Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top"

    H.A, H.A 

    Năm 2013 chứng kiến cuộc chiến cực kỳ căng thẳng trên thị trường di động. Rõ ràng, ngai vàng của Samsung và Apple sẽ lung lay.

    Hiện nay, bộ đôi AppleSamsung đã chiếm lĩnh hơn 50% thị phần điện thoại thông minh được bán ra trên toàn cầu. Để lật đổ được “Sample” (Samsung- Apple) không phải việc làm được trong “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, tất cả các nhà sản xuất di động lớn hiện nay đều đặt mục tiêu ít nhất có thể chen chân được vào top 3.

    Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top" 1

    Sony hay BlackBerry đều từng phát biểu mong muốn này và quyết tâm thực hiện trong khoảng thời gian 1 đến 2 năm tới. Trong khi đó, LG, Nokia hay một số nhà sản xuất của Trung Quốc như Huawei hay ZTE cũng không cho thấy mình sẽ đứng ngoài cuộc.

    Hiện nay, tốc độ gia tăng sản lượng smartphone của Huawei còn cao hơn Samsung, trong khi đó cả Sony và ZTE cộng lại tăng trưởng nhanh hơn Apple. Quả thực sức mạnh của "Sample" đang dần lung lay, nhất là khi 2 smartphone đầu bảng Samsung Galaxy S4 và Apple iPhone 5 dù doanh số bán hàng hứa hẹn rất cao nhưng tính đột phá trong thiết kế đã không còn. Hôm nay sau khi chiếc điện thoại Galaxy S4 chính thức trình làng, có lẽ nhiều người đã nghĩ tới một quãng thời gian khó khắn đối với Samsung. Galaxy S4 không được đánh giá cao về mặt thiết kế do kiểu dáng không hề có tính đột phá, có chăng chỉ là Samsung "khéo léo" mang đến những tính năng phần mềm nếu nghe trên lý thuyết thì rất hấp dẫn còn tính ứng dụng vẫn chưa được kiểm chứng.

    Sớm muộn người dùng cũng phải quyết định đã đến lúc đặt niềm tin vào các siêu smartphone khác. Đó là cơ hội để những nhà sản xuất nhỏ hơn “lên tiếng”. Sau đây là những tên tuổi đủ tầm cỡ và khả năng để có thể phá vỡ sự thống trị của SamsungApple.

    1. Nokia - Đến lúc nghĩ lại về Windows Phone

    Sau khi Microsoft phát hành hệ điều hành Windows Phone 8, tình hình tiêu thụ smartphone của Nokia đã có những khởi sắc. Trong quý IV năm 2012, Nokia bán được 4,4 triệu máy, một bước nhảy vọt so với 2,9 triệu máy của quý trước đó. Tuy nhiên, Windows Phone dường như chỉ tạo được “lực kéo” chủ yếu đối với thị trường Mỹ, còn trên thế giới, cái bóng của iOS và Android vẫn quá lớn. Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường của comScore, số người dùng lựa chọn nền tảng Windows Phone đã giảm 0,1% xuống còn 3,1% vào tháng Một năm nay.

    Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top" 2

    CEO Stephen Elop của Nokia cho rằng Windows Phone "có thể là hệ điều hành lớn nhất thế giới", song điều này khó có thể trở thành hiện thực nếu mọi thứ tiếp tục diễn biến như hiện nay. Nokia cần có những chiếc lược thay đổi mới, hấp dẫn và trải rộng hơn nữa. Đó là lý do hãng đang rất quan tâm tới thị trường smartphone giá rẻ, nơi Android đang làm mưa làm gió. Chiếc điện thoại Lumia 520 với giá cực tốt đã khiến không ít người dùng quyết định lên đời, hoặc chuyển từ điện thoại Android sang Windows Phone.

    Bên cạnh đó, khi cấu hình phần cứng đang dần trở nên bão hòa. Việc tập trung vào thiết kế và công nghệ được ưu tiên hàng đầu. Chiếc điện thoại Lumia 928 với vỏ nhôm và hỗ trợ thêm đèn flash xenon có thể sẽ trở thành thiết bị chiếc lược để Nokia cạnh tranh cùng Samsung Galaxy S4, iPhone 5 hay HTC One.

    2. Huawei – Muốn vượt ra ngoài Trung Quốc 

    Lặng lẽ nhưng “đầy nguy hiểm”, chỉ tính riêng trong năm 2012, thị phần của Huawei đã tăng trưởng 89% để trở thành nhà sản xuất smartphone số 3 thế giới, vượt qua cả Nokia và BlackBerry trong quý IV. Hãng điện thoại này đã vượt qua tất cả các đối thủ cạnh tranh của mình ở thị trường cấp thấp tại Trung Quốc và giữ được phong độ ổn định ở thị trường Mỹ. Hiện nay, Huawei đang bắt đầu thâm nhập vào thị trường smartphone cao cấp với những sản phẩm khá chất lượng và mạnh mẽ như phablet Ascend Mate với màn hình 6,1 inch hay Ascend P2.

    Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top" 3

    Để đạt được thành công này, không thể phủ nhận Huawei đã chứng tỏ khả năng phát triển phần mềm rất toàn diện. Giao diện Emotion với bộ widget nhiều tùy chỉnh là “vũ khí” thu hút được lượng người dùng đông đảo cho Huawei. 

    Tuy nhiên, công ty điện thoại Trung Quốc vẫn đang gặp phải những rào cản “kỳ thị” liên quan đến vấn đề bảo mật và an ninh. Bên cạnh đó, thương hiệu của Huawei cũng chưa thực sự tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng trong phân khúc điện thoại cao cấp. Nếu giải quyết tốt các vấn đề trên, khả năng tiến xa hơn trong tương lai của Huawei là tương đối rộng mở

    Ascend Mate tại triển lãm CES 2013.

    3. BlackBerry – Ứng dụng quyết định thành công

    Khi BlackBerry Z10 ra mắt, các nhà phân tích đã nhận định chiếc điện thoại này sẽ đạt lượng tiêu thụ tốt hơn các mẫu smartphone Windows Phone. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nền tảng hệ điều hành mới của BlackBerry ngoài khả năng hỗ trợ tốt cho người dùng doanh nghiệp thì cũng rất có sức hấp dẫn với người dùng mới. Giao diện đẹp, sử dụng tiện lợi, hỗ trợ bàn phím ảo thông minh…  đều là những điểm “ăn tiền” của Z10.

    Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top" 4

    Tuy nhiên, dấu hỏi lớn được đặt ra là kho ứng dụng của BlackBerry còn quá nhỏ bé so với các ông lớn Android và iOS. BlackBerry 10 mởi chỉ có khởi đầu an toàn với bộ ứng dụng cơ bản như Facebook, LinkedIn, Twitter Foursquare, USA Today, Slacker và Flikster. Các game 3D cũng đã xuất hiện nhưng chưa nhiều. Cuộc chiến thực sự giữa BlackBerry và Windows Phone về bản chất là cuộc chiến nhằm tranh giành các nhà phát triển ứng dụng.

    Những cố gắng của BlackBerry trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Song việc người dùng phải chờ đợi quá lâu mới có thể trải nghiệm Z10 hay Q10 vô hình chung đã để cơ hội cho Android hay Windows Phone bứt tốc. Hiện nay, kho ứng dụng của BlackBerry đang được lấp đầy từng ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự “port” các ứng dụng từ Android sang nền tảng BlackBerry bằng một số công cụ không quá phức tạp. Như vậy, hi vọng “phục sinh” của BlackBerry vẫn còn rất sáng sủa.

    4. Sony – Chiến đấu trong phân khúc thiết bị cao cấp

    Không thể chần chừ, năm 2013 chính là thời điểm để Sony đòi lại vị thế đã mất. Sự ra mắt của Playstation 4 mới đây đã phần nào thổi một luồng sinh khí mới cho thương hiệu Nhật Bản. Bên cạnh đó, Sony cũng tỏ rõ quyết tâm chinh phục người dùng di động với 2 sản phẩm chất lượng cao là máy tính bảng Xperia Tablet Z và điện thoại cao cấp chống nước Xperia Z. Cả 2 sản phẩm này đều được đánh giá rất tốt khi trình làng tại triển lãm CES 2013. 

    Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top" 5

    Tuy vậy, khởi đầu tốt nhưng vẫn chưa thể đảm bảo thành công cho lâu dài. Xperia Z được khen ngợi về thiết kế nhưng thời lượng pin và camera 13 MP của máy chưa đáp ứng được những kỳ vọng từ người tiêu dùng. Thêm nữa, Xperia Z giờ đây lại bị bỏ rơi về mặt cấu hình phần cứng trước loạt smartphone đình đám đến từ HTC, Samsung và LG. 

    Dù vậy, trong tình hình hiện nay, bản sắc và thiết kế đóng vai trò rất lớn quyết định sự thành bại của sản phẩm. Chắc chắn đa phần người dùng không muốn mua một thiết bị ăn theo. Và Sony vẫn luôn tạo cho mình một điều gì đó rất riêng, rất lôi cuốn người dùng. Cần thêm một chút đột phá từ tính năng, có lẽ Sony sẽ thành công.

    Video đánh giá điện thoại Sony Xperia Z.

    5. LG – Tính năng thông minh lên ngôi

    Optimus G Pro là bước đệm quan trọng để chứng tỏ LG có thể cạnh tranh sòng phẳng với Samsung không chỉ nhờ phần cứng mà cả các tính năng phần mềm. QSlide, Smart Video hay Qbutton đều là những tính năng rất tốt trên G Pro. 

    Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top" 6

    Từ trước đến nay, chất lượng màn hình và phần cứng của LG luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên, LG luôn nằm dưới cái bóng của Samsung chỉ vì thiếu những bộ tính năng thông minh cốt lõi tạo nên giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, công tác quảng bá của LG cũng tỏ ra lép vế so với đối thủ đồng hương.

    Tính năng quay phim kép (dual-recording) trên Optimus G Pro.

    Do đó, nếu khắc phục được những điểm yếu này, LG hoàn toàn đủ tự tin để thách thức cả Samsung và Apple trong tương lai không xa.

    6. ZTE – Firefox và Intel vẫy gọi

    ZTE, hãng sản xuất điện thoại đứng thứ 5 thế giới trong quý IV năm ngoái không ngại rủi ro để chứng tỏ tham vọng của mình. ZTE xuất phát điểm dẫn tới thành công nhờ vào các thiết bị Android giá rẻ tại các thị trường mới nổi. Nhưng ngay tại sân nhà Trung Quốc, ZTE cũng phải cạnh tranh khốc liệt với Huawei, Lenovo cùng rất nhiều thương hiệu giá rẻ khác.

    Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top" 7

    Vì vậy, ZTE đang muốn lựa chọn những hướng đi mới dù cơ hội thành công không phải lúc nào cũng là 100%. Vừa qua, tại MWC 2013, ZTE Open chạy Firefox OS đã chính thức ra mắt. Tại phân khúc cao cấp, ZTE cũng mạnh dạn sử dụng chip Atom Z2580 của Intel để mang lại hiệu năng tốt hơn so với một số dòng chip tầm trung của Qualcomm.

    Hiện nay, thương hiệu ZTE đang dính phải một số scandal rất đáng quên. Tuy vậy, trong năm 2013, với chiến lược “dám nghĩ dám làm”, cơ hội thành công của ZTE vẫn còn đó.

    7. HTC – Smartphone One quyết định vận mệnh

    Mọi chuyện đang diễn biến không mấy thuận lợi đối với ông lớn một thời, HTC. Công ty vừa công bố doanh thu giảm sút 44%, thị phần giảm từ 10,3% trong năm 2011 xuống còn 4,6% trong năm 2012. CEO Peter Chou của hãng đổ lỗi cho sự sụt giảm này đến từ công tác marketing kém hiệu quả. Như vậy, liệu một mình HTC One có thể vực dậy hãng điện thoại Đài Loan?

    Thách thức bủa vây, Samsung và Apple có nguy cơ "rớt top" 8

    Không thể phủ nhận rằng HTC One gần như đã lột xác với lớp vỏ nhôm thiết kế sang trọng, camera Ultrapixel đầu tiên trên thế giới hay giao diện Sense 5 độc đáo. Khi Galaxy S4 ra mắt, HTC cũng mạnh miệng chê bai không ngừng về thiết kế nhàm chán của S4 và cho rằng smartphone của Samsung sẽ không thể bắt kịp HTC One.

    Nhưng liệu HTC có đang quá chủ quan, nhìn vào thực tế vị trí cũng như tiềm lực tài chính, rõ ràng Samsung và Apple đều đang ở cửa trên. Chắc chắn, bộ phận marketing của HTC sẽ có một năm làm việc rất bận rộn nếu không muốn rơi vào cảnh “đắp chiếu đìu hiu” nhìn đối thủ vượt mặt. 


    Video kiểm chứng chất lượng âm thanh trên HTC One.

    Dù sao đi chăng nữa, smartphone One vẫn thể hiện được quyết tâm nghiêm túc của HTC. Khi S4 đã xuất hiện, rất nhiều người dùng đã có thể đưa ra quyết định chọn HTC One chứ không phải Galaxy S4. Đó có thể là một tín hiệu tích cực đến với công ty của CEO Peter Chou.

    Kết 

    Như vậy, năm 2013 sẽ chứng kiến cuộc chiến cực kỳ căng thẳng trên thị trường di động. Rõ ràng, ngai vàng của Samsung và Apple có nguy cơ lung lay dữ dội. Liệu rằng 7 thế lực kể trên có thể thay đổi trật tự thiết lập từ năm 2012 hay không? Đó thực sự là một câu hỏi cần thời gian trả lời.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ