Phụ kiện smartphone dạo: Muôn nẻo khởi nghiệp đất Hà Thành

    Yến Thanh,  

    Những phút trải lòng của một người làm nghề dán màn hình dạo trên đất Hà Nội.

    Trong bối cảnh mà smartphone đang ngày càng phát triển thì có vẻ những câu chuyện về các sản phẩm đi kèm như phụ kiện không còn là điều gì quá mới mẻ. Tuy nhiên, chắc chắn cụm từ “dán màn hình dạo” sẽ khiến không ít người dùng phải tò mò. Vậy thế nào là nghề dán màn hình dạo và đâu là những câu chuyện đằng sau đó?

    Từ tấm bằng cao đẳng cho tới nghề dán màn hình “dạo”

    Tương tự như những nghề có chữ “dạo” – chỉ công việc buôn bán một sản phẩm nào đó với quy mô nhỏ lẻ, không cố định địa điểm kinh doanh như bán báo dạo, bán vé số dạo, bán bánh dạo thì nghề dán màn hình dạo cũng được hiểu như vậy. Nhưng khác với các loại hình buôn bán khác, “những ông/ bà chủ” không chỉ bán lẻ phụ kiện như miếng dán màn hình, ốp lưng mà còn thực hiện luôn cả khâu dán phụ kiện.

    Tại khu vực phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội, chúng ta vô tình gặp anh Kiên – một chàng trai có nước da rám nắng, tuổi ngoài 25, đang hành nghề dán màn hình dạo dưới cái nắng trưa gay gắt. Sau một hồi lân la, gợi hỏi, tôi được biết, do gia cảnh khó khăn nên thi muộn, học muộn, lên Hà Nội học xong Cao đẳng nhưng chưa có việc làm và cái “duyên” đã kéo anh đến với nghề này.

    Anh Kiên chia sẻ, nếu nói là dán màn hình thì anh đã làm hơn 3 năm nay, nhưng nói về “dạo” thì vẫn chưa đầy 1 năm. Khi được hỏi về cái “duyên” mà anh từng nhắc đến, anh cười rất tươi và nói rằng:

    “Lúc mới tốt nghiệp cao đẳng, mình đi xin việc khắp nơi nhưng đều không có kết quả. Phần vì được trả lương thấp quá, nuôi thân cũng không xong, phần vì nghề nghiệp không giống với ngành học nên đành gác lại chuyện đi làm ở đây. Sau có ông anh cùng xóm trọ, chuyên đi bán phụ kiện smartphone, thấy ông ấy cũng kiếm được nên mình tỉ tê xin đi làm theo...”

    Nói tới đây, anh có khách tới dán màn hình, cuộc trò chuyện của chúng tôi gián đoạn nên tôi bắt đầu quan sát cách anh làm việc và “cơ ngơi” của anh. Thoạt nhìn, anh chỉ độc có chiếc xe máy cũ đã bong gần hết lớp sơn, một chiếc hòm bằng nhôm, chiếc biển “Dán màn hình điện thoại”, một tấm phên cũ được sơn trắng, vài ba cái ghế nhựa và vô vàn những phụ kiện, tấm dán màn hình dành cho smartphone, máy tính bảng đủ các hãng…

    Đâu là sự khác biệt của nghề dán màn hình dạo?

    Đồ nghề đơn sơ là vậy, nhưng không có nghĩa anh Kiên chỉ làm việc cho qua. Hôm nay, khách hàng của anh mang tới một chiếc iPhone 5, cầm chiếc smartphone trên tay, anh tỉ mỉ quan sát rồi cẩn thận bóc tấm dán cũ, lau máy thật bóng rồi hồi lâu mới dám đè miếng dán mới lên.

    Xong việc, anh chào hỏi khách nhiệt tình, bật mí vài bí quyết để màn hình luôn bóng sạch như dùng si để làm bóng, dùng khăn khô lau màn hình theo hình chôn ốc và cũng không quên tặng khách một tấm khăn chuyên dụng để vệ sinh máy khi cần thiết.

    Sau đó, cuộc trò chuyện của chúng tôi lại tiếp tục, anh Kiên nhấp ngụm nước từ cái chai tự mang đi rồi trầm giọng:

    “Đấy, dán màn hình dạo nó thế đấy. Mình phải cẩn thận, tỉ mỉ với khách, có chào hỏi người ta đàng hoàng thì lần sau khi cần, người ta sẽ lại ra đây tìm mình. Chứ đi bán dạo mà làm ăn vớ vẩn thì chỉ có nước chết đói. Tiêu chí làm việc của mình cũng giống mấy câu khẩu hiệu của mấy ông nhà xe ý, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.”

    Hỏi ra mới biết, như vị khách vừa rồi, vào dán màn hình cường lực – đang là phụ kiện hot hiện nay, anh Kiên chỉ dám lấy 80 ngàn đồng, rẻ hơn khoảng 20% so với các cửa hàng bán phụ kiện thông thường còn với những cửa hàng lớn hơn thì anh không rõ. Gặng hỏi mãi, anh mới tiết lộ, thông thường, một lần khách tới dán miếng cường lực, anh chỉ lời chưa được phân nửa, mà đấy là còn chưa trừ đi chi phí xăng xe, ăn uống… còn với các miếng dán rẻ tiền hơn thì chẳng đáng là bao.

    Ngọn ngành của nghề dán màn hình dạo

    Theo anh Kiên, nghề dán màn hình dạo như người đi câu cá, hôm được hôm không, ngày vắng khách ít thì được vài miếng dán, còn đông khách thì gấp 2, thậm chí gấp 3 lần bình thường. Trung bình 1 tháng anh cũng thu về khoảng 5-6 triệu đồng từ công việc này. Nói tới đây anh cười xòa, bởi xét cho cùng, nghề mà anh đang làm không tới nỗi chết đói nhưng cũng chẳng dư ra được gì, nhất là với thanh niên đã tới tuổi “cưới vợ làm nhà” như anh.

    Thông thường cứ 6-7 giờ sáng là anh xách xe máy đi khắp các quán cà phê, ai có nhu cầu thì anh phục vụ. Chủ yếu ai thường đi qua các tuyến phố như Lê Trọng Tấn, Thái Hà, Xã Đàn rồi tới Bách Khoa, Lê Thanh Nghị hay Bạch Mai. Cứ vài vòng như thế, chỗ nào có khách thì nán lại, không thì “xách xe lên và đi thôi”.

    Như thường lệ, cứ mỗi tuyến phố anh sẽ dừng lại khoảng 30 phút, cứ gốc cây mà ngồi, có khách thì ở lại lâu hơn, còn không thì đi cho kịp tuyến tiếp theo. Hy hữu, hôm nào mưa to gió lớn thì anh nghỉ bởi thời tiết như vậy, cũng chẳng có mấy người ở ngoài đường nên nếu cứ đi thì chẳng mấy mà lỗ vốn.

    Gọi là dạo nhưng anh cũng có vài khách quen, không phải là người dùng điện thoại mà là người bán hàng cà phê, trà đá… Thấy anh đi qua, mà có khách yêu cầu là họ ới anh luôn. Thậm chí có anh nọ vui tính họ còn gọi vào dán màn hình điện thoại cho cả mấy nhân viên của quán.

    Anh trải lòng, nói là có thu nhập cũng đúng mà chẳng đủ nuôi thân cũng đúng, bởi ngoài bản thân, anh còn phải lo cho cậu em mới lên Hà Nội học cao đẳng và cả bố mẹ tại quê nhà. Do đó, dù có kiếm thêm chút nữa cũng chẳng thể đủ cho cả 4 miệng ăn.

    Anh bật mí, ngoài việc dán mình dạo ban ngày, tối đến anh cũng tranh thủ chở hàng cho bà con trong xóm, chả được bao nhiêu nhưng cũng đủ tiền ở trọ. Bởi lẽ, để “trụ được” ở đây, không thể chỉ độc đi dán màn hình dạo.

    Dán màn hình dạo và hai chữ “khởi nghiệp”

    Nói tới đây, anh Kiên dường như trầm hẳn lại, bốn mắt nhìn nhau, buột miệng tôi hỏi anh: “Vậy đã bao giờ anh nghĩ tới chuyện khởi nghiệp bằng nghề đi dán màn hình dạo chưa?”. Anh chép môi ngẫm nghĩ rồi mới trả lời, rằng công việc anh đang làm, nếu gọi là nghề thì tạm được chứ nghiệp thì chắc khó thành bởi đi dán dạo tới bao giờ mới đủ vốn, còn địa điểm, còn nhân sự… Quả thật, đây là điều mà anh chưa từng nghĩ tới.

    Anh cho rằng, việc đi dán màn hình chỉ là tạm thời, lấy ngắn nuôi dài, còn trong tương lai, anh Kiên không nghĩ nó sẽ giúp anh làm giàu, tuy nhiên, nếu có cơ hội, anh muốn mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ để có thu nhập ổn định và có nơi có chốn đàng hoàng. Theo anh, cái gì rồi cũng có thời, hiện nghề dán dạo như anh chưa nhiều nhưng rồi sẽ có những người khác làm theo.

    Về lâu về dài, rồi sẽ có những loại hình khác thay thế, mà người sức yếu, lực yếu như anh thì làm sao kham nổi? Anh cho biết, nghề dán màn hình dạo như anh cốt cũng chỉ vì chữ “tiện”. Thay vì người ta ra cửa hàng lớn thì tiện gặp anh sẽ dán luôn, thay vì bỏ ra nhiều tiền thì qua chỗ anh sẽ được giá rẻ hơn và thay vì kì kèo mặc cả thì giá chỗ anh có thể chi ngay mà không cần suy nghĩ.

    Cái duyên với chữ “dạo”

    Theo như anh kể, cái duyên đến với chữ “dạo” đơn giản lắm. Một ngày nọ, đường đông, xe của anh dừng trước quán cà phê, đột nhiên có một chị từ trong quán ra hỏi anh có dán màn hình không rồi anh đồng ý và thế là cái nghề này ra đời. Tất nhiên, anh Kiên khẳng định, mình chắc chắn không phải người đầu tiên theo nghề, bởi trước đó cũng nghe người ta nói nhiều rồi, chỉ là ngại chưa dám làm.

    Không đâu xa, như xóm trọ của anh, cũng có tới mấy người cũng đi dán màn hình dạo. Công việc này cũng chẳng phân biệt nam hay nữ, kể cả bà cô ở xóm anh, trước chỉ đi bán bật lửa, bấm mong tay, gương, móc chìa khóa cũng kiêm luôn cả dàn màn hình. Ngoài ra, phương tiện di chuyển cũng rất đa dạng chứ không chỉ mỗi việc sử dụng xe máy. Nào xe đẩy, nào xe đạp hay thâm chí là cả quang gánh. Tiện gì người ta bán nấy nhưng chắc một điều là lượng hàng không nhiều.

    Lại xoay sang chữ “hàng”, anh bật mí, xét cho cùng, người ta cứ nói rằng miếng dán này tốt, miếng kia không tốt đều là nói chơi cả. Bởi hầu hết các loại miếng dán hay nói rộng ra là phụ kiện đều cùng một mối mà ra, còn mối đó ở đâu thì chẳng ai biết.

    Bất giác, anh rút chiếc điện thoại và nhìn vào đồng hồ như sực nhớ ra điều gì đó. Tôi cũng biết ý, ủng hộ anh một miếng dán. Xong xuôi, tôi xin phép ra về, chào tạm biệt và cảm ơn để anh có thể tiếp tục công việc của mình

    Thay cho lời kết

    Qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi trên, chắc hẳn các bạn đã phần nào mường tượng ra thế nào là nghề dán màn hình dạo, cái được, cái mất của công việc đầy nhẫn nại này. Rằng cái nghề nào cũng đầy những khó khăn, gian khổ nhưng nếu biết cố gắng sẽ không thiếu những quả ngọt.

    Có thể anh Kiên – một người hành nghề dán màn hình dạo cần mẫn sẽ chẳng bao giờ mơ tưởng tới ngày khởi nghiệp bằng chính công việc mình đang làm hoặc rộng ra là kinh doanh phụ kiện smartphone. Nhưng biết đâu, chính các bạn, những người đang theo dõi bài viết sẽ coi đây là một ý tưởng đáng giá cho mơ ước kinh doanh của bản thân.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày