Điện thoại Android sớm thành đồ cổ, lỗi tại ai?

    Minh Lết, Minh Lết  

    Bạn không hiểu vì sao chiếc siêu smartphone chạy Android mới tậu hôm qua, hôm nay đã đáng được cho về hưu non? GenK sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời.

    Điện thoại di động đang phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Thậm chí đôi lúc bạn thấy phát bực vì chiếc điện thoại vừa đập hộp của mình, hôm trước còn là smartphone nhanh nhất trên thị trường, hôm sau đã là đồ cổ bên cạnh những chiếc điện thoại cáu cạnh khác vừa mới ra lò. Các sản phẩm này với điểm benchmark cao ngất ngưởng và hàng loạt tính năng mới, khiến bạn không muốn làm gì hơn là bán quách điện thoại cũ đi.
     
    Một ví dụ, nếu khoảng cuối 2009 bạn mua chiếc Droid của Motorola, bạn có thể tự tin mình đã có trong tay chiếc smartphone chạy Android mạnh mẽ nhất trên thị trường.  Nhưng ngay sau đó Nexus One với điểm benchmark cao gần gấp đôi xuất hiện vào đầu tháng 1 năm 2010. Tiếp theo Nexus One thất thủ trước HTC Incredible vào tháng 4 cùng năm. Đầu tháng 6, Evo 4G dẫm lên Incredible thẳng tiến. Cuối tháng Samsung Galaxy S ra đời, dẫn đầu thị trường trong vòng 60 ngày ngắn ngủi khi HTC trở lại với Desire HD.
     
    Chóng mặt? Chưa hết, sau Desire HD là hàng loạt mẫu Smartphone chạy chip lõi kép liên tục lên kệ. Atrix 4G, LG Optimus 2x...


    Sóng Trường Giang, lớp sau xô lớp trước.

    Và dường như để làm loạn thêm một thị trường vốn đã rối mù, "người ta" còn "dọa" là trong năm 2011 bộ xử lý 4 nhân sẽ nhập cuộc. Người dùng càng lúc càng cảm thấy đuối sức trong cuộc chạy đua vũ trang ngày càng leo thang ác liệt, trong khi nhà sản xuất thì dường như càng leo càng…khỏe. Giờ đây, vòng đời của 1 sản phẩm smartphone chỉ còn vỏn vẹn có 6 đến 9 tháng, thay vì 3 năm như thời kì trước 2007.
     
    Thử nhìn lại một chút, trước khi Apple cho ra đời iPhone năm 2007, Motorala RARZ là chiếc điện thoại ăn khách nhất trên thị trường Mĩ, và nó giữ ngôi vị quán quân đó trong 4 năm trời. Bây giờ còn ai muốn mua iPhone đời đầu? Một sản phẩm ra đời cách đây chưa tới 4 năm. Nhưng như thế nào đã xong, các mẫu điện thoại ra đời gần đây càng lúc càng giống nhau, đến nỗi người tiêu dùng phổ thông khó mà phân biệt được sự khác nhau giữa chúng. Thử đặt HTC Incredible S và chiếc Desire HD cạnh nhau, bạn sẽ hiểu sự khó chịu của việc mua phải những sản phẩm na ná nhau là như thế nào.


    Anh em nhà HTC rất... tông xuyệt tông.

    Đổ lỗi cho ai?
     
    Nếu lỗi lầm trong chuyện này được chia thành một cái bánh, có lẽ Google sẽ được nhận phần to nhất. Xưa kia, cái thuở khi Android còn nằm trong phòng thí nghiệm đâu đó trên đất California, những nhà sản xuất điện thoại nói chung và smartphone nói riêng mất đến 50% thời gian của mình tập trung vào việc viết nên một hệ điều hành phù hợp với cơ cấu phần cứng đã được xây dựng. Công đoạn này mất hàng năm trời và tiêu tốn bạc triệu. Nên khi một sản phẩm ra đời, người ta phải đảm bảo nó không tranh giành thị phần của các sản phẩm khác ra đời trước đó. Và quan trọng hơn nữa, là phải nằm trên kệ đủ lâu để lợi nhuận thu về đủ bù cho chi phí nghiên cứu và phát triển.
     
    Đó là trước kia, còn từ khi Android ra đời, hệ điều hành của Google dễ dãi đến mức ưng chịu tất cả các loại kiến trúc xử lý, phần cứng của Qualcomm, Nvidia đều không thành vấn đề. "Tệ" hơn, Android hoàn toàn miễn phí và được Google nhận lãnh trách nhiệm phát triển, các nhà sản xuất smartphone chỉ việc tinh chỉnh tí chút, tùy biến Android theo cách của mình, phủ lên một giao diện mang tính thương hiệu, giống như cách mà HTC làm với Sense, Motorola và Blur, Samsung có TouchWiz... Và thế là sản phẩm đã sẵn sàng lên kệ, hầu như tất cả mọi việc liên quan đến phần mềm, Google đều đã đứng ra gánh vác.
     
    Thêm vào đó, các hệ thống chipset thế hệ mới với kết cấu SoC (System-on-a-Chip) , bao gồm cả CPU, GPU đã được tích hợp sẵn càng làm rối rắm tình hình. Các hãng sản xuất thay vì phải phát triển mẫu chipset cho riêng mình thì giờ chỉ việc đặt hàng các hãng sản xuất SoC và ngồi rung đùi. Qualcomm, Nvidia, Samsung, tất cả đều sẵn lòng cung cấp các hệ thống SoC nhanh hơn, mạnh hơn và rẻ hơn.


    Apple A4, một trong những SoC lõi đơn mạnh mẽ nhất trên thị trường.


    Phần mềm đã có Google chống lưng, còn phần cứng thì lại có hàng loạt nhà sản xuất theo công nghệ... đóng gạch. Các hãng sản xuất smartphone giờ chỉ còn mỗi 1 việc là ngồi vẽ ra sản phẩm và quảng cáo sao cho thật bắt mắt. Cũng có thêm một lưu ý nho nhỏ là cố gắng không tụt hậu trong cuộc chạy đua cấu hình. Tất cả những điều trên dẫn đến hệ quả tất yếu: các siêu smartphone ra đời trong nháy mắt và ra... đi cũng trong nháy mắt. Tất cả trông đều na ná nhau.
     
    Xu hướng "bão smartphone" này chưa có dấu hiệu tạm lắng mà có vẻ mới chỉ ở thời kì bắt đầu. Cũng giống như kỉ nguyên PC, người ta sẽ không dừng lại cho tới khi mỗi người trên thế giới đều có ít nhất 1 cái smartphone. Trong thời gian tới, để tránh cảm giác thất vọng cũng như sự bực bội hoặc những đau đầu không đáng có, tốt nhất bạn nên tự xác định rằng mình sẽ "phải" hài lòng với chiếc điện thoại mình đang có hoặc sẽ mua. "Đứng núi này trông núi nọ", rất có thể bạn sẽ nướng sạch lương thưởng của mình vào một thú vui xa xỉ và gây nhiều... phiền muộn.
     
    Những lời cuối
     
    Chúng ta đã "hạch tội" Google, những hãng sản xuất chipset như Qualcomm, Nvidia rồi những nhà sản xuất Smartphone như HTC, Samsung, LG, Motorola... Nhưng thành thật mà nói, chẳng lẽ bản thân chúng ta không có chút trách nhiệm nào? Chúng ta , người tiêu dùng, những "thượng đế" đã tuyên bố thẳng thừng rằng muốn có điện thoại mỏng hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, rẻ hơn. Và tất cả những "tội đồ" ở trên chỉ đơn giản là phục tùng ý muốn của "thượng đế".
     
    Chúng ta chú ý đến cấu hình của chiếc điện thoại mình sẽ mua, theo dõi sát sao từng bài benchmark, từng câu review. Tất nhiên các hãng sản xuất sẽ phải tìm cách chạy đua để không bị tụt hậu. Tôi từng nghe người ta nói như thế này: Mỗi sáng ở châu Phi, khi một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sử tử nhanh nhất nếu không nó sẽ bị giết.Và mỗi sáng một con sư tử thức dậy, nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Chúng ta là sư tử. Nhà sản xuất là linh dương, và nói cho cùng, họ vẫn phải chạy trước chúng ta.
     
    Tham khảo: CNN Money
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ