Diễn viên Lương Giang: Hơn 4 năm dạy vẽ cho trẻ tự kỷ, từ chối tài trợ vì sợ bị trục lợi và mơ ước về Câu lạc bộ họa sĩ tự kỷ
(Tổ Quốc) - "Thú thật, có rất nhiều đơn vị muốn đồng hành cùng chúng tôi theo kiểu góp vốn cùng hoặc muốn tài trợ để quảng cáo nhưng tôi luôn từ chối hết. Chi phí lớp học này tôi kham được nên không cần tài trợ thêm và càng không muốn trục lợi bằng công việc từ thiện", Lương Giang chia sẻ.
- Tại sao Sao Kim là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm?
- Nước mắt rồng: Tại sao sự bài tiết tự nhiên lại có giá trị hơn vàng?
- Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ
- Hiện tượng kinh ngạc trong không gian: Tại sao Trạm vũ trụ quốc tế lại rỉ sét?
- Đế chế Akkadian: Đế chế vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nhân loại nhưng lại diệt vong vì biến đổi khí hậu!
Lương Giang sinh năm 1986. Cô được khán giả yêu mến và biết đến qua các bộ phim như: Hoa cỏ may, Cầu vồng tình yêu, Nhà có nhiều cửa sổ, Khát vọng Thăng Long, 13 nữ tù...
Nữ diễn viên không chỉ thành công ở lĩnh vực phim ảnh, cô còn ghi dấu ấn với vai trò họa sĩ, MC, kinh doanh... Trong nhiều năm qua, Lương Giang thu hút sự chú ý với dự án lớp học vẽ từ thiện, hoàn toàn miễn phí cho trẻ tự kỷ. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện về dự án này sau hơn 4 năm hoạt động. Dự án đã mang lại ánh sáng, niềm hi vọng cho các bạn nhỏ tự kỷ cũng như gia đình của các em.
Diễn viên Lương Giang.
Khởi đầu nhiều khó khăn nhưng không bỏ cuộc
- Lương Giang được biết đến nhiều với danh xưng diễn viên, MC... Vậy hội họa đến với chị như thế nào?
Phim ảnh với tôi là cái duyên rất tình cờ còn hội họa và kinh doanh mới là đam mê lớn nhất. Tuy nhiên, do tôi sinh ra ở Lào Cai nên không có cơ hội học vẽ từ nhỏ để thi vào các trường dành cho lĩnh vực này. Thế nhưng khi trưởng thành và có cơ hội làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau thì niềm đam mê hội họa trong tôi vẫn luôn cháy bỏng. Tôi luôn ước mơ khi có điều kiện sẽ mở một phòng tranh riêng.
Vào năm 2013, ước mơ của tôi trở thành hiện thực. Tôi mở được một phòng tranh nhỏ ở trên Tây Hồ, Hà Nội nhưng chủ yếu là trưng bày và bán cho khách nước ngoài. Thời điểm đó, tôi vẫn nhận được nhiều lời mời đóng phim và đang công tác chính tại Đài truyền Quân đội. Nhưng để duy trì hai công việc ở đài và phòng tranh khiến tôi phải phân thân khá áp lực.
Chính vì vậy, tôi đã quyết định xin chuyển công tác về trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương làm công việc giảng dạy, đồng thời tập trung chăm chút cho phòng tranh - niềm đam mê từ nhỏ của tôi nhiều hơn.
- Sau khi thực hiện hóa được ước mơ của mình thì ý tưởng mở lớp dạy vẽ từ thiện cho trẻ tự kỷ đến với Lương Giang như thế nào?
Sau khi tập trung cho phòng tranh thì ngoài thỏa mãn đam mê vẽ của bản thân, tôi còn trưng bày, bán tranh của nhiều họa sĩ khác. Tôi làm tất cả mọi thứ liên quan tới hội họa trong đó có cả các lớp học dạy vẽ. Khi mọi thứ hoạt động trơn tru, có nguồn doanh thu ổn định thì tôi muốn làm điều gì đó có ý nghĩa từ một phần lợi nhuận đó.
Ban đầu, tôi mở lớp học vẽ miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, có hai học viên là chị Mai Anh và con trai là bé Trung Hiếu tham gia lớp. Tuy nhiên khi biết Hiếu mắc bệnh tự kỷ, tôi thấy đây là trường hợp đặc biệt không thể vào lớp học vẽ chung với các bạn nhỏ khác, mà cần có giáo án và cách dạy riêng.
Khi tiếp xúc với Trung Hiếu tôi cũng nhận ra các bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ có khả năng ghi nhớ về mặt hình ảnh rất mạnh và năng khiếu về nghệ thuật lớn. Ví dụ như, khi mình nhìn cái cây, có thể chỉ nhớ lờ mờ hình ảnh trong trí não nhưng với các bạn mắc chứng tự kỷ thì nó giống như in hằn luôn, nhớ đến từng chi tiết có bao nhiêu cành, bao nhiêu lá...
Tuy nhiên để quyết định mở một lớp chuyên biệt dành riêng cho các bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ thì một phần không nhỏ chính là tình yêu của các bà mẹ có con tự kỷ đã truyền sang tôi.
Chị Mai Anh là một phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, chị ấy đã hi sinh cả thanh xuân, cũng như công việc để ở bên cạnh con trai của mình. Con bị khuyết phần nào chị sẽ bù cho con phần đó. Từ những hoàn cảnh như vậy sự trắc ẩn trong tôi bùng dậy khiến tôi cũng muốn giúp đỡ một phần nào đó cho các bé. Và lớp học bắt đầu ra đời từ khoảng năm 2019 và hoạt động cho tới giờ.
- Quá trình dạy học cho các bạn trẻ mắc chứng tự kỷ Lương Giang và các thầy cô có gặp phải nhiều khó khăn không?
Có rất nhiều khó khăn khi làm việc với các bạn nhỏ tự kỷ, trong đó là khả năng kiểm soát ý thức và cảm xúc thường kém hơn các bạn nhỏ khác. Thế nên trong các buổi học chúng tôi luôn nhờ các bậc phụ huynh hỗ trợ, cùng đồng hành với các thầy cô.
Ban đầu chúng tôi phải làm quen với các bạn ấy, học hỏi ngôn ngữ của các bạn, quan sát hành động, hiệu lệnh từ các em... để hiểu hơn và thuận tiện hơn cho việc trao đổi.
Tuy nhiên dù chuẩn bị tâm lý, kiến thức về trẻ tự kỷ nhưng vẫn có những trường hợp không tránh được. Ví dụ như có những lúc bị các bạn phản ứng mạnh, giơ tay gạt mạnh là các thầy cô giáo ngã liểng xiểng vì có bạn thể chất tốt, dù tuổi nhỏ nhưng ngoại hình lớn. Hay có những trường hợp ăn vạ rồi nằm giãy ra khóc hoặc đôi khi cầm bút vẽ xong thì bẻ luôn...
Lúc đầu, một số thầy cô cũng hoang mang và có chút e ngại, nhưng tôi cảm thấy mình may mắn khi có các bạn giáo viên đồng hành từ khi mở lớp đến giờ như Thơm, bạn Hải Anh... Dù khó khăn, vất vả nhưng các bạn ấy chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Mọi người đều có chuyên môn vững, kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt rất yêu trẻ nhỏ.
Các cô tìm ra được sở thích của các bạn nhỏ để động viên cố gắng. Ví dụ như có bạn thích kẹo thì sẽ thưởng kẹo, có bạn thích vào máy tính để xem một số hình nhấp nháy trong 5 phút thì cũng sẽ được thưởng nếu học tốt.
Lúc đầu, chúng tôi đều phải cầm tay chỉ bảo từng bạn nhưng khi đã gần gũi nhau hơn thì việc dạy cũng dễ hơn. Phần lớn là sau từ ba đến năm tháng là các học viên nhí đặc biệt này đã quen và chủ động hơn với việc học. Những bạn theo học lâu bây giờ cứ đến lớp là vào chỗ ngồi để học nâng cao kĩ thuật thôi. Còn các bạn lứa mới vào thì thầy cô lại tập trung nhiều hơn nhưng đã có sẵn kinh nghiệm nên không còn vất vả như hồi đầu mới mở lớp nữa.
Những ngày đầu tiên mở lớp, tôi bám sát lớp học từng chút một và nhận ra rằng, các bạn học viên đặc biệt này thật đáng yêu và rất ngoan. Có nhiều bạn giống như những họa sĩ thực thụ với khả năng hội họa rất đặc biệt chứ không phải là đứa trẻ khác biệt nữa. Các bạn thường hay có một khả năng nào đó rất nổi trội ví dụ như có bạn tính toán rất nhanh, có bạn nhắm mắt cũng vẽ được y xì cái hình vừa nhìn thấy.
- Ngoài những khó khăn từ các bạn nhỏ thì mọi việc đều suôn sẻ đúng không?
Cũng có một vài khó khăn ở phía giáo viên. Một số thầy cô không nhận bởi họ thấy việc dạy các bé tự kỷ sẽ gặp nhiều khó khan, đòi hỏi phải có thời gian, tình yêu, sự bao dung. Có thời điểm chỉ có tôi và hai cô giáo cùng dạy các bé. Còn hiện tại thì có thêm một số thầy cô nữa.
Nhưng để lớp học hiệu quả nhất có thể, chúng tôi cũng có những phương án khác, đó là tuyển chọn thêm các bạn cộng tác viên. Các bạn đều là sinh viên ngành mỹ thuật và đều có tấm lòng nhân ái, sự nhiệt tình để đồng hành cùng.
Muốn sau này sẽ có Câu lạc bộ họa sĩ tự kỷ
- Việc tiếp nhận trẻ tự kỷ vào lớp học thiện nguyện của Lương Giang sẽ diễn ra như thế nào?
Hiện tại, chúng tôi sẽ có buổi kiểm tra năng khiếu với những bạn muốn theo học để nắm bắt xem khả năng của các con đến đâu. Điều này cũng khá quan trọng bởi vì có những bạn không thích vẽ mà lại thiên về một bộ môn nghệ thuật nào đó khác.
Thế nên có những bạn mắc tự kỷ nặng nhưng chúng tôi vẫn nhận vì phát hiện con có năng khiếu hoặc có sự yêu thích dù chưa biết vẽ là gì. Nhưng có những bạn bị nhẹ, giao tiếp được hoặc thậm chí vẫn sinh hoạt học tập ở trường lớp bình thường nhưng chúng tôi vẫn phải trao đổi lại với phụ huynh vì con không thích. Tuy nhiên nếu họ vẫn muốn theo học chúng tôi vẫn tiếp nhận.
- Lớp học của chị các học viên đặc biệt này sẽ học theo khóa học hay kéo dài mãi?
Chúng tôi đang nhận học không có thời hạn. Với môn này, không thể học ngày một ngày hai được, phải được rèn luyện lâu dài. Tôi cũng không muốn chỉ dừng lại ở việc dạy mà còn muốn sau này có thể tạo nghề cho các con. Chính vì vậy mà tôi thường tổ chức các buổi triển lãm tranh cho các con để các con hứng khởi chăm chỉ hơn, sáng tạo hơn.
Mỗi lần tổ chức triển lãm có thể các con sẽ được các nhà hảo tâm mua tranh ủng hộ. Mặc dù chỉ bán được vài triệu thôi nhưng đó cũng là động lực khiến các con và gia đình các con rất vui. Thậm chí còn liên hoan nhiều hơn cả số tiền bán được tranh ấy.
- Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về mục đích tạo nghề cho các bé tự kỷ được không?
Ngay từ khi mở dự án, tôi đã định hướng rồi. Tôi không muốn lớp học này chỉ là lớp nuôi dưỡng đam mê, giúp các con hòa nhập mà là lớp hướng nghiệp cho các con có thể thành họa sĩ chứ không phải học xong rồi để đó. Các con sẽ có ánh sáng của riêng mình chứ không phải phụ thuộc vào gia đình mãi mãi.
Thú thật, có rất nhiều đơn vị muốn đồng hành cùng chúng tôi theo kiểu góp vốn cùng hoặc muốn tài trợ để quảng cáo nhưng tôi luôn từ chối. Chi phí lớp học này tôi kham được nên không cần tài trợ thêm và càng không muốn trục lợi bằng công việc từ thiện. Để mở ra lớp học thì dễ nhưng để có thể hoạt động được lâu dài thì rất khó. Nó đòi hỏi phải có tình cảm thật, phải có tâm, có tình yêu, có sự kiên nhẫn và sự nhẹ nhàng với các em nhỏ.
Chính vì thế mà đến hiện tại sau hơn 4 năm tôi vẫn chỉ duy trì được lớp học ở Hà Nội chứ chưa thể mở thêm được. Tuy nhiên sau này, tôi vẫn muốn có thể có một lớp học như vậy ở TP.HCM nhưng vẫn cần phải có thời gian vì cần giáo viên có tâm, đồng cảm với học sinh và phụ huynh cũng sẵn sàng phối hợp.
Còn nói về tương lai xa, tôi muốn sau này sẽ có Câu lạc bộ họa sĩ tự kỷ. Câu lạc bộ đó có thể không phải do tôi điều hành hoặc tôi vẫn là người tham gia vào một phần việc nào đó để tránh việc xảy ra tình huống có bên muốn tiếp cận vào kiếm tiền. Câu lạc bộ chỉ là nơi tạo điều kiện cho các em mắc chứng tự kỷ lan tỏa năng khiếu hội họa của mình và bán các tác phẩm.
Còn về sau, các bậc phụ huynh sẽ trực tiếp đồng hành cùng các con, sẽ trực tiếp ký các công việc với nhà hảo tâm, đối tác. Nhưng đấy vẫn là câu chuyện của tương lai có thể là ba năm, năm năm hoặc bảy năm nữa.
Hiện tại, việc ở phòng tranh của tôi cũng đủ với các bạn rồi. Các bạn vừa học vừa làm thêm chứ chưa thể trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Khi mở các cuộc triển lãm, chúng tôi mong muốn để các nhà hảo tâm quan tâm và mua tác phẩm. Đấy là cơ hội để các bạn có thể kiếm tiền bằng công sức, sự sáng tạo của mình qua triển lãm.
Một số tác phẩm hội họa của các học viên tự kỷ tại các triển lãm.
- Đã có những bạn gắn bó với lớp học hơn 4 năm vậy cần yếu tố gì để có thể trở thành họa sĩ?
Một người bình thường như chúng tôi để trở thành họa sĩ phải mất 5 năm học ở trường. Nhưng ra trường vẫn chưa được gọi là họa sĩ đâu mà là tập sự họa sĩ. Sau đó vẫn đòi hỏi phải vẽ và có tác phẩm riêng để hành nghề. Thế nên đối với các bạn nhỏ tự kỷ thì thời gian có lẽ sẽ phải gấp nhiều lần hơn.
Tuy nhiên tôi vẫn thấy có những bạn có năng khiếu vượt trội như bạn Trung Hiếu chẳng hạn. Để có thể làm họa sĩ với những bạn như Hiếu chắc tầm 7 năm đến 10 năm. Thông thường các bạn học ở trung tâm là từ 5 đến 7 tuổi thì đến năm các con 17, 18 tuổi là đã cứng cáp rồi và có thể nhận đặt hàng thoải mái. Thậm chí có những bạn có thể trở thành họa sĩ hạt giống của trung tâm tôi và trở thành thầy giáo để dậy những học sinh tự kỷ khác.
- Đến hiện tại, Lương Giang đã nhận được những phản hồi như thế nào từ các bậc phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ cho dự án của mình?
Có rất nhiều phụ huynh đã gửi thư cho chúng tôi để kể về hành trình chữa bệnh cho các con và cơ duyên đến với lớp học từ thiện này. Đặc biệt sự thay đổi của các con khi tiếp cận với bộ môn hội họa.
Suốt nhiều năm qua, có phụ huynh ở tận Ba Vì nhưng thứ 6 nào cũng chở con xuống học. Và chính con cũng luôn mong ngóng đến ngày được đi học. Rất nhiều phụ huynh và các bạn nhỏ đã coi lớp học như ngôi nhà thứ hai.
Tôi vẫn nhớ hồi đầu gặp, cảm giác chạm được vào các bạn nhỏ rất khó. Càng cố bắt chuyện thì các bạn lại quay mặt đi cảm giác như hai thế giới khác biệt. Hay có những bạn khi mới tham gia lớp còn chưa biết chào nhưng bây giờ thì đã vui vẻ chào cô rồi. Với những bạn khó khăn về ngôn ngữ thì giờ mình cũng đã hiểu được những ký hiệu khi các bạn vui hoặc buồn.
Các bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ thường có thế giới riêng của mình nhưng nếu như mình cứ từ từ gần gũi thì đến một ngày nào đó mình cũng sẽ chạm và bước vào song hành cùng các bạn được. Lúc đó sẽ thấy mọi việc trở nên dễ dàng hơn và thấy các con không còn sự khác biệt gì so với những đứa trẻ khác.
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"