốn cong, màn hình linh hoạt và màn hình gập, nhưng chỉ đến gần đây chúng ta mới thấy công nghệ này đang ở gần đến mức nào. Đặc biệt là khi cả Lenovo và Samsung đều cùng giới thiệu các sản phẩm mẫu cho công nghệ màn hình có thể thay đổi kích cỡ vào đầu tháng Sáu vừa qua.
Mặc dù vậy, Samsung không tiết lộ quá nhiều chi tiết về công nghệ này, và cũng không chắc nó sẽ được sử dụng trên điện thoại hay smartwatch trước. Tuy nhiên, rõ ràng rằng công ty muốn bắt đầu đưa công nghệ này vào lĩnh vực tiêu dùng hơn là các thiết bị concept, điều đó nghĩa là công ty đã có một số sản phẩm nào đó vẫn còn giấu kín.
Đã có nhiều tin đồn và tin rò rỉ liên quan về một chiếc điện thoại màn hình gập có tên Samsung Galaxy X trong năm nay. Các báo cáo mới nhất cho thấy dường như một sản phẩm như vậy sẽ được ra mắt trong năm 2018, nhưng sau một số thay đổi về thời gian, những nguồn tin trong nội bộ công ty không biết liệu nó vẫn đang đúng lộ trình hay sẽ tiếp tục giấu mặt trong vài năm tới.
Trên thực tế, chúng ta đã thấy những ý tưởng về màn hình dẻo xuất hiện trên những thiết bị như LG Flex và G Flex 2, ngoài ra công nghệ màn hình cạnh cong trên các flagship của Samsung cũng dựa trên những nguyên lý tương tự. Ngay cả khi những chiếc smartphone siêu dẻo không trở thành hiện thực, những màn hình linh hoạt hơn, cứng hơn và chống xước cũng chắc chắn là một lợi ích không nhỏ cho người sở hữu chúng.
2. Máy quét vân tay dưới màn hình
Trong khi đang hướng ngày càng nhiều hơn tới những màn hình không viền, các nhà sản xuất OEM phải tìm ra các giải pháp mới để tiếp tục thực thi các công nghệ hiện tại. Máy quét vân tay và các phím Home vật lý là hai trong số những điều đầu tiên cần phải loại bỏ để màn hình có thêm nhiều diện tích hơn, vì vậy các giải pháp nhằm tích hợp và đặt chúng dưới màn hình đang được phát triển.
Một số người dùng đã thất vọng chút ít khi chiếc Galaxy S8 không trang bị tính năng này, và độ chính xác của máy quét vân tay ở mặt sau thiết bị này không thực sự lý tưởng. Công ty được cho là đang làm việc về một máy quét vân tay dưới màn hình để giải quyết vấn đề này, nhưng thật không may dường như công nghệ của Samsung chưa sẵn sàng cho sự xuất hiện trên Galaxy Note 8.
Tuy nhiên, Samsung không phải công ty duy nhất tìm cách đưa máy quét vân tay dưới màn hình. LG cũng đang tìm giải pháp riêng của mình để nhúng máy quét vô hình đó, và Synaptics, hãng chuyên cung cấp các máy quét cho một số nhà sản xuất đồ điện tử tiêu dùng, cũng đã cho ra mắt model FS9100 có thể hoạt động dưới lớp kính 1mm.
Ngoài ra còn có sự hỗ trợ từ công nghệ Sense ID của Qualcomm trên một số chipset, cho phép lập bản đồ 3D của vân tay bằng siêu âm. Nhà sản xuất smartphone Vivo cũng đã trình diễn công nghệ này trong một nguyên mẫu thiết bị của họ, như bạn thấy ở hình động dưới đây.
Trong khi những nút Home vật lý và máy quét vân tay tích hợp gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong tương lai trước mắt, đặc biệt trên những model giá thấp, sẽ không còn lâu nữa chúng ta sẽ thấy những chiếc smartphone flagship có thêm nhiều tính năng khác được ẩn đi.
3. Camera zoom bằng ống kính
Năm ngoái đã chứng kiến sự lên ngôi của công nghệ camera kép, với một số thiết bị flagship, thiết bị tầm trung và thậm chí cả những mẫu chi phí thấp cũng trang bị chúng. Trong khi một số thiết lập của cặp camera kép này cho phép cải thiện chất lượng hình ảnh và mang đến các chế độ chụp mới, một xu hướng phổ biến khác đó là các nhà sản xuất sử dụng chúng để cải thiện chức năng zoom.
Trong khi những phụ kiện là các ống kính tele cho smartphone đã có mặt từ lâu, nhưng dường như chúng hơi bất tiện khi phải mang theo người. Vì vậy, Apple và Oppo đã cho thấy công nghệ này có thể gói gọn trong kích thước smartphone như thế nào, với iPhone 7 Plus, Oppo R11 và OnePlus 5, đều có khả năng zoom 2x, cho dù không phải tất cả đều là zoom quang học 2x.
Mặc dù vậy, zoom 2x vẫn chưa thể mang lại những thay đổi đáng kể cho việc chụp ảnh trên điện thoại khi zoom kỹ thuật số vẫn chủ yếu được dùng để chụp các vật thể ở xa hơn với chất lượng thấp hơn. Tuy nhiên, khả năng zoom bằng ống kính vẫn đang tiếp tục được phát triển. Oppo hiện đang nghiên cứu tính năng zoom 5x với tên gọi Precision Optical Zoom, và Huawei cho biết con chip Kirin 960 của họ cũng có khả năng hỗ trợ zoom 4x.
Ngoài ra, các tin đồn cũng cho thấy Samsung có thể mang tính năng zoom quang học 3x lên chiếc Galaxy Note 8. Corephotonics cũng trình diễn một phiên bản máy mẫu có khả năng zoom 3x và có thể zoom đến 5x. Trong khi đó, LinX, một hãng đã được Apple mua lại, với công nghệ có khả năng mở rộng đến 3 hoặc 4 camera để cải thiện khả năng zoom. Chắc chắn trong tương lai không xa, những thiết bị với khả năng zoom tốt hơn sẽ ra mắt chúng ta.
4. Khả năng điều hướng trong nhà VPS
Chúng ta đã quá quen với việc sử dụng GPS để định vị và chọn đường đi đến địa điểm cụ thể, nhưng công nghệ tương tự sẽ trở nên hữu ích cho việc điều hướng trong nhà. Tại hội nghị nhà phát triển Google I/O 2017, công ty đã tiết lộ về công nghệ thực tế tăng cường điều hướng trong nhà VPS, có thể được sử dụng trên những smartphone được trang bị Tango.
Ý tưởng của công nghệ là các cửa hàng lớn, các doanh nghiệp hay nhà kho có thể cung cấp các lớp sản phẩm khác nhau hoặc các vị trí quan trọng trong nhà, và người dùng Tango có thể sử dụng chúng để điều hướng tới các sản phẩm hay vị trí mong muốn dễ dàng hơn. VPS sử dụng kết hợp các công nghệ thị giác máy tính, máy học, và lập bản đồ tọa độ để xác định vị trí người dùng và dẫn họ đến vị trí mong muốn, ngay cả trong những khu vực tín hiệu GPS hay dữ liệu yếu.
Bên cạnh việc lập bản đồ trong nhà, Google cũng cho biết rằng công nghệ này có thể sử dụng để hỗ trợ dẫn đường cho người khiếm thị khi họ di chuyển giữa nhiều vị trí khác nhau. Cho dù những chiếc điện thoại Tango đã không trở thành một sản phẩm có tiếng vang, công nghệ này vẫn là những chỉ dẫn thú vị cho các thiết bị VR và AR trong tương lai.
5. Các ứng dụng thực tế tăng cường
Từ VPS, ta có thể thấy thực tế tăng cường đã hiện diện ở nhiều loại công nghệ hơn mà không cần đến những phần cứng chuyên biệt. Tất cả sẽ xoay quanh việc xếp chồng thông tin lên các dữ liệu hình ảnh từ camera của bạn. Trong khi trợ lý ảo và nhận diện giọng nói sẽ giúp bạn tìm kiếm nhanh hơn, các ứng dụng thực tế tăng cường hứa hẹn sẽ làm nó có tính ngữ cảnh cao hơn.
Google Lens là ví dụ hàng đầu cho loại công nghệ này. Ứng dụng này tận dụng thị giác máy tính và công nghệ máy học của Google để cung cấp thông tin về những gì bạn đang nhìn thấy. Nó có một số khả năng đơn giản như xác định một loại cây hay mốc địa giới, quét các mã truy cập Wifi, hay hiển thị các đánh giá về một nhà hàng trên phố.
Ngoài ra nó còn có một loạt khả năng khác từ tham qua và giáo dục với Google Expeditions, cho tới mua sắm quần áo và đồ nội thất, lập bản đồ cả căn phòng với các họa tiết chỉ trong vài giây. Thật không may, công nghệ này vẫn cần khoảng 2 đến 3 năm nữa để trở thành sản phẩm thương mại thực sự. Nhưng nếu các khả năng này trở thành hiện thực, mọi người sẽ không ngần ngại mà sử dụng nó.
Bạn hãy nhìn vào thành công của Pokemon Go hay các bộ lọc trên Snapchat để thấy người dùng hứng thú với nó ra sao.
6. Các màn hình thích ứng
Để thực tế ảo và thực tế tăng cường trên mobile có thể cất cánh, các màn hình với tốc độ làm tươi khác nhau – được các nhà sản xuất gọi là các màn hình thích ứng – sẽ là yếu tố quan trọng. Bằng cách đồng bộ hóa đầu ra của GPU với tốc độ làm tươi màn hình, các vấn đề về hình ảnh bị nhòe do hiệu năng tạm thời sụt giảm sẽ được loại bỏ và tốc độ khung hình mượt mà hơn, ổn định hơn sẽ giúp người dùng VR tránh bị cảm giác buồn nôn.
Không chỉ VR, các màn hình thích ứng này còn có các lợi ích khác cho di động. Tốc độ làm tươi cao hơn có thể làm hình ảnh động trông mượt mà hơn và các yếu tố giao diện UI mang lại cảm giác phản ứng nhanh hơn, cũng như cải thiện tính lưu động của trò chơi và video. Hơn nữa, việc giảm tốc độ làm tươi khi UI tĩnh có thể giúp tiết kiệm pin, do các pixel không phải cập nhật quá thường xuyên.
Apple gần đây đã trình diễn màn hình thích ứng 120Hz ProMotion với chiếc iPad Pro, nhưng chúng ta sẽ phải đợi để xem công nghệ này có xuất hiện trên những smartphone trong tương lai không. Chip Snapdragon 835 của Qualcomm cũng giới thiệu loại công nghệ này của riêng mình với tên gọi Q-Sync, vì vậy chúng ta chỉ cần chờ đợi một thời gian ngắn nữa để loại công nghệ màn hình thích ứng này xuất hiện trên mobile.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4