Khép lại năm 2015 rực rỡ, Huawei rất có thể là kẻ thách thức Samsung trong vài năm tới
Năm 2015 có thể coi là năm đáng nhớ nhất của Huawei kể từ khi bước chân vào thị trường Android tới nay, bởi khi các đối thủ xuống dốc thì gã khổng lồ Trung Quốc này lại đạt được những kết quả rất khích lệ.
Với hơn 1,4 triệu thiết bị đang được sử dụng trên toàn cầu, hệ điều hành Android rõ ràng là một thành công lớn. Thế nhưng, thành công này có lẽ chỉ là của riêng Google, bởi gần như tất cả các nhà sản xuất Android lớn đều đang gặp khó.
Trong năm 2015, Samsung, LG, HTC, Sony và thậm chí là cả Micromax lẫn Xiaomi đều đã phải vật lộn với lợi nhuận giảm sút, sức cạnh tranh ngày một mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như sự thay đổi trong thị hiếu người dùng. Trong các ông lớn, chỉ duy nhất một tên tuổi là đi ngược lại chiều suy thoái của thị trường smartphone: Huawei.
Với doanh số gia tăng cũng như sự đón nhận ngày một tích cực từ người dùng trên toàn cầu, Huawei đang đứng rất gần với đỉnh cao. Nhưng trong thế giới công nghệ thay đổi từng ngày, không có gì là chắc chắn cả. Liệu Huawei có tiếp tục đạt thành công trong năm nay? Người tiêu dùng phương Tây sẽ đón nhận thương hiệu Trung Quốc này như thế nào?
Năm 2015: Năm "tốt nghiệp" của Huawei
Với lịch sử hàng chục năm cùng vị thế áp đảo trên mảng viễn thông, Huawei không phải là một tên tuổi xa lạ tại Trung Quốc. Ấy vậy nhưng trên thị trường toàn cầu, thương hiệu Huawei còn ít được biết đến hơn cả những hãng smartphone có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, ví dụ như HTC hay BlackBerry. Người tiêu dùng phổ thông thường sẽ chỉ biết tới Apple, Samsung và LG, còn thương hiệu "Huawei" thậm chí còn vô danh tới mức hãng điện tử Trung Quốc này phải tung ra một đoạn video để… hướng dẫn cách đọc tên gọi của mình. Không chỉ kém nổi tiếng, Huawei còn phải chịu nhiều điều tiếng không mấy tốt đẹp vì tập trung vào những chiếc điện thoại giá rẻ chất lượng kém trong thời kỳ đầu sản xuất, cũng như vì mối liên hệ giữa hãng này với chính phủ Trung Quốc. Năm 2013, chính phủ Mỹ và nhiều nước phương Tây đã ra lệnh cấm nhập khẩu thiết bị, điện thoại Huawei và ZTE vì lo ngại bị nghe lén.
Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi trong 2 năm vừa qua. Huawei đã liên tục cải thiện hình ảnh của mình bằng cách ra mắt nhiều mẫu smartphone cao cấp cũng như những chiếc điện thoại giá rẻ nhưng cấu hình cao cho phân khúc cấp thấp.
Năm 2015 có thể là coi là năm Huawei "tốt nghiệp" quá trình đào tạo và chính thức đặt chân vào nhóm các nhà sản xuất smartphone đứng đầu thế giới, cả về doanh số lẫn thương hiệu. Quá trình chuẩn bị cho bước tiến vượt bậc này đã diễn ra hàng năm liền, nhưng phải tới tận năm 2015 Huawei mới trở thành tên tuổi được cả khách hàng, các đối tác và đối thủ thực sự coi trọng.
Với tiền đề rất thuận lợi là sản lượng smartphone xuất xưởng tăng 45% trong năm 2014, đặc biệt là nhờ có thương hiệu con Honor, Huawei đã bước chân vào năm 2015 đầy tự tin. Trong một cuộc phỏng vấn với Android Authority, Joonsuh Kim, giám đốc thiết kế di động của Huawei, đã khẳng định rằng tầm nhìn của Huawei dành cho smartphone tập trung vào khái niệm "giá trị đích thực".
Theo Huawei, "giá trị đích thực" ở đây không phải là sản xuất ra điện thoại rẻ hết mức hay "nhồi nhét" tính năng vào smartphone, mà là tạo ra thiết bị tốt nhất có thể. Ông Kim cũng đề cập tới quá trình vật lộn để cải thiện hình ảnh của Huawei. "2 năm trước, nhiều người có thể đã cười vào tầm nhìn của chúng tôi. Nhưng tầm nhìn đó là rất mạnh mẽ, buộc chúng tôi phải thực hiện những thay đổi nhanh chóng bên trong công ty".
Chứng tỏ bản thân
Khi tin đồn về chiếc Nexus đầu tiên do Huawei sản xuất bắt đầu xuất hiện, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi. Liệu Huawei có thẻ tạo ra một chiếc smartphone xứng đáng với thương hiệu này? Liệu Google có đủ tin tưởng để giao trọng trách phát triển smartphone cho một nhà sản xuất Trung Quốc?
Khi Nexus 6P ra đời vào tháng 9 năm ngoái, tất cả những lời hoài nghi đã bị dập tắt. Sự kiện ra mắt chiếc smartphone này là một khoảnh khắc quan trọng với một công ty vốn đã luôn bị coi là thuộc về top dưới. Đáng mừng nhất cho Huawei là chiếc Nexus 6P đã được đón nhận rất tích cực. Nhiều người lên tiếng khẳng định rằng đây là một trong những chiếc smartphone tốt nhất từ trước tới nay với lớp vỏ kim loại sang trọng và camera độ phân giải cao. Gần như tất cả mọi người đều đồng ý rằng Huawei đã tạo ra được một trải nghiệm Nexus cao cấp, vươn tới tầm chất lượng cao hết mức có thể.
Nexus 6P đã tạo ra được ảnh hưởng tích cực lên các thiết bị khác của Huawei. Tại IFA, vài tuần trước khi Nexus 6P ra mắt, Huawei đã thu hút được sự chú ý đông đảo nhờ chiếc Mate 8 có thiết kế đẹp và cấu hình mạnh mẽ cũng như chiếc phablet Mate S có sức mạnh không thua kém gì Nexus 6P. Chiếc smartwatch đầu tay của Huawei cũng được đánh giá khá tốt, dù rằng tới khi lên kệ thì sự chú ý của người tiêu dùng dành cho chiếc đồng hồ này cũng đã phai nhạt.
Cuối cùng là Honor. Dù không hào nhoáng như những chiếc Mate cao cấp nhưng thương hiệu giá rẻ này đã đóng góp một phần quan trọng cho thành công của Huawei trong năm 2015. Trong nửa đầu 2015 số thiết bị Honor bán ra đạt 20 triệu máy, ngang ngửa với doanh số của dòng sản phẩm này trong cả năm 2014. Đến cuối 2015, Honor đã đóng góp 40% tổng doanh số của Huawei, vốn đã tăng 44% để đạt 108 triệu chiếc.
Tất cả những thành công này giúp cho Huawei tăng tới 6 bậc trong bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất năm 2015 do Interbrand thống kê. Dĩ nhiên là vị trí số 88 của công ty Trung Quốc vẫn còn kém xa các đối thủ (ví dụ, Samsung đang đứng thứ 7), nhưng thành tích này vẫn là hết sức ấn tượng, nhất là khi Huawei mới chỉ lọt vào bảng xếp hạng của Interbrand trong năm 2014.
Doanh số tăng cao, hình ảnh được cải thiện trong mắt công chúng và trị giá thương hiệu gia tăng – tất cả đều là những thành tích đáng nể của Huawei trong năm 2015. Nhưng liệu công ty Trung Quốc có thể vươn tới tầm cao mới trong năm 2016?
Khó khăn trước mắt
Bất kể năm 2015 có thành công đến thế nào đi chăng nữa thì chặng đường phía trước của Huawei cũng sẽ không trải hoa hồng, kể cả trong trường hợp gã khổng lồ này có thể tiếp tục đà vươn lên của những năm trước.
Đầu tiên, Huawei sẽ còn mất rất nhiều thời gian để trở thành một thương hiệu phổ biến tại phương Tây. Nexus 6P đã tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng, nhưng thực tế là không phải người tiêu dùng nào cũng biết tới thương hiệu "Nexus" chứ đừng nói tới Huawei. Hành trình phổ biến thương hiệu sẽ đòi hỏi Huawei phải gia tăng nỗ lực cũng như chi phí đầu tư – ngay chính cả Samsung cũng đã phải bỏ ra một đống tiền để có được chỗ đứng như ngày nay nhưng vẫn không thể vượt qua được sức mạnh thương hiệu của Apple. Bài toán khó nhất của Huawei là thuyết phục người dùng xóa bỏ đi ấn tượng xấu gắn liền với cụm từ Made in China.
Một vấn đề khác không kém phần nan giải là hiện tượng bão hòa của thị trường smartphone. "Sân nhà" Trung Quốc của Huawei vẫn đang tăng trưởng, nhưng những dấu hiệu chững lại là đã quá rõ ràng. Thị trường lớn thứ hai của Huawei là Châu Âu cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Thị trường Bắc Mỹ thậm chí còn khó nhằn hơn, khi 75% người tiêu dùng đã có sẵn một chiếc smartphone và cũng đã thuộc về "phe" Apple hoặc "phe" Samsung. Các thị trường mới nổi như Indonesia hay Brazil có lẽ sẽ là dễ thở hơn với Huawei, nhưng chắc chắn quá trình giành giật khách hàng mới vẫn sẽ là vô cùng khó khăn trước sức ép của Xiaomi hay Lenovo.
Phân khúc Android ngày nay đang bùng nổ, kéo giá bán trung bình của smartphone xuống mức "đáy" trong nhiều năm qua. Huawei hiểu rõ rằng phần đông khách hàng của hãng đang ngày một tiết kiệm nhưng lại hiểu rõ về công nghệ hơn, và thương hiệu Honor là dành cho đối tượng khách hàng đó. Thế nhưng, smartphone giá rẻ không thể tạo ra được lòng trung thành ở người tiêu dùng: những người mua Honor năm nay sẽ dễ dàng chuyển sang mua Xiaomi nếu như "Apple Trung Quốc" có thể tạo ra một sản phẩm có giá ngang bằng và cấu hình mạnh mẽ hơn.
Do đó, trong khi lựa chọn tấn công vào phân khúc giá thấp với Honor vẫn là đúng dắn, Huawei vẫn phải tìm cách để tạo chỗ đứng trên phân khúc cao cấp. Đây có thể là lý do vì sao Mate 8 được bán với giá cao ngang ngửa Galaxy S7 hay LG G5: Huawei hoàn toàn có thể giảm lợi nhuận để tăng doanh số, nhưng làm như vậy sẽ không giúp hãng smartphone Trung Quốc đạt được mục đích. Mục đích ở đây là tạo ra một chiếc điện thoại đầu bảng thực sự đặc trưng, một chiếc điện thoại có thể chứng minh rằng Huawei không hề thua kém Samsung, Apple hay Sony. Và, có vẻ như Huawei đã thành công một phần, khi nhiều nhà sản xuất không tên tại Trung Quốc chuyển sang "nhái" Huawei thay vì nhái Apple.
Mắt xích yếu nhất
Cấu hình và thiết kế của Huawei đều đã đạt mức khá tốt, nhưng trong năm 2016 Huawei sẽ phải tìm mọi cách để khắc phục điểm yếu của mình trên mảng phần mềm. Ngay cả những người rộng lượng nhất cũng sẽ chỉ đánh giá phần mềm trên Mate 8 là "hơi tệ". Ví dụ, khu vực thông báo gần như là… không thể đọc được vì có phần nền trong suốt. Không ai có thể hiểu được vì sao bộ phận quản lý chất lượng của Huawei lại cho phép ra mắt một hệ điều hành mắc phải những lỗi căn bản như vậy.
Đáng trách hơn, những tính năng như Knuckle Drawing đôi khi còn không hoạt động một chút nào. Ảnh hưởng từ iOS lên phiên bản Android của Huawei vẫn còn rất rõ ràng. Huawei sẽ phải cân nhắc lựa chọn giữa giao diện mang màu sắc iOS được Trung Quốc ưa chuộng hay giao diện tối giản, gần với Android gốc được người dùng phương Tây yêu thích.
Chính sách cập nhật phần mềm của công ty cũng cần được thay đổi. Người dùng phổ thông có lẽ sẽ chẳng mấy quan tâm tới cập nhật phần mềm, nhưng các fan cứng của Android thì chắc chắn sẽ đòi hỏi tính năng này. Cho đến tận bây giờ, Huawei vẫn chưa thể phát hành các bản cập nhật một cách nhanh chóng. May mắn là điều này đã bắt đầu thay đổi, khi Mate 7 đã được thử nghiệm beta cho Marshmallow, và ngay cả những chiếc Honor giá rẻ cũng đã được lên lịch trình cập nhật lên phiên bản Android mới nhất.
Phát huy tiềm năng
Xét về những cơ hội trước mắt, Huawei có thể tận dụng mối quan hệ với Google, phát huy thế mạnh trên mảng sản xuất SoC đồng thời tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác với Samsung để ra mắt màn hình Edge.
Các tin rò rỉ cho rằng Google sẽ tìm đường trở lại Trung Quốc trong vòng 2 năm sắp tới, và Huawei đang là tên tuổi duy nhất được cho là sẽ tham gia vào thương vụ này. Một mối quan hệ đối tác êm đẹp với Google có thể giúp Huawei gia tăng chỗ đứng tại thị trường nội địa.
Mate 8 là bằng chứng cho thấy chip Kirin của Huawei có thể đánh bại cả Qualcomm và Samsung. Các thử nghiệm benchmark đều cho thấy Kirin 950 trên Mate 8 thực sự là một đối thủ đáng gờm về sức mạnh xử lý, và trải nghiệm thực tế chiếc smartphone này đều được tóm gọn trong 2 từ "nhanh, mượt". Khi scandal của Snapdragon 810 còn chưa lắng xuống, Huawei có thể sẽ hưởng lợi khi tìm cách đẩy mạnh nỗ lực tiến vào thị trường sản xuất SoC.
Cuối cùng, lựa chọn sử dụng màn hình OLED do Samsung sản xuất có thể coi là một lợi thế của smartphone Huawei, khi thị trường di động ngày một ưa thích công nghệ màn hình này. Một số tin đồn còn cho rằng Huawei sẽ ra mắt smartphone màn hình cong vào năm sau – nếu như Huawei có thể thuyết phục Samsung nhượng quyền công nghệ, những chiếc Mate cao cấp sẽ càng tách ra khỏi số đông.
Kết luận
Trong thế giới Android hỗn loạn của ngày hôm nay, Huawei trở nên nổi bật nhờ có quá trình tăng trưởng mạnh mẽ cũng như tiềm năng rộng mở tới tương lai. Trong khi nhiều tên tuổi lớn phải vật lộn để thoát lỗ, thành công của Huawei có thể coi là điểm sáng của thị trường smartphone. Điều đó không có nghĩa rằng Huawei sẽ không bao giờ rơi vào khó khăn – hãng smartphone Trung Quốc vẫn còn phải tiếp tục cải thiện hình ảnh trên thị trường toàn cầu cũng như nâng cao chất lượng phần mềm. Nhưng nếu như vị trí của Samsung có thể bị đe dọa trong vài năm tới, kẻ thách thức chắc chắn sẽ là Huawei.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming